April 27, 2024, 8:31 am

Bỏ “văn mẫu”, vẫn còn nhiều quan ngại…

Sau nhiều năm kiên trì “đấu tranh”, hiện nay “văn mẫu” đã chính thức bị loại khỏi nhà trường phổ thông. Mới đây, trả lời báo Thanh Niên, Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã nói về việc bỏ văn mẫu: “Cần loại bỏ xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định. Làm được như thế mới giải phóng được tinh thần cho con người”.

Chúng ta đã biết, môn Ngữ Văn trong nhà trường có nhiệm vụ giúp học sinh phát triển năng lực về khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong các văn bản nhật dụng, biết tiếp nhận và tạo lập các văn bản thông dụng trong cuộc sống thông qua việc học tập các kiến thức tiếng Việt. Sau đó mới đến hoàn thiện khả năng đọc hiểu tác phẩm văn học, viết văn, làm văn… Những khả năng nêu trên được rèn luyện qua các kĩ năng đọc, viết, nói, nghe của môn Văn trong nhà trường. Để đạt được các kỹ năng ấy, chương trình giáo dục 2018 đề ra nhiệm vụ yêu cầu trước nhất là tránh sao chép văn mẫu, hoặc tài liệu có sẵn. Trong đợt cải cách và thay sách giáo khoa lần này, mục đích yêu cầu nhấn mạnh vào việc sử dụng ngữ liệu “hoàn toàn ngoài sách giáo khoa, thuộc các thể loại hoặc kiểu văn bản được quy định trong chương trình môn Ngữ văn, tương đương với ngữ liệu mà học sinh đã được học trong sách giáo khoa. Khuyến khích việc sử dụng các ngữ liệu là văn bản đa phương thức trong đánh giá năng lực đọc hiểu. Kết hợp câu hỏi trắc nghiệm và tự luận. Tăng cường các câu hỏi và đề mở” (theo tài liệu tập huấn môn Ngữ Văn cho giáo viên THPT 2022).

Trong chương trình thay sách giáo khoa 2018, mục tiêu loại bỏ văn mẫu của Bộ Giáo dục & Đào tạo hướng tới trong việc học môn Văn là “học thật”, rèn kỹ năng đọc viết một cách hiệu quả trong nhà trường là hoàn toàn đúng đắn và có cơ sở thực tiễn. Bởi vì, nói không ngoa thì “văn mẫu” đã tồn tại và tung hoành chi phối việc học văn trong nhà trường, làm cho học sinh chán và sợ học văn, làm cho người học đâm ra lười biếng ỉ lại tài liệu, dậy học không có sáng tạo.

Điều đáng lưu ý là các cuốn sách “văn mẫu” trong thời gian qua đa số có kiến thức rất lôm côm, có nhiều sai sót và không theo chuẩn quan điểm khoa học nào hết. Các sách “văn mẫu” đặc biệt ở chỗ có các giáo sư tên tuổi đầu ngành đứng “chủ biên”. Sau này tôi có lần hỏi thầy giáo của tôi, một giáo sư đầu ngành, rằng tại sao thầy tham gia viết nhiều sách văn mẫu đến thế? Thì thầy trả lời, những cuốn đấy tôi đâu có viết, nhà in họ cứ gắn tên tôi vào, sau này thì tôi hiểu nhóm tác giả ấy đưa tên các giáo sư đầu ngành vào để bán sách cho dễ. Thế là, thực tế đã có một thị trường sách “văn mẫu” tung hoành hàng chục năm, thực sự làm hỏng môn văn trong nhà trường, dẫn đến học sinh chán học văn, còn giáo viên dạy văn vô cùng nản chí.

Là một giáo viên dạy ngữ văn THPT hơn 30 năm, tôi cho rằng, “văn mẫu” thực sự là một vấn nạn, nó sẽ làm thui chột năng lực  sáng tạo đọc, viết của học trò. Nhất là làm cho giáo viên phần nào thui chột lòng yêu nghề, chả thế mà Tiến Sĩ Chu Văn Sơn đã từng có hẳn một chuyên đề trên truyền hình để lí giải “tại sao học sinh chán học Văn”. Sau này, tôi đọc báo chí thấy  các công ty tuyển nhân lực thường “kêu ca” rằng sinh viên ra trường chuyên môn thì tạm ổn, nhưng cho trình bày một cái báo cáo, làm một hợp đồng kinh tế, làm thuyết trình… thì lại không làm được. Vì thế công ty phải đào tạo lại từ đầu rất tốn kém, và họ “đổ tội” tại môn Văn trong nhà trường “không dạy cẩn thận”. Tôi không nói điều đó là sai, xong cũng không hoàn toàn đúng hết, vì thực tế trong trường phổ thông, giáo viên chúng tôi vừa dạy văn vừa chống lại văn mẫu một cách tuyệt vọng. Nó là tuyệt vọng, vì thực tế chúng tôi không chống lại được các đầu nậu làm sách.

Tuy nhiên, chương trình sách giáo khoa 2018 đề ra mục tiêu xóa bỏ văn mẫu bằng việc kiểm tra đánh giá. Mà việc kiểm tra đánh giá bắt đầu bằng việc ra đề thi với những ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Về mục đích, yêu cầu thì đó là một hướng mở tích cực và cũng không mới. Hàng chục năm nay, trong đề thi, phần ngữ liệu cho đọc hiểu và nghị luận xã hội đã ở ngoài sách giáo khoa rồi. Nhưng tôi thực sự băn khoăn, vì đã là giáo viên thì ai cũng biết việc ra đề thi, kiểm tra đánh giá liên quan chặt chẽ đến việc dạy và học như thế nào? Tôi cho rằng, hàng chục năm qua, ngành giáo dục làm cải cách giáo dục chưa thực sự hiệu quả, bởi vì chỉ cải tiến hình thức dạy học, tức là cải cách phần ngọn, còn việc ra đề thi vẫn như cũ, tức là cái gốc rễ vấn đề vẫn y như cũ, không có gì thay đổi cả. Bởi vậy, giáo viên chỉ dạy học theo phương pháp mới (cải cách) qua các tiết dạy thanh tra, thi giáo viên giỏi… để trình diễn là chủ yếu, còn lại thì vẫn phải dạy và học theo truyền thống để học sinh còn đi thi đạt điểm cao. Nay ngữ liệu đề thi nằm ngoài sách giáo khoa, đòi hỏi người dạy phải  tích cực đổi mới phương pháp dạy học, cũng như trau dồi và cập nhật kiến thức mới, sẽ là vất vả cho giáo viên dạy văn, nhất là vùng sâu và vùng xa. Việc ngữ liệu đề thi nằm ngoài sách giao khoa, sẽ khiến cho giáo viên phải biết lựa chọn ngữ liệu trong quá trình dạy học, để đưa vào kiểm tra đánh giá cho phù hợp; qua đó rèn luyện năng lực đọc hiểu cho học sinh, để học sinh tự tin bước vào các kỳ...

Xét về lí thuyết là như thế, còn thực tế thì sao? Tôi đã tiếp cận nhiều đề thi những năm gần đây, phần lớn đề thi làm “dậy sóng” cộng đồng mạng bởi cách hỏi ngây ngô và ấu trĩ, có rất ít đề thi được dư luận khen ngợi? Thực tế này đặt ra rât nhiều băn khoăn cho việc chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Tại sao các giám khảo ra đề thi lại thường xuyên lấy ngữ liệu là các mẩu chuyện lược dịch trên Google, trên các sách như Đắc Nhân Tâm, Cửa Sổ Tâm Hồn, Quà Tặng Cuộc Sống…? Tôi không cho rằng các câu chuyện trong những sách nêu trên là không hay, không có ý nghĩa, mà  cái chính là các văn bản đó chủ yếu là lược dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt, thậm chí là dịch bằng phần mềm ứng dụng, cho nên các câu văn diễn đạt ngây ngô cứng nhắc. Các văn bản đó gần như không biểu đạt cảm xúc, không có sự uyển chuyển của tiếng Việt, ít các hình thức nghệ thuật tu từ. Trong khi đó chương trình học môn Văn bắt đầu từ tiểu học đã dạy cho học sinh các biện pháp tu từ trong diễn đạt. Cũng chính vì sự nghèo nàn tính nghệ thuật trong các văn bản chọn ngữ liệu đó mà người ra đề đành phải đặt ra các câu hỏi trong đề thi ngây ngô một cách tức cười. Một giáo sư đầu ngành đã từng nói: không có nội dung thì lấy đâu ra phương pháp? Câu nói đó vận dụng vào đây là chính xác, văn bản nghèo tính nghệ thuật thế thì biết đặt câu hỏi kiểu gì cho ra chất văn?

Vậy tại sao người ra đề thi không sử dụng các đoạn trích trong sách văn học của các nhà văn Việt Nam? Chúng ta là người Việt, đang dạy tiếng Việt cho học sinh, việc chọn ngữ liệu là tác phẩm văn học Việt Nam sẽ phù hợp về văn hóa, về cách tư duy ngôn ngữ Tiếng Việt, hiểu biết về quê hương đất nước Việt Nam, là cách cho học sinh học làm giàu vốn tiếng Việt, tạo sự tự tin trong mọi tình huống giao tiếp. Tôi cho rằng, chỉ cần các bạn giáo viên dạy Văn có ý thức đọc sách là tìm thấy rất nhiều những đoạn văn hay, tôi cho rằng đã là giáo viên dạy Văn thì đều biết thẩm định tác phẩm văn học, sẽ biết chọn ngữ liệu hay cho đề thi. Mà ngữ liệu hay thì sẽ có câu hỏi hay và chất lượng, học sinh làm bài văn cũng rất hào hứng.

Để lộ trình thực hiện việc dùng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, đối với học sinh và phụ huynh chắc chắn sẽ gặp nhiều ý kiến trái chiều. Bởi lẽ đất nước ta có một nền học truyền thống là học thông kim bác cổ những kiến thức của các bậc tiền bối và coi đấy là sự thông tuệ. Học gì thi nấy đã thành nếp từ xa xưa, học thầy và khi làm bài thi nhắc lại lời thầy giảng được coi là người học chăm chỉ chuyên cần rèn đức con người. Vậy bây giờ thay đổi lại, dùng ngữ liệu đề thi ngoài sách giáo khoa có thể bị hiểu là “học một đằng thi một nẻo” không? Tôi nghĩ việc thay đổi lại một cách hoàn toàn, ngược với nếp truyền thống ngàn đời, thì chắc là cũng có khó khăn? Nhưng nếu chúng ta không làm từ bây giờ, để rèn nếp tư duy chủ động tạo ra một thế hệ học sinh năng động nhất, thì có lẽ chúng ta còn phải đi sau thế giới? Còn làm thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất cho việc đổi mới thi cử và đánh giá này là dành cho các nhà soạn sách giáo khoa, các nhà quản lí giáo dục, và nhất là tư duy đổi mới dạy học của hàng triệu giáo viên đang đứng lớp.

Nguồn Văn nghệ số 46/2022

Nhà văn Phan Mai Hương


Có thể bạn quan tâm