May 13, 2024, 12:44 am

Bản lĩnh Hồ Chí Minh trước lựa chọn lịch sử

 

Cả nước vừa kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám 1945, một sự kiện có ý nghĩa bản lề lật lịch sử mấy nghìn năm của đất nước sang một trang hoàn toàn mới mẻ. Sách vở các loại hình, các ngôn ngữ viết về sự kiện này nhiều vô kể, vì đó là một sự kiện mang tầm quốc tế.

Nhưng với tư cách một tiểu thuyết viết trực diện, tái hiện những con người thật, việc thật, đã chung tay góp sức làm nên thời điểm lịch sử này, thì có lẽ Gió bụi đầy trời là tác phẩm đầu tiên. 75 năm là khoảng lùi cần thiết để nhà văn có thể viết về lịch sử một cách đầy đủ và khách quan. Với dung lượng gần 500 trang sách khổ 15x23, cor chữ 12, cuốn sách khởi đầu từ khi trong cung đình, vua Bảo Đại tiếp nhận những sự kiện báo điềm không lành vào tháng mạnh thu 1945 và kết thúc khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lên máy bay sang Pháp điều đình về một Hiệp ước mới về quan hệ Việt – Pháp vào ngày cuối của tháng năm 1946. Thiên Sơn đã xoáy vào khoảng thời gian đầy ắp sự kiện - thời điểm hiểm nghèo nhất trong quá trình đấu tranh lập ra nước Việt Nam mới để làm cho lịch sử hiện lên khá chân thực và sinh động.

Tác giả chủ động nói về ý định của mình trong lời đầu sách: “Viết về giai đoạn lịch sử vô cùng đặc biệt thời hiện đại, mong muốn của tôi là mở ra cái không gian bên trong của tâm tưởng các nhân vật, khám phá những bí ẩn phía sau các sự kiện quan trọng. Từ đó giúp người đọc hình dung về sự phức tạp, đa chiều và sự giằng xé của các khuynh hướng tư tưởng chi phối đến dòng chảy lịch sử...”. Cũng theo tác giả: “Gió bụi đầy trời là tác phẩm đầu tiên trong LOẠT (Ngô Thảo nhấn mạnh) tiểu thuyết tôi dự định viết về con đường lịch sử đầy sóng gió mà dân tộc Việt Nam đã trải qua trong thế kỷ XX”.

Sinh 1972, chẳng nên coi Thiên Sơn là tác giả trẻ nữa. Nhưng thời điểm tác giả tái hiện là hoàn toàn nằm ngoài ký ức trực tiếp của người viết. Thiên Sơn làm báo và đã từng sáng tác nhiều thể loại và không ít tác phẩm đã xông vào đề tài thời sự gai góc trên chính trường và thương trường. Nhưng về tầm vóc các nhân vật và những vấn đề chính trị xã hội thì tiểu thuyết mới Gió bụi đầy trời vươn lên một tầm cao hơn. Đó thật sự là một thách thức lớn về nhiều mặt với một nhà văn và với một tác phẩm văn học.

Tái hiện một thời điểm lịch sử đặc biệt phức tạp và rối rắm, với những nhân vật quen thuộc được giữ tên thật, vị trí thật thuộc nhiều lực lượng, phe phái, quan điểm khác nhau, nhiều khi đối địch, nhà văn đã mạnh dạn chọn cho mình một vị trí, một điểm nhìn, một cách thể hiện khách quan nhất có thể. Đó là nét mới nhất của Gió bụi đầy trời. Về phía triều đình Huế, ngoài vua Bảo Đại là các cận thần Phạm Khắc Hòe, Trần Trọng Kim, Phan Kế Toại, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Diệm... Phía các đảng phái là Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Chu Bá Phượng… Bọn Tàu Tưởng vào giải giáp quân Nhật là Lư Hán, Tiêu Văn và thuộc cấp. Phía Pháp dần quay trở lại là D’Argenlieu, Pignon, Jean Sainteny, Cédile… và phe thân Pháp Nguyễn Văn Thinh, Nguyễn Văn Sâm… Tuyến chính là các nhà cách mạng, đứng đầu là Hồ Chí Minh và Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trần Văn Giàu, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Huy Liệu, Trần Hữu Dực, Tố Hữu, Tôn Quang Phiệt… Chỉ nhắc tên một số nhân vật như thế đã thấy quy mô bao quát và tầm vóc của tiểu thuyết.

Không đi theo lối cấu trúc phân chương hay chia hồi của tiểu thuyết truyền thống, tác giả vốn là người của Thế giới điện ảnh, đã sử dụng lối dựng những cảnh liên tục của phim truyện, để ráp nối các địa điểm, các phân cảnh, tạo không gian cho các nhân vật thay nhau xuất hiện và hành động, hoạt động để thể hiện ý kiến, chính kiến của mình. Các nhân vật có thật trong lịch sử cũng được mặc định như là người đọc đã biết lai lịch, gốc tích, vị trí, thậm chí cả thiên kiến chính trị và tổ chức họ tham gia, tránh cho tác giả phải kể tả dài dòng những điều hầu như ai cũng đã biết (tất nhiên với lớp người đọc quan tâm đến lịch sử nước nhà thời hiện đại - một điểm liệt đáng buồn của lớp trẻ ngày nay!)

Nhân vật Hồ Chí Minh xuất hiện ở lán Nà Lừa khi Võ Nguyên Giáp tới xin chỉ thị trước khi Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân về Hà Nội chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, cũng là ngày, tại Đình Tân Trào tiến hành Đại hội Quốc dân, bầu Ủy ban Giải phóng, công bố 10 chính sách lớn của Việt Minh, quyết định Quốc ca, Quốc kỳ và những việc cần làm trước mắt. Ngay trong những ngày bão táp ấy, khi bên kia biên giới 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch nhân danh Đồng Minh chuẩn bị tiến vào biên giới nước ta giải giáp quân Nhật, Đảng ta đã chớp thời cơ, tổ chức giành chính quyền, lật đổ chế độ quân chủ của nhà Nguyễn, bằng con đường vận động sức mạnh quần chúng, tránh đổ máu. Mặc tất cả những hạn chế của điều kiện liên lạc, chỉ huy thời ấy, điều kỳ diệu, là chỉ trước sau có mấy ngày, cuộc cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân đã thành công trên quy mô cả nước. Nhưng chính từ đây mới xuất hiện muôn vàn những sự kiện và vấn đề phức tạp cần giải quyết, và từ trong biển sự kiện rối rắm và phức tạp đó, tác giả đã làm rõ dần vai trò của người cầm lái cách mạng: Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuộc cách mạng do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo, vậy khi Chính quyền đã về tay Cách mạng, ta xử sự thế nào với các đối tượng thuộc các giai tầng xã hội khác? Vị trí của Vua Bảo Đại và các đại thần, rồi các sĩ phu, trí thức, phú hào, tư sản ra sao? Còn kia, các cuộc cách mạng vô sản trên thế giới, đem cả dòng họ ra xử bắn. Trong lịch sử nước ta, những Trần Thủ Độ, Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh đã xử sự thế nào với tiên triều khi trở thành đối thủ, ai cũng từng biết. Ngay trong đội ngũ cách mạng, nhận thức và cách xử sự cũng không dễ đã thống nhất. Bao nhiêu căm thù tích tụ, nay có dịp vùng lên, lại sẵn quyền lực, kẻ xấu bị trừng trị đã đành, mà cũng nhiều người bị giết oan, bị đày đọa chỉ vì những đánh giá không rõ ràng, những ân oán từ nhiều kiếp. Bản thân trong đội ngũ lãnh đạo cách mạng, không phải ai cũng xuất thân công nông, vô sản, mức độ tin dùng và uy tín lãnh đạo thế nào? Phía bên kia là các phe phái cách mạng đầu lưỡi, có Đảng phái có cả lực lượng vũ trang, cũng muốn chia quyền, dù dựa vào thế lực ngoại bang. Nhân danh vào giải giáp quân Nhật, nhưng 20 vạn quân Tàu Tưởng vừa là tai họa, vừa là gánh nặng về kinh tế cho một chính quyền trong tay hầu như không có gì và hàng triệu dân đang chịu đựng nạn đói lịch sử. Các nhân vật, các thế lực đó lại móc nối, liên hệ với nhau gần như chung một ý định là dìm chết cuộc cách mạng và chính quyền vừa ra đời. Và nguy hiểm hơn, là thế lực thực dân Pháp, không chỉ lăm le mà đang thực hiện giành lại quyền thống trị nước ta. Bấy nhiêu diễn biến rối rắm, công khai và ngấm ngầm, đều đến lượt cần sự chỉ đạo, dàn xếp, trực tiếp xử lý và thuyết phục của một con người gầy yếu, vừa qua những ngày ốm nặng, ăn không đủ no, không đêm nào được ngủ yên, lại là mục tiêu truy sát của những thế lực giấu mặt, đó là Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh.

Qua từng sự kiện, dõi theo diễn biến của những việc chung cũng như xử sự riêng với đồng sự, với các đối tượng hợp tác, với các loại đối thủ, tác giả đã thể hiện nhân vật Hồ Chí Minh cao lớn dần lên về tầm vóc tư tưởng, tầm nhìn, phong thái, cách ứng xử, để mọi đối tượng rất khác nhau về nhiều phương diện, đều nể phục và kính trọng. Bằng bút pháp hiện thực, không cần khoa trương, theo dõi sát từng cử chỉ, hành động, lời nói, cách cư xử với từng con người cụ thể, một ngôn ngữ đời thường rất giản dị, nhân vật Hồ Chí Minh hiện ra nhất quán, đầy sức thuyết phục trong các cuộc tranh luận, trao đổi trước khi đi đến những quyết định lớn, chứ không bao giờ sử dụng ngôn ngữ mệnh lệnh. Những người sau này trở thành thế lực đối lập, ngay cả trong thời gian đánh nhau quyết liệt, như Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, cả Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Hải Thần, các tướng lĩnh Pháp cũng không thể tìm thấy lý do để xúc phạm cá nhân Hồ Chủ tịch.

Chúng ta không nên quên rằng, Cách mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập từ năm 1945, Tổng tuyển cử để bầu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầu 1946, mà mấy năm liền, không có nước nào công nhận chính thể mới. Bởi có một câu hỏi lớn, bên ngoài không ai tự giải đáp được: Bản chất của chế độ mới là gì? Rõ ràng, hạt nhân tổ chức, lãnh đạo, tiến hành thành công cuộc Cách mạng là Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng của giai cấp vô sản, với lý tưởng xây dựng một xã hội không có giai cấp, xóa bỏ mọi hình thức bóc lột. Nhưng những câu trích dẫn như là cương lĩnh của chế độ mới lại trích từ Tuyên ngôn độc lập của hai nước tư bản là Mỹ và Pháp. Nội dung xây dựng xã hội mới là “Toàn thể dân tộc Việt Nam” không phân biệt thành phần giai cấp, quyết giành một đất nước Độc lập, Tự do. Và để tập hợp lực lượng chống nguy cơ xâm lược mới, Hồ Chí Minh đã có một quyết định táo bạo, lịch sử chưa hề có, khi đã giành được chính quyền, thuyết phục các đồng chí, tuyên bố Đảng Cộng sản tự giải tán (tất nhiên chuyển sang hoạt động bí mật, với danh nghĩa Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Marx). Có thể đó là lý do Liên Xô, nơi Hồ Chủ tịch đã từng hoạt động, nghĩa là biết rõ về nhân thân Hồ Chí Minh, vẫn không công nhận chính thể mới. Mấy lần Hồ Chủ tịch gửi thư riêng cho Tổng thống Mỹ, qua phái viên Mỹ ở Việt Nam, vẫn không được hồi âm. Bị bao vây tứ bề, để tìm một sự công nhận quốc tế, Hồ Chí Minh quyết định trực tiếp đàm phán với Pháp là nước đang lăm le trở lại xâm lược nước ta. Từ ký tạm ước, mở hội nghị Đà Lạt, xuống tàu chỉ huy để trực tiếp gặp Cao ủy Pháp ở Đông Dương là Georges Thierry d’Argenlieu, rồi quyết định dẫn dầu đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa sang Pháp đàm phán. Những quyết định và bước đi táo bạo đạp trên chông gai của dư luận và phản ứng không chỉ của các phe phái khác, càng ngày càng bộc lộ bản lĩnh, tài trí và khả năng linh hoạt của một người biết giữ vững mục tiêu của cách mạng, nhưng biện pháp thì ứng biến linh hoạt và khôn khéo tùy sự vận động của thực tiễn. Và trước khi lên đường đi Pháp, Người đã tin tưởng giao lại Quyền Chủ tịch nước cho một Nhà trí thức yêu nước không phải Đảng viên của Đảng là Cụ Huỳnh Thúc Kháng với một lời dặn đầy tâm huyết: “Dĩ bất biến ứng vạn biến.”

Gió bụi đầy trời viết về một thời điểm lịch sử có rất nhiều chuyển động xã hội mới mẻ, các nhân vật thuộc nhiều giai tầng và địa phương khác nhau, nhưng lời thoại của các nhân vật đều cùng một tầng ngôn ngữ, với toàn bộ lớp từ hiện đại, nên còn thiếu màu sắc cá tính và cũng thiếu không khí lịch sử trong thế giới ngôn ngữ mà tác giả sử dụng. Đối chiếu với lịch sử, cùng thời gian và các sự kiện, có thể chỉ ra nhiều nhân vật, sự kiện tác giả còn bỏ qua. Tất nhiên đây là một sự lựa chọn, song vì đã viết về người thật, việc thật, nên người đọc có quyền nghĩ đến.

Dù vậy, với những gì đã có, lại chỉ như một tập mở đầu, Tiểu thuyết của Thiên Sơn, khi chọn lối viết lịch sử khách quan, đã gợi cho người đọc thấy, lịch sử đất nước, từ ngày có cuộc vận động cách mạng do Đảng Cộng sản ra đời, và sự xuất hiện của vị lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh, là một thời đại lớn, vận nước đã đổi thay. Trong thời kỳ đó, đã xuất hiện những thế hệ con người Việt Nam có số phận đặc biệt, tầm vóc đặc biệt và mỗi con người phải đối diện, biến đổi về nhân cách, trong một thời kỳ mà nhiều chuẩn mực về nhân sinh, đạo lý xã hội, thế thái nhân tình, triết lý về đạo đức và ứng xử đã biến đổi nhanh chóng.

Qua tác phẩm này Thiên Sơn cũng đã tỏ ra là người có khả năng tổ chức tốt các đường dây truyện bằng việc nắm lấy các chi tiết, xâu chuỗi các sự việc một cách khéo léo để các mâu thuẫn liên tục bùng nổ và tạo bất ngờ. Việc dồn ép thời gian nghệ thuật tạo nên độ nén của câu chuyện, việc tiết chế miêu tả nội tâm mà để cho tâm lý nhân vật bộc lộ qua hành động làm cho câu chuyện có tiết tấu nhanh và nhân vật hiện lên cụ thể, thuyết phục. Phép soi gương như là một công cụ để miêu tả nhân vật khúc xạ qua cách nhìn nhận của những nhân vật khác tạo nên những điểm nhìn đa dạng về nhân vật và sự kiện lịch sử. Câu chuyện cũng có những chi tiết gợi ra những khoảng mờ của lịch sử gợi liên tưởng và ngẫm suy.

Nguồn Văn nghệ số 37/2020


Có thể bạn quan tâm