April 27, 2024, 9:25 am

Bảo vệ quyền tác giả những điều trăn trở


ĐỖ HÀN

Những ngày gần đây văn đàn Việt Nam đang nóng lên bởi những chuyện đạo văn, đạo thơ của một số nhà thơ, nhà văn. Nó là sự nối tiếp của các câu chuyện lấy văn làm tuyển tập, lấy thơ phổ nhạc, lấy luận văn làm bài tốt nghiệp, lấy công trình nghiên cứu để được phong học hàm, học vị… Ở đây chúng tôi chỉ nói riêng trong lĩnh vực văn chương. Có bạn đọc buốt lòng  nhận xét đầy cay đắng rằng đây là thời kỳ mạt của văn chương, có những bạn đọc tâm huyết chia sẻ: Văn chương là lĩnh vực thiêng liêng, đem đến cho loài người cái chân, thiện, mỹ mà lại xảy ra những chuyện ăn cắp của nhau, thật là đáng buồn!
Bình tĩnh nhìn lại chúng ta có thể thấy môi trường quyền tác giả của văn chương (nói riêng) và của các lĩnh vực khác (nói chung) đang bị ô nhiễm một cách nặng nề. Theo các chuyên gia về bảo vệ bản quyền ở nước ngoài cũng như ở Việt Nam thì sự xâm hại về bản quyền ở các lĩnh vực in ấn xuất bản truyền thống (sách, báo, đĩa, băng...) chiếm đến 30-40% các loại ấn phẩm đã có, đối với mạng internet phải đến trên 90% các ấn phẩm văn chương và học thuât. Nhiều tác phẩm văn chương, điện ảnh, âm nhạc, hội họa, công trình nghiên cứu, luận văn, luận án... đang bị lấy cắp (đạo) một cách trắng trợn và có chiều hướng không thể quản lý nổi. Cái đáng bàn ở đây là sự ăn cắp (đạo) diễn ra không phải ở những người ít học hoặc có những hoàn cảnh đặc biệt (như ở ăn cắp vật chất) mà là sự ăn cắp của những người có học, có mục đích riêng, hòng để lại danh tiếng và lợi nhuận cao theo danh tiếng đó!!!

Vấn đề ở đây là tại sao các cuộc đạo văn, đạo thơ, đạo học thuật cứ rộ lên rồi sau đó chìm vào quên lãng?

Chúng ta phải thẳng thắn nhận rõ rằng đó là việc ăn cắp xảy ra như một thói quen, như một nếp sống mà người vi phạm coi là bình thường, người mất cắp thì cũng không lấy đó làm xót xa. Phải chăng đó là lối sống tiểu nông của một nền nông nghiệp lạc hậu - quen sự nhặt nhạnh, ky cóp, coi của người khác như của mình, khi mà người ta không nhìn thấy sự vi phạm thì nghiễm nhiên coi hành vi ăn cắp như một việc tất yếu?. Đó cũng là ảnh hưởng của lối sống của một thời bao cấp quen xài của chùa, quen xài của người khác mà không cần biết thái độ của người đó như thế nào, không cần biết ảnh hưởng việc làm của mình ra sao.

Mặt khác, sự chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện về mặt pháp luật để xử lý những vi phạm vô tình đã đẩy con người có ý đồ ăn cắp mạnh bạo hơn. Thậm chí pháp luật của chúng ta vì chưa hoàn thiện, đôi khi còn tạo ra sự kích thích cho chuyện đạo văn. Vừa rồi Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) đấu tranh miệt mài, kiên quyết để đòi tiền bản quyền cho các tác giả có tác phẩm văn học in ở sách giáo khoa Tiếng Việt và Ngữ văn từ lớp 1 đến lớp 12 hiện hành. Pháp luật quy định, cho phép VLCC chỉ đòi tiền bản quyền đối với những tác giả đã ủy nhiệm cho VLCC. Chính vì vậy, gần 600 tác giả có tên trong sách Ngữ Văn và Tiếng Việt, trừ đi 200 nhà văn đã mất quá 50 năm thì bản quyền thuộc về sở hữu chung của xã hội, còn 400 nhà văn chỉ có 111 người ủy quyền cho VLCC và VLCC đã đòi được tác quyền cho 111 tác giả này. Như vậy sẽ là bất công đối với gần 300 nhà văn, nhà thơ khác, họ có quyền hưởng bản quyền mà pháp luật đặt họ ra ngoài.  Hai nữa khi quyền photo, sao chụp đối với các tác phẩm của các nhà văn là quyền của cá nhân tác giả được thỏa thuận đối với người sử dụng, thì pháp luật lại quy định những bảng giá áp vào cho những người sử dụng tác phẩm. Như vậy vô hình chung đã đánh mất quyền thỏa thuận được quyết định của những tác giả có tác phẩm của mình. Còn nhiều những chi tiết khác nữa cho thấy rằng pháp luật của chúng ta chưa phổ quát và chưa phù hợp với thực tế.

Đương nhiên khi sáng tạo văn học nghệ thuật, lương tâm của nhà văn, lương tâm của người nghệ sĩ phải được coi là  tối thượng trong việc sáng tạo ra đứa con tinh thần của mình và cũng phải có trách nhiệm chăm lo, nuôi dưỡng, bảo vệ cho đứa con tinh thần ấy. Lương tâm ấy sẽ ngăn chặn sự đạo văn và cũng có thái độ kiên quyết, quyết liệt bảo vệ văn của mình. Nhưng môi trường xã hội cũng phải tạo cho tác giả có điều kiện,  có cơ sở pháp lý để bảo vệ đứa con tinh thần của mình không bị xâm phạm.

Vì những lẽ trên, trước tình hình hiện nay, chúng tôi thấy rằng để bảo vệ quyền tác giả, chống việc đạo văn và việc sử dụng văn vào các mục tiêu chung ở Việt Nam thì phải tiến hành đồng bộ 4 yếu tố sau:

1. Tác giả (chủ thể) – người cha của những tác phẩm phải có trách nhiệm trước đứa con tinh thần của mình, phải kiên quyết bảo vệ khi bị vi phạm, phải quyết liệt khi bị vi phạm, tránh tình trạng xuề xòa, cảm  tính cho qua những việc người khác sử dụng tác phẩm của mình một cách vô lý, phi pháp. Cụ thể, khi có tác phẩm được in ra nên đăng ký ngay với Cục Bản quyền (như một giấy khai sinh cho đứa con tinh thần) và phải sớm ủy nhiệm cho các cơ quan bảo vệ cho tác phẩm đó (như ủy nhiệm cho VLCC chẳng hạn) - một cách để đăng ký bảo hiểm cho đứa con của mình. Có như vậy thì khi xảy ra những vấn đề đáng tiếc như người khác – tập thể hoặc cá nhân sử dụng tác phẩm đã đăng ký và ủy nhiệm bảo vệ, sẽ được các cơ quan có trách nhiệm, có tư cách pháp nhân bảo vệ tác phẩm đó.

2. Đối với người sử dụng các tác phẩm văn học dù với mục đích cho cá nhân hay cho đại chúng thì luôn luôn phải có ý thức thực hiện luật sở hữu trí tuệ. Đó là phải xin phép tác giả (hoặc đại diện tác giả), khi sử dụng có cắt xén, chỉnh sửa hoặc làm tác phẩm phát sinh... thì phải được sự đồng ý của tác giả, và cuối cùng là phải trả tác quyền (ta thường gọi là tiền nhuận bút cho tác giả). Điều này phải trở thành một thói quen, một nếp sống thể hiện sự văn minh của một xã hội văn minh.

3. Đối với độc giả, phải vươn lên trở thành những độc giả thông minh, có trình độ, có ý thức để vừa thưởng thức tác phẩm hay, vừa phát hiện ra những tác phẩm giả, hoặc những tác phẩm bị ăn cắp. Có thái độ lên án, tẩy chay với những tác giả có hành động phạm pháp, đồng thời có hành động tố cáo các cơ quan chức năng khi phát hiện sự đạo văn. Dư luận của bạn đọc nuôi sống tác phẩm văn chương.

4. Về pháp luật, các nhà soạn luật sớm đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để ban hành những quy định chặt chẽ và đầy đủ về vấn đề bản quyền. Có chế tài để xử lý nghiêm minh việc vi phạm bản quyền. Ở các nước phát triển, những người vi phạm bản quyền có thể bị xử như: Sinh viên bị đuổi học; giáo sư, tiến sĩ bị tước danh hiệu, học hàm; nhà văn, nhà thơ thì bị cấm in và phát hành tác phẩm trong một số năm nhất định, thậm chí bị xử lý hình sự. Ở nước ta điều này cần sớm được luật hóa. Pháp luật giúp tác phẩm văn chương sống khỏe mạnh và lành lặn.

Có như vậy thì Việt Nam chúng ta mới có thể hòa nhập được với sự phát triển chung của thế giới, nhất là khi chúng ta ra nhập WTO và TPP. Bởi vì nếu không kịp chuyển mình, chúng ta sẽ trở nên lạc hậu đối với các đối tác khác trên thế giới. Chỉ riêng việc bảo vệ quyền tác giả thôi, chúng ta sẽ bị xử lý mà không kịp trở tay.

Những trăn trở của chúng tôi trước sự vi phạm bản quyền đang nóng bỏng ở Việt Nam. Xin được chia sẻ cùng bạn đọc.

Nguồn Văn nghệ số 44/2015


Có thể bạn quan tâm