April 26, 2024, 10:41 pm

Bức thư gửi người giữ biển

“Ngày 21 tháng 12 năm 2019. Con tên là Chấn Long, học lớp 4, Trường Tiểu học Dịch Vọng B, Cầu Giấy.

Con được biết đến các chú hy sinh ở Nhà giàn DK1.

Con xin cảm ơn các chú vì sự hy sinh dũng cảm của các chú để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Con xin gửi tới các chú: Vũ Quang Chương, Nguyễn Văn An, Lê Bích Hồng, Nguyễn Hữu Quảng, Trần Văn Là, Hồ Văn Hiền, Phạm Tảo, Lê Tiến Cường, Phạm Ngọc Tú…

Kỹ sư Trần Vũ Thành xúc động giới thiệu bức thư của bé Chấn Long gửi các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trên biển nhà giàn của Tổ quốc

Đó là một bức thư đặc biệt. Đặc biệt từ tiêu đề “Bức thư nối liền quá khứ đến hiện tại”, với những nét chữ non nớt, ngây thơ, được minh họa bằng hình vẽ nhà giàn, chim hạc, hải âu cánh trắng trên nền sóng biển xanh như bao bọc, chở che hàng tên các anh hùng, liệt sĩ. Người viết và gửi thư là một em bé Hà Nội; người nhận thư là các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên biển nhà giàn DK1 của Tổ quốc. Những “bưu tá” góp phần kết nối lá thư từ người gửi tới người nhận là Kỹ sư Trần Vũ Thành và các thành viên CLB “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương”, là tàu KN263 và Đoàn công tác số 2… Điều rất xúc động là người gửi thư và người nhận thư chưa được gặp nhau và mãi mãi chẳng thể gặp nhau trong đời bởi lẽ khi các anh hy sinh, bé Chấn Long chưa chào đời… Và vì thế, khi thư đến, những con sóng của biển quê hương muôn đời đã thay các anh đón nhận. Điều gì đã gắn kết hai thế hệ ở hai đầu thời gian mang tên “Quá Khứ” và “Hiện Tại” - như bé Long đã viết trong tiêu đề bức thư - bền chặt và xúc động đến vậy, nếu không phải là tình yêu đất nước, tình yêu biển, đảo Tổ quốc máu thịt, sâu nặng, thiêng liêng…!

Chuyện kể rằng: Ngày ấy, gian khó, thiếu thốn nhiều lắm. Bên cạnh sự khắc nghiệt, dữ dội muôn thủa của khí hậu, thời tiết, sự nhòm ngó, hăm he, đe dọa thường xuyên của ngoại bang, thì những nhà giàn ngày ấy cũng chưa được bền chắc, hiện đại như bây giờ. Nhưng chẳng điều gì có thể khuất phục được ý chí thép của những người giữ biển. Chiều ngày 4 tháng 12 năm 1990, cơn bão số 10 với sức gió mạnh cấp 11, 12 tràn qua khu vực DK1. Biển cuồng nộ, những con sóng cao mười mấy mét, lừng lững tựa cả quả núi đen ngòm dâng lên, hung hãn ụp xuống, như muốn nuốt chửng nhà giàn. Cán bộ, chiến sĩ ta vẫn kiên cường trụ bám. Thế rồi, đêm 4/12/1990, nhà giàn DK1/3 Phúc Tần bị sóng đánh nghiêng 15 độ. Ngôi nhà giàn sũng nước, chao lắc như đưa võng. Tất cả mọi đồ đạc lần lượt bị những lưỡi sóng dữ dằn quào lôi xuống biển, nuốt chửng. Trạm trưởng, Trung úy Bùi Xuân Bổng và Phó Trạm trưởng, chính trị viên, Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng vẫn bình tĩnh chỉ huy các chiến sĩ duy trì liên lạc về sở chỉ huy, sử dụng phao bơi, gói ghém tài liệu mật, chuẩn bị xuồng cứu sinh... Các anh đã trụ vững đến phút cuối. Nhưng khi màn đêm buông xuống, những con sóng khổng lồ lại lừng lững xông tới, ụp xuống nhà giàn, lúc đó, Trạm trưởng mới lệnh cho cán bộ, chiến sĩ buộc phao vào với nhau để cùng sống, cùng chết, quyết không rời đội ngũ. Và rồi, khi các anh vừa rời nhà giàn, buông mình xuống đầu những con sóng dữ đang gào thét, thì cả ngôi nhà giàn với sắt thép đồ sộ cũng đổ nhào xuống biển. Lúc ấy, là khoảng 2h sáng ngày 5/12/1990. Trong cơn nguy cấp, hiểm nghèo, các tàu HQ711, HQ713, HQ965 đang trực trên khu vực DK1 đã bất chấp bão táp, đè ngang sóng dữ, nỗ lực cứu vớt đồng đội. Sau 13 tiếng đồng hồ vô cùng gian khó, ngặt nghèo, tàu HQ711 đã cứu được 5 cán bộ, chiến sĩ. Được bổ sung thêm 2 tàu lớn, cuộc tìm kiếm 3 chiến sĩ còn lại kéo dài nhiều ngày sau đó, nhưng vẫn không thể tìm thấy các anh. Vậy là, Phó Trạm  trưởng, chính trị viên, Trung úy Nguyễn Hữu Quảng, 25 tuổi, quê ở phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội; Trung úy, quân y sĩ Trần Văn Là, 32 tuổi, quê Cửa Tùng, Vĩnh Linh, Quảng Trị; Hạ sĩ Hồ Văn Hiền, 21 tuổi, nhân viên cơ điện, người con đất Quảng Ninh, Quảng Bình đã mãi mãi nằm lại trong lòng biển mặn, vì sự nghiệp bảo vệ vững chắc thềm lục địa phía Đông Nam của Tổ quốc. 30 năm trôi qua kể từ ngày ấy, các anh không về, nhưng, trong lòng đồng chí, đồng đội, người thân, trong lòng Tổ quốc, các anh sống mãi. Mãi còn đó câu chuyện về Trung úy Nguyễn Hữu Quảng luôn động viên anh em bám sát, hỗ trợ nhau cùng chống chọi với sóng dữ. Và, phút cận kề giữa sự sống và cái chết, anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô của mình cho đồng đội rồi thanh thản đi vào lòng biển sâu.

Chuyện kể rằng: Trước sự hung dữ, tàn khốc của cơn bão số 8 (bão Faith), có sức gió giật trên cấp 12 quét qua biển Đông vào ngày 12, 13 tháng 12 năm 1998, nhà giàn DK1/6 (còn gọi là nhà giàn Phúc Nguyên 2A) rung lắc, chao đảo dữ dội. Dù vậy, cán bộ, chiến sĩ ta vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững liên lạc với sở chỉ huy, bình tĩnh, kiên cường chống chọi với những trận cuồng phong giữa đêm đen mịt mùng. Nhưng rồi nhà giàn bị nghiêng dần. Một đợt sóng lớn ập đến xô đổ nhà, cuốn 9 người lính can trường ấy xuống biển. Mặc dù lực lượng cứu hộ đã nỗ lực tột độ, nhưng Đại uý, Trạm trưởng Vũ Quang Chương, Chuẩn úy chuyên nghiệp cơ điện Nguyễn Văn An và Chuẩn úy chuyên nghiệp ngành ra-đa Lê Đức Hồng đã không thể trở về. Các anh đã gửi lời chào “Vĩnh biệt đất liền” về Sở chỉ huy Quân chủng Hải quân rồi thanh thản đi vào lòng biển cả.

Làm sao có thể quên ngày 4/1/1991, tàu HQ666 của Lữ đoàn 171 đang trực làm nhiệm vụ bảo vệ bãi cạn Tư Chính (1B) thì bị một cơn bão lớn nhấn chìm khiến Thượng úy, Phó Thuyền trưởng Phạm Tảo và Trung úy, quân nhân chuyên nghiệp Lê Tiến Cường hy sinh; ngày 21/4/2001, thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Tạ Ngọc Tú, quê Thụy Hải, Thái Thụy, Thái Bình, đã anh dũng hy sinh tại nhà giàn Phúc Tần B (DK1/16) khi vừa tròn 28 tuổi; ngày 7/10/2014, Đại úy Dương Văn Bắc, quê Nghĩa Dũng, Tân Kỳ, Nghệ An, đã hy sinh tại nhà giàn Tư Chính C (DK1/11) ở tuổi 40… Các anh, tất cả các anh - những người lính quả cảm, anh hùng - đã nằm lại với biển, để chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc được vẹn toàn. Linh hồn các anh đã hóa vào linh hồn dân tộc. Máu xương các anh đã thấm đẫm, hoà quyện với từng con sóng, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.

*

Trên hải trình ra với cán bộ, chiến sĩ nhà giàn, tàu trực và quân dân huyện Côn Đảo vào cuối năm 2019, đầu năm 2020, đoàn công tác số 2 chúng tôi đã đến buông neo dưới chân nhà giàn Phúc Nguyên 2A - nơi ngày ấy các anh đã hy sinh vì biển đảo Tổ quốc. Tại đây, đoàn đã tổ chức lễ tưởng niệm các anh. Trên boong tàu, bên mạn phải, bàn thờ liệt sĩ được lập lên, giản dị mà rất đỗi trang nghiêm. Dòng chữ vàng rực trên nền phông đỏ thắm “Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc” ngời lên trong nắng. Lễ vật được các chiến sĩ tàu KN263 chuẩn bị, bày biện thật chu đáo, đầy đủ. Vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ” cùng những cánh hạc trắng và “Bức thư nối liền quá khứ đến hiện tại”… của bé Chấn Long được dâng lên. Dưới thân tàu, sóng cồn cào. Trên cao, trời xanh ngằn ngặt. Một vài đám mây bồng bềnh, lặng lẽ treo nghiêng. Khói hương tỏa vòng, vấn vít… Đó đây, có tiếng khóc nghẹn…

Sau phút tưởng niệm trĩu nặng niềm xúc động, thương nhớ, vòng hoa, lễ vật, lá thư và những cánh hạc giấy của bé Chấn Long gửi các chú được nhẹ nhàng thả xuống mặt biển. Thời khắc những cánh hạc trắng, những bông cúc vàng chạm vào con sóng, nhiều người bật khóc. Các anh ơi! Hãy yên nghỉ nhé! Quê nhà, đồng đội, đất nước mãi thương nhớ các anh!

Chúng tôi đứng lặng bên nhau, dõi ánh mắt vào đại dương bao la, nơi vòng hoa cùng lễ vật và những cánh hạc trắng đang bồng bềnh, bồng bềnh… rồi khuất dần, khuất dần vào lòng biển….

*

Kỹ sư Trần Vũ Thành - Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” kể: trong lễ vật dâng lên anh linh các liệt sĩ, cùng bức thư “Nối liền quá khứ đến hiện tại” như đã nói ở trên, còn là những chú hạc giấy rất đẹp, được trang trí tỉ mỉ. Trên mình mỗi con hạc đều mang một lá cờ Tổ quốc. Thành cho biết: Bé Chấn Long - người viết thư, đồng thời cùng là người tạo nên những con hạc giấy này, là một cậu bé đặc biệt! Mới 10 tuổi mà rất quan tâm đến nhiều lĩnh vực trong đời sống, và rất chú tâm khi làm việc. Trong lúc gấp hạc gửi ra biển, đảo, bé đã cảm nhận được về các liệt sĩ... Thành chuyển cho tôi xem đoạn clip trích từ một phóng sự do Truyền hình Nhân dân thực hiện cho biết: Chấn Long là học sinh lớp 4 trường Tiểu học Dịch Vọng B, Cầu Giấy, Hà Nội. Khi tham quan triển lãm ảnh “Nơi đầu sóng” do các thành viên Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương tổ chức, bé đã mang theo một cuốn vở. Vừa chăm chú quan sát, Chấn Long vừa cẩn thận ghi chép chú thích các bức ảnh. Bé đặc biệt quan tâm đến bức ảnh chụp một con hạc giấy cô đơn giữa biển xanh với chú thích “Bao nhiêu năm vẫn đợi con về”. Bức ảnh được chụp trong lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh vì biển, đảo Tổ quốc. Trở về, Chấn Long bắt tay vào gấp hạc giấy. Khi được hỏi vì sao tạo hình hạc giấy như vậy, bé đáp: “Con tạo hình mỗi con hạc giấy theo một tư thế khác nhau, vì mỗi chú liệt sĩ hy sinh theo cách khác nhau. Những lá cờ trên mình hạc là để nói rằng các liệt sĩ hy sinh cho đất nước, trên mình các chú được phủ lá cờ Tổ quốc. Máu các chú thấm vào lá cờ...”. Chỉ vào cánh hạc, bé tiếp: “Đây là hai bông hoa bàng vuông để che chở, bảo vệ các chú. Máu các chú đã hòa tan với trái tim của biển ạ. Con làm thế này để tưởng nhớ các chú…”. Trên mỗi con hạc, Chấn Long còn vẽ một cái cây nhỏ - một mầm xanh, bé bảo đó là để tượng trưng cho cuộc sống mới, tốt đẹp hơn...

Ôi chao, một em bé 10 tuổi, mà đã có được những suy nghĩ, liên tưởng, ước mong giàu nhân văn và sâu sắc vậy sao! Chúng tôi cùng im lặng, rưng rưng. Trần Vũ Thành cho biết thêm: Lần này, bé gấp hơn 200 con hạc. Trong đó, bé gửi theo đoàn công tác ra Trường Sa 64 con để viếng anh linh 64 chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma năm 1988. Số hạc còn lại, bé gửi hai đoàn công tác đưa ra biển nhà giàn. Chấn Long còn nói là có 9 liệt sĩ hy sinh ở biển nhà giàn nhưng con còn thấy có nhiều liệt sĩ lắm nên gấp thêm nhiều hạc giấy để gửi tới các bác các chú... Nghe Thành kể, một lần nữa, chúng tôi cùng lặng người vì xúc động. Lát sau, Thành nói thêm: Chắc con “nhìn” thấy các liệt sĩ ở Côn Đảo, thời chống Pháp, chống Mỹ nữa chị ạ! Điều này, đến khi đoàn công tác về đến Côn Đảo, tới viếng nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương thì em mới hiểu…

Bên cạnh bức thư và những cánh hạc giấy đặc biệt gửi người đã khuất, Chấn Long còn gửi tới các chú bộ đội nhà giàn những cành hoa đào phai xinh xắn do bé tự làm. Bé lý giải: Hoa đào phai này rất tao nhã và thanh khiết. Những bông hoa cháu làm không chỉ là hoa đào phai mà còn mang hình dáng những bông hoa bàng vuông của biển… Đoạn clip kết thúc, trong lòng tôi dâng lên niềm khâm phục, tự hào, yêu mến! Non sông đất nước Việt Nam mãi mãi trường tồn, bền vững là bởi có những con người bình dị mà rất đáng trân quý như thế. Đó là những người lính quả cảm đã anh dũng hy sinh, là những cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm trụ vững giữ trùng khơi, vượt mọi gian khổ, hiểm nguy, trở thành những cột mốc đặc biệt, vững vàng nơi đầu sóng, khẳng định, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng Tổ quốc; là các thành viên câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, hướng về biển, đảo; là bé Chấn Long… và bao nhiêu những con người khác nữa. Bằng những việc làm thiết thực, mang nặng tình yêu đất nước, tình yêu biển, đảo Tổ quốc, họ chính là những đóa hoa của đất, của biển, của mẹ Việt Nam ngàn đời.

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2020


Có thể bạn quan tâm