April 26, 2024, 9:52 am

Bánh chưng, bánh giầy và văn hóa chọn người hiền tài

Hàng năm, mỗi khi Tết đến Xuân về, nhân dân ta – con cháu các vua Hùng – từ miền xuôi đến miền ngược, vùng đồng bằng, rừng núi hay ven biển, lại nô nức, hồ hởi chở lá dong, xay đỗ, giã gạo gói bánh. Quang cảnh ấy như đại diễn xướng dân gian làm sống lại truyện Bánh chưng, bánh giầy, một biểu tượng, một siêu ký hiệu về văn hóa chọn người hiền tài, từ đó hình thành, xây dựng phong tục làm bánh chưng, bánh giầy trong ngày Tết – sinh hoạt văn hóa lớn nhất, thiêng nhất, gần gũi nhất trong năm của cả cộng đồng cũng như của mỗi gia đình Việt Nam.

Truyện bắt đầu từ việc Vua Hùng chọn người nối ngôi. Vua có hai mươi người con trai, muốn người kế tục phải nối được nghiệp lớn. Chọn ai? Biết ai có tâm, có chí? Vua đã mở cuộc thi tài: “Nhân lễ Tiên Vương, ai làm vừa ý ta, ta sẽ truyền ngôi, có Tiên Vương chứng giám”. Trong truyện cổ dân gian, thi tài là một trong những thử thách khó khăn, từ đó mà bộc lộ phẩm chất, tài năng nhân vật. Ngay từ thời dựng nước, ông cha ta đã tìm, chọn người hiền tài từ thực chất những cuộc thi. Thi tài, chứ không phải chọn con trai trưởng theo lệ, hay theo cảm tính. Điều ấy đã vượt lên trên thời đại, đi trước thời đại! Cuộc thi lại nhằm vào ngày cúng Tiên Vương để tỏ lòng biết ơn công lao của tổ tiên, ông cha, cũng là để tổ tiên, ông cha chứng giám. Một ý định thật đẹp, sâu sắc, công minh, hợp lý hợp tình.

Các con trai của vua Hùng đều náo nức thi tài, ai cũng muốn ngôi báu về mình. Họ đã làm những mâm cỗ thật hậu, thật ngon dâng vua.

So với những anh em khác, Lang Liêu thiệt thòi nhất. Liêu là con thứ mười tám, mồ côi mẹ, từ khi lớn lên ra ở riêng chỉ biết làm bạn với ruộng đồng, cây lúa, củ khoai. Liêu có cuộc đời, thân phận rất giống với người em út trong truyện cổ tích thần kì, nhân vật cần cù, chịu thương chịu khó, thật thà nhưng cô đơn, bị thua thiệt nhất trong gia đình. Lang Liêu thân là con vua nhưng phận thì rất gần gũi với những người dân bình dị. Kể về Lang Liêu, nhân dân muốn kéo nhân vật về với mình, là hình bóng của chính mình, là mình trong đó.

Lang Liêu nằm mộng thấy thần đến khuyên bảo. Thần cũng chính là nhân dân. Suy nghĩ của thần chính là kết tinh những suy nghĩ, tâm tư của dân. Ai có thể suy nghĩ về lúa gạo sâu sắc, trân trọng, nâng niu hạt ngọc của trời đất và cũng là giọt mồ hôi công sức của con người, nếu không phải là người đã vất vả một nắng hai sương làm ra nó? Bánh chưng, bánh giầy gói ghém những đặc sắc của nền văn minh lúa nước, chứng tỏ tư tưởng, tình cảm, tài năng sáng tạo của nhân dân. Bánh tượng trời mịn và trắng, được làm bằng cơm nếp dẻo, giã kĩ, nặn khum khum như vòm trời. Còn bánh tượng đất? Đất có cây cỏ, đồng ruộng, núi rừng thì màu xanh xanh, hình phải vuông vắn. Gạo phải là yếu tố chính của bánh vì ở trần gian không gì quý bằng lúa gạo. Trong bánh còn có thịt, nhân đỗ để lấy ý nghĩa đất nuôi dưỡng, ấp ủ cầm thú, cỏ cây. Gạo thịt, đó là sản phẩm của trồng trọt, chăn nuôi. Lá gói bánh là lá dong ngoài vườn nhà hay lá dong rừng, lấy sẵn của thiên nhiên Việt Nam. Lá dong bọc ngoài, mĩ vị để trong còn là ngụ ý người cùng dòng máu, trong gia đình, “đồng bào” đã, cần và phải tiếp tục đùm bọc lẫn nhau.

Có người cho rằng, triết lý “Trời tròn, Đất vuông” là một nét văn hóa muộn màng hội nhập từ Trung Hoa. Không phải thế! Trong Minh triết thiêng liêng, tập 1, Hamvas Bela, một bác học nổi tiếng thế giới, đã viết: “Giữa các dân tộc trên trái đất có một sự thống nhất vô hình, và càng quay lại những thời kì xa xưa điều này càng rõ nét hơn… Hình vuông và hình tròn là hình ảnh tượng trưng cổ tự nhiên trong thời kì con người còn tư duy bằng hình tượng. Hình ảnh tượng trưng này có thể tìm thấy trong tất cả các truyền thống, ở Ai Cập, Azték, Kelta, Hy Lạp. Hình tròn tượng trưng cho Trời, hình vuông cho Đất” (Nxb Tri thức, năm 2016, tr.161, 166). Trong tư duy chung của nhân loại cổ, ông cha ta đã tạo nên cái của riêng mình (“Kho trời chung, vô tận của mình riêng”): làm bánh giầy tượng hình bầu trời, bánh chưng tượng hình mặt đất. Cắt nghĩa như thế, cha ông bộc lộ cái nhìn và muốn chiếm lĩnh vũ trụ bao la. Chất liệu, hương vị, hình dáng bánh chưng, bánh giầy cũng chứa đựng tấm lòng, tâm tình của con cháu tôn công lao cha mẹ, tổ tiên như Trời, như Đất. Lấy cái bao la, mênh mông, cao vô tận và sâu cũng vô tận để diễn tả, gửi gắm những tình cảm, sự suy tôn và biết ơn cũng bao la, mênh mông và cao sâu vô tận. Bánh chưng, bánh giầy vui lòng hiếu dưỡng, ấm tình cảm của con người.

Lang Liêu đã làm những chiếc bánh ngon và đẹp, giàu ý nghĩa hơn tất cả sơn hào, hải vị, nem công, chả phượng do các lang khác mang tới. Sơn hào hải vị – những món ăn ngon, nhưng vật liệu để chế biến thì con người không làm ra được. Những món ăn ấy giàu vật chất nhưng nghèo ý nghĩa tinh thần. Tìm cái độc đáo, cái phi thường từ những cái khác lạ cũng khó ; nhưng tìm cái độc đáo, cái phi thường từ những cái bình thường do chính mình làm ra, hàng ngày bầu  bạn, nuôi sống mình, lại càng khó hơn. Vua Hùng, với con mắt tinh đời, đã biết hướng về cái bình thường, chân chất nhưng chứa đựng cái phi thường vô cùng sâu sắc. “Cái giỏi của Lang Liêu, cái con mắt tinh đời của vua Hùng, cũng là cái sáng giá trong bảng giá trị của dân tộc Việt Nam là tìm cái phi thường trong cái bình thường”. (Trần Quốc Vượng, Lang Liêu của bánh chưng, báo Nhân dân, số Xuân, năm 1979).

Lời vua nói với mọi người về hai loại bánh là cách “đọc”, cách “giải mã”, cách “thưởng thức”, nhận xét về văn hoá, con người. Nhận xét của vua về bánh chưng, bánh giầy cũng chính là ý nghĩa, tư tưởng, tình cảm của nhân dân về hai loại bánh này và về cách chọn người hiền tài. Từ đấy, nước ta có tục ngày Tết làm bánh chưng, bánh giầy. Thiếu bánh chưng, bánh giầy là thiếu hương vị Tết. Quang cảnh những ngày cuối năm, vào buổi tối mùa đông gia rét, ông bà, cháu con quây quần ngồi bên bếp lửa nấu bánh chưng, càng làm cho không khí Tết thêm hồi hộp, ấm cúng.

Bánh chưng, bánh giầy chân chất, bình dị, thanh nhã. Có màu sắc. Có hương thơm. Và có phải, có gì reo vui, náo nức, thiêng liêng ở từng màu sắc, hương vị ấy? Reo vui, náo nức vì đời sống ấm no, con người “dù ăn đâu, làm đâu” cũng trở về với nguồn cội, con người tự tạo ra hạnh phúc. Thiêng liêng vì thời khắc giao thừa, thời gian thiêng sắp đến, bánh chưng bánh giầy sẽ được trang trọng đặt trên ban thờ cúng gia tiên, cũng là để tống cựu nghinh tân, tiễn một năm cũ đi qua, đón một năm mới đang đến gần với ước mong quốc thái dân an, mọi thành viên trong gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc, tấn tài, tấn lộc. Bánh chưng, bánh giầy phản ảnh rất sinh động những đặc sắc của văn hoá chọn người hiền tài, văn hóa Tết của dân tộc. Vua Hùng, Lang Liêu là những anh hùng văn hoá. Bánh chưng, bánh giầy càng có ý nghĩa bao nhiêu, càng nói sự cao sâu trong cách chọn hiền tài của Vua Hùng và tài năng, phẩm chất của Lang Liêu bấy nhiêu. “Cũng như Vua Hùng, Lang Liêu là một khái niệm về “anh hùng văn hoá”, nó không có y nguyên trong cá thể (cá nhân) nhưng có trong cộng thể của nhân dân, dân tộc Việt Nam” (Trần Quốc Vượng, Sđd). Chính nhân dân đã chọn ra người hiền tài! Chính nhân dân sáng tạo nên văn hóa!

Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2021


Có thể bạn quan tâm