April 26, 2024, 1:37 pm

Bi kịch đời người, đời văn

 

Ngay từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên trình làng, Tưởng tượng và đấu vết, Uông Triều đã nhập cuộc bằng một lối viết lạ và ảo với những câu chuyện nửa hư nửa thực trong một không gian nhuốm màu huyền thoại và những nhân vật dị kỳ. Tiếp sau Sương mù tháng Giêng, Người mê, cuốn tiểu thuyết thứ 4 - Cô độc là một cuộc phiêu lưu mới của tác giả - vẫn lạ và ảo nhưng có phần dữ dội và ám ảnh hơn, dẫn dụ người đọc vào một thế giới vừa lãng mạn, thơ mộng vừa kì dị, u uẩn.

Viết về con người cô độc và thân phận lạc loài là một hiện tượng khá phổ biến trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Đây là kiểu nhân vật có ý nghĩa đối thoại với kiểu nhân vật hành động, đầy lý tưởng và ý chí trong văn học giai đoạn trước đây. Từ Tưởng tượng và dấu vết, đến Người mêCô độc, Uông Triều dường như tiếp nối dòng mạch ấy bằng cách đào sâu vào nỗi cô độc của con người và tập trung khám phá con người tự ý thức về thân phận lạc loài của chính nó. Toàn bộ câu chuyện với hai tuyến nhân vật riêng và những mối quan hệ lỏng lẻo, những ký ức chập chờn đứt nối, không hòa nhập với đời sống hiện tại, không tìm được chốn nương náu cho tâm hồn, cuối cùng nhân vật đã tự tìm cách kết thúc cuộc sống. Với Cô độc, Uông Triều dấn sâu thêm một bước nữa trong hành trình khám phá con người đương đại ở những tầng ngầm sâu thẳm nhất.

Trong cuốn tiểu thuyết này, Uông Triều tạo dựng kết cấu song song, tưởng chừng đơn giản nhưng không dễ tiếp nhận bởi sự mơ hồ của thế giới nhân vật và sự dày đặc những ám ảnh mang tính biểu tượng. Cuốn sách được chia thành các phần được đánh số từ 1 đến 60 với hai tuyến truyện: tuyến số lẻ về nhân vật Ba, tuyến số chẵn về nhân vật B. Cả hai đều là biên tập viên, đắm chìm trong thế giới của sách, rượu, đàn bà và đơn độc trong thế giới tâm tư của riêng mình… Cả hai nhân vật chính này dù xuất hiện luân phiên đều đặn trong các tình huống đời thường nhưng cũng như hầu hết các nhân vật khác trong tác phẩm, có xu hướng bị mờ hóa, trở thành ảo ảnh. Hai cô gái xuất hiện thường xuyên nhất trong hai tuyến truyện: Ngọc và Cầm, một ở cùng cơ quan B, ngay bên cạnh và tiếp xúc hàng ngày với B., một trở đi trở lại trong ký ức của Ba với bản thảo ấn tượng kia, đều mờ tỏ như không thực, đôi khi tan lẫn vào nhau. Và không chỉ hai nhân vật nữ này, có nhiều những cô gái khác không tên, có khi chỉ xuất hiện một lần trong hồi ức của nhân vật cũng đều bí ẩn, lạ lùng, thậm chí kỳ quặc và dễ bị nhầm lẫn với nhau... Với cách mờ hóa nhân vật như vậy, các nhân vật như hiện ra trong chiếc đèn kéo quân, không gian truyện trở nên bảng lảng nhuốm màu huyền thoại, không dễ nắm bắt, người đọc có thể tùy ý phán đoán và tạo ra lời giải của riêng mình. Cách viết như vậy có vẻ gây hấn với những người đọc thích lối tiểu thuyết truyền thống mà không phù hợp với người đọc thụ động tuân theo sự dẫn dắt của tác giả. Các nhân vật trong truyện hầu như không có kết nối chặt chẽ với nhau, tồn tại trong những mối quan hệ hờ hững, hai tuyến nhân vật của Ba và B cũng không có liên hệ rõ rệt, những nhân vật xuất hiện thoáng qua và biến mất, không gian liên tục được nới mở (căn phòng làm việc, tòa biệt thự, ngôi nhà bìa rừng, hồ nước, khách sạn bên biển…) càng làm nổi rõ trạng thái cô độc. Trong văn học đương đại, sự đan xen thực - ảo và xu hướng “ảo hóa” câu chuyện không còn là điều quá mới mẻ nhưng cái kỳ ảo trong tác phẩm của Uông Triều hiện diện một cách tự nhiên, không bị chia tách mà như chính là một thực tại, thấm nhuyễn trong không gian, thời gian và con người tạo nên hiệu quả thẩm mỹ. 

Cô độc là bi kịch của con người lựa chọn tách mình riêng ra khỏi thế giới. Đó cũng là bi kịch của con người suốt đời đi tìm tình yêu và bản thảo toàn bích nhưng vô vọng. Một sợi dây mơ hồ nối giữa hai tuyến truyện song hành là “bản thảo đặc biệt” - cũng chính là cái cớ để hút người đọc vào câu chuyện của cả nhân vật Ba và B… Kể câu chuyện về nghề biên tập cũng là cái cớ để nhân vật bộc lộ quan niệm về văn chương, nghệ thuật. Sự xuất hiện của bản thảo đặc biệt khiến cho người biên tập trở nên xao động, suy tư, đó là lý do khiến Ba trở nên gắn bó với Cầm hơn và không ngừng nghĩ về cô khi nhận lại bản thảo đã mất từ nhiều năm trước, nhưng chi tiết ấy gợi nhắc tới người đọc tri âm biết nhận ra chân giá trị của văn chương…

Viết về sự cô độc của những nhân vật làm nghề liên quan đến chữ nghĩa giúp Uông Triều có nhiều có hội hơn để bày tỏ quan điểm nghệ thuật của người viết lách. Mặc dù có thể thấy khá rõ sự ảnh hưởng của xu hướng “đô thị hóa” khi viết về cô độc luôn gắn với rượu, đàn bà và sách, Uông Triều đã nỗ lực tạo nên dấu ấn riêng của mình bằng những kí hiệu nghệ thuật… Sự dày đặc những hình ảnh như là kí hiệu mang tính biểu tượng tạo nên những điểm nhấn cho Cô độc. Hình ảnh thác nước, tiếng lóc bóc trong căn phòng làm việc, núi, hồ nước, hay những loài vật như bướm, sóc và kiến trở đi trở lại nhiều lần trong tiểu thuyết, gắn với những tâm trạng và tình huống khác nhau của các nhân vật. Ký ức về cô gái tên Cầm và đêm ái ân hạnh phúc trong căn nhà trọ bìa rừng ngập tràn cánh bướm của Ba như một sự đối lập với chiếc bóng cô độc, u uất trong những mối quan hệ hờ hững mà đầy mưu toan ghê sợ, nơi tòa biệt thự cổ thấp thoáng bóng con sóc của B. Ngòi bút nhà văn khá tinh tế khi lách sâu vào từng trạng thái tâm lý nhân vật cùng rất nhiều cung bậc cảm xúc được gọi tên. Cô độc trong thế giới loài người, nhân vật tìm đến và đối diện với thế giới của thiên nhiên, loài vật để cảm nhận rõ hơn chính mình... Gắn với câu chuyện về nghề biên tập là hàng loạt những kí hiệu đa nghĩa: cuốn sách bí mật của người thầy giáo, những bản thảo bị giam cầm, nhà kho của nhà xuất bản, tiếng cuốc chim đào hang trong căn phòng người bảo vệ nhà xuất bản,… Phía sau đó có thể là những ẩn ức, ám ảnh và những tầng nghĩa không dễ để giải mã và đó có lẽ cũng chính là thách thức mà Uông Triều muốn dành cho độc giả.

Một điều hấp dẫn và thách thức độc giả không kém, đó chính là yếu tố tự truyện trong tiểu thuyết, từ cách đặt tên nhân vật B và Ba, đến nghề nghiệp và yếu tố đời tư tác giả, thậm chí cả không gian gắn với nơi làm việc của tác giả,… tất cả những dấu vết tiểu sử tác giả được cài cắm, “tung hỏa mù” khiến cho không ít người đọc vừa nghi ngờ, hoang mang vừa tò mò, háo hức.

Nguồn Văn nghệ số 08/2020


Có thể bạn quan tâm