April 26, 2024, 1:18 pm

Bỏ biên chế suốt đời và câu chuyện của nhà quản lý

 

  • Luật Viên chức số 58/2010/QH12 được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 15-11-2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2012, tính đến nay đã được hơn 6 năm. Tuy nhiên, những bất cập của Luật viên chức đã bộc lộ, và mới đây, Bộ Nội vụ đã và đang lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức, trong đó điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật chính là sẽ loại bỏ tư tưởng “viên chức suốt đời”, nhằm thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, "có vào, có ra", quyền lợi đi đôi với trách nhiệm….Cơ cấu viên chức chưa hợp lý, năng suất lao động thấp
  • Mục tiêu của Chính phủ hướng tới giảm mỗi năm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước và đến năm 2030 chỉ còn biên chế phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu

 

Có vào, có ra

Trên thực tế, sau 6 năm triển khai Luật viên chức, điều nhận thấy trước tiên trong quản lý hành chính, chính là Luật đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác xây dựng, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước đối với đội ngũ viên chức, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước. Căn cứ quy định của Luật Viên chức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 30 văn bản; các bộ, ngành ban hành hơn 90 văn bản liên quan để hoàn thiện thể chế quản lý viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Trên tinh thần đó, bộ máy quản lý nhà nước và tại các cơ sở công lập đã thể hiện rất rõ tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, đề cao trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Điều mà trước khi có Luật viên chức vẫn là vấn đề nan giải. Thực tiễn cho thấy, đây là bước đi quan trọng để đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thực hiện hạch toán độc lập, tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng điều hành các đơn vị sự nghiệp công lập.

Hiện nay, số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước khoảng trên 2 triệu người. Song, hiệu quả công việc được đánh giá không cao do có tới 1/3 số công chức, việc chức sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về khiến cho hình ảnh về các đơn vị sự nghiệp công lập ít nhiều méo mó. Và cũng từ con số 1/3 công chức nói trên nhiều chuyên gia kinh tế đã không ngần ngại chỉ ra rằng, đó chính là tham nhũng – tham nhũng thời gian và nguy hại hơn, trong một chừng mực nhất định sự tham nhũng này đã để lại cho xã hội những hậu quả khôn lường thể hiện ở việc ở sự thờ ơ, vô trách nhiệm và hành xử theo kiểu “ban ơn”, cửa quyền tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong lần sửa đổi, bổ sung này, Bộ Nội vụ đề xuất đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trên 3 lĩnh vực: Về chuyên môn, nghiệp vụ; về số lượng người làm việc, vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; về áp dụng khoa học, kỹ thuật. Để đạt được yêu cầu này cần tách bạch giữa cán bộ, công chức và viên chức, theo đó không tiếp tục quy định đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập là công chức (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước).

Quy định về hình thức hợp đồng làm việc phù hợp với viên chức; đồng thời cải tiến các quy định về chế độ tập sự, quyền, nghĩa vụ của viên chức trên cơ sở bảo đảm bình đẳng giữa người lao động và người sử dụng lao động, loại bỏ tư tưởng “viên chức suốt đời”, thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, “có vào, có ra”, quyền lợi đi đôi với trách nhiệm...

 

Xóa bỏ viên chức suốt đời

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015; đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; đến năm 2030 chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025.

Song thực tiễn cho thấy, phải tính toán thế nào để có thể giải phóng khỏi bộ máy những người không làm việc được, những người kém phẩm chất, để bố trí những nhân lực mới có tài, có đức. Về mặt lý thuyết là như vậy, nhưng trong thực tiễn, giải bài toán này không dễ.

Liên tiếp trong các năm 2016,2017 và 2018 ngành Giáo dục & Đào tạo là một trong những ngành thực hiện tinh, giản đội ngũ cán bộ, viên chức khá quyết liệt. Nhiều tỉnh, thành phố đã đưa ra khỏi ngành một lượng lớn giáo viên hợp đồng. Chưa bàn đến năng lực giảng dạy, hợp đồng được ký với cơ quan quản lý lao động địa phương thế nào nhưng với những diễn biến tại các đợt thanh lý hợp đồng lao động tại nhiều địa phương gần đây cho thấy đã và đang tồn tại tâm lý tinh giảm bằng mọi cách để chạy theo chỉ tiêu. Và hậu quả là những lá đơn, thư đẫm nước mắt của những người trong cuộc đã được gửi tới các cơ quan chức năng trong đó có cả những cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng, Nhà nước. Truy xuất những lá thư đó thấy rõ hiện tượng tham nhũng quyền lực tại các đơn vị tuyển dụng lao động và vì sức ép của tinh giản biên chế, những thầy cô giáo cực chẳng đã trở thành nạn nhân của lòng tham của lợi ích nhóm.

Không riêng ngành giáo dục, thực tế tại nhiều đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay đã và đang có tình trạng cán bộ, viên chức không đảm đương được công việc, lãnh đạo không dám giao việc cho họ nhưng họ cũng không vi phạm kỷ luật nên cơ quan khó xử lý. Để khắc phục tình trạng này việc Bộ Nội vụ đề xuất tiến tới xóa bỏ viên chức suốt đời trong một chừng mực nhất định có thể chấp nhận được. Trước mắt sẽ tập trung vào khối văn phòng, để có dư địa để tuyển dụng người giỏi thay thế. Song làm thế nào để công tâm để loại khỏi bộ máy những người kém tài, kém đức mà không sợ “ném đá vỡ bình” bởi mối quan hệ “4T” bất thành văn đã tồn tại và chi phối trong xã hội lâu nay là một câu hỏi khó. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được, thực tế đã cho thấy công tác chống tham nhũng đã không tồn tại vùng cấm, không có chỗ cho “hạ cánh an toàn” và lò đã cháy thì củi tươi cũng không thể không cháy.


Có thể bạn quan tâm