April 26, 2024, 2:33 pm

Ba người đàn bà đi dưới mặt trời

 

 Thanh Chung, Kim Oanh và Lâm Cúc vốn dĩ là ba người bạn thân và sống trên ba vùng đât khác biệt. Cách đây đúng mười năm, họ ra chung cuốn truyện ngắn Tin nhắn một chiều. Sau đó, Thanh Chung đã có được một đầu sách riêng: Bay qua giấc mơ. Còn hai cô bạn nhà báo thì im ắng nên phải đến tận hôm nay cả ba mới lại có cơ hội nắm tay cùng nhau Đi dưới mặt trời.

Thanh Chung trong lần ra mắt lần này có gì đó khác hẳn Thanh Chung của Bay qua giấc mơ. Không còn nữa một Thanh Chung ưa chẻ sợi tóc làm tư, cay và đau đến không thể khóc. Thanh Chung bây giờ gói bốn phương vào làm một. Tươi tắn hơn. Bao dung và hiền hậu hơn. Mỗi một truyện ngắn của Thanh Chung giống như một nụ cười. Có chút tinh quái nhưng vẫn bao dung, dịu dàng. Chị vẫn viết nhiều truyện về tình yêu. Có những truyện khá cụ thể (Tro của Hoa Hồng), có truyện mơ hồ lãng đãng (Trăng lưỡi liềm)… Nhưng trên tất cả, cho thấy một Thanh Chung rất giỏi nhìn ra và lý giải những rối rắm, uẩn khúc của cái gọi là tình yêu. Để cuối cùng tất cả đều Đẹp, đẹp đến ngỡ như cổ tích và theo đúng câu châm ngôn: Trái tim - (Tình yêu) - có những lí mà riêng mà lẽ thường không sao hiểu nổi. Môt số truyện của Thanh Chung ngắn đến nỗi có thể gói gọn trong một vài dòng. Nhưng cũng có thể từ đấy mà lan man thành một tiểu thuyết. Nhưng thôi, chả tiếc. Biết vậy là đủ rồi. 

Không “tươi” như Thanh Chung, hai cô bạn đồng tác giả lại mang đến một cách nhìn khác về cuộc sống.

Kim Oanh có giọng văn đắng ngắt và không đa ngôn. Với cái kiểu chua chát, dí dỏm, có lúc mạnh bạo, táo tợn, đanh đá, giọng văn nửa Bắc nửa Nam, nửa xưa cũ nửa hiện đại, nửa phố thị nửa nhà quê, nửa nghiêm trang thành kính nửa cợt nhả đanh đá… cuộc sống trong truyện của Kim Oanh hiện ra với rất nhiều mảng màu hỗn tạp. Chị viết những gì cần viết, nói những gì cần nói. Đến cả ý nghĩ, những suy luận, triết lí trong văn chương vốn được xem là vô tiền khoáng hậu cũng được chị nắn vào, gò vào trong một dòng chảy có chủ đích chứ không để chúng trôi văng mạng. Thậm chí có nhiều truyện của chị được dừng lại ngay cả khi những sự việc, những vấn đề trong truyện chưa được giải quyết cho hết. Đọc Kim Oanh có cảm giác như xem người đi trên dây. Một sợi dây mỏng mảnh chăng giữa hai bờ sáng tối, chăng giữa cái thật và cái ảo, cái ác và cái thiện, cái hay của sáng tạo nghệ thuật và sự mô phỏng trần trụi thực tế, giữa cái tinh tế, thông minh và cái thô lậu, tầm thường. Nín thở. Và cuối cùng là thở phào. Kim Oanh thực sự đã vượt qua được những ngáng trở nguy hiểm.

Văn Lâm Cúc bạo liệt và rất đời. Nó không hoàn toàn là một sáng tác, dù chị viết rất chuyên nghiệp. Nó giống câu chuyện kể. Một lúc nào đó, Lâm Cúc ngồi ghé bên bạn và nói rằng: “Ở chỗ tôi…” và câu chuyện cứ thế hình thành. Bạn im lặng nghe và rồi dần dần quen hết các nhân vật của Lâm Cúc. Tất cả như đang sống quanh ta khiến ta muốn tìm đến làm quen với họ, thông cảm với họ và cùng họ chịu nốt cái kiếp nạn làm người. Đây là bà Tưng, kia là lão Phố, rồi chị Duyên, cô Viên… Họ với những mảnh đời bèo bọt, bị Thượng đế lười biếng nặn ra và vứt xuống trần. Họ đến và đi trong những vất vả, bấp bênh, có muốn thoát ra cũng không được.

Lâm Cúc có cách viết điềm nhiên, không né tránh, không khách sáo, có sao cứ vậy mà kể. Thường khi đọc xong Cúc, ta khó mà mỉm cười được. Cái đau cứ đến từ từ, từ từ khiến cho ta nghi ngờ tính chuẩn xác của bức tranh ta vừa nhìn thấy. Nhưng ta sẽ phải đau đớn nhận ra rằng: Đó là cuộc sống thật của một lớp người.

          Đi dưới mặt trời đã giúp người đọc có được một cái nhìn chân thực, cho dù có u ám về những mảng của cuộc sống, có thể đã qua, có thể đang tồn tại ở đâu đó. Có nhiều truyện trong tập được kết cấu theo lối mở, nghĩa là ở đoạn kết thường bỏ lửng. Kiểu viết này lúc đầu gây cảm giác ngỡ ngàng cho người đọc nhưng sau thì hiểu. Đó là dụng ý của các tác giả, hoặc không muốn áp đặt, hướng nó đi theo ý chủ quan của mình một cách gò bó, hoặc muốn cứ để nguyên bản vậy, nửa chừng vậy để độc giả có thể thay mình, cùng mình làm tiếp một cái kết theo ý mà họ muốn. Nhưng trên tất cả, cái còn lại cũng như Hoa hồng, Thanh Chung - Kim Oanh và Lâm Cúc đã đốt đời mình rồi để lại những tàn tro chứa hồn cốt họ: Đau đớn và Đẹp.

   Nguồn Văn nghệ số 40/2019                                                                                  


Có thể bạn quan tâm