April 26, 2024, 10:28 pm

Bức tường vô hình

1.     

Ông Hậu không cố dỗ giấc. Chiếc đồng hồ treo tường vẫn đều đều gõ nhịp. Dưới ánh đèn ngủ, âm thanh thời gian cũng đang gõ vào ký ức ông.

Mọi thứ vẫn đang chuyển dịch. Nhiều thứ chuyển dịch còn nhanh hơn sự chuyển dịch của chiếc kim giây trên mặt đồng hồ. Và, cũng có những thứ, chuyển dịch mà trụ lại. Bướng bỉnh trụ lại. Chúng như chiếc đồng hồ cổ được treo cố định trên khoảng tường kia, dù những chiếc kim thời gian vẫn riết róng xoay quanh nó.

Minh họa của NGÔ XUÂN KHÔI

Lúc từ sân bay về ngôi nhà này, Ngọc, cô con gái út cho cha biết, ông có thể chọn cho mình một trong hai phòng ngủ: Ở tầng một, cửa sổ mở ra khoảng trống giữa hai bức tường có treo lủng lẳng những giỏ hoa. Còn từ chỗ cửa sổ phòng ngủ tầng ba, ông có thể ngước lên nhìn trời cao hay cúi xuống nhìn mặt đường xuôi ngược người xe và, nếu leo thêm mấy nấc thang bộ, ông có thể vươn vai thể dục trong khoảng xanh hoa lá được trồng trên sân thượng. Ông Hậu chọn nơi có thể vươn vai hít thở và nhìn thấy mặt đất lẫn bầu trời.

Ở tầng ba rồi lên xuống từ sân thượng, ông Hậu có cơ hội ước lượng sức khỏe của mình. Chỉ số nhịp tim, huyết áp vẫn duy trì ở mức khó có thể tốt hơn đối với một người đã sắp bước sang tuổi 78. Thói quen đi bộ mỗi ngày, ngay cả những sáng mùa đông Houston xuống còn năm bảy độ, việc leo lên tầng ba bằng thang bộ vài lần trong ngày, ông Hậu không thấy khó khăn. Suốt tuần đầu, người thân họ hàng đến thăm, ông chủ động xuống phòng khách ở tầng trệt, tiếp họ. Có ngày ông lên xuống nhiều lần với chút phấn khích là tim óc, gân cốt chưa đến nỗi nào.

Tuy nhiên, sau mấy ngày, sau khi ông Hậu cùng con gái, con rể và hai đứa cháu về làng Hạc, nơi cắt rốn chôn nhau, nơi cưu mang xương cốt cha mẹ, ông có cảm giác, nơi đó đã lấy ở ông một phần sinh lực. 

Tám năm trước, lần thứ ba ông Hậu trở về quê sau 17 năm định cư ở nước ngoài, đường xá, nhà cửa chưa thay đổi nhiều, dù làng Hạc được quy hoạch thành thị trấn. Từ đầu làng về đến nhà, ô tô chầm chậm đi qua những hình ảnh thân quen: Con đường nằm giữa những mảnh vườn trồng cây ăn trái nối tiếp nhau, những vạt lúa trổ bông vờn theo gió, cây đa trăm tuổi tỏa bóng xuống sân chùa, nơi có tượng Phật bà Quan Âm tọa thiền, tay trái nâng bình thanh tịnh, tay phải cầm cành dương liễu rưới nước cam lồ… Ông đi qua ngôi trường mái ngói phủ rêu xanh, nơi cha ông từng làm ông giáo được cả vùng kính trọng, cũng ngôi trường ấy, ông, rồi lần lượt các em ông theo học. Tiệm chạp phô gần trường vẫn còn mở cửa, đang có khách ra, vào. Chiếc cầu xi măng nối hai bờ con suối cạn. Dọc theo đường làng, mái nhà ngói lẫn với mái tôn, mái lá… tất cả vẫn còn. Không vẹn nguyên cũng còn dấu vết, còn ký ức. Duy chỉ có một sự thật mà thật lâu sau đó ông Hậu vẫn khó có thể chấp nhận: Mẹ ông, bà giáo Thuấn, không còn líu quíu đôi chân chạy ra từ gian bếp ấm củi lửa, ôm chầm lấy thằng con, rồi kéo đầu nó xuống, vò vò mái tóc bạc gần hết, lầu bầu âu yếm “Đi gì mà đi dữ vậy, con?”. Qua lớp kính, mẹ ông như nằm ngủ trong chiếc áo quan. Khóe miệng bà mơ hồ nụ cười. Có lẽ bà biết, nơi chín suối, chồng đang đợi.

Cha ông, ông giáo Thuấn ra đi sau một cơn đau tim lúc đang cắm cúi tuốt lá cho cây mai thuộc loại “chẳng tàn chẳng cỗi hay phong quang” trước sân, chuẩn bị đón Tết. Ông giáo ra đi khi trong tay còn nắm những chiếc lá vừa rứt khỏi cành.

Bà giáo bất ngờ như bị đốn ngã. Phải nhiều tháng sau, bà mới gượng dậy. Rồi chật vật chống đỡ khoảng trống mênh mông mà chồng để lại, dù Tết năm đó, cây mai trước sân vẫn vàng rực rỡ. 

Hình ảnh lần cuối ông Hậu nhìn thấy mẹ với nụ cười mơ hồ qua lớp kính chiếc áo quan, như mới đó mà đã tám năm.

Tám năm, khoảng thời gian đủ để biến nhiều thứ khác đi. Có thứ vĩnh viễn không còn trụ lại trên mảnh đất mà ông Hậu được sinh ra và lớn lên. Ngôi nhà, nơi lần cuối ông nhìn thấy mẹ như mỉm cười, đã không còn. Gốc mai bị bứng bỏ. Cây ăn trái bị chặt. Ao cá bị lấp. Lối đi biến mất. Mặt đất được san phẳng, phân từng lô dành cho những cửa hiệu, hàng quán quay mặt ra mặt đường.  

Hai tuần trước, sau buổi đoàn viên ồn ào, ông Hậu thuyết phục con gái, con rể cho mình được ở lại ngôi nhà người em trai đứng tên sở hữu, không theo chúng đến khu resort ven biển, như dự tính.

2. 

Nhà người em trai, thực ra là ngôi nhà lầu, hai tầng rưỡi được xây sau khi ngôi nhà ngói ba gian của cha mẹ đã bị phá bỏ, ngôi nhà từng nằm trên mảnh đất có mặt tiền một trăm năm mươi mét giáp với con đường tráng nhựa được mở rộng thị trấn. Thị trấn này cũng đã được quy hoạch lên thành phố.

Kinh tế đổ dồn ra mặt đường. Giao thương thuận lợi nhờ nằm trên các trục giao thông chính yếu, làng Hạc trở thành một thị trấn sầm uất.

Ngôi nhà lầu mặt phố nằm giữa những lô đất mà em trai ông Hậu đã phân chia cho bốn người con và đường ranh giữa những lô đất là hàng rào cao tới ngực làm bằng những thanh sắt sắc nhọn như mũi tên. Ngôi nhà kiên cố được xây bằng một phần tiền mà ông và các con ông tích cóp gởi về, bởi nơi này có gian thờ phụng cha mẹ, ông bà.

Ngôi nhà trông như cái lô cốt bị kẹp giữa những hàng quán.

Dãy hàng quán, cái thì thông thoáng cho quán ăn, quán cà phê; cái thì bịt bùng cho quán karaoke, tiệm cắt tóc kiêm mát xa; cái lấp loáng cửa kính cho cửa hiệu thuốc tây, cửa hiệu cầm đồ. Gian nhà nào, dù đông hay thưa khách, âm lượng những bài hát phát ra từ loa âm ly vẫn không thay đổi.

Dù không chú tâm nghe, ông Hậu vẫn không khỏi ngạc nhiên trước những giọng bolero quen thuộc, những tưởng chỉ ngân nga ray rứt nơi đất khách quê người.

Nhũn nhặn chịu đựng thứ tạp âm hỗn độn từ mảnh đất đầy ắp kỷ niệm và rợp bóng cây, đã thành dãy phố nhộn nhạo bán mua, nhiều lúc ông Hậu như bị bứt ra khỏi ký ức mà ông muốn quay về.

Thứ âm thanh ồn ĩ không đầu không cuối ấy như đẩy ông Hậu thêm xa cách đối với người em trai, ngay cả khi hai anh em cùng ngồi bên tách trà hay bên ly rượu.

3.

Lần thứ hai, ông Hậu mang rượu, ít trái cây đặt lên bàn thờ, thắp hương. Ông đứng tần ngần trước di ảnh cha mẹ, rồi nhìn chăm chú chiếc đồng hồ lên dây cót quen thuộc được đặt bên trái di ảnh. Chiếc đồ còn nguyên với những chiếc kim bất động.

Ông Hậu đoán, chiếc đồng hồ ấy chỉ “chết” sau khi mẹ ông mất. Ông còn nhớ, trước lúc ra xe để trở lại Houston, ông cận thận lên dây cót, siết chặt đến cái khấc cuối cùng. Suốt những năm tháng đằng đẵng, tâm trí ông vẫn nghe thấy tiếng thời gian gõ đều đều từ ngôi nhà mà ông gắn bó một phần đời.

Âm thanh quen thuộc đó thường làm cho ông Hậu có cảm giác mình không vắng mặt, vẫn như hiện diện nơi chôn nhau cắt rốn, dù ông đang cách xa hơn nửa vòng trái đất.

Ông Hậu bước tới, nhấc chiếc đồng hồ lên rồi lật mặt sau, săm soi. Nhẹ nhàng, ông đặt hai ngón tay vào cái chốt đồng, xoay vặn theo chiều ngược lại.

Xoay vặn nhiều vòng, ông Hậu không cảm thấy vướng một cái “khấc” nào. Lỏng lẻo. Trơn tuột. Dây cót rão đi hoặc đã đứt. Ông đặt chiếc đồng hồ vào chỗ cũ. Mắt ông lại bắt gặp ánh mắt mẹ cha từ di ảnh.

Ánh mắt ấy lúc nào cũng níu giữ. Ánh mắt mẹ cha như đang muốn nói với ông những điều chưa kịp nói. Ông lựng bựng nấn ná cho tới khi những chiếc kim đồng hồ như sống lại. Chúng chuyển dịch. Lúc nhanh. Lúc chậm. Và, bất ngờ, trở chứng. Chúng quay ngược thời gian. 

Ông gặp lại chính ông, chàng trai trẻ sáng dạ nhất làng. Chàng trai ấy được cha mẹ bao bọc, chăm chút cho ăn, cho học đến nơi đến chốn. Chiếc đồng hồ già nua bất động kia, ngày ấy bảnh bao và háo hức như chú gà trống sáng nào cũng vươn cổ, đập cánh, gáy vang.

Sáng nào cha ông cũng vặn lại dây cót. Ngày nào chàng trai cũng nhìn vào sự chuyển dịch của những cây kim trên mặt đồng hồ mà gắng sức và chạy đua với nó. Những kỳ thi gắt gao. Những thử thách tiếp nối. Những cuộc vượt dốc bằng ý chí, bằng nghị lực và cả bằng kỳ vọng của cha mẹ. Chàng trai đã làm cha mẹ, anh em, xóm làng mở mày mở mặt.

Theo nghề dạy học của cha, thầy giáo trẻ sớm thăng tiến bằng năng lực của mình. Chưa tròn 30 tuổi, từ một hiệu trưởng ngôi trường cấp 3 nổi tiếng, thầy Hậu được bổ nhiệm làm Phó ty, rồi hai năm sau, thầy Hậu trở thành người đứng đầu ngành giáo dục của một vùng đất mà chữ nghĩa được coi trọng. Lương một trưởng ty giáo dục giúp cha mẹ tu sửa mái nhà ba gian, rồi còn mua được nhà riêng cho gia đình mình ở thành phố tỉnh lỵ và chu cấp cho vợ con một cuộc sống đường hoàng, cho tới trước ngày 30 tháng tư năm 1975. 

Là một công chức có chức vụ trong bộ máy chế độ Việt Nam Cộng hòa, sau ngày 30 tháng tư, ngôi nhà của vị trưởng ty giáo dục bị nhà nước tịch thu, còn ông Hậu vào trại học tập cải tạo.

Ba tháng đầu sau khi ông Hậu làm trại viên của cái trại cải tạo với đủ thành phần, vợ ông đến thăm. Vợ ông xuống sắc thấy rõ. Đôi mắt vốn to lại càng thêm to và sâu thăm thẳm. Khi nắm lấy đôi bàn tay mềm nõn của vợ trước khi chia tay, ông Hậu có linh cảm đó là lần cuối cùng ông được chạm vào người đàn bà đầu ấp tay gối và có với nhau bốn mặt con. 

Lần thứ hai, khi được báo có người nhà đến thăm, trái tim ông Hậu như nhảy khỏi lồng ngực, người vã mồ hôi. Ông phải ngồi thở dốc trên lối đi oi nồng chật hẹp trước khi đến chỗ gặp người nhà.

Mẹ ông đưa bé Ngọc vào thăm cha. Cái đuôi tóc buộc nhỏng như cái đuôi gà, con bé lon ton chạy về phía cha, ôm lấy cha, thút thít, tức tưởi. Trước khi chia tay, mẹ ông ngước nhìn con trai, mắt rơm rớm: “Nghĩ cũng tội cho vợ con. Nghĩ cho cùng… nó cũng vì miếng cơm tấm áo cho lũ con của con”. “Con xin ba má đưa bốn đứa cháu về sống với ông bà nội!”, ông cố van nài.

Ba năm sau, sau khi hết thời gian “cải tạo”, ông trở về và ở lại ngôi nhà cha mẹ ở làng Hạc, đúng một tuần. Một tuần đó, mỗi khi nhớ lại, ông thấy nó dài như nỗi đau của thằng đàn ông bị bội phản.

Ở lại nơi đó, nơi còn đầy ắp ký ức, nơi chiếc đồng hồ lên dây cót vẫn đều đều gõ nhịp. Nơi ông Hậu và bốn đứa con có thể sống được bằng nghề dạy học của chính ông. Nhưng, nơi đó, ông không thể đương đầu và không thể chịu đựng nổi ánh mắt vừa thương hại, vừa hả hê của người đời trước gã đàn ông từng “lên xe xuống ngựa”, rồi ngã ngựa lộn nhào và chịu thêm một vố đau, bị cắm sừng.

4.

Chuông điện thoại reo. Ông Hậu lấy làm mừng. Tiếng chuông riết róng cứu ông thoát khỏi lớp lớp hình ảnh tưởng đã chôn vùi, nhưng cái xác trương phình của nó vẫn lỳ lợm trồi lên. Cái mùi của nỗi đau vẫn làm ông khó thở. 

Màn hình điện thoại hiện ra gương mặt khắc khổ của thằng em. Nó nói: “Trời hết nắng rồi, anh xuống đi, hai anh em mình ra thăm mộ…”

Em trai đi trước, ông Hậu theo sau.

Hai anh em chỉ cách nhau mấy bước chân.

Cái khoảng cách chỉ nhỉnh hơn một sải tay lại khiến ông Hậu cảm nhận rõ hơn sự xa cách đớn đau của hai kẻ như hoàn toàn xa lạ. Chỉ vài ba bước chân mà anh em như cách nhau thật xa. Khoảng xa đó như kéo dài từ Beechnut St, nơi ông định cư 25 năm qua, đến đường Hòa Bình, tên mới cho con đường mở rộng của làng Hạc, nơi từng hiện diện ngôi nhà mà anh em ông được sinh ra và lớn lên.

Ông Hậu muốn em trai bước chậm lại. Ông muốn mình theo kịp nó. Muốn được nghe nó nói. Nói gì cũng được. Miễn là được nghe tiếng nói. Biết đâu, hai anh em có thể lắng nghe nhau trên lối đi dẫn đến nơi lưu giữ thân xác mẹ cha.

Em trai lầm lũi đi trước. Ông Hậu khúng khắng ho. Nó quay lại nhìn. Thấy anh trai đi tiếp, nó lại cắm cúi bước.

Đột nhiên, ông Hậu bước gấp. Ông sẽ hỏi nó về chiếc đồng hồ mà sợi dây cót đã tê liệt. Ông muốn biết ai đem chiếc đồng hồ ra khỏi tủ sách. Và vì sao lại đặt chiếc đồng hồ đứt dây cót bên cạnh di ảnh mẹ cha. Còn tủ sách, cái tủ sách mà từng trang sách, từng quyển sách in dấu tay của cha, của mẹ và của anh em mình. Cái tủ sách vàng ngọc đó, giờ ở đâu? Ông đã đi một vòng quanh ngôi nhà mới, nhìn ngó vào chỗ này chỗ kia nhưng không tìm thấy. Ông sẽ chất vấn: “Ngôi nhà cha mẹ, nơi tao với mày lớn lên, dù đã bị phá bỏ và miếng đất đã chia năm xẻ bảy, thì cái tủ sách đó, mày phải giữ lại. Cha từng căn dặn, nhà thiếu sách là ngôi nhà không có cửa sổ, mày có còn nhớ?”

Những câu hỏi chưa thốt thành lời khiến ông Hậu thấy bức bối, ngột ngạt. Ông có cảm giác mình đang bị nhốt trong căn phòng bịt bùng, một căn phòng thiếu cửa sổ dù những cơn gió không ngừng rượt đuổi dọc theo sườn đồi. Bất giác, ông ho. Ho khan. Ho ran cả lồng ngực. 

Ông Hậu thấy bước chân mình nặng trịch. Cái gì đã đẩy hai anh em xa nhau đến vậy. Mảnh đất mẹ cha không còn một bóng cây? Cây mai già trước sân không còn lưu lại dấu vết dù chỉ là gốc rễ của nó. Thời gian với sức bào mòn nghiệt ngã của nó? Sức tàn phá khốc liệt của bạc tiền? Hay yêu thương và ký ức không còn đủ sức cựa quậy nơi trái tim đã quá mỏi mệt?

Sự mỏi mệt xem ra không chỉ ẩn giấu nơi lồng ngực. Mặt mũi, thần thái em trai chẳng khác một thân cây bị bứng khỏi mặt đất, đang ngắc ngoải tồn tại bằng chút dưỡng chất còn sót lại. 

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhờ chỉ làm công việc chuyên môn của một kỹ sư điền địa, em trai ông tránh được trại cải tạo và được trở về làng Hạc. Về lại quê nhà, em trai ông đã góp sức cải tạo vùng đất khô cằn thành mảnh vườn, thành thủa ruộng. 

Đế giày lộp phộp trên mặt đất lạo xạo sỏi đá. Ông Hậu thấy đôi chân mình di chuyển nhanh hơn. Ông sẽ theo kịp em trai, sẽ chạm vào da thịt của nó. Rồi cù vào nách, nó sẽ bật cười. Tiếng cười xóa đi khoảng cách. Hai anh em lại huyên thuyên, như ngày nào.

Như ngày nào, mà non nửa thế kỷ ì ạch trôi qua. Như ngày nào, mà biết bao được, mất. Chàng kỹ sư điền địa cao một mét bảy, mắt sáng, mũi thẳng, trán cao, tóc bồng, đâu rồi?  Trông nó còn già hơn anh trai tới năm bảy tuổi. Đôi vai nó, bên thấp bên cao. Lưng lom khom như chưa bao giờ được đứng thẳng. Bước chân nó, bước cao bước thấp, khập khễnh.

Cái dáng vẻ già nua chênh vênh của em trai lần nữa, khiến ông Hậu khựng lại. Mà nó đâu thiếu tiền. Kể từ ngày một trăm năm mươi mét đất của mẹ cha thành mặt tiền trên con đường sầm uất, dù đã chia phần cho các con, nó vẫn sở hữu một phần đất và tiền bạc vẫn sinh sôi từ khu đất đã thành vị trí đắc địa của một thành phố du lịch nay mai.

Giữa hai anh em tiếp tục vẫn là một khoảng cách, dù chỉ vài bước chân.

Mộ của cha của mẹ nằm trên khu đất lơ thơ cỏ dại. Trước hai ngôi mộ, bụi hoa giấy nở hoa rực rỡ. 

Trước màu đỏ rực của hoa giấy, màu trắng của hai ngôi mộ còn trắng hơn những đám mây đang trôi lặng lẽ trên đầu. Cha mẹ ông chắc cũng đang trên đó, nơi còn cao hơn những tầng mây.

Chợt, ông Hậu nghe tiếng em trai: “Lúc sắp mất, mẹ chỉ gọi tên anh!”. Ông nhận ra giọng dỗi hờn của đứa trẻ lên bảy. Rồi ông Hậu lại nghe cái giọng chực khóc: “Còn cha, lúc sống, cũng chỉ nghĩ đến anh!”. Tim ông thắt lại. Ông nhận ra nỗi dằn vặt của đứa em ruột thịt. Đó là nỗi thống khổ của một kẻ vừa không nguôi hờn giận, lại vừa thèm khát được yêu thương. 

Líu quíu như đôi chân mẹ khi chạy ra cửa đón đứa con lưu lạc trở về, ông Hậu vừa bước vừa chạy vừa nhoài người về phía trước. Em trai quay người lại. Ông Hậu rướn tới, giang đôi tay đón thân hình còm cõi và ôm chặt lấy nó. 

5.

Trước khi rời làng Hạc, ông Hậu và gia đình con gái út được em trai thết một bữa ăn có mặt em dâu và gia đình của bốn đứa con.

Bữa ăn tươm tất không phải nhọc công nấu nướng. Món ăn đều được nhà hàng mang đến.

Hình ảnh ấm áp tươi cười của đại gia đình được những chiếc iphone đời mới ghi hình trước bữa ăn, lúc các món ăn bốc khói lẫn mùi hoa tươi.

Em dâu, dáng vẻ, thần thái trái ngược chồng. Mày xăm đen, môi xăm đỏ, mũi độn silicon, da căng, hồng hào, trang sức lóng lánh. Cô ta tỏ rõ vị trí chủ nhà, nói cười luôn miệng, khoe gia thế của từng đứa con, dâu, rể.       

Bốn đứa con của em trai, đứa nào cũng ăn nên làm ra. Đứa con cả, mặt choắt, thấp bé nhất trong bốn anh chị em, là người nắm giữ vị trí cao nhất của một cơ quan quản lý nhà đất cấp tỉnh. Cô dâu cả, gương mặt đúng chuẩn công nghệ làm đẹp xứ Hàn thì đứng tên làm chủ một một công ty bất động sản sở hữu nhiều khu đất vàng và nhiều dự án nghỉ dưỡng rải dọc bờ biển. Em dâu ông trở thành tổng quản cơ ngơi đứa con cả. Vị thế của anh con cả tạo sức bật cho mấy đứa em. Giàu và giàu hơn, là mục tiêu của chúng. Đứa nào cũng xênh xang đất đai, nhà cửa, xe cộ. Chúng trở về quê cha bằng những con xe sang mà ngay người giàu ở Houston cũng ít khi dùng.

Trong bữa ăn, dù nhiều đề tài được chúng tranh nhau nói cho ông bác Việt kiều nghe, thì đề tài đất đai, nhà cửa và giá cả các loại xe sang ở Mỹ vẫn được chúng chú tâm nhất.

Lúc đầu ông Hậu cũng nhã nhặn trả lời những gì mình biết. Rồi ông mau chóng nhận ra, nếu không để mình mắc kẹt, phải sớm thoát khỏi cái ma hồn trận của cái thế giới giàu có bằng mọi giá và thoát khỏi sự vênh vang hãnh tiến.

Ông Hậu bưng ly cụng với đứa giàu nhất: “25 năm ở Mỹ, bác chỉ đi loại xe seond hand”. Em dâu ngừng gắp thức ăn, tròn mắt: “Ở bên Mỹ mà anh hai cũng đi xe si đa?”. Ông Hậu cười: “Xe cộ là phương tiện đi lại nên chọn loại phù hợp với điều kiện của mình…”. Em dâu cướp lời: “Điều kiện… là sao? Lương hưu của anh hai và lương các cháu bên đó, cao lắm mà?”. “Bà lúc nào cũng chỉ nghĩ đến tiền bạc!”, em trai ông lên tiếng rồi buông chén đũa, đứng lên, di chuyển đến chỗ kệ tivi, lấy cuốn album đặt cạnh đó, mang lại chỗ bàn ăn.

Ông Hậu nhận ra cuốn album quen thuộc của đại gia đình với cái bìa bằng gỗ sơn mài khảm hình cành mai nẩy lộc. Quyển album trước đây luôn được cất lại trong tủ sách sau mỗi lần mang ra xem.

Sau khi đẩy tô, dĩa, chén, ly còn thức ăn, nước uống dịch vào một khoảng, ông chủ nhà đặt cuốn album xuống khoảng trống trước mặt mình. Rồi vẫy gọi mấy đứa cháu nội ngoại đã ăn no, bảo chúng lại gần để nhìn rõ hình ảnh từ cuốn album đa phần là ảnh đen trắng. 

Ông chủ nhà chỉ tay vào những tấm ảnh trắng đen cũ kỹ, có những tấm ố vàng lỗ chỗ. Giọng bồi hồi: “Đây là ông bà nội chụp trước ngôi nhà hồi xưa trên miếng đất này. Còn đây là ảnh ông nội với bà nội. Bà nội đang ẵm bác hai con đây, lúc bác hai mới đi lẫm chẫm. Còn đây là bác hai với cha…”

Khi thấy đám con vẫn chúi mũi vào màn hình iphone, ông chủ nhà gấp cuốn album lại. Nó đứng lên, cầm cuốn album đưa lên ngang ngực, rồi thình lình dằn mạnh xuống mặt bàn: “Tụi bây có còn biết tình cốt nhục không?”. Đồ ăn thức uống nẩy tưng lên. Ly, chén, đĩa văng tung tóe xuống nền gạch. Mặt ông chủ nhà tái dại, méo xệch.

Nhìn sự bất lực em trai, ông Hậu nhớ tới chiếc đồng hồ đứt dây cót nằm bất động trên bàn thờ, nơi từ di ảnh, ánh mắt mẹ cha vẫn như muốn nói những điều chưa kịp nói… 

6.

Sau cú bùng nổ bộc phát của ông chủ một đại gia đình mà từng thành viên đều được coi là đã bước cả hai chân vào tầng lớp thượng lưu mới, giai tầng nẩy nòi từ thứ đặc quyền được sinh sôi từ kẽ hở của cơ chế và sự lọc lõi tham lam của những kẻ khoét sâu kẽ hở, bởi tiền bạc; giai tầng đó đang được bơm phồng cỡ kích, được phủ lên thứ hào quang tự đắc, cũng bởi bạc tiền; phút chốc, mọi thứ nhanh chóng trở về trạng thái, vị trí được thiết lập và trằng trịt, cũng bởi ích lợi vật chất của nó.

Âm thanh không đầu không cuối của những bản nhạc quen thuộc phát ra từ hàng quán nơi những phần đất cho thuê, tiếp tục át đi thứ thanh âm thuộc về cốt nhục, nỗi niềm và ký ức.

Màn hình từ những chiếc điện thoại iphone đời mới tiếp tục nhoay nhoáy kết nối các mối quan hệ, ráo riết kiếm tìm lợi lộc, lùng sục thế giới khoái lạc đang chực chờ.

Những chiếc ô tô Lexus, Audi nối đuôi nhau bừng sáng đoạn đường Hòa Bình, làm cho làng Hạc vĩnh viễn mất dấu tích, thay vào đó là diện mạo một thị trấn hừng hực khát vọng làm giàu bằng mọi giá, kể cả ở những con người từng chân chất như cỏ cây.

Trước khi rời nơi chôn nhau cắt rốn, ông Hậu leo lên tầng trên cùng của ngôi nhà, thắp vội mấy nén nhang, lầm thầm vừa nói lời từ biệt, vừa xin lỗi mẹ cha và không quên bỏ chiếc đồng hồ đứt dây cót vào túi xách của mình.

7.

Nghe tiếng gõ cửa, ông Hậu bước tới, mở cửa. Ngọc bước vào: “Sáng nay ba không khỏe?”. “Ờ… không! Tại ba… ngủ nướng”. “Con pha cà phê và mang thức ăn lên đây cho ba, nha!”. “Ba khỏe mà, để ba xuống dưới”. Ngọc nhìn cha: “Con thấy ba phờ phạc quá. Ba có khỏe thiệt không?”. “Con xuống trước đi!”. Ngọc vừa quay đi, ông Hậu gọi lại: “Út nè…”. Ngọc quay lại: “Gì hả ba?”. “Trước khi ba đi xa…”. “Ba nói gì vậy? Trước khi đi xa là sao?”. Ông Hậu cười: “Là trước khi ba về bên kia…”. Ngọc đổ quạu: “Bên kia là bên nào?”. “Thì bên Houston”. Ngọc bật cười: “Vậy mà ba làm con muốn đứng tim. Hết đi xa rồi đến về bên kia”. “Thì từ từ rồi ba cũng về bên kia… thế giới”. “Hôm nay ba bị làm sao ấy. Ba không thấy tỷ phú Michael Bloomberg nhiều tuổi hơn ba vẫn tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ tới”. “Họ là yếu nhân!”. “Yếu hay mạnh con không biết, con chỉ biết ba trông trẻ, khỏe và đẹp lão hơn cái ông già đang ra sức chạy đua tranh cái ghế với Mr Trump”. Ông Hậu xua tay”. “Thôi, được rồi, đừng công kênh, ba chóng mặt lắm!”.

Ngọc bước vào, ngồi xuống bên cha: “Ba thấy chóng mặt, đúng không? Con thấy lo lo. Mấy hôm nay trông ba na ná cái đồng hồ hết pin vậy?”. Đến lượt ông Hậu bật cười: “Đúng ra là chiếc đồng hồ đứt dây cót”. Ngọc đứng lên: “Thôi nha ba, có hết pin thì thay pin, có đứt dây cót thì thay dây cót mới! Con xuống làm bữa sáng cho ba đây!”, giọng Ngọc trở nên nghiêm nghị, dứt khoát.

Ngọc vừa ra khỏi cửa ông Hậu gọi lại: “Ba chưa đói, đừng vội. Ba muốn nhờ con việc này…”. Ngọc khựng lại. Ông Hậu mở ngăn tủ kéo, lấy ra chiếc đồng hồ đứt dây cót mà ông đem theo. Ông đưa chiếc đồng hồ ra trước mặt Ngọc: “Ba muốn tìm chỗ sửa đồng hồ”. “Chuyện nhỏ mà, ba!”. “Tưởng nhỏ nhưng biết đâu lại không nhỏ vì chiếc đồng hồ này không dùng pin mà dùng dây cót”. Ngọc cầm lấy chiếc đồng hồ, nhìn qua: “Chiếc đồng hồ này chắc nhiều tuổi hơn con. Thôi, cho nó nghỉ ngơi đi ba!”. Ông Hậu lấy lại chiếc đồng hồ từ tay con gái: “Đã là đồng hồ thì phải báo giờ”. Biết tính cha, Ngọc nói: “Con sẽ nhờ anh Tiến lùng tìm thợ sửa. Ba yên tâm, chồng con… giỏi, mà!”. Ông Hậu nói ngay: “Ba chỉ nhớ nó giỏi lấy lòng người khác. Ba còn nhớ lúc mới học lớp mười mà nó dám nhảy xuống dòng nước chảy xiết để vớt khúc củi mục…”. Ngọc nhìn sững cha: “Khúc củi mục… Ba chẳng quân tử chút nào. Má con… tới giờ vẫn đẹp!”. “Má mày mà đẹp à?”. Ngọc nói ngay: “Má con đẹp quá đi chớ!”. Giọng Ngọc chùng xuống: “Mà ba cũng thiệt kỳ, cứ nhớ hoài chuyện lẽ ra không nên nhớ. Hơn bốn chục năm rồi…”. Ngọc không nói hết câu. Nó lật đật ra khỏi phòng.

Gió sớm luồn qua cửa sổ. Ông Hậu chợt nhớ những cơn gió thông thống thổi vào căn nhà trống trước dột sau mà năm cha con ông từng tá túc sau khi rời làng Hạc.

Đó là căn nhà trong dãy nhà thuộc khu gia binh gần một sân bay quân sự của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Để được vô căn nhà bỏ trống đó, ông Hậu đã nhờ người bạn, vốn là một công chức hành chánh và là người cùng ở trại cải tạo. Sau khi mãn hạn tù, anh ta trở về bản quán tận miệt Cần Thơ và nhận lời giúp ông Hậu cùng 4 đứa về quê mình, dạy chữ kiếm sống.

Không khó lắm để ông Hậu tìm được người học chữ. Có điều ông phải cuốc bộ đến tận từng nhà trò để dạy. Thù lao cho thầy, phụ huynh có gì trả nấy: mấy lon gạo, chai nước mắm ăn dở, xâu cá câu được dưới sông, mớ trái cây bẻ ngoài vườn, lọn rau hái sau hè, mấy thẻo xà bông cục trong phòng tắm... Thi thoảng mới có gia đình trả công cho thầy dạy con mình bằng đồng tiền. Đồng tiền hiếm hoi có được, ông Hậu chỉ dùng vào việc mua thuốc khi các con đau ốm và mua chút bánh kẹo cho chúng.

Cuộc sống của năm cha con vất vả thiếu thốn nhưng không phải đói. Khạp gạo chưa lúc nào cạn tới đáy. Tình người le lói sáng bất chấp sự vần vũ của đám mây thời cuộc. Thứ ánh sáng âm thầm nhưng không kém phần bền bỉ khiến ông Hậu cảm nhận được hơi ấm cộng đồng.

Việc đến nhà từng trò còn tạo cho thầy Hậu có được cái nhìn cảm thông và tin cậy. Nhà có lễ lạt hay giỗ chạp, phu huynh không quên mời thầy Hậu. Trong số học trò ông, có một đứa là con trai một công an khu vực. Ông nhớ, chính vị công an phụ trách khu vực mà cha con ông tạm trú đã trực tiếp liên hệ cơ quan công quyền và giúp ông làm thủ tục để ông được chế độ mới lưu dụng và chính thức trở lại bục giảng. Các con ông được vào trường công học, chỉ mình bé Ngọc chưa có trường mẫu giáo. Và con bé cần có mẹ.

Khi được lãnh tháng lương thứ ba và gian nhà cũng được phụ huynh trợ giúp, chằm lợp, sửa chữa không còn dột khi mưa, mặt trời không rọi khi nắng và dựng được cái nhà tắm, ông đón vợ về, bởi, như lời mẹ ông nói, nghĩ cho cùng, vợ ông cũng vì kiếm đồng tiền nuôi lũ con khi vắng ông mà sa ngã; mà suy cho thấu, tất cả cũng bởi chiến tranh.

Tuy vậy, khi vợ có mặt trong nhà, người luôn phải đối mặt với một cuộc chiến âm thầm lại chính là ông giáo Hậu, người đàn ông coi gia đình là tất cả.

Mỗi chiều sau khi đi dạy về, ông Hậu thường ra con sông nước ngọt chảy qua trước mặt nhà, múc từng thùng nước đổ đầy cái lu nước để trong nhà tắm. Sau khi được tắm rửa bằng thứ nước mát của dòng sông, thân thể vợ ông thơm tho quyến rũ là thế, nhưng ông lại khước từ. Đôi lần không cưỡng được sự nóng rảy khát khao, ông xáp vào, ghì lấy cái thân thể nõn nà tươi mát. Đến khi sự cuồng nhiệt dâng lên từ tấm thân căng mượt của vợ, ông giật mình, xô vợ ra. Ông luôn ngửi thấy cái mùi phản bội oi nồng từ tấm thân mà ông từng ôm ấp, cưng yêu. 

Dần dần ông Hậu thấy hài lòng với lý giải và biện minh: Với một thằng đàn ông, có thể chịu nhục trước thời thế, trước sự bất công, trước bọn ngu dốt, bọn hèn hạ tham lam nhưng không thể chịu được nỗi nhục bị cắm sừng. Ngay cả khi vợ ông nhảy xuống dòng nước chảy xiết để mong kết thúc chuỗi ngày sống trong sự lạnh nhạt rẻ khinh của chồng thì ông vẫn lạnh lùng đứng chôn chân trên mặt đất. May là lúc đó, thằng Tiến, lớp trưởng lớp ông làm chủ nhiệm, đang có mặt. Tiến lao xuống dòng nước… Nó cứu được mạng sống của mẹ con Ngọc và kiên nhẫn học hành, kiên nhẫn chờ bé Ngọc trưởng thành và cưới làm vợ. 

Sau này, khi định cư ở Mỹ, các con ông Hậu đã tìm mọi cơ hội để cha mẹ hàn gắn nhưng vết thương nơi lòng ông lại không thể lành. Vì các con, ông vẫn có mặt và chạm mặt vợ trong nhiều dịp cưới hỏi hay những buổi tiệc đầy tháng, thôi nôi và sinh nhật của con của cháu. Và cũng vì các con, ông đã không làm thủ tục ly hôn dù trong ông, tình chồng vợ từ lâu đã chết.

8.

Chồng đi làm, các con đi học, Ngọc thong thả ngồi ăn sáng cùng cha. Dù trong người lừ nhừ, ông Hậu vẫn ăn hết tô mì Quảng con gái nấu. Ngọc đảm đang, hài hước, lại khéo léo. Món ăn nào con gái nấu, ông Hậu cũng ăn ngon. Ngọc đứng lên, mang tô đĩa bỏ vào bồn rửa, rồi mở tủ lạnh mang ra chén cơm rượu làm bằng nếp cẩm, đặt trước mặt cha: “Ba thưởng thức món này, xem sao?”.

Ông Hậu chậm rãi nhai những hạt nếp dẻo và thưởng thức cái vị nồng dịu ngọt của men rượu. “Ba thấy ngon không?”. “Con làm hay mua?”. “Dĩ nhiên là con làm, nhưng… món này có sự trợ sức của má đó”. Ông Hậu đặt chén cơm rượu xuống: “Con vẫn thường liên lạc…”. Ngọc chen vào: “Con chát với má mỗi ngày. Ba nè, dịch cúm viêm phổi Vũ Hán đã tới Huston rồi đó. Mấy anh chị em con bàn và thống nhất. Tụi con đã mua vé rước má về đây”. Ông Hậu cau mặt: “Sao tụi bây không bàn với tau?”. “Tụi con sợ ba… bàn ra”. “Vậy thì cho tau hay để làm gì?”. “Tụi con muốn ba chuẩn bị tinh thần để… chung sống hòa bình với má”. “Được rồi, tụi bây đón má tui bây về nhà này thì tau về bên đó”. “Ba không nên về. Loại vi rút corona này rất khoái món phổi của người nhiều tuổi”. “Thì ai rồi cũng một lần chết!”. “Thôi mà ba, ba đừng giống như chiếc đồng hồ đã đứt dây cót. Mà dây cót đồng hồ thì có thể thay mới nhưng sợi dây tình cảm mà để đứt…”. Ông Hậu đứng lên: “Được rồi, má tụi bây về đây, nếu tau chưa về được bên Houston, tau sẽ ra khách sạn ở”. Ngọc cũng đứng lên, nhìn vào mắt cha: “Bao nhiêu năm qua, anh chị em con đã cố thuyết phục ba. Tụi con cũng biết là không ai có thể thay đổi được quá khứ nhưng vẫn mong ba, van xin ba có thể mở lòng, mà bỏ qua, mà tha thứ, không chỉ cho ba, cho má, mà còn cho tụi con, cho các cháu của ba…”. Nước mắt ầng ầng trào ra, Ngọc không nói được nữa, nó vội chạy vào toilet.

Sau khi ngồi thừ một lúc trước chén cơm rượu ăn dở, ông Hậu dò lò bước lên từng nấc của cầu thang.

Đi hết tầng một, mắt ông Hậu chạm vào bức tường thẳng đứng trước mặt. Ông thận trọng đi qua nó và bước lên cầu thang tiếp theo.

Sau khi leo lên tới tầng ba, lúc đi ngang qua bức tường được lăn nước sơn trơn bóng trước khi đến căn phòng quen thuộc có cửa sổ mở ra khoảng trời, ông Hậu bắt đầu thấm mệt. Ông ngồi xuống, dựa lưng vào tường, bình tĩnh thở đều.

Và cũng chính lúc đó, lúc phải tựa lưng vào tường để thở, ông chợt nhận ra, một bức tường vô hình, theo năm tháng, dường như đã choán hết tâm trí và trái tim ông.

Nguồn Văn nghệ số 20/2020

 


Có thể bạn quan tâm