April 26, 2024, 7:16 pm

Cách nhau chỉ một khoảng trời

Mấy tháng ròng tự nhốt mình trong nhàphòng giặc cô vít, khiến cuồng chân, cuồng tay, đầu óc mụ mị như gã mắc bệnh tâm thần, rồi bất ngờ được mời tham gia trại sáng tác do Hội Nhà văn tổ chức tại tỉnh Phú Yên. Bất ngờ là phải, đang trong tâm bão “chết chóc” đại dịch ở thành phố Hồ Chí Minh mới tạm lắng xuống, thành phố lớn nhất cả nước hơn mười triệu dân khiến lòng người hoang mang lẫn có phần sợ hãi. Bất ngờ còn vì nàng cô vít mới mang cái tên mỹ miều Dalta, từng càn quét kinh hoàng tại Ấn Độ có dân số trên một tỷ dân, cảnh người chết không kịp chôn vì nghèo đói phải thả trôi sông như cỏ rác, cảnh thiêu xác ngày đêm lập lòe ánh lửa như địa ngục, cho ta cảm giác nhân loại đang đến ngày tận thế.

Để đối phó với con cô vít, Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chỉ thị 15 rồi 16, phong tỏa, giãn cách, kêu gọi người dân “ai ở đâu ở đó” dù trời vẫn rộng, mây vẫn bay, gió vẫn thổi, nắng mưa cứ thay nhau sáng tối nhưng chẳng mấy an lòng. Bản tin hàng ngày trên VTV1 con số nhiễm cô vít ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn cao, con số tử vong vẫn lớn, tang tóc như đám mây đen bao phủ. Những ngày tiếp theo như chiếc hàn thử biểu, sụt sùi lên xuống bỗng lại vọt cao đỏ chót. Tôi đã thường xuyên nguyện cầu mong cho những người bạn, người thân luôn khỏe mạnh đi qua đại dịch, vậy mà vẫn luôn nhận đến nhiều tin sốc. Chỉ tính riêng trong làng văn thành phố Hồ Chí Minh nhà văn Trần Hữu Lục, nhà văn Lê Thành Chơn, nhà văn Nguyễn Quốc Trung, nhà văn Triệu Xuân… họ là những người đã thành danh, có nhiều đóng góp cho nền văn học Việt Nam nói chung, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, sống nghĩa tình, sôi nổi, hào hoa một thời, nhưng khi mất cô đơn không một lời ai điếu, không một người thân bên cạnh, chỉ giữ lại một bình tro cốt. Năm tháng cách ly dài như thế, chịu đựng những nỗi đau nỗi buồn như thế, đủ biết lòng người khao khát tự do như thế nào? Để rồi ước mơ được như cánh chim bay lên bầu trời giữa ban mai đầy nắng gió. Rồi ngày đó cũng tới thật, cuối tháng mười khi thành phố Hồ Chí Minh những ca mắc mới liên tục giảm, chiến lược đối phó với con cô vít thay đổi, mà không thay đổi là chết, chết cả chùm đâu đùa được, phải mở, phải tư duy lại để còn sống, bỏ đi rào chắn, chốt chặn, dây chằng, nhà hàng, cửa tiệm bắt đầu nới lỏng, chợ truyền thống dần cho hoạt động trở lại, chỉ phong tỏa từng phần, chấp nhận chọn cách “sống chung với lũ”. 

                   *

Có thể một ai đó khi nghe tin, đoàn nhà văn thành phố Hồ Chí Minh ra mở trại viết tại tỉnh Phú Yên là trò “điên khùng”. Mới nghe cũng có lý, trong buổi tọa đàm “các nhà văn viết gì trong đại dịch cô vít 19”, đã tạo ra những cảm xúc thực sự, nghiêm túc, trăn trở, trách nhiệm của người cầm bút với thời đại, nhưng cũng không ít nỗi niềm băn khoăn?! Băn khoăn trước nỗi đau, số phận con người mỏng manh và tuyệt vọng, mà muốn viết gì đó như sự trả nợ, nghĩ thế mới thấy không điên khùng chút nào. Thật tiếc có nhiều nhà văn, nhà thơ, ban đầu có trong danh sách hăm hở lắm, vui thích lắm, nhưng cuối cùng đã rút vì nhiều lý do riêng?! Tôi đánh giá cao các nhà văn, nhà báo, đang có mặt ở Công ty Sao Việt Phú Yên, họ dám thoát ra từ rốn dịch. Tôi khâm phục họ như những người lính, những người lính văn trên mặt trận chống cô vít, và có thể dùng hai từ dũng cảm! Nhìn các nhà văn rất vui, hăm hở như thế giới này không có đại dịch, thành phố Hồ Chí Minh, Phú Yên không có đại dịch. Trong đoàn có ba nhà văn, nhà thơ, trên dưới tám mươi tuổi, độ tuổi nên tránh đi xa chỉ cần một cơn trái gió là có chuyện, huống chi con cô vít vô cùng nguy hiểm. Nhưng nếu không đi làm sao tôi biết được điều này, biết được Phú Yên đến giờ này là một tỉnh chống cô vít hiệu quả. Tôi đã nhìn thấy sự bình yên của người dân Phú Yên, khi được chủ nhà cho đi thăm một số nơi trong tỉnh, rõ ràng cuộc chống dịch tốt đã nói lên điều đó! Nổi bật nhất là cuộc đưa đón 18 ngàn đồng bào người Phú Yên làm ăn, sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm về quê tránh dịch, để lịch sử Phú Yên sau này có thêm một điểm son tuyệt đẹp. Dự lễ khai mạc trại có ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trần Hữu Thế, theo lời ông cuối tháng 7 khi thành phố Hồ Chí Minh tình hình dịch có giảm, nên thực hiện nới lỏng giản cách. Thông tin đó nhanh chóng tác động tới người dân lao động ở nhiều địa phương đang trú tạm ùn ùn kéo nhau về quê, trong đó có người dân tỉnh Phú Yên. Bản chất của cuộc rút chạy đó được lý giải một cách tự nhiên dân sợ dịch một phần, nhưng cái chính là nguồn kinh tế tích lũy lâu nay đã cạn kiệt do những tháng ngày giản cách, người lao động không có việc làm đồng nghĩa với không có lương. Nếu ở lại nguy cơ kép, chỉ còn một cơ hội về với quê hương rồi tính sau. Vẫn theo lời người đứng đầu tỉnh Phú Yên, lãnh đạo tỉnh nhận ra mình phải làm gì? Rồi không chậm trễ, tỉnh lập ngay Ban chỉ đạo bằng mọi giá giúp dân về quê do ông Võ Văn Binh, giám đốc Sở lao động thương binh xã hội làm trưởng ban; ông Trình Quang Phú, giáo sư, tiến sĩ, Viện trưởng viện nghiêncứu phát triển Phương Đông, Nhà văn, Chủ tịch Hội đồng hương tỉnh Phú Yên tại thành phố Hồ Chí Minh đồng làm phó ban. Cuộc “di dân” người lao động Phú Yên ra khỏi “điểm nóng” đại dịch ở thành phố Hồ Chí Minh, được các phương tiện thông tin đại chúng cả nước xem như một hình mẫu thành công trong công tác tổ chức, vừa thiết thực, vừa mang tính nhân văn sâu sắc. Không một chút quá lời khi nói vậy, bởi những ngày đó trên khắp các con đường lớn từ thành phố Hồ Chí Minh tỏa về cả nước, cảnh hàng ngàn người dân rút chạy mang tính tự phát, chính sự tự phát đó gây nên nhiều cảnh tượng hỗn loạn mà các “anh hùng bàn phím” giàu trí tưởng tượng ví loài người đang trở về thời kỳ đồ đá. Cuộc di dân không có tiền lệ cũng đẩy nhiều địa phương vào cảnh lúng túng, cấm dân đi lại sợ vi phạm chỉ thị 16, vậy để an lành chấp hành nghiêm với trên có nơi ra lệnh cấm! Nhưng làm thế sao được, tình người đâu, nghĩa đồng bào đâu? Phú Yên không làm vậy, phải giúp dân! Giúp dân còn là gián tiếp giúp thành phố Hồ Chí Minh chia lửa hạ nhiệt. Thành công của cuộc di dân tỉnh Phú Yên khách quan mà nói, có vai trò Phó ban chỉ đạo ông Trình Quang Phú là không nhỏ, ông chính là nhân chứng thuyết phục cho tôi cảm xúc viết bài ký này. Thật khó lý giải theo một logic bình thường người như Trình Quang Phú với học hàm, học vị cao lại thiên về lĩnh vực nghiên cứu, nhưng trước cảnh nhân tình thê thái, khổ đau của con người trái tim ông rung động. Phải chăng ngoài tri thức một nhà khoa học, còn có cảm xúc tâm hồn của nhà văn?

Tổng kết cuộc di dân của tỉnh Phú Yên về cố hương từ ngày 28/7, dự kiến ban đầu chỉ 5 đến 6 ngàn người, và quyết tâm sẽ không để xảy ra sai sót nhất là an toàn tuyệt đối cho dân. Muốn làm được thế, tỉnh xác định đầu cầu thành phố Hồ Chí Minh là quan trọng nhất, rồi giao cho Hội đồng hương tại thành phố đứng ra làm tổng chỉ huy người trực tiếp là nhà văn, giáo sư, tiến sĩ Trình Quang Phú. Việc đầu tiên, ông cho mở ngay hộp thư điện tử thông báo cho người dân ai có nhu cầu đăng ký, nhưng mới mấy ngày đầu số lượng gọi về tăng chóng mặt, điện thoại màn hình liên tục lóe sáng, chuông đổ long bong liên hồi, trung bình mỗi nhân viên trong ngày tiếp nhận từ 500 đến 600 cuộc, nghe ù cả tai, mờ cả mắt, có lúc muốn dừng nghỉ ngơi một chút, nhưng khi nghe những lời khẩn thiết: “xin cho tôi về quê có chết cũng được”, giọng một người đàn ông bên kia máy khàn khàn hình như muốn khóc. Đó như những lời thỉnh cầu, lời thỉnh cầu của lòng người giúp cho động lực của gần 30 con người tình nguyện viên Hội đồng hương tỉnh Phú Yên, tại thành phố Hồ Chí Minh ngày đêm bất chấp dịch bệnh, bất chấp mệt mỏi. Số lượng năm ngày đầu lên đến 12 ngàn người đăng ký, những ngày sau đó vọt lên 18 ngàn gấp ba lần so với dự kiến đầu tiên. Áp lực về số lượng đã là cực lớn, áp lực về thủ tục còn căng thẳng hơn nhiều. Để 18 ngàn người được về quê an toàn mà không một ai ở lại phía sau. Hội tổ chức chia làm ba nhóm, nhóm một bảo đảm thông tin, hướng dẫn, chuyến đi, xe nào, giờ nào, địa điểm, ai cũng phải có khẩu trang, giấy xét nghiệm âm tính. Nhóm hai, lo về hậu cần phát cho mỗi người một suất ăn tối, giấy khai báo y tế, khai báo nhân thân người Phú Yên, để nhanh riêng khoản này Hội phải in sẵn, ký tới 45 ngàn chiếc. Nhóm ba, túc trực điều phối tại bến xe miền Đông, kiểm ta thủ tục lần cuối cho mỗi đợt 500 người mà không bị rối, bị sót. Bà Huỳnh Thị Kim Hương, phu nhân ông Trình Quang Phú, thạc sĩ, tổng thư ký Hội, giám đốc công ty Sao Việt – Resort Sao Mai dù tuổi cao, nhưng những ngày đó người ta vẫn thấy bà luôn có mặt, và khi nhìn những chiếc xe lăn bánh đưa bàn tay vẫy chào mà mừng nước mắt hạnh phúc rưng rưng. Trong cuộc di dân này không thể không nói tới sự hổ trợ chí tình chí nghĩa của Công ty xe khách Phương Trang, nhờ thế 18 ngàn người dân lao động Phú Yên về quê tron vẹn, doanh nghiệp phải huy động tới 30 đợt xe, tính ra đến 800 chuyến, xe có tải trọng 45 chỗ ngồi, nhưng do giãn cách chở rút xuống còn 25. Cuộc di chuyển dự kiến 63 ngày kết thúc, nhưng phải kéo dài 70 ngày mới xong, nguyên nhân phải đón thêm người từ Bình Dương, Vũng Tàu khi nghe tin tỉnh có chủ trương đón bà con về lại quê nhà cũng yêu cầu giúp đỡ. Cảnh đón đưa còn thêm một nét đẹp có xe cảnh sát dẫn đường, khi qua chỗ đông người, phố thị, ngã ba, ngã tư bật còi rú vang xin được ưu tiên vượt trước, tình nghĩa đồng bào càng thêm ấm áp.

Khi ngồi trong chiếc Airbus của hãng Bom Bo tài trợ trại viết, từ Phú Yên trở về thành phố thời gian 45 phút đáp xuống sân bay Tân Sân Nhất, tâm trạng bâng khuâng nhìn qua cửa sổ rần rạt mây trôi mà chợt nghĩ thành phố “phù hoa” Hồ Chí Minh, GDP mỗi năm nộp vào ngân sách Trung ương chiếm tỉ trọng 20% cả nước, so với tỉnh nghèo như Phú Yên quả là một trời một vực. Chính sự hấp dẫn đó mà từ lâu là niềm khát khao của hàng triệu người dân lao động tứ phương, trong đó có người Phú Yên, họ đổ về đây tìm việc làm để mong đổi đời, nhưng đại dịch cô vít làm thay đổi tất cả. Thế nhưng, tôi tin rằng cuộc “di dân” vừa qua không có nghĩa cơ hội đã chấm dứt. Giống như thế giới từng chứng kiến, trải qua 5 lần đại dịch, nạn dịch hạch năm 541 sau công nguyên được mô tả “không còn ai để chết” bắt đầu đến từ Ai Cập, sau lan ra nhiều châu lục làm tử vong 1/2 dân số thế giới. Đại dịch “cái chết đen” 800 năm sau vẫn căn bệnh dịch hạch Ai Cập quay trở lại vào năm 1347, làm chết 200 triệu người. Đại dịch hạch London xảy ra từ năm 1348 đến năm 1665, với 40 đợt bùng phát trong vòng 300 năm, nước Anh bị nặng nề nhất làm tử vong 20% dân số London. Bệnh đậu mùa xảy ra ở châu Âu, châu Á và Arab, tính ra 10 người nhiễm, có 3 người chết. Cuối cùng là Đại dịch tả xảy ravào đầu cho tới giữa thế kỷ 19, làm chết hàng chục ngàn người. Thật may, ngày nay những căn bệnh đó con người đã tìm ra được vaccine và khống chế thành công, có đại dịch như bệnh đậu mùa được WHO tuyên bố hoàn toàn bị xóa sổ trên trái đất. Nói vậy để ta vững lòng tin về tương lai, tin về trí tuệ khoa học. Đại dịch cô vít 19 nhanh hay chậm rồi cũng qua đi, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Phú Yên cách nhau chỉ một khoảng trời không bao giờ là xa cả.

Resort Sao Việt 12/11/2021

Nguồn Văn nghệ số 49/2021


Có thể bạn quan tâm