April 26, 2024, 10:39 am

Ba giai đoạn trữ tình trong thơ Lê Trí Viễn

 

Đã có nhiều công trình nghiên cứu về Giáo sư Nhà giáo Nhân dân Lê Trí Viễn, các tác giả đều có chung nhận định GS Lê Trí Viễn là tấm gương lớn về học tập rèn luyện để trở thành một tài năng sư phạm; nhiều công trình khoa học của Giáo sư đặt nền móng cho việc giảng dạy, nghiên cứu văn học Việt Nam đặc biệt là văn học Trung đại. Ông là thầy của nhiều thế hệ bậc thầy nổi tiếng. Tôi xin góp một số ý kiến về một mảng sáng khác của tài năng Lê Trí Viễn, đó là trên lĩnh vực thơ ca. Xưa nay các nhà giáo làm thơ có thể nói khá nhiều, nhưng sự đóng góp trong lĩnh vực này của Giáo sư Nhà thơ Lê Trí Viễn có giá trị riêng, rất khác biệt, đáng để chúng ta trân trọng.

            Thơ Lê Trí Viễn có thể chia thành ba giai đoạn:

1/ Giai đoạn trữ tình trước Cách mạng Tháng Tám: Hồn nhiên và mơ mộng

Bài thơ đầu tay của Lê Trí Viễn năm 1940:

            Vườn khuya

Dường như có chuyện lạ kì

Có gì đang thấm, có gì đang dâng

Như xa mà lại như gần

Tưởng đâu quặn sóng mà chừng bay tơ

Mênh mông e muốn có bờ

Có ai không đợi mà chờ phòng không

Bâng khuâng mình cũng bâng khuâng

Ôm trăng tàu chuối tần ngần đọt xuân

Song song bóng gối chân tùng

Hương cau trinh bạch ngại ngùng cành khuya

            Nhà thơ cảm nhận có những cái rất không bình thường: “có gì đang thấm, có gì đang dâng”. Thấm vào tâm hồn và từ đó cảm xúc dâng trào, tâm hồn cất cánh bay lên.

Như xa mà lại như gần

Tưởng đâu quặn sóng mà chừng bay tơ.

            Đọc “như xa”, nhưng sao lại “như gần”?

            Lại đọc “tưởng đâu quặn sóng”, tôi chợt nghĩ thủy triều dâng cao rồi, có chất Xuân Diệu dâng trào, Hàn Mặc Tử điên cuồng chăng?. Nhưng không, “mà chừng bay tơ”, nhẹ nhàng và dịu hiền làm sao! Là thực hay ảo thật khó phân định. Ta để ý, cả hai dòng thơ, phần nửa sau của câu sáu, câu tám đều chừng mực lại, mực thước và hài hòa chứ không “bốc hỏa thăng thiên” làm náo động cả bài. Phải chăng đây chính là đặc điểm, tính cách con người Lê Trí Viễn, ông rất lãng mạn đắm say bay bổng, nhưng khi cần thiết, ông vẫn sẵn sàng trở thành con người quy phạm mực thước. Một nghệ sĩ và một nhà sư phạm hai yếu tố ấy đã được “cài đặt” sẵn trong con người ông.

            Bài Mưa ngọt năm 1942 có đoạn:

Chiều qua phơi phới cơn mưa ngọt

Hoa cỏ chừ đây đã chín duyên

Yêu mãn khai rồi, hương bát ngát

Động đào thơm phức giấc khôi nguyên

Ta có lòng trai gió bốn phương

Tìm xuân nghe lá mách bông tường

Dang tay, phảng phất mùi thương mến

Ủa lạ, lòng ta cũng đẫm hương

            Ở đoạn trích trên có những kết hợp từ rất đẹp: “mưa ngọt”, “hoa cỏ chín duyên”, “yêu mãn khai”, “giấc khôi nguyên”, “lòng ta cũng đẫm hương”… chứng tỏ một khả năng sáng tạo làm mới ngôn ngữ của Lê Trí Viễn đã bộc lộ từ rất sớm. Xin lưu ý cụm từ “giấc khôi nguyên” cùng tên của ông: Lê Trí Viễn, nói lên khát vọng của chàng trai trẻ lúc bấy giờ: ý chí vươn xa và ước mơ đỗ đạt thành danh. Lê Trí Viễn đã nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi và ông đã đạt được ước nguyện một cách hoàn hảo mỹ mãn.

Thưở ấy đời tôi ngọt tợ đường

Bao nhiêu đồng mía đúc chung hương

Làm thân châu chấu say hoa cỏ

Uống đã tình xanh cạn sắc hường

Tôi xước đời như xước mía mưng

Ai hay đường ngọt trở cay gừng

Một chiều nằm ngửa trên cồn mả

Vụt thấy trời sâu ngợp quá chừng

                                    (Trước mười lăm – 1943)

Từ “Thuở ấy đời tôi ngọt tợ đường với nhiều cảnh sắc thơ mộng “Uống đã tình xanh cạn sắc hường” đến “ai hay đường ngọt trở cay gừng”, nỗi cay đắng này chắc không phải ẩn ức cá nhân bởi người thơ này còn rất trẻ mà chính là anh đã cảm nhận được nỗi đau của cộng đồng, của đất nước trong cảnh đời nô lệ. “Vụt thấy trời sâu ngợp quá chừng”, thông thường mọi người đều thấy trời cao, riêng nhà thơ thì ngược lại, “trời sâu” và rất ngột ngạt “ngợp quá chừng”, rõ là trong hoàn cảnh mất tự do độc lập thì đến hơi thở cũng nặng mùi xiềng xích. Ở đây có sự chuyển biến trong tâm thức để từ đó tác giả có cái nhìn biện chứng, lý giải xác đáng những hiện tượng trong đời sống xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Thơ Lê Trí Viễn siêu thực hòa cùng hiện thực một cách nhuần nhị kín đáo.

Đây là thời điểm Phong trào Thơ mới ở Việt nam đã phát triển đến đỉnh cao, cuốn sách nổi tiếng Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân đã rất phổ biến, có tiếng vang rộng lớn. Các nhà thơ chủ tướng của Thơ mới đã có ảnh hưởng vang dội trên thi đàn. Soi năm cặp lục bát bài Vườn khuya cùng những câu thơ bảy chữ trong bài mưa ngọt, Trước mười lăm và một số bài thơ khác cố tìm xem có bóng dáng gì của các vị “chủ tướng” kia ở đâu đó, nhưng không, thơ Lê Trí Viễn có nét riêng biệt.

 

2/ Giai đoạn trữ tình sau Cách Mạng Tháng Tám: Mô phạm và trách nhiệm công dân

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Lê Trí Viễn được mời dạy trường Quốc Học Huế. Một thời gian sau trường Quốc Học chuyển ra Hà Tĩnh đổi tên là Trường Chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng, thầy trò Lê Trí Viễn khoác ba lô hành quân đêm ngày ra địa điểm mới dựng trường. Năm 1954 ông được chuyển ra Hà Nội công tác tại Ban Tu thư Bộ Giáo dục rồi giảng dạy và làm Trưởng khoa Văn học trường Đại học Sư Phạm Hà Nội…

Suốt mấy chục năm công tác trong nghành Giáo Dục, công việc chính của GS Lê Trí Viễn là giảng dạy, nghiên cứu văn học, biên soạn sách giáo khoa phổ thông, giáo trình đại học… Việc làm thơ không còn được liên tục như trước mà chỉ trong những lúc thật sự rảnh rang và có sự thôi thúc đặc biệt. Những bài thơ ở giai đoạn này khác với giai đoạn trươc. Rõ nhất là sự chuyển đổi về bút pháp: từ lãng mạn sang hiện thực; từ đắm say bay bổng sang mô phạm mực thước. Sự chuyển đổi này do nhiều yếu tố tác động trong đó có yếu tố nghề nghiệp và quan điểm thẩm mỹ đương nhiên là chuyển động theo xu thế thời đại. Trong thời gian này, các nhà thơ lãng mạn của phong trào Thơ Mới tham gia Cách mạng rất hăng hái với cuộc vận động “quần chúng hóa”, có người nêu quyết tâm “lột xác”. Nhà thơ Xuân Diệu tuyên bố: thơ phải CHÂN CHÂN CHÂN, THỰC THỰC THỰC (chữ của Xuân Diệu viết hoa nhấn mạnh). Lê Trí Viễn không là nhà thơ chuyên nghiệp nhưng cũng đã ảnh hưởng quan niệm đó là điều dễ hiểu.

 Thơ Lê Trí Viễn lúc này, một số bài chất thơ có phần giảm sút nhưng thay vào đó là chất đời sống, trách nhiệm công dân, tấm lòng thương yêu con người nói chung và các thế hệ học trò của thầy nói riêng rất đằm thắm, nồng nàn. Đồng thời ta có thể thấy dấu ấn thời cuộc, những mốc son của quá trình xây dựng và phát triển của Giáo dục Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám. Những tên đất, tên người cùng với tên trường hiện lên trong tác phẩm nhiều khi đọc thấy rưng rưng xúc động. Thơ giản dị mộc mạc mà không giản đơn dễ dãi. Do đó, tiếp cận thơ Lê Trí Viễn một cách thiện chí trong cảm nhận và khoa học, ta sẽ thấy, ngoài giá trị nghệ thuật của tác phẩm, chúng ta không thể không chú ý đến giá trị lịch sử. Xin điểm qua một số bài.           

Tuổi xanh Nam Bộ

Miền Nam chừ ngút biên thành

Nước non đâu cũng là tình cỏ hoa

Em đi, khói lửa xa xa

Bạc Liêu Bà Rịa vời sa máu hờn                                                       

       1947

Tôi đoán chừng bài thơ này Lê Trí Viễn viết tặng người em nào đó trong đoàn quân Nam tiến. Lời thơ bình dị, những chữ mang dấu ấn một thời: “ngút biên thành”, “khói lửa xa xa”, “vời xa máu hờn” rất máu lửa, nhưng khi nói về đất nước, ông vẫn thể hiện tình cảm thắm thiết tươi xanh: “Nước non đâu cũng là tình cỏ hoa”, rất Lê Trí Viễn cái thời “Làm thân châu chấu say hoa cỏ/ Uống đã tình xanh cạn sắc hường” không lẫn vào đâu được.

            Giáo sư Lê Trì Viễn có thời gian làm chuyên gia giáo dục cho nước bạn Campuchia, ông có bài thơ Gửi gắm:

Lạ gì cái chuyện văn chương

Một câu một chữ khôn lường chiều sâu

Dạy văn lấy cảm làm đầu

Một đời tôi chỉ một câu dặn mình

Dạy văn dạy nghĩa dạy tình

Dạy văn mà cũng dạy mình dạy ta

Tình gần muốn gửi cho xa

Mai sau đi dạy ngẫm ra lời này.

PhomPenh 1984

Câu mở đầu “Lạ gì cái chuyện văn chương”, vẻ như dân dã quá nhưng tiếp theo: “Một câu một chữ khôn lường chiều sâu” đã khiến người đọc phải chú ý. Đặc biệt là: “Dạy văn dạy nghĩa dạy tình. Từ phân tích cái hay cái đẹp của văn chương, “dạy nghĩa”, từ đó nâng cao tình cảm, nhận thức: “dạy tình”. Muốn truyền cảm cho học trò, người thầy trước hết phải rung động cảm xúc thực sự, yêu ghét rạch ròi,“Dạy văn mà cũng dạy mình dạy ta”. Mỗi lần như thế, chính người thầy lại thêm một lần “tự dạy mình”, một ý tưởng, ý thơ được khám phá mới mẻ có bóng dáng một triết lý. Bốn cặp lục bát gói gọn và khái quát bản chất công việc dạy văn, trong đó hay nhất là câu:

Dạy văn dạy nghĩa dạy tình

Dạy văn mà cũng dạy mình dạy ta.

Tôi nghĩ, bài thơ giản dị sâu sắc trên đây chính là phương châm, kim chỉ nam cho các thầy cô giảng dạy văn học.

 

3/ Giai đoạn trữ tình khi nghỉ hưu: Vĩ thanh kết trái ngọt ngào

Với ai đó hưu trí là nghỉ ngơi nhưng với GS Lê Trí Viễn thì hưu trí mà trí vẫn hướng về xa, ông vẫn làm việc và sáng tạo trong thơ ca. Thơ của ông ở giai đoạn này giàu trải nghiệm, sâu sắc và chất trữ tình kết đọng tinh hoa.

Bài Tân Uyên xuân hành:

“Quán Gió nơi nào” ? Rụt rè thử hỏi.

Gió của trời lồng lộng bốn phương

Ai bán được mà rao Quán Gió?

Hay xuống bờ sông kia, hay lên rừng tràm nọ

Tha hồ gió đẩy lá đưa

Sẵn sàng sóng dạ nước thưa

Bày tiệc gió hai người thành quán !”

Chả biết có điểm nào tên “Quán Gió” không hay chỉ là một ẩn dụ? Ở đây có “bán, rao, đưa đẩy, dạ thưa, bày tiệc…”. Cuối cùng tác giả mới chỉ ra: “hai người thành quán”! Vậy là một bài thơ tình! Thơ tình ở tuổi gần ngưỡng “tri thiên mệnh”, “tha hồ gió đẩy lá đưa”, “sóng dạ nước thưa”, chắc là một người tương đối cao tuổi và một người còn xuân sắc. Họ không quản ngại “xuống bờ sông kia hay lên rừng tràm nọ”… Tức là chừng mực đấy mà vẫn nghĩa tình đắm say. Đây là một bài thơ tình hiếm và hay của một nhà giáo, nhà thơ.

Trong bài Kiếp đất đá thôi có câu:

May còn trời huyền diệu

Đất đá cũng sinh sôi

Gởi con một lời thiệp

Gởi con một lời mai

               (Xuân Canh Thìn 1/2000)

            Một bài thơ chúc tụng thù tạc nhưng vẫn không quên gửi theo lời nhắn nhủ cần thiết của người từng trải, lịch lãm với người thuộc thế hệ sau một cách nhẹ nhàng kín đáo.

Nhưng có lúc thi nhân lại mơ hồ phiêu lãng bài Cần làm chi địa chỉ:

Cần làm chi địa chỉ?

Nhắn gởi: hỏi con tim

 

Ra đi bảo: không nhớ

Ở lại bảo: không buồn

Buồn gởi vành trăng khuyết

Nhớ nhập gương trăng đầy

Hai đầu thương với nhớ

Gặp nhau trăng đường mây…

Ai cũng biết mỗi người đều có một địa chỉ để giao tiếp xã hội nói chung, điều này vô cùng cần thiết vậy mà tác giả bài thơ lại bảo “không cần”, thế là lý do gì? “Ra đi bảo không nhớ/ Ở lại bảo không buồn”! Không nhớ ư? Không buồn ư? Có nghĩa là rất nhớ, rất buồn! Đây là thủ pháp nghệ thuật phản đề, nói không tức là có! Bởi vì “Buồn gửi vầng trăng khuyết/ Nhớ nhập gương trăng đầy” tức là buồn và nhớ rất nhiều không kể xiết. “Hai đầu thương với nhớ/ Gặp nhau trăng đường mây”, mênh mang quá! Lãng đãng mơ màng quá! “Cần làm chi địa chỉ?/ Nhắn gởi : hỏi con tim”, một bài thơ tình với cấu tứ độc đáo.

Một nét độc đáo khác: Cuộc sống không có lịch

Bỗng thấy mình trăm hát

Bỗng thấy mình trăm hoa

Bỗng thấy mình mọc cánh

Bỗng thấy mình ngà ngà …

Vui thay sống không lịch !                             

 

Đến sân bay Tân Sơn Nhất    

Tần ngần nghĩ chẳng ra

Về đâu bây giờ nhỉ ?

                                    Tháng 7 năm 2001

Ý thức về thời gian: ngày giờ năm tháng… luôn thường trực trong mỗi người chúng ta, nhưng ở bài thơ này Lê Trí Viễn lại khác thường đến lạ lùng,“Cuộc sống không có lịch”! Có gì lý thú trong cuộc sống như thế? “Bỗng thấy mình trăm hoa/ Bỗng thấy mình mọc cánh”! Ông đã trải nghiệm quá nhiều về sự tuân thủ nghiêm túc đối với thời gian trong từng tiết dạy học theo hiệu lệnh của tiếng trống trường, lúc này tâm hồn ông bỗng trở lại thời niên thiếu mộng mơ và phiêu lãng. Nghỉ hưu, con người mô phạm của ông nhường chỗ cho con người lãng mạn, ông mong muốn có những khoảnh khắc không có lịch, không có đồng hồ để cuộc sống được hoàn toàn tự do nhàn tản, để suy tưởng bay xa và ước mơ mọc cánh.

Đến sân bay Tân Sơn Nhất    

Tần ngần nghĩ chẳng ra

Về đâu bây giờ nhỉ ?

Hóa ra không chỉ là mộng mơ, không chỉ trong ý nghĩ mà ông đã thực hiện một cuộc ra đi thực sự, ấy vậy mà lại hỏi “Về đâu bây giờ nhỉ”. Một hành khách mơ màng phiêu lãng đến thế chắc hành tinh này chỉ duy nhất có Lê Trí Viễn mà thôi!

Không địa chỉ, không thời gian mà rất gắn bó với con người, với cuộc đời, hai bài thơ đặc sắc với cấu tứ lạ. Lúc này Lê Trí Viễn đã vào tuổi “cổ lai hy” mà tâm hồn lại trẻ trung đến vậy…

Lê Trí Viễn còn làm thơ chữ Hán, một số bài thơ với bút tích thư pháp Hán Nôm rất cốt cách khoáng đạt.

Bài Vân

Vứt mây bão mây lốc

Giữ mưa ngọt mưa lành

Phơi phới tận tầng xanh

Làm cầu vồng năm sắc

Thi tứ bay bổng với cảm quan vũ trụ. Chất liệu thơ là những mây, mưa, bão lốc, tầng xanh, cầu vồng… tức là bên trên bề mặt của Trái Đất nhưng sao ta vẫn thấy gần gũi với cuộc đời! Bài thơ mang ẩn dụ rộng lớn, kín đáo mà sâu xa.

Theo những tư liệu về Lê Trí Viễn, năm 1949 Chính Phủ mở Hội nghị Văn hóa Văn nghệ Giáo dục toàn quốc tại Việt Bắc, Lê Trí Viễn là thành viên trong đoàn Đại biểu Liên khu IV. Các anh từ Quảng Bình đi bộ ròng rã hơn một tháng mới tới Vũ Ẻn, Phú Thọ. Trong Hội nghị, nhà văn Nguyễn Tuân khi ấy là Tổng thư ký Hội Văn Nghệ Việt Nam trao đổi với Lê Trí Viễn: “Có phải cậu ở chiến khu Quảng Bình ra không? Mình có đọc mấy bài của cậu. Cậu viết có style (văn phong) và có profondeur (chiều sâu), cố gắng viết đi”!

Tôi nghĩ, nếu số phận không trao cho ông trọng trách giáo dục và đào tạo, ông sẽ trở thành một nhà thơ gạo cội của thi đàn Việt Nam bên cạnh các tên tuổi lẫy lừng khác.

Giáo sư, nhà giáo Nhân dân, nhà thơ Lê Trí Viễn rất mực trang nghiêm mô phạm cũng rất mực lãng mạn thi nhân là thế.

Nguồn Văn nghệ số 9/2019


Có thể bạn quan tâm