April 27, 2024, 8:54 am

Bài ca thiên di

 

1. “Không ai thấy nước rách/ không ai thấy nước chảy máu” (Ly Hoàng Ly), nhưng ai cũng có thể thấy nước sông Hồng bốn mùa ngầu ngầu đỏ. Lượng phù sa lớn mà sông mang theo thì đã rõ. Nhưng còn lí do gì nữa không? Tôi đã tần ngần đứng ở Cột cờ Lũng Pô, đặc biệt là ở Cột mốc 92 (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), đăm đăm nhìn cái nơi và cái cách con sông Hồng chảy vào đất Việt. Tôi đã trắng đêm ở bản Sưng - bản của người Dao Tiền dựng bên núi Biều (xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình), trải nghiệm lễ lập tịch, nghe già bản bùi ngùi kể về gốc gác của bản mình là ở bên kia biên giới, rồi già trải dó mài mực tàu cho chữ, kể về lớp học chữ Nôm Dao trên núi - những cổ tự có thể giúp người nay đọc được cổ thư để nhận mặt cố tổ. Nhà người Dao thông trổ không hàng giậu. Để cho bếp lửa đượm nồng ấm sang cả nhà bên. Để cho ánh mắt nụ cười liên giao vén xua lam lũ. Và phải chăng còn là để cho ma lành rộng đường mà vượt dặm trường quy tổ hồi tiên?

2. Nhà thơ Lý Hữu Lương xuất thân từ bản Khe Rộng - bản của người Dao Quần chẹt dựng bên núi Bàn Mai (xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái). Tôi cũng từng hữu duyên hai lần trắng đêm ở bản này để ké dự lễ cưới và lễ cấp sắc rất đặc biệt nơi đây. Đọc “Yao”, tôi bị ám ảnh sâu sắc và mãnh liệt bởi cuộc thiên di liên tu bất tận của tộc người Dao được tượng hình nơi liên khúc thơ này.

Kháng cự lại công thức nông nhàm “ngợi ca những dáng váy” hay “hát về những loài hoa” của thơ ca dân tộc thiểu số, người thơ họ Lý đã xác quyết “làm con chim nhỏ làng tôi/ cất giọng vang sâu xa rừng thẳm”, để “hát về cuộc thiên di” của “những người vừa đi vừa khóc” vì “nỗi khổ trên vai tộc người”…

Không phải ngẫu nhiên mà hai chữ “thiên di” cứ xuất đi hiện lại dọc suốt thi tập. “Thiên di”, theo đó, là mã văn hóa, là từ khóa để thông mở vào thi giới “Yao”, cũng là thông mở vào tâm hồn tộc người Dao - một tộc người mà “quê quán cố thổ nằm đâu đó” vừa kề gần vừa xa xôi. Người Dao “học cách đi của loài kiến/ đeo những mảnh đời lên núi cao/ khi cúi đầu nhìn xuống/ nghe cố thổ gọi lòng mình”. Họ “được dạy cách đi xa/ cách để sống giữa tiếng mặc khải đường rừng/ chảy từ ngàn năm thiên di/ trong huyết quản những đôi chân phạt lối”. Họ “đi suốt hai ngàn năm/ chân chưa tới đồng bằng/ ngủ suốt hai ngàn năm/ vẫn một mộng thiên di”… Những con gái và con trai, người đã sống và người đã chết và “cả những người đang chết” cùng gọi nhau về trong lễ ban tên, để được “sinh thêm một lần nữa/ cho con thuyền mỏng như mắt lá/ giữ bàn tay vạn hồn tha phương”, để “hồn tộc người kéo nhau bay qua cửa/ thấy trăm năm ngắn lại một ngày”…

Thiên di đồng nghĩa với lưu lạc bơ vơ, với cô đơn lầm lũi, với lam lũ đói nghèo. Tấm khảm văn hóa tộc người nơi thi tập “Yao”, theo đó, còn hằn in cả những dáng núi “còng như cái vung/ úp xuống lòng thung/ úp vào lưng nghiêng vai cong/ nền trời sâu hoăm hoắm”, “những ông già áo vải/ những bà già áo nâu/ mồm nhai trầu và quệt lên cay đắng/ trong những hốc mắt sâu”, những “phận người cỏ dại/ chao cõi ngày buồn như mặt đá/ ngủ trăm năm trên núi không người”, những “mặt người dợm nắng dợm sương”, “đen bằng củi cháy dở”, “vết khắc khổ cứ sần lên mắt”, “mắt buồn hơn đêm đen”, những “tiếng gió thở buồn hơn cỏ thở”, “tiếng chuông nghẹn tay thầy tào áo đỏ”, những vành khăn tay em nhỏ “đội trăm năm lam chướng cõi này”... 

Cho dù thế nào đi chăng nữa thì những con người nơi núi thẳm rừng thiêng vẫn không ngừng mơ mộng, không thôi vọng cố hương, không tắt lửa thiện lành. Họ “thở để mây trôi/ cười để buồn đi hết”. Họ “lấy lân tinh của bóng đêm làm ánh sáng/ vẽ nương bãi thành sóng rợm chân trời”. Họ “dao thắt lưng hồn muôn trùng”. Họ “ngồi bên đống lửa/ nghe páo dung thở cùng mây/ nghe lời cuối cùng ông mo nói/ về ngôi nhà tổ tiên đâu đó sừng trời”. Họ “dựng bếp trước dựng nhà/ ba gian nhà đứng bếp ba cái/ bếp to nghe chuyện nhỏ/ bếp nhỏ nghe chuyện to”. Họ “thương nhau như tí tách lửa đầu hồi/ tình yêu gọi nhau qua từng lần củi”. Họ “sống lời của đá cỏ và măng vồng sau mưa”, “sống thẳng ngay như lòng vỏ dao tay/ ăn trăm năm bồ hóng trên vách”, “hiền từ như dòng nước mắt”, “không biết giận cái nhỏ/ không tham nghĩ cái lớn/ thương sức mình núi chật/ mà nghĩa tình thuỷ chung”. Họ “hát bài ca loài chim gõ kiến/ cho cõi này ngọt từng giọt sương trong”… 

“Yao” là cách Lý Hữu Lương trừu xuất một định nghĩa về dân tộc mình, “một dân tộc nhỏ trên đầu ngàn trái núi lớn”, nơi hợp quần của những con người “có bốn mùa/ một mùa trời/ một mùa đất/ một mùa đói/ một mùa đi”, “bằng đầu gối bò trên đá/ bằng cái đầu đi trên núi/ không biết đường/ mài cho sắc rựa rìu mở lối”. Mặc dù “danh xưng nhà thơ không có trong từ điển tộc người”, nhưng đứa con của tộc người được trời ban lộc chữ cứ nhẫn nại viết, để biết “mình thuộc những vốn xưa còn sót”, để “giữ hồn cốt tổ tông”, để “làm mắt của đêm/ thăm thẳm ánh nhìn vuột biên ánh sáng”, để vẽ “màu tự do ngân ngấn trong mắt người làng”, để “mang khuôn mặt làng rải khắp muôn nơi”, để lan tỏa và nhắc nhớ về sự tồn hiện sinh động của một tộc người giữa núi rừng Tổ quốc.

Mà, “biên giới được dựng lên từ bao giờ/ Tổ quốc được minh định từ bao giờ”? “Người Dao đi trên mặt đất/ ngàn năm nữa có gặp nhau”? “Nguồn cội là gì”?... “Chỉ có đất hiểu những dấu chân/ chỉ có người Dao hiểu lòng người Dao/ trời Lĩnh Nam ngàn năm mây gọi/ những căn nhà nắng đỏ/ hun vàng dấu mây trôi”...

3. Văn chương là hành trình lặng thầm mải miết của những chủ thể truy tìm và truy vấn về phả hệ, về “khởi sinh của cô độc” (tên một tác phẩm của nhà văn Mỹ Paul Auster), về bản diện của cá nhân, của tha nhân, của bản quán, của dân tộc. Căn cước văn hóa là một phạm trù mơ hồ trừu tượng, không hiện hình định dạng ở tầng nông hay mặt ngoài. Cách khả dĩ để định nghĩa một cộng đồng là dò vục vào mạch ngầm tinh thần bí ẩn thẳm sâu trong dằng dặc lịch sử biến thiên của cộng đồng đó, là liên tục tái định nghĩa. 

Nguồn Văn nghệ số 47/2021


Có thể bạn quan tâm