May 8, 2024, 10:10 am

BỘ SÁCH KỶ NIỆM 45 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975–30/4/2020)

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2020), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã phối hợp với các tác giả để cho ra mắt bạn đọc bộ sách kỷ niệm gồm 7 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau. Trong đó đặc biệt nổi bật là 4 tác phẩm thuộc thể loại văn học như: Người từ chối vinh quang của nhà văn Nguyễn Ngọc Mộc, Ký ức chiến trường của nhà văn Minh Chuyên, Không thể lãng quên của nhà báo Trần Hoàng Tiến và Ký ức một thời với Tây Nguyên của Ban Liên lạc Mặt trận B3-Quân đoàn 3.  
 

Với Ký ức một thời với Tây Nguyên - Một cuốn sách được thể hiện bằng nhiều thể loại khác nhau như: truyện ngắn, thơ, bút ký, ghi chép… nhưng hầu hết đều ghi lại những kỷ niệm sâu sắc một cách chân thực, tỉ mỉ của những người lính “một thời Tây Nguyên” qua từng trận đánh; tái hiện những năm tháng hào hùng mà vô cùng oanh liệt của quân và dân ta trong chiến dịch giải phóng miền Nam. Ở đó, bạn đọc sẽ được gặp lại những người lính từng trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng Tây Nguyên trong những ngày tháng oanh liệt, với khí thế “Trường Sơn chuyển mình/ Pô Kô dậy sóng”, họ đã mở toang cánh cửa thép phòng ngự quan trọng của địch để tiến thẳng về giải phóng miền Nam. Đặc biệt, những người lính Tây Nguyên kiên cường mà anh dũng ấy cũng chính là những người đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập, húc đổ cánh cổng sắt, bắt sống Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Dương Văn Minh, buộc hắn phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Họ cũng chính là những con người đầu tiên cắm lá giải phóng lên nóc Dinh Độc Lập vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975.

Cũng là những kỷ niệm chiến trường, những trận chiến đấu oanh liệt của những ngày tháng sục sôi khí thế ấy, nhưng ở Ký ức chiến trường - cuốn sách mà nhà văn Minh Chuyên đã hoàn thành bản thảo sau những ngày sống trong không khí “ăn sáng tác, ngủ sáng tác” tại Trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” do Nhà xuất bản QĐND tổ chức tại Nhà sáng tác Đại Lải năm 2018 - người đọc lại bắt gặp những hình ảnh vô cùng xúc động thông qua những trang bút ký thấm đẫm máu và nước mắt với những con người anh hùng mà bất tử, những tâm hồn vừa cao cả vừa thiêng liêng. Điển hình như người chiến sĩ bất khuất 2 lần bị kẻ thù tuyên án tử Nguyễn Đình Chính: “Nguyện vọng tha thiết của anh trước lúc vĩnh biệt cõi đời, anh rất mong được ngắm nhìn chân dung tấm ảnh Bác Hồ lần cuối. Và mong muốn được ai đó chụp một bức ảnh đang ngồi dưới tấm hình của Bác ngay trong khám tử hình”. Và khi “tấm hình Chính nằm nghiêng (vì chân trái tra trong còng sắt) mặc quần cộc, mình trần, khuỷu tay trái chống xuống sàn, tay phải cầm cây viết, đặt trên tờ giấy, cạnh chiếc đèn dầu, đầu ngẩng cao, gương mặt tươi trẻ, mãn nguyện. Bên trên vách hầm chỗ Chính nằm có treo tấm hình bán thân của Bác…” thì anh đã vô cùng sung sướng. “Anh liền trích máu ở các đầu ngón tay, viết một bức thư gửi Hồ Chủ tịch, kín mặt sau tấm ảnh gửi ra ngoài”. Để rồi, khi nhận được tấm ảnh ấy, được nghe câu chuyện về người tử tù “Bác xúc động lắm. Vừa nghe, Bác vừa đưa khăn lên chấm nước mắt và bảo: những người như má Giáo, như chú Chính thật xứng đáng là những người con của thành đồng Tổ quốc”.... Và “Tấm ảnh vô giá này hiện đang được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh”. (Lá huyết thư).

Bên cạnh những trang bút ký mang đậm tính sử thi tự sự ấy, người đọc lại bắt gặp một thiên tiểu thuyết anh hùng bất tử được thể hiện dưới ngòi bút của chính “người trong cuộc” Nguyễn Ngọc Mộc qua câu chuyện đầy bi tráng của những người lính nơi chiến trường miền Đông Nam Bộ năm nào.

Người từ chối vinh quang - câu chuyện mà nhà văn Nguyễn Ngọc Mộc đã cặm cụi suốt 15 ngày tại Trại sáng tác Vũng Tàu năm 2019 do Nhà xuất bản QĐND tổ chức để sửa chữa và hoàn chỉnh. Ngay ở cái tên tiểu thuyết, nhà văn Nguyễn Ngọc Mộc đã tạo ra một ấn tượng vô cùng mới mẻ, gây sự tò mò cho người đọc ngay từ những trang viết đầu tiên. Ông tâm sự: “Đây là câu chuyện viết về những người đồng đội, những con người chiến đấu vô cùng dũng cảm, sẵn sàng nhận những nhiệm vụ khó khăn vất vả nhất, thậm chí họ sẵn sàng hy sinh tất cả, hy sinh cả đứa con bé bỏng của mình để bảo vệ cho đồng đội, bảo vệ cho đơn vị trước họng súng quân thù mà không bao giờ đòi hỏi bất cứ điều gì. Mặc dù không phải là đảng viên nhưng chiến đấu với tinh thần của một chiến sĩ cộng sản, là tấm gương sáng ngời để đồng đội noi theo…”.

Đọc Người từ chối vinh quang, chúng ta sẽ được cảm nhận rõ hơn giá trị của những người anh hùng trong kháng chiến. Dù đó là những trang văn luôn lấp lánh những màu sắc của sự hư cấu thông qua một thể loại ngôn từ đặc biệt. Song, cái giá trị đích thực của nó lại nằm ở chính những con người, những nhân vật, những sự kiện, những chi tiết độc đáo, đó là những trận chiến đấu oanh liệt mà cách đây gần 50 năm tác giả - người trong cuộc đã trực tiếp tham gia, để bây giờ ngẫm lại, dưới con mắt của một nhà văn, với cái nhìn có độ lùi lịch sử, ông đã tái hiện lại tất cả bằng những gì tinh tuý nhất, giá trị nhất và… nhân văn nhất.

Đặc biệt, khác với cách viết của những người từng đi qua chiến tranh, ở Không thể lãng quên, nhà báo Trần Hoàng Tiến - người lính được sinh ra khi đất nước đã hoà bình lại cảm nhận về những tháng năm lịch sử ấy của dân tộc bằng cái nhìn mới mẻ hơn, đa dạng hơn nhưng cũng không kém phần bi tráng và đầy khắc khoải. Với anh: “Chiến tranh đã lùi xa mấy thập kỷ trên dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta nhưng ký ức một thời hoa lửa, hào hùng và bi tráng vẫn luôn được nhắc nhớ, trao truyền. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, có không ít sự kiện, chiến tích, người có công trong cuộc kháng chiến… đến nay vẫn chưa được nhiều người biết đến hoặc vinh danh chưa xứng đáng…”.

Có lẽ, với Trần Hoàng Tiến thì điều làm anh trăn trở nhất chính là “làm thế nào để những câu chuyện lịch sử được nhìn nhận một cách công bằng nhất với giá trị đích thực của nó”. Bởi khi đọc Không thể lãng quên, người đọc luôn bắt gặp một sự khắc khoải, day dứt ẩn sâu trong từng con chữ. Nó vừa như muốn trỗi dậy, lại vừa như đớn đau, tha thiết để làm nhói lên trong trái tim mỗi người chúng ta hôm nay khi nhìn lại những mất mát năm xưa. Đó phải chăng là lời nhắn nhủ mà nhà báo Trần Hoàng Tiến muốn nhắc nhở thế hệ hôm nay không được phép lãng quên những giá trị của lịch sử! Như lời nói bất hủ mà người Anh hùng - Liệt sĩ Vũ Xuân đã từng ghi trong những trang nhật ký trước khi anh ngã xuống ở chiến trường miền Tây Nam Bộ: “Tôi chỉ muốn một câu nói được vang lên bên tai thế hệ sau là: Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước.

Ngoài ra, bộ sách còn có 3 cuốn là sự hội tụ của những trận đánh oanh liệt năm xưa là: Phong trào đấu tranh chính trị ở Sài Gòn-Gia Định (1969-1975) của Tiến sĩ Lê Quý Thi và 2 tập của cuốn sách Một số trận đánh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) được các tác giả Nguyễn Văn Thanh, Lê Văn Thanh sưu tầm, biên soạn.


Có thể bạn quan tâm