April 27, 2024, 8:58 am

Ba nữ sĩ & những "dấu xưa" đa sắc

 

Ba tiểu thư là con Tổng đốc Võ Chuẩn, cháu nội Thượng thư Bộ Lễ Võ Liêm. Cố đô Huế thiếu chi quan lại, nhiều người còn nổi tiếng hơn, nhưng cụ Võ Chuẩn lại nổi tiếng vì đa tài, thích hướng về phương Tây kinh doanh, những mong canh tân đất nước, nhưng phải nghe lời thân phụ làm quan Nam triều.

Tuy vậy, ý tưởng “canh tân” của cụ thể hiện ngay khi làm quản đạo tỉnh Kontum, mở mang văn hoá, giáo dục, cải thiện điều kiện canh tác, lập làng mới; đến nay, nhiều làng vẫn mang họ tên, hoặc bút danh của cụ… Đặc biệt, người con trai của cụ là Võ Sum (1923-2009), học Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế 1945, rồi tham gia kháng chiến chống Pháp. Kết thúc lớp học, cũng như các học viên khác, Võ Sum chuyển thành bộ đội Giải phóng quân Huế, nhưng nhờ “tiếp thu” tài năng của thân phụ, Võ Sum giỏi cơ khí máy móc nên được giao phụ trách ngành Quân giới - Quân khí Huế, sản xuất lựu đạn, sửa súng ống… tại Trường Kỹ nghệ thực hành… Tuyển tập của ba cô em gồm 3 tác phẩm viết về các chủ đề khác và cũng “khó” viết về ông anh, nhất là cuộc đời anh lại có bước ngoặt “đặc biệt” sau khi ra tù năm 1954.

Trong ba tác giả, có đến hai người là nhà văn nổi tiếng một thời, nhưng bây giờ có lẽ nhiều người không biết. Cũng vì họ ở quá xa Huế và nổi tiếng trước cả Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca… Trong tuyển tập này, chỉ giới thiệu 2 tiểu thuyết trong rất nhiều tác phẩm của họ: Hai gốc cây của Minh Đức Hoài Trinh và Những đêm mưa của Linh Bảo. Bà Băng Thanh (1927-2017) không viết văn, chỉ góp vào tuyển tập này một phần cuốn Nhật ký mà con cháu bà đặt tên là Những câu chuyện một cuộc đời.  Tuy vậy, người phụ nữ sống thọ 90 tuổi này lại “đặc biệt” ở chỗ: Bà là người duy nhất trong gia đình sống ở Liên Khu Tư rồi ra Hà Nội cho đến cuối đời, nếm trải tất cả những khổ ải trong hai cuộc chiến tranh. Chồng bà là nhà văn Phan Khắc Khoan (1916-1998), nhưng bạn đọc hôm nay nhiều người không nhớ ông là một tác giả được nhắc đến trong cuốn Thi nhân Việt Nam, là hội viên sáng lập Hội Nhà văn và Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam…

 Tiểu thuyết Hai gốc cây mở đầu Tuyển tập, đậm chất tự truyện, thể hiện gần như toàn bộ cuộc đời gia đình cụ Võ Chuẩn từ ông Tham tá Tòa Khâm (1930) trở thành vị Tổng đốc về hưu sớm đi tản cư, khi mặt trận Huế vỡ (1947)… Như vậy, về mặt sự kiện, tiểu thuyết kết thúc năm 1948, tác giả viết Hai gốc cây năm 1966; quãng thời gian 18 năm và những trải nghiệm khi Minh Đức Hoài Trinh làm phóng viên ở các chiến trường đã cho bà một cái nhìn bình tĩnh và công bằng về sự kiện đã làm đảo lộn cuộc sống ở Huế - nhất là trong một gia đình quan lại như “ông Thượng”. Thậm chí, ngữ điệu trong nhiều trang văn ở đoạn này rất vui vẻ và cả giễu nhại nữa. Khi miêu tả không khí “dân chủ” trong gia đình “ông Thượng”, mấy cô con gái chê mạ đủ thứ nào là “bảo thủ, phong kiến, phản văn minh”… “bà Thượng” than: “- Biết rứa thì tau không đẻ tụi bay ra cho mệt…”; một “tiểu thư” vừa nói: “- Thôi thì mạ cứ đuổi tụi con vô bụng lại đi!” thì các cô lại “cãi nhau để dành chỗ đứng trong bụng, chỗ nào sạch, chỗ nào bẩn.” Người mẹ phải hét lên để giữ chút uy tín cho mình: “Lớn rồi, chồng gần đi cưới cả rồi, không lo mà tập tành ăn ở đi… người ta sẽ chửi cho trên đầu chửi xuống, khi nớ mới ngồi mà khóc!”. Thế là mấy “tiểu thư” hô “Đả đảo mẹ chồng! Đả đảo làm dâu!” khiến “bà Thượng” chỉ còn biết cười hòa với các con! Thấy mấy đứa con phản đối việc lấy chồng, con Mai giỏi ăn nói còn dám nói “có ngày được mời ra giữ chức bộ trưởng ngoại giao thay Nguyễn Trường Tam”, cô Trúc thì “làm đơn xin ra ứng cử chủ tịch, bị anh Sơn nạt cho”…, tác giả, qua tâm sự người mẹ, đã thốt lên: “Không ngờ cuộc cách mạng lại có ảnh hưởng vào đến cả trong tâm tư của mấy đứa con gái của mình, những đứa con mà bà đã khản cổ, khản họng dạy dỗ uốn nắn từ hai chục năm nay”. Than thở vậy, nhưng tác giả lại diễn tả với một giọng điệu “vui vẻ”, có thể vì tác giả cũng nhận thức điều chủ yếu đằng sau cuộc “đảo lộn” này: “Ai chẳng muốn cởi bỏ những xiềng xích nô lệ, ai chẳng muốn được tự mình làm chủ lấy mình, cày bừa ruộng mình ...”. Cái cô Mai muốn làm bộ trưởng, còn mạnh miệng tuyên bố: “Khi mô tau làm ngoại giao thì tau bắt Tây phải ký kết đủ điều, nhìn nhận nước Việt Nam độc lập hoàn toàn, rồi tau mới bằng lòng cho khai thác vườn cao su…”. Tuy là “chuyện đùa”, là tiểu thuyết, nhưng từng ấy cũng giúp chúng ta hiểu được “lập trường” yêu nước sáng rõ của tác giả.

Có thể hiểu tác giả gửi gắm qua hình ảnh Hai gốc cây rất nhiều ý nghĩa, dễ thấy hơn cả, đó là chứng nhân, là biểu tượng của tình yêu lãng mạn, tự do, một nét văn hoá phương Tây hiện đại, “mọc rễ” và tấn công nếp sống phong kiến xưa cũ ngay tại “sào huyệt” một đại quan, …

*

Linh Bảo (tên thật Võ Thị Diệu Viên) sinh năm 1926, là chị của Minh Đức Hoài Trinh, nổi tiếng trên văn đàn rất sớm. In truyện đầu tay từ năm 1953, năm 1961 và 1962 bà đã được các giải thưởng có tiếng vang cho tập truyện ngắn Mây TầnTàu ngựa cũ. Khác với các chị em khác, từ trẻ, Linh Bảo đã có tham vọng du học và bà đã sống nhiều nơi từ Trung Quốc, Hồng Kông, Anh, Pháp… Bà hiện đang sống ở Mỹ. Những đêm mưa viết từ năm 1957, xuất bản năm 1961, có thể xem như là Tập 2, nối tiếp tiểu thuyết Gió Bấc viết năm 1953, khi Linh Bảo mới 26 tuổi. Các nhà văn tên tuổi như Nhất Linh, Bình Nguyên Lộc… đánh giá cao nghệ thuật bộ tiểu thuyết này…

Tôi tin rằng những ai có dịp đọc Tuyển tập của Ba người con gái Huế xưa đều đồng tình với “Lời ngỏ” đầu sách do các cháu - chắt của các nữ sĩ chấp bút: “… Chúng tôi muốn giới thiệu một giai đoạn lịch sử của nước Việt Nam, giai đoạn chuyển mình từ trạng thái cố kính truyền thống đến trạng thái hiện đại ngày nay…; trong đó muốn nói tới những giá trị tự ngàn xưa với mong ước nhắn gửi cho các thế hệ sau là cần gìn vàng giữ ngọc, cần bảo tồn một truyền thống của từng gia tộc, vì truyền thống đó nằm trong cả nền văn hoá chung của dân tộc chăng?...”   

Và không ít bạn sẽ thú vị thốt lên: “À, thì ra Huế và văn đàn Việt Nam còn có những nữ sĩ tài danh như thế!...”

Nguồn Văn nghệ số 29/2019

 


Có thể bạn quan tâm