April 26, 2024, 2:20 pm

Bài thơ Nửa đêm: Ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh

Tập thơ Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh (Nxb.Khoa học-Xã hội; H.1991), gồm 133 bài, trong đó có tới 124 bài thất ngôn tứ tuyệt (chiếm hơn 93%); số còn lại chiếm chưa đầy 6,8 % (9 bài), gồm 5 bài ngũ ngôn, 2 bài thất ngôn bát cú, 1 bài dài 4 khổ (khổ đầu 7 chữ và 3 khổ 5 chữ), bài số 100 không có thơ. Số liệu thống kê cho thấy: tác giả Nhật ký trong tù đã có một lựa chọn chủ đích - sử dụng thơ Đường luật, chủ yếu thể tứ tuyệt, một trong những thể thơ vào bậc hay nhất và chặt chẽ nhất, để bộc bạch tư tưởng, tâm tư, khát vọng, xoay quanh chủ đề tự do và giành tự do không chỉ cho riêng mình.

Người viết: “Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao”. Ở đây “sự nghiệp lớn” được Hồ Chí Minh khẳng định: cứu cánh của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc là giành độc lập và tự do cho nhân dân. Sự nghiệp ấy đòi hỏi phải có tư tưởng nhất quán và ý chí kiên định, để chủ động tạo thời cơ và nhanh chóng nắm bắt thời cơ, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.

Trong thời gian bị chính quyền Trung Hoa dân quốc cầm tù (từ ngày 29 tháng 8 năm 1942 đến ngày 10 tháng 9 năm 1943, trong 18 phòng lao, bị giải đi khắp 13 huyện của tỉnh Quảng Tây), Hồ Chí Minh viết nhật ký bằng thơ với tâm trạng: “Ngâm thơ, già chẳng ham chi/ Trong tù còn có việc gì làm đây/ Ngày dài ngâm vịnh cho khuây/ Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.” Đó là cách nói khiêm nhường của một thi sỹ tầm cỡ, của người có vốn tri thức rộng và sâu. Sau nhiều năm bôn ba, tiếp xúc văn hóa phương Tây trong một thế giới đầy biến động, tâm hồn thi sỹ đậm chất phương Đông của Người không hề bị mai một mà được thăng hoa, để lại  cho dân tộc một tác phẩm thơ bất hủ.

*

Bài thơ Nửa đêm (bài 99; tr. 130, sđd) có một vị trí đặc biệt trong tập Nhật ký trong tù. Đặc biệt là vì, chỉ với 28 chữ trong 4 câu thơ, bằng lời lẽ dung dị, Hồ Chí Minh đề cập một vấn đề có tính muôn thuở và mang hơi thở nóng hổi của thời đại, gợi mở cho người đọc cách tiếp cận một tác phẩm văn học có tầm cao tư tưởng và độ sâu cảm xúc.

Bài thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh được phiên âm:

Dạ bán

Thụy thì đô tượng thuần lương hán,

Tỉnh hậu tài phân thiện, ác nhân.

Thiện, ác nguyên lai vô định tính,

Đa do giáo dục đích nguyên nhân.

Dịch thơ:

Nửa đêm

Ngủ thì ai cũng như hiền hậu,

Lành, ác phân ra lúc tỉnh rồi.

Lành, ác phải đâu là định tính,

Thường do giáo dục tạo nên thôi.

(Bản dịch của Nguyễn Sĩ Lâm)

Bài thơ dường như tách khỏi thể nhật ký của tập thơ. Tư duy của nhà thơ hướng tới hai vấn đề mang tầm triết lý và có tính phổ biến.

Thiện - Ác” là cặp phạm trù triết học có giá trị muôn thuở và mang ý nghĩa thời đại. Từ 2.500 năm trước, học thuyết Khổng - Mạnh khẳng định: con người sinh ra đã mang tính “thiện” (“nhân chi sơ tính bản thiện”). 200 năm sau, Tuân Tử lại nêu học thuyết về tính “ác”. Như vậy, các triết gia Trung Quốc đã đẩy hai khái niệm ngày càng xa nhau, biến chúng thành “hai kẻ” đối lập, như thể chúng không có cùng một nơi ẩn náu, trong khi họ lại xuất phát từ chính nơi đó - con người, để lập thuyết. Nếu các lập luận đó là đúng thì đương nhiên phải có hai hạng người: chuyên thiện hoặc chuyên ác. Nhưng, thực tế không phải thế, bởi “nhân vô thập toàn”.

Bài thơ Nửa đêm bàn về mối liên hệ, quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, không đối kháng mà thống nhất ngay trong một con người: “Ngủ thì ai cũng như hiền hậu/ Lành, ác phân ra lúc tỉnh rồi”. Hai trạng thái “ngủ” và “thức” thuộc hai thế vận động khác nhau. Nói như triết gia người Ấn Độ - Nagarjuna (thế kỷ II): “Các hiện tượng rút ra bản chất của mình từ sự phụ thuộc lẫn nhau, chứ tự bản thân chúng chẳng là gì cả” (dẫn theo Matthieu Ricard - Trịnh Xuân Thuận – Cái vô hạn trong lòng bàn tay; Phạm Văn Thiều - Ngô Vũ dịch; Nxb.Trẻ, 2006). Có nghĩa, hành động mới là cơ sở định chân giá trị, nhận biết nhân cách. Vì thế, câu thơ tiếp theo: “Lành, ác phải đâu là định tính” đã phủ định thẳng thừng cả hai thuyết “bản thiện” lẫn “bản ác”, có nghĩa “thiện” và “ác” vốn tồn tại song hành trong từng cá nhân, tùy tình huống cụ thể mà bộc lộ; và, cũng tùy thực trạng của tình huống mà phân định mức độ “thiện”/“ác”. Trong diễn từ nhận giải Nobel văn học 1903 của nhà văn, nhà viết kịch Na Uy Bjornstjene Bjornson (1832-1910), có đoạn: “Không gì nhào nặn lương tâm của chúng ta mạnh bằng tri thức của chúng ta về cái thiện và cái ác. Do đó, cảm giác của chúng ta về thiện và ác chính là một phần của lương tâm chúng ta, đến mức mà, cho tới hôm nay, không ai có thể không đếm xỉa đến nó mà vẫn cảm thấy an lòng” (dẫn theo Các nhà văn giải Nobel; Đoàn Tử Huyến chủ biên, Nxb.Giáo dục, 2006). Lòng trắc ẩn, đặc biệt người có lương tri, luôn luôn quan tâm tới “thiện” và “ác” với ý nghĩa là một cặp phạm trù đạo đức.

Phát biểu quan niệm về cặp phạm trù “thiện - ác” bằng thơ là một lựa chọn độc đáo của Hồ Chí Minh. Chỉ bằng “những chữ nhỏ” mà Người “nói lên những điều lớn” (ý của Phạm Văn Đồng).

Thời điểm Hồ Chí Minh bị chính quyền Trung Hoa dân quốc bắt giam và Người viết Nhật ký trong tù cũng là lúc cả nhân loại đang phải chứng kiến sự soán ngôi của cái ác do Hitle phát động lên tới đỉnh điểm. Tội ác của chủ nghĩa phát xít trong Thế chiến thứ II không chỉ đo đếm số lượng cả trăm triệu sinh mạng bị gục chết bằng vũ khí, bằng chất độc hóa học, mà còn là sự thóa mạ, nhân phẩm cá nhân bị nhục mạ, văn hóa nhiều dân tộc bị chà đạp bởi đầu óc tối tăm của những kẻ đầy thú tính. Chưa khi nào các giá trị của cả nền văn minh nhân loại bị xô đẩy, vùi lấp và đánh tráo một cách trơ trẽn từ “giống người thượng đẳng” gây nên. Và, đây cũng là thời điểm cả hai lực lượng - phát xít và chống phát xít - chạy đua nghiên cứu và sản xuất bom nguyên tử, nhằm kìm hãm và đe dọa lẫn nhau, với cái đích bên nào đạt kết quả trước thì bên đó giành phần thắng. Ngày 6 và 9 tháng 8 năm 1945, hai quả bom nguyên tử do Mỹ chế tạo và từ tay người Mỹ lần lượt ném xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản. Dù lý do gì chăng nữa, quyết định của chính phủ Hoa Kỳ cũng là hành vi vô đạo đức - lấy cái ác chống lại cái ác. “Xã hội cơ khí đã đạt đến giai đoạn đỉnh cao của sự man rợ”, nhà văn người Pháp Albert Camus lên tiếng ngay sau vụ Hiroshima. Năm 1946, Tổ chức nhà thờ Thiên chúa Hoa Kỳ cũng lên án: “…việc ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki là không thể biện hộ được về mặt đạo đức”. Giữa thế kỷ XX, nhân loại chứng kiến những thành quả của tri thức tiên tiến nhất bị lợi dụng làm điều ác một cách triệt để nhất. Nó gây thảm họa trực tiếp cho người Nhật, cho đất nước Phù Tang, và để lại vô vàn hậu quả cho toàn thế giới; nó tiếp tục kích thích các cuộc chạy đua vũ trang và sản xuất vũ khí hạt nhân, đặt thế giới vào tình trạng suy thoái triền miên về mọi mặt.

Bài thơ Nửa đêm của Hồ Chí Minh ra đời trong bối cảnh như thế không hề ngẫu nhiên. Bởi, Người đã từng chứng kiến “cái ác” hiện diện ngay trên đất nước mình và ở khắp nơi trong thời đại thế giới bị chủ nghĩa tư bản lũng đoạn, ngày càng dấn sâu vào sự bóc lột thặng dư người lao động một cách tinh vi. Người luôn trăn trở trước thực trạng “cái ác” ngày càng xâm lấn, càng tha hóa xã hội. Người góp tiếng nói cảnh tỉnh về nguy cơ con người cá thể ngày càng bị tách khỏi con người xã hội và tách khỏi môi trường thiên nhiên, đạo đức lâm vào đổ vỡ.

Lành, ác phải đâu là định tính” - không chỉ là lời khẳng định để phủ định những học thuyết, để tranh biện đúng sai, mà Hồ Chí Minh hướng tới mục đích cao cả của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Câu kết bài thơ Nửa đêm thật bất ngờ mà cũng là tất yếu: “Thường do giáo dục tạo nên thôi.” Câu thơ khẳng định tư tưởng lớn của nhà thơ. Phê phán các học thuyết tách “thiện” và “ác” ra các hướng khác nhau, thì ngay lập tức Hồ Chí Minh chỉ ra cách khắc phục, đó là phải tiến hành giáo dục và giáo dục lại, để mọi người “Ai cũng no ấm, sung sướng, tự do, ai cũng thông thái và có đạo đức” (Hồ Chí Minh – Toàn tập; tập VII). Quan điểm giáo dục của Hồ Chí Minh rất gần với giáo lý Nhà Phật: “Tình cảm yêu thương nhân loại… là lòng mong muốn cho tất cả các sinh vật đều được hưởng hạnh phúc và biết nguyên nhân của hạnh phúc”; và: “lòng trắc ẩn tức là lòng mong muốn cho mọi sinh vật được giải thoát khỏi đau khổ và những nguyên nhân của đau khổ”. Bởi vậy, “muốn xây dựng hạnh phúc của mình trên đau khổ của người khác không chỉ là phi đạo đức mà còn là phi hiện thực” (xem Cái vô hạn trong lòng bàn tay; sách đã dẫn).

Hồ Chí Minh coi giáo dục đạo đức cách mạng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt công tác giáo dục cán bộ và nhân dân. Vận động Thực hiện đời sống mới, Người viết thật dung dị và thật chí lý: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông/ Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc/ Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/ Thiếu một mùa, thì không thành trời/ Thiếu một phương, thì không thành đất/ Thiếu một đức, thì không thành người”. Hồ Chí Minh thực hành công việc giáo dục cũng rất độc đáo, mang phong cách riêng. Người quan tâm giáo dục tất cả các tầng lớp nhân dân, tất cả các giai tầng xã hội. Người phân ra các đối tượng và dùng các phương pháp, biện pháp, vận dụng các phương tiện giáo dục, tuyên truyền, vận động quần chúng và cán bộ một cách uyển chuyển, linh hoạt, phù hợp tâm-sinh lý lứa tuổi, nghề nghiệp, giới tính. Song, quan trọng hơn hết, không có sức thuyết phục nào bằng, là Người nêu gương thực hành những điều Người yêu cầu (giáo dục) mọi người, từ việc nhỏ đến việc lớn. Lối sống và nếp sống của Người là “nói đi đôi với làm”, “học đi đôi với hành”, thường xuyên thực hành “cần, kiệm, liêm chính”.

*

Trong Lời giới thiệu tập thơ Nhật ký trong tù xuất bản bằng tiếng Anh, bản dịch của Aileen Palmơ, Harrison S.Salisburg trân trọng viết: “Có lẽ, đó là di sản mà Người để lại cho một thế hệ cách mạng, cả trong nước lẫn ngoài nước. Di sản ấy chính là sự nhận thức được rằng, bên trong cái tầm thường nhất và bên trong cái mong manh nhất của con người, vẫn ẩn giấu một thứ vũ khí hiệu quả hơn, hùng mạnh hơn, to lớn hơn tất cả các loại phương tiện kỹ thuật tối tân nhất và khủng khiếp hơn cả bom nguyên tử, rắn chắc hơn cả loại thép tốt nhất. Đó là tinh thần con người. Chừng nào tia sáng ấy của tinh thần con người do Hồ Chí Minh tạo ra còn rọi chiếu, thì chừng đó, tia sáng ấy không một lực lượng nào có thể chiến thắng nổi.” (xem Hồ Chí Minh – Tác giả, tác phẩm, nghệ thuật ngôn từ; Nxb.Giáo dục, 2001).

Ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh luôn luôn rọi chiếu con đường cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, cả trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và trong công cuộc kiến thiết đất nước. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh trở thành đạo lý của toàn xã hội, của từng người Việt Nam yêu chuộng hoà bình trong độc lập, tự do. Đạo lý ấy biểu hiện ngay trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành trên phạm vi toàn cầu, được cộng đồng thế giới đánh giá cao về tính nhân đạo và lòng nhân ái, cũng là tinh thần hướng thiện của dân tộc Việt Nam.

Bài thơ Nửa đêm của Hồ Chí Minh khẳng định vai trò tiên quyết của giáo dục trong việc loại bỏ cái ác, tôn vinh cái thiện, hướng tới một xã hội đạo đức mà mỗi người dân đều được phát triển toàn diện. Giá trị đích thực của bài thơ Nửa đêm ánh lên vẻ đẹp tâm hồn, tư tưởng minh triết Hồ Chí Minh về giáo dục hướng thiện, sau này được Người phát biểu thành chân lý: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”!

Nguồn Văn nghệ số 11/2021


Có thể bạn quan tâm