April 26, 2024, 3:34 pm

Báo và thơ và sách…

 

Nó là thế này. Lâu nay thiên hạ nói thơ rẻ rúng quá, nào là thơ bán mớ, nào là mấy ông làm thơ là vì... không biết làm gì, nào là thơ như ngáo, hết “ngạo nghễ” lại “ngủ đi” vân vân. Thế nên tôi đã hết sức ngạc nhiên và hồi hộp theo dõi quá trình làm tập thơ Biển bắt đầu từ sóng của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh…

Có lẽ nhờ cái sự trọng thị thơ, ân cần tử tế với thơ, tinh tế tận tụy với thơ, mà gần chục năm này, ông Nguyễn Ngọc Hạnh được hai tờ báo ở Đà Nẵng là báo Đà Nẵng, cơ quan của thành ủy Đà Nẵng, và báo Công an Đà Nẵng, trực thuộc Công an Đà Nẵng, mời giữ trang thơ cuối tuần cho họ. Việc mời một nhà thơ không Đảng viên mần việc ấy cho báo đảng và báo Công an đã oách, nhưng oách hơn là bác ấy toàn quyền chọn thơ, miễn là đừng phạm các điều cấm là: dở, nịnh, thô và chửi lung tung...

Lại nghĩ thương một số tờ tạp chí/ báo văn nghệ địa phương, chọn tác phẩm theo kiểu: bài này (thơ/ truyện) có viết gì cho tỉnh không, có chữ nào nhắc tới tỉnh không, có thì mới in. Luôn luôn chỉ đạo là tác phẩm phải ca ngợi, phải tuyên truyền cho tỉnh..., nó rất thô và không thuyết phục. Đây thơ trên báo Đà Nẵng mà thấy bóng dáng Đà Nẵng rất ít, thảng hoặc, và nó cũng rất... thơ, chứ không phải kiểu điểm danh, liệt kê cho có, hoặc ca ngợi sống sượng, kiểu tuyên truyền cổ động sống sít thua cả thơ ca hò vè... Cái ô thơ ấy nó rộng rãi, nó trang trọng, nó in màu, nó có ảnh tác giả, có lời giới thiệu của Nguyễn Ngọc Hạnh, và thường là chùm 3 bài trở lên, nó hiện rõ chân dung tác giả từ chùm 3 bài ấy. Việc ấy nó phải từ hai phía. Một Ban biên tập có tầm, đánh giá đúng thơ, dành cho nó góc sang trọng, rộng rãi, thảnh thơi, in thơ như in báu vật, thì tự nhiên thơ nó oách lên, tác giả và bạn đọc sang theo, và tất nhiên là báo sang. Và cái anh nhận làm trang thơ ấy, nó bắt buộc, ngoài khả năng của mình, thì anh phải bộc lộ hết trách nhiệm, tài hoa, cảm xúc để mỗi tuần là một trang thơ khác, một niềm cảm hứng khác. Mỗi trang thơ như thế đều kèm sapo, món mà theo tôi nó đầy chất văn hóa. Giờ nhiều tờ làm rồi, chứ ngày xưa, tôi nhớ người đầu tiên làm là nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo làm từ hồi tạp chí Cửa Việt, nhưng không phải ai cũng làm được, bởi để có cái sapo ấy anh phải đọc kỹ thơ, và tác giả, và những gì xung quanh đấy, phải có cách viết hoạt, dẫn dụ bạn đọc, tóm lại là, nhiều khi người ta chỉ đọc sapo chứ không đọc tác phẩm, hoặc đọc tác phẩm vì sapo. Và người viết sapo vì thế phải tài hoa...

Ông Hạnh đã giữ trang cho 2 tờ báo rất “khô” ấy, biến nó phải “ướt”, phải là thơ thứ thiệt mới đăng. Ngoài chuyện quan hệ rộng, nó đòi hỏi người làm phải tận tụy, phải trân trọng thơ người khác, dù mình cũng là nhà thơ, dù văn mình vợ người. Thơ báo đảng với báo Công an mà nó không thời vụ, không nhân dịp, không chào mừng, không tuyên truyền sống sượng, không nhân ngày này ngày kia, không địa phương hóa ngành nghề hóa..., mà nó là thơ, thế đã. Và khi nó in từng chùm thì tư thế thơ nó khác, nó xum xuê, nó hừng hực, nó rưng rưng, nó miên cảm, nó liên tầng, nó thỏa thuê...

Giờ ông tập hợp từ những chùm thơ trên báo ấy, chọn 108 tác giả, mỗi vị 4 bài, kèm một trang tiểu sử, ảnh và “tuyên ngôn thơ”, in thành tập dày 510 trang khổ 16X24, nặng trịch, nhưng liếc qua là thấy nó đáng đọc. Thơ, tất nhiên. Nhưng nếu anh không thích thơ. Thì đọc tiểu sử tác giả. A thằng cha kia đọc nó lâu nay, giờ mới biết nó quê ở đấy, và nó kém mình 5 tuổi. Và nó đang làm/ từng làm việc này việc kia. À mà trông cái ảnh nó cũng duyên phết. Thế là cắm mũi vào đọc thôi. Tôi cũng tự hào là đọc nhiều, bạn thơ nhiều, nhưng vừa liếc qua, có những ông mới nghe tên chứ chưa đọc, có những bà đọc rồi, biết tên tuổi rồi, nhưng giờ mới... thấy mặt. Chết chết, xinh đến thế thảo nào mà... thơ hay. Lại có những người không nghĩ là họ mần thơ, thế nhưng họ cứ mần, và thơ hay, mần chi nhau. Thế tức là gì, là nó bất ngờ. Phàm là sách mà gây cho ta bất ngờ thì phải đọc thôi.

Nhớ có lần nhà thơ Vũ Quần Phương nói chuyện với chúng tôi ở một trại sáng tác, là ngày xưa trên đài Tiếng Nói Việt Nam có mục “Tiếng thơ”, nó là món ngon thượng thặng thời ấy. Ông Cục trưởng Giao thông Nguyễn Tạo (tôi nhớ không chính xác tên cái ông cũng rất nổi tiếng này) rất mê mục này dù thời chiến tranh rất nhiều việc. Chiều ấy ổng hỏi thư ký: Tối nay “Tiếng thơ” có gì? Dạ, Trần Thị Tuyết ngâm thơ Tố Hữu ạ. Thồi thế thì tao đi ngủ? Ơ sao thế ạ. Thì Trần Thị Tuyết mà ngâm thơ Tố Hữu đương nhiên là hay rồi, biết hay rồi thì tao ngủ mai làm sớm.

Và tôi phát hiện một điều nữa, rất nhiều người thơ hay được chọn vào đây đã đành. Nhiều người nữa, lâu nay cứ nghĩ họ là nhà báo, nhà giáo, là này là kia thôi, làm thơ lớt chớt cho vui, ai dè vào tập này, đọc thấy thơ họ hay đến... đoan trang. Ví dụ như đây là thơ ông trưởng phòng Thời sự VTV8 Hồ Thái: “Trong veo ấy hãy lăn đừng tiếc rẻ/ mặt đất tròn đâu dễ được đứng yên/ hãy cứ nghĩ mình như giọt lệ/ vòng nữa thôi sẽ đến môi cười”. Hay đây là thơ ông Phạm Phát, tôi nghe nhiều đến ông ấy là nhà cách mạng năm nay 87 tuổi: “Một bát mì/ Một nén hương/ Một tôi đau điếng/ Chợt thấy đôi dép đặt cạnh quan tài/ Bưng mặt, nấc không thành tiếng”- Bài thơ này tưởng nhớ đại tá Khương Thế Hưng, con trai nhà thơ Khương Hữu Dụng, và là nhân vật trong “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Đây là thơ ông nhà báo Nguyễn Đình Xê của báo Người Lao Động: “Dòng sông ấy mãi xanh trong ký ức/ Cánh chuồn bay chở nắng ngược lưng đồi/ Có đứa trẻ đứng trên bờ bến vực/ Bói cá ơi, mi bay tận đâu rồi?”...

Các nhà thơ thành danh trong tập rất nhiều, những là Vương Trọng, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Thụy Kha, Ngô Minh, Nguyễn Trọng Tạo, Mai Văn Phấn, Đinh Thị Thu Vân, Thanh Thảo, Trần Quang Quý, Mai Thìn, Dương Kỳ Anh, Lữ Mai, Trần Tuấn, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Trọng Hoàn, Hoàng Vũ Thuật, Thái Thăng Long, Nguyễn Việt Chiến, Thanh Quế, Phan Huyền Thư, Đinh Thị Như Thúy..., những cái tên làm nên sức nặng của tập thơ.

Thông tin từ nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh là, ông bỏ ra 60 triệu tiền túi để in tập thơ này. Và hiện nay, sách đã bán gần hết sau khi đã gửi EMS cho tất cả các tác giả có mặt (Gửi EMS đắt hơn gửi thường rất nhiều, nhất là tập thơ này lại vừa to vừa dày. Nhưng sợ mất, vả nữa cũng muốn sách nhanh đến tác giả nên anh quyết... chi bạo). In thơ thời này là cuộc chơi dũng cảm, bởi rất nhiều người đã... ôm đầu máu, nợ đầm đìa. Nhưng ông Hạnh không ngán, bởi nó là tâm huyết suốt đời của thi nhân xứ Quảng này. Ông vừa nhắn nửa đùa nửa thật: Có khi phải nối bản đấy, sách hết rồi.

Thơ mà nối bản được, ơn giời, đến thời thi ca lên ngôi chăng?

Nguồn Văn nghệ số 22/2020


Có thể bạn quan tâm