April 27, 2024, 12:32 am

Bà ơi, tôi " Đi" đây

Như mới hôm qua

Trong một lần vô xã vùng sâu Tháp Mười, tôi thấy một tấm ảnh liệt sĩ treo trên vách nhà. Chủ nhân của tấm ảnh đó là vợ liệt sỹ - Bà Nguyễn Thị Thu, nay đã qua cái tuổi “xưa nay hiếm”. Qua bà, câu chuyện về ông, về bà, về những đứa con của họ như một thước phim chiếu chậm dần dần tái hiện, khiến tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác.

…“Một bữa tình cờ tôi chợt thấy mấy bộ đồ mới, chút tài sản quý của vợ chồng, tôi đã cất kỹ trong cái va ly da nhỏ, sao ông ấy lại lấy bỏ ra ngoài lung tung. Tôi ì ạch lôi cái va ly nặng chịch trong góc nhà, tò mò định mở xem thì ông cũng vừa về tới, chợt chộp tay tôi không cho đụng vào. Ông thì thầm: Bà đừng nói lớn, tụi lính đi ngang nghe thấy thì cả nhà chết hết. Cái gì vậy?... Lựu đạn, súng ống không à... Trời …, tôi rụng rời cả người. Ông cũng nói cho tôi biết: Ông vừa được tin trong đồn mật báo, mấy bữa trước ông gài lựu đạn, lính chết nhiều, có thể bị lộ rồi. Ông đã nhận được lệnh điều đi, đêm nay sẽ thoát ly, kêu tôi đưa con về bên ngoại tạm lánh ít bữa. Còn lúa của mình đã cắt về đây và cả cánh đồng lúa sắp chín vàng ngoài ruộng thì sao. Tôi đi chúng sẽ để cho bà và con yên sao, chết đến nơi bà còn tiếc hả? Bỏ, bỏ hết…. Ông gấp gáp gom chút đồ đạc rồi bỏ từng đứa xuống chiếc xuồng nhỏ, hối bốn mẹ con trốn đi ngay đêm hôm đó”.

Được biết, Khu 6 (xã Hưng Thạnh cũ) huyện Tháp Mười, cách đây hơn bốn mươi năm rất khó khăn, khắc nghiệt, đất thuộc dạng phèn nặng, chỉ rặt là nga, đưng, lau, sậy…., mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa mùa. Nhờ ba má chồng bà lúc ấy cũng kha khá cho mười lăm con trâu, chồng bà bán mười con, khai hoang được gần bốn trăm công đất để sạ lúa, cắt mới hơn trăm công được cả ngàn giạ (hồi ấy cứ khai phá được bao nhiêu là đất của mình có bấy nhiêu). Ban ngày ông ấy thường lân lê vào đồn chơi với tụi lính, rủ rê chúng ăn nhậu để dò la tin tức, rồi ăn cắp mìn, lựu đạn, súng ống đem về nhà cất dấu, đi rải truyền đơn hay gài trái thủ tiêu những tên ác ôn. Và đêm xuống, ông vô căn cứ đưa tin về tình hình địch, tham gia họp hội hay đi vận động xây dựng thêm cơ sở cho cách mạng. Sau này tôi mới biết ông tham gia hoạt động ở xã cách đó đã gần mười năm.

         Tôi nghe bà con xung quanh kể lại, sáng sớm sau đêm chồng bà thoát ly và bà dẫn con trốn đi, lính vào lùng sục tìm chồng bà. Không có người, chỉ thấy lúa, tức tối, hậm hực chúng đổ xăng vào đống lúa mà đốt cháy rừng rực, còn lúa ngoài đồng chín rục rồi rụng luôn, không ai dám cắt. Vợ con ông trắng tay, chèo chống về bên ngoại ở Mỹ Hổ (hiện nay là xã Trường Xuân). Bên ngoại cũng rất nghèo khổ. Lúc bà mới ba tuổi má bà ra đồng bị trúng gió chết, ông già có vợ khác theo vợ về Cai Lậy sinh sống. Không ruộng đất, không của nả vốn liếng, nhưng mẹ con bà biết đi đâu, về đâu bây giờ. Bà bỏ cả bầy con lăn lóc, đứa lớn coi đứa nhỏ để đi làm thuê từng bữa, kiếm tiền, kiếm gạo nuôi con.

Những cơn ác mộng!

Hồi ức lại những tháng năm cơ cực của gia đình bà, tuổi thơ lam lũ của bà, chợt bà Thu “chuyển gam” sang đoạn hãi hung nhất, ly kỳ nhất nhưng cũng linh ứng nhất. Chuyện rằng: Sau khi thoát ly, ông cùng cả tiểu đội huyện đội Mỹ An, được bổ sung quân lên thẳng Tiểu đoàn 502 vào dịp gần Tết Mậu Thân năm 1968. Một đêm khoảng 12 giờ khuya, tôi mới chợp mắt được một lát, bỗng thấy ông nhà tôi mặc bộ đồ bà ba đen, ông đã mặc khi thoát ly, đứng thập thò trước cửa gần giường kêu: Bà ơi, tôi chết rồi. Lúc ấy nhỏ thứ tư mới hai tuổi, đang nằm kế. Tôi hết hồn, choàng tỉnh, ẵm con qua bên trái rồi ngủ tiếp. Tầm một hai giờ đêm tôi lại thấy ông nằm dài ra trước sân gần cửa, trên người không mảnh vải: Tôi chết rồi, chết thật rồi, bà ơi! Tới gần sáng, tôi lại thấy thấp thoáng ông lần nữa: Bà ở lại nuôi con, tôi đi đây! Tôi lạnh toát cả người, khóc luôn tới sáng. Sáng ra, gặp đứa cháu, tôi vừa khóc vừa nói với nó: Có khi ông ấy chết rồi về báo mộng. Thằng cháu an ủi: Thím đừng nghĩ lung tung, thím thấy chết là sống, thấy sống là chết đấy, con nghe người ta hay nói vậy… Tôi cũng tạm yên lòng, thỉnh thoảng vẫn suy nghĩ, không yên nhưng cũng không thể gởi cả bầy con cho ai để đi tìm ông, hỏi tin ông.

Thật sợ, đúng một tuần sau, có người của đơn vị của ông tới nhà đưa giấy báo tử kèm hai bộ đồ mới của ông - tôi đã may cho ông có lẽ ông chưa kịp mặc! Và điều lạ lùng hơn, ông chết tầm ba giờ chiều, ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân 1968, vào đúng đêm bà nằm mơ thấy ông về báo tin đã chết.

Còn một chuyện nữa, đó là sau khi ông chết, có một đêm ông về “nhằn” tôi: Sao bà để con đi lung tung không trông chừng vậy! Hôm nay không có tôi túm thằng Phương lại thì nó rớt xuống sông rồi. Tôi có hay biết gì đâu. Sáng hôm sau tôi kêu tụi nhỏ ra hỏi, hai đứa lớn mới thú nhận, hôm qua trốn về ngoại ở cách nhà một cánh đồng, có qua cây cầu, ở dưới sông, nước sâu chảy dữ dội, cây cầu khỉ choi loi không có tay vịn, đứa chị qua được, thằng em hụt tay rớt, nhưng may sao nó chụp lại được cây cầu…

Không biết thực hư những câu chuyện tới mức nào nhưng tôi không thể giải thích nổi nếu lời bà Hai Thu, vợ ông kể là sự thực. Không lẽ đó là hiện tượng thần giao cách cảm, âm - dương giữa hai vợ chồng mà dân gian thường nói… Năm ấy ông ba mươi mốt tuổi, còn bà nhỏ hơn ông một tuổi.

Trận đánh cuối cùng …

Gặp ông Ba Thăm, cùng đơn vị với ông, hiện là thương binh 2/4 sống tại ấp Mỹ Hổ, cũng ở xã Trường Xuân (huyện Tháp Mười), ông nói: Lúc mới ở huyện đội Mỹ An lên tỉnh, anh Hai Thạnh được giao phụ trách tiểu đội trinh sát. Sau một thời gian anh được phân công làm Trung đội trưởng rồi lên Đại đội phó Tiểu đoàn 502. Trong trận Mậu Thân, tỉnh giao xã tiêu diệt đồn tại xã, huyện tiêu diệt đồn tại huyện. Tiểu đoàn 502 là bộ đội chủ lực của Tỉnh, đã được lệnh đánh các đồn bót ở Cao Lãnh, trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Kiến Phong và đánh trực tiếp vào các đơn vị quân chủ lực của ngụy. Anh Thạnh là một người hiền lành, chất phác nhưng chiến đấu rất dũng cảm, xông xáo, thương yêu đồng đội và luôn dành những việc nặng, việc khó cho mình. Sáng ngày 25/01/1968, Tiểu đoàn 502 hành quân ra đánh đồn ở xã Hòa An, đánh theo kiểu “nhảy cóc”. Cả bên ta và bên địch chết rất nhiều. Sau trận đánh, hết đạn, ta rút về Rạch Cái Tôm, cách Hòa An vài ba cây số đóng quân, chuẩn bị đạn dược để ngày sau lại ra đánh tiếp.

Để cứu vãn tình hình và tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta, chiều ngày hôm đó địch huy động máy bay ném bom dọc theo đường rút quân của bộ đội. Máy bay ì ì tới, bẩy anh em chạy thục mạng, chỉ còn anh Thạnh và anh Hữu Nên chạy không kịp, ôm súng nhảy xuống một cái đìa, không may, một trái bom rớt ngay xuống đó. Thân thể hai anh văng tứ phía. Khi ngớt tiếng bom, đồng đội quay lại thu lượm xác thì thật đau lòng, máu me, thịt xương vung vãi khắp nơi, một cánh tay và một đoạn ruột không biết của ai trong hai anh em còn văng lên cao, treo lủng lẳng trên cành cây gần đó. Chúng tôi đã thu gom những gì còn sót, lấy nylon gói chung lại và chôn cất cạnh hố bom mà hai anh đã hy sinh, gần một cây gáo cao làm dấu để sau này gia đình dễ tìm mộ.

Bốn mươi năm không có ông, những cơ cực, khốn khổ, thiệt thòi không thể kể xiết ông đã để lại gánh nặng cho bà. Ruộng bị lính tịch thu vì gia đình Việt Cộng. Ông ra đi, bà có bầu thằng út mới hai tháng. Khi mới sanh được sáu bẩy tháng, bà dẫn đứa con gái lớn tám tuổi và thằng nhỏ vào lều trại trong đồng, cho chị giữ em, để bà đi cắt lúa mướn. Thằng em kế sáu tuổi ở nhà giữ đứa em gái bốn tuổi. Cho em ăn xong, ngày nào cũng vậy, nó bỏ em xuống nền đất cho bò lung tung khỏi té, lấy dây chuối cột cửa ngoài rồi băng đồng ra tiếp má, mặc con em khóc chán, ị đái lung tung rồi lăn ra ngủ, tận chiều về nó mới lôi em tắm rửa và “thu dọn chiến trường”.

Cánh đồng có má và em phải qua một con kinh, khi nước ròng nó lội qua dễ dàng, nhưng khi nước lớn, có bữa không chờ được nước ròng, nó kiễng chân, ngửa mặt lên trời có khi nước đụng tới lỗ mũi, trong khi nó chưa biết lội. Thế mà thằng nhỏ đều qua khỏi. Con lớn hơn, thường ba giờ khuya, bà dậy nấu một nồi cơm để ở nhà cho các con ăn trưa, con chị Hai trông chừng ba đứa, năm giờ sáng bà đem cơm và dẫn thằng nhỏ thứ ba mới bảy tuổi bơi xuồng đi cắt lúa mướn cho người ta để lấy gạo ăn, hết cánh đồng Bằng Lăng, Khu 6 Hưng Thạnh, rồi Mỹ An, Cổ Cò, lên tới Cai Lậy…

Thứ lúa mùa làm thời gian mất cả năm, thường con nước lớn tháng 11 mới cắt được. Dầm nước cắt lúa bỏ lên xuồng, bà bó lại rồi hai mẹ con kéo xuồng lúa về, bà vác từng bó lên sân chất đống giao cho chủ. Tới bây giờ bà cũng không hiểu tại sao với thân hình tiều tụy chưa tới bốn mươi kí, bà còn vác nổi mấy chục giạ lúa sau cả ngày trời dầm mưa, dãi nắng cắt lúa nữa. Hình như bà phải làm với cả sức mạnh của ông nữa để ông đi cách mạng cứu nước, mẹ con bà mới không chết đói? Bà hay nghĩ thế.

Mỗi công cắt họ trả cho một giạ. Lúc ấy đỉa lúc nhúc, đen đặc, thò chân xuống nước, nhấc lên thường hơn chục con bám theo. Mỗi khi ra đồng, bà phải đem theo một túm vôi. Chỉ có lấy vôi vuốt, đỉa bám dính mới chịu nhả ra. Thằng nhỏ rất sợ bị đỉa đeo, vừa khóc, nước mắt nước mũi ròng ròng nhưng vẫn phải cắt lúa cùng mẹ. Khi hai mẹ con bà xong việc thì thường đã chạng vạng. Có năm, lúa cắt mướn vừa đem về tới nhà được ít chục giạ, bọn lính nghe ai báo tới hốt toàn bộ xuống thuyền Mỹ đem đi với lý do: Chồng bà đi Việt cộng, mặc năm mẹ con gào khóc thảm thiết đòi lại. Mượn gạo của bà con ăn đỡ, mẹ con bà lại đi làm mướn tiếp, trả nợ…

Còn đứa con gái lớn mười hai tuổi cho em ăn xong, cột cửa nhốt hai đứa em trong nhà, ra mé mương sau nhà mò ốc, câu cá, hái rau cho mấy chị em. Không có bếp, buổi chiều che lùm ngoài gốc chuối nấu ăn. Nhiều bữa giông gió nên thường bữa chín, bữa sống. Có ngày không kiếm được đồ ăn, mấy chị em chỉ có muối tiêu nặn chanh và nước mắm cá linh bà nấu sẵn để trong khạp. Nhiều bữa hết gạo, phải nấu cháo trắng ăn với muối cục… May mà giải phóng sớm nên mẹ con bà mới sống được đến ngày nay. Bà vẫn thường nói thế.

Ông “đã trở về” …

Hơn ba mươi năm thất lạc, vợ con và cả gia đình ngày đêm mong ngóng tìm thấy hài cốt của ông nhưng vẫn không được, dù biết ông nằm ở ngay xã Hòa An, thị xã Cao Lãnh này. Bởi hầu hết đồng đội của ông tới nay không còn và thời gian đã xóa nhòa mọi dấu vết xưa. Những lời trăng trối của ông nội trước lúc qua đời không quên nhắn nhủ cô cháu nội: “Cố gắng đi tìm hài cốt của ba, ba con linh thiêng, rất thương vợ thương con, nhất định sẽ trở về. Và có tìm được ba con, ở dưới suối vàng nội mới yên lòng …”.

Ba mươi năm đằng đẵng từ những năm còn chiến tranh đến lúc hòa bình, cả gia đình chỉ có một ước nguyện đeo đẳng, khôn nguôi: tìm được hài cốt của ông. Nhưng ai cũng biết: tìm cả bộ hài cốt đã khó, đằng này chỉ tìm một phần thân thể ông, càng khó gấp trăm ngàn lần. Sau ngày giải phóng, bà và các con đã nhiều lần đi tìm mộ nhưng vô vọng. Cứ nghe tin có mộ vô chủ ở xã Hòa An là mấy mẹ con lại nháo nhào đổ đường bốn năm chục cây số từ Tháp Mười tới Cao Lãnh nhưng không tìm được.

Cách đây mười năm, khi nghe tin có thể tìm mộ qua các nhà ngoại cảm, chị Bùi Thị Niềm hiện công tác tại Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp, con thứ tư của ông bà (lúc ông mất mới hai tuổi), qua bạn bè cho biết, đã nhờ nhà ngoại cảm ở thành phố Hồ Chí Minh tên Nguyễn Văn Nhã, hướng dẫn đi tìm mộ liệt sĩ. Lần này đã lóe lên niềm hy vọng mong manh cho cả gia đình nhưng nhà ngoại cảm lại cách Cao Lãnh hơn cả trăm cây số, không nhận tiền thù lao, xin gặp cũng không được, chỉ thông tin qua điện thoại.

Những năm ấy, việc các nhà ngoại cảm tìm mộ ở trong Nam chưa rộng rãi như ở ngoài Bắc, là vấn đề nhạy cảm, giới trí thức ít người tin, nhiều người phản bác, nhưng gia đình lại có lòng tin gần như tuyệt đối. Qua tấm bản đồ ông Nhã gởi xuống, gia đình chị cùng anh em cơ quan Hội Văn học - Nghệ thuật Đồng Tháp gần hai mươi người chạy xe honda qua xã Hòa An để tìm mộ. Ông Nhã đã vẽ rất chi tiết và cặn kẽ đường tới chỗ có hài cốt, qua mấy cây cầu, tới ngôi miếu cạnh đường, sát căn nhà lá. Ông bà chủ nhà thiệt tốt, sẵn sàng cho đào bới và nhiệt tình cùng tham gia với đoàn. Khi chị dâu thứ ba để cái hột vịt đứng được trên ngọn cây đũa, thì việc đào bới được bắt đầu. Chị Niềm cho đào một cái hố dài và sâu chạy cặp theo vách nhà, dài hai mét, sâu xuống hai mét theo hướng dẫn của nhà ngoại cảm qua điện thoại từ xa. Mọi người trong đoàn hồi hộp đến nghẹt thở. Khi đào tới lớp đất đen sẫm, có lẫn những mảnh nylon mủn nát, tiếng nhà ngoại cảm vang lên: “Tới rồi”, thì bà và các con khóc òa, gia đình có niềm tin chắc rằng: Đó là hài cốt của ông! Thật vui mừng quá đỗi, bà và các con đã tìm ra nơi ông nằm. Sau đó Sở Thương binh - Xã hội cùng gia đình và bạn bè đưa ông về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.

Bây giờ gia đình đã yên lòng bởi ông – liệt sỹ Bùi Văn Thạnh đã được ở bên cạnh đồng đội. Mỗi khi có dịp về Cao Lãnh, bà và các con luôn ghé thắp cho ông vài nén nhang thơm, để nhớ về người chồng, người cha, người Đại đội phó của Tiểu đoàn 502 thuở nào, hy sinh không còn nguyên vẹn thân xác, coi cái chết thật nhẹ nhàng nhưng ra đi vẫn luôn canh cánh trong lòng, nặng nỗi lo lắng cho vợ, cho con.

Tôi thật ngưỡng mộ và vô cùng cảm phục người phụ nữ nhỏ bé nhưng có nghị lực quá phi thường, như bao người phụ nữ trong chiến tranh ở Nam bộ thời ấy, đang ngồi ở trước mặt tôi. Bà còn nói: “Chúng tôi đã có những tháng ngày hạnh phúc bên nhau, nhưng những ngày ấy rất ngắn ngủi bởi ông đi hoạt động. Tôi rất tự hào vì tuổi trẻ kiêu hãnh và oai hùng ông đã giành trọn cho cách mạng, chúng tôi bắt đầu những chuỗi ngày nhớ nhung, xa cách, chia ly. Bốn đứa con nhưng thật ra đếm trên đầu ngón tay, không có bao ngày vợ chồng được gần nhau, các con được ở cạnh ba nó. Lúc ấy, tôi mới ba mươi tuổi, bị tụi lính gây khó dễ đủ điều bởi chúng cho rằng: Đàn ông không có trong nhà, nếu không đăng lính thì chỉ có một lý do duy nhất là đi theo Việt cộng”.

Không khí trong nhà chợt như trùng xuống. Bà nói tiếp: “Chúng nói rất đúng, cô ạ. Cái đường kênh này hầu như nhà nào cũng giống như nhà tôi, đều là vợ Việt Cộng và sau này trở thành vợ liệt sĩ. Có lẽ, chưa ở nơi đâu trên thế giới lại có nhiều phụ nữ thờ chồng như ở Việt Nam”!

Ở cái tuổi 76, tuy âm vực phát ra không còn khỏe khoắn nhưng giọng bà Thu vẫn rất bình thản, rành rẽ. Nhưng tim tôi chợt đau nhói. Tôi thầm hỏi: Ai là kẻ đã làm cho những người phụ nữ hiền lành ở xứ sở này bỗng trở thành góa bụa, những đứa trẻ con ngơ ngác, vô tội bỗng mất cha?... Hiển nhiên, câu trả lời đó là Chiến tranh. Bởi nhân loại từng rút ra và đúc kết “chiến tranh, đâu phải trò đùa”.

 Nơi căn nhà cấp 4 ngăn nắp, khang trang nhờ sự chung sức đóng góp từ các tổ chức xã hội của huyện và các con cái bà, mắt bà Thu cười lấp lóa trong ráng chiều làng quê Tháp Mười của tháng tri ân. Có lẽ ký ức về ông sau mấy chục năm qua lại ào ạt xô về… Thế rồi, bà quay sang nói với người con trai út – anh Bùi Văn Cường năm 2018 này đã ngót tuổi 50, người đang trực tiếp phục dưỡng bà:

- Mi bảo chị em tụi bay, sắp đến ngày 27/7 rồi đó. Nhớ chuẩn bị các đồ lễ cho đầy đủ, chu đáo để lên nghĩa trang tỉnh thắp nhang cho ba và các đồng đội của ba, nha. Ba mày là thiêng … kỳ lắm đó.

Nguồn Văn nghệ số 32/2018

                                                           


Có thể bạn quan tâm