April 27, 2024, 5:10 am

Bánh quê, ký ức ngày Xuân

Tôi gọi quê tôi là “Quê lúa”. Đó là một vùng quê heo hút thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Địa hình nằm giữa thung lũng Đồng Tháp Mười, mùa lũ về là trắng trời trắng đất, mênh mang một màu nước đục ngầu phù sa. Trên trời, dưới nước, nên cây trái toàn trồng những loại chịu nước, hầu như quanh năm chỉ bát ngát xanh một màu lúa, được trồng theo thời vụ, tránh mùa nước lũ.

Cuộc sống người dân chịu ảnh hưởng của địa lý, thời tiết và văn hóa miệt lúa nước nên cách ăn ở, nói năng và cách ăn Tết cũng khác người. Từ bánh trái cho tới thức ăn ngày Tết đều chế tạo từ gạo, nếp, cá, tôm... mà nông dân luôn trồng nuôi, có sẵn trong nhà.

Phần nhiều các loại thức ăn, bánh trái cô bác làm ra thường vật liệu làm từ lúa gạo và làm có tính cách cộng đồng. Chẵng hạn bánh xèo, bánh bèo, bánh tráng, bánh phồng, bánh ít, bánh tét, bánh qui, bánh dừa, bánh cúng, bánh phục linh, bánh lá mít, bánh lọt, bánh thuẫn... đều được làm tập thể nhiều người.

Ngày Tết, những món bánh mà bà nội trợ nào cũng thường thủ sẵn là bánh phồng, bánh tráng, bánh ít, bánh tét. Những loại bánh này ba ngày Tết gia đình hay bạn bè tới chơi rất tiện khi mang ra ăn. Bánh tráng cuốn với rau sống, cá lóc nướng trui hoặc tôm càng nướng rất ngon miệng, bánh phồng ăn với mứt chuối thật ngọt ngào. Bánh tét ăn với thịt kho, dưa món. Những loại bánh quê quen thuộc đã đi vào ký ức tôi từ thuở ấu thơ. Các loại bánh này khi làm đòi hỏi sức mạnh, sự khéo tay và thường làm tập thể. Bánh phồng nếp, bánh phồng mì phải có trai tráng loại lực điền quết bột nếp hay quết mì đã nấu chín, những loại bột này dẻo nhẹo, nặng trịch khiến người quết cần có sức mạnh mới đưa nổi cái chày. Mồ hôi mồ kê đổ ra như tắm, người ngồi vùa bột cũng phải có “tay nghề”, phải đưa tay vùa bột sao cho đúng lúc, đúng kiểu. Nếu lơ là một chút, xơ xểnh một chút thì cái bàn tay có thể bị quết chung với bột như chơi. Mệt mà vui, công việc đã quen nên mọi người vẫn vừa làm vừa cười nói hồn nhiên như không hề biết mệt mỏi là gì. Chính những công việc nấu nướng, làm bánh trái này là cơ hội sum họp gia đình và gặp gỡ với xóm giềng. Mọi người thảnh thơi, cùng nhau đàm đạo chuyện ruộng nương, chuyện khí hậu, chuyện trên trời dưới đất.

Gia đình tôi, lúc Nội còn sống, Nội rất thích gói bánh ít. Bánh này mỗi lần gói thì phải gói nhiều cái ăn mới “đủ đô”, vậy mà không hiểu sao lại gọi là bánh ít. Có người nói tại nó giống hình con ếch ngồi nên gọi trại ra như vậy. Bà Nội còn thích làm loại bánh khác cũng na ná bánh ít mà ít tốn công, tốn lá hơn là bánh qui. Bánh này ăn gọn gàng hơn, làm rất nhanh, ăn ngon không thua gì bánh ít. Tôi hỏi Nội sao gọi là bánh qui, Nội nói chắc tại bánh này làm cho nhiều người ăn và thường làm vào những ngày rằm để cúng Phật hoặc ngày Tư ngày Tết mọi người xúm lại làm nên mới có ý nghĩa là qui tụ bạn bè, người thân cùng nhau ăn miếng bánh ngon.

Không biết Nội nói có đúng không, nhưng những lúc gia đình hàng họ đoàn tụ bên nhau để làm bánh ít, bánh qui, đối với tôi là những ngày vui vẻ, ấm áp nhất. Nội dạy đám con gái gói cái bánh ít, biết bẻ miếng lá sắc cạnh sao cho thẳng thớm ba góc, nhìn mới đẹp. Bột ngắt phải đều nhau để không bị cái lớn cái nhỏ, bột bao nhưn đậu hay nhưn dừa vo cho thật tròn, chắc, rồi thoa mở láng mướt để bánh khi chín không bị dính lá sẽ khó ăn và không khéo tay. Bánh qui cũng tương tự như vậy nhưng nó đơn giản hơn nhiều. Bột bao nhưn xong (nhỏ hơn bánh ít) thì đặt nó nằm trên miếng lá hình tròn, ép dẹp xuống một chút, hình dạng nó giống như cái bánh men, nhưng ăn ngon hơn bánh men nhiều.

Nội tôi rất ưa bánh ít và bánh qui. Hấp bánh khoảng hơn nữa tiếng là bánh chín. Nội lấy những chiếc bánh còn nghi ngút khói chất vô dĩa rồi đặt trên mấy bàn thờ trong và trước sân nhà. Cúng xong, Nội cho chúng tôi mỗi người một cái bánh nóng hôi hổi, dẽo ngọt, nhân đậu xanh trộn với nhân dừa béo ngậy, thơm ngát mùi lá dứa. Chúng tôi đói bụng, có đứa ăn hết 3 cái bánh ngon lành mà vẫn còn thèm. Khi bánh chín, chúng tôi mỗi đứa “chôm” một cái lận lưng quần, để dành phòng khi đêm khuya đói bụng, lấy bánh ra ăn vụng.

Chúng tôi phụ Nội hấp bánh tới khuya, tiếng cười nói râm ran quanh bếp lửa hồng. Nội sắp bánh ra nia cho nguội. Bà đếm bánh thấy thiếu mấy cái, biết đám cháu đã “chôm chỉa” nhưng bà không rầy la gì, chỉ cười cười, nói bông lông “Bánh còn nóng mà chuột tha hết mấy cái rồi, lẹ thiệt”. Chúng tôi ngó nhau cười, phụ Nội xếp bánh ra. Một, hai trăm bánh sắp ra để nguội, chiều 30 Tết chúng tôi có nhiệm vụ mang cho bà con lối xóm mỗi người mươi cái cúng Giao thừa.

Xa quê đã lâu mà những chiều giáp Tết vẫn man mác nỗi niềm nhớ quê, nhớ Nội. Nhớ chiếc lưng còng và đôi tay cần mẫn của Nội chịu thương chịu khó làm những món bánh quê bình dị, không màu sắc hoa hòe nhưng thanh khiết, ngọt ngon. Giờ đây, chúng tôi đã lớn khôn, Nội về với đất từ lâu nhưng những chiếc bánh đã đi vào ký ức, những chiếc bánh đơn sơ đậm tình làng nghĩa xóm, tình bà cháu ruột rà, chiếc bánh quê hương đã  nuôi chúng tôi khôn lớn, trưởng thành.

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2021


Có thể bạn quan tâm