April 26, 2024, 1:51 pm

Áo lính

Đêm đông. Xóm nhỏ biệt lập giữa cánh đồng chơ vơ ba nóc nhà chìm nghỉm trong bóng tối. Gió bấc thổi rào rào. Mấy cây cau gặp gió lá rũ rượi vắt sang một bên nhìn xa như những cây sào phất phơ buộc túm lông gà quét ngược lên mái trời bàng bạc. Mầu bàng bạc ấy là ánh điện hắt lên từ ngôi nhà cuối xóm.

 

Minh họa của VŨ ĐÌNH TUẤN

 

Đứng trước ngôi nhà cuối xóm sáng ánh đèn ấy nhìn lên đầu xóm thấy rậm rạp cây cối đen đen. Trong đám đen đen rậm rạp những tre pheo cây cối le lói một ánh đèn dầu vương qua kẽ liếp thưa. Mùi hương trầm nhè nhẹ nương theo ánh đèn bay ra ngoài cùng tiếng mõ thấp thỏm. Cốc… cốc… cốc cốc… Nhịp mõ uể oải khô lạnh. Hình như người gõ đang cố kìm cơn buồn ngủ. Lọc kỹ qua tiếng gió là tiếng người đùng đục câu được câu chăng cũng uể oải như tiếng mõ: “Trời… ta… chỉ… một trên… đầu. Bắc Nam… liền một dải… Lòng ta … không giới tuyến”…

Có ánh đèn xe máy chọc màn đêm cùng tiếng động cơ gào át tiếng gió và tiếng mõ. Cái xe dừng trước sân nhà cuối xóm, nơi duy nhất có ánh điện. Từ trong nhà tiếng rít lên xoe xóe của đàn bà:

- Rúc chỗ nào giờ mới vác mặt về.

Người đàn ông cao lớn khoác xà cột đẩy xe máy lên nhà giọng nhừa nhựa:

- Hay nhể. Người ta công tác chứ đi đâu mà rộn cả lên vậy.

- Công tác gì mà tận mười giờ đêm. Ủy ban ai làm việc tối. Đi với con đĩ nào? Tưởng gái này không biết hử?

Tay đàn ông cáu:

- Khẽ cái mồm!

Người đàn bà xuất hiện đứng chắn cửa buồng, tay vấn mái tóc trên đầu, rồi rút cái cặp trong mồm ra găm lại cho nó ngỏng lên.

- Dưng mà không ngủ được. Đã thế lại còn công cốc công cốc… sốt hết cả ruột.

Tay đàn ông thì thào:

- Thì cũng bàn việc ấy. Tập thể cũng phải đồng ý với mình. Kết luận rồi. Đợt này thì cho thằng mất dạy chết kỹ. Tinh tướng tài giỏi à. Tài giỏi cũng chết. Thôi đi ngủ!

Cánh cửa sập lại. Đèn điện tắt phụp. Cả xóm chìm trong đêm đen.

Tiếng mõ rơi mấy tiếng sau cùng rồi tắt lịm.

*

Ngoài sân ánh trăng dãi dề.

Trong nhà mùi hương trầm ngan ngát.

Dưới ánh đèn dầu vàng ệch, Mây bần thần giở từng vật dụng trong chiếc ba lô cũ của chồng từ chiến trường gửi về. Hơn chục năm đã qua, mỗi lần giỗ chồng chị lại lấy chiếc ba lô ra lần giở từng thứ để tìm về ngày xưa…

Đây là chiếc mũ cối đã sờn mép. Cái mũ này anh đã đội trong suốt dọc đường lên biên giới. Đây là chiếc áo vẫn còn khen khét mùi mồ hôi của anh. Mùi mồ hôi mà chị vẫn hít hà mỗi lần chồng đi cày ruộng về. Những lúc ấy chị áp mặt vào vồng ngực rắn chắc của anh để cả hai cùng hạnh phúc tràn trề nhìn về thằng cu Hoà bốn tháng tuổi đang nhoẻn cười trong giấc ngủ. Và đây là chiếc quần anh mặc trong lần về phép. Chị nhớ đôi bàn tay anh lập cập hối hả mở từng khuy cúc…

Mây cầm chiếc áo lính ấp vào mặt.

Bây giờ anh ở đâu? Em nhớ anh lắm!

Người Mây râm ran, cơ thể chuyển từ râm ran sang hừng hực như lên cơn sốt. Chị thở dài cố nén cơn sốt đang kéo đến. Nhưng không thể ghìm được cơn sốt từng đêm từng đêm hành hạ người đàn bà một con mới ba mươi tuổi …

Em thèm anh lắm… Anh ơi!

Người đàn bà bật khóc. Nhìn bên cạnh, thằng con tên là Hòa mười hai tuổi - đang giang rộng chân tay nằm ngủ. Tư thế nằm quen thuộc mà mỗi lần nhìn con ngủ Mây lại nhớ tới chồng sau khi được thỏa mãn yêu đương. Những lúc ấy chị nhẹ nhàng hôn vào má chồng rồi gối đầu lên cánh tay rắn chắc của anh đang giang rộng để chìm vào giấc ngủ sâu viên mãn.

Sợ tiếng khóc to làm con trai mất ngủ. Mây ghìm tiếng nức nở. Sóng lòng cuồn cuộn sôi lên rồi ứ lại thành cơn nấc.

- Về… với em… mình ơi!

Trên bàn thờ, anh vẫn bình thản nhìn xuống qua nén hương đỏ đòng đọc đang ngút khói.

Không thể chịu được cơn bức bối, Mây thả cái áo bộ đội xuống giường. Chị bước ra sân như người mộng du. Bức bối đến không thể chịu nổi. Mây giật tung cúc áo…

Trăng rót ánh vàng xuống bộ ngực vun đầy. Gió mơn man trên da thịt. Người đàn bà nhìn trăng tưởng như chồng mình ở đó đang nhìn xuống.

Xuống với em…Mình ơi!

Vẫn chỉ có ánh trăng lặng phắc và gió mơn man.

Tuyệt vọng. Chị thập thõm ra bờ ao. Thả người vào nước…

 Mặt ao vỡ tan, trăng vỡ lễnh loãng trong sóng nước. Như lòng đỏ quả trứng bị nhát dao chém vỡ rớt vào chảo nước lạnh.

Cái lạnh của nước ao nửa đêm ngấm vào từng thớ thịt của người đàn bà góa bụa. Rùng mình. Mây đưa tay lên ngực, hai bầu vú giờ như hóa đá. Căng cứng và nóng giẫy. Đưa tay xuống dưới… sự khát khao bị dồn nén ứ lại.

Cơn khát vẫn không dừng.

Từ xó tối của bóng cây mít cuối vườn nhô ra một thằng đàn ông.

Mây thụp người xuống nước như bản năng. Miệng há ra nhưng không thể kêu thành tiếng.

Thằng đàn ông tiến đến gần. Một mắt hắn lóe lên dưới ánh trăng.

Mây vùng đứng dậy. Dưới ánh trăng đôi bầu vú người đàn bà căng lên. Mọng và tròn như tạc bằng cẩm thạch.

Cánh tay của thằng chột vươn ra. Bàn tay hắn mơn man bầu vú, ngón tay hắn vê vê…

Mây rùng mình!

Mắt chị nhắm nghiền. Loang loáng trong đầu những âu yếm chồng vợ ngày xưa. Anh… anh…

Thằng một mắt đã kề cận. Thân hình vâm váp đàn ông áp sát thân hình nóng giãy và ướt sũng.

Hơi thở của hắn phả vào mặt Mây. Nồng nặc…

Bừng tỉnh. Không phải. Anh chết rồi cơ mà. Mai là ngày giỗ.

Người đàn bà lấy hết sức đẩy thằng đàn ông ra khỏi người mình. Nhưng sức vóc đàn bà sao có thể làm được. “Yên nào! Ngoan nào! Chiều anh… chiều anh. Anh… đề bạt… làm… cán bộ phụ nữ…” tiếng đàn ông run run xen tiếng thở gấp gáp. Không! Chợt như có người tiếp sức, chị choãi chân cúi người húc thẳng vào ngực kẻ vừa nói. Hắn ngã ngồi trên bậc cầu ao. Chị ôm ngực chạy qua sân vào nhà. Ba gian nhà trống trải không thể che chắn. Mây đứng dựa tường thủ thế hai tay vẫn ôm ngực. Giờ bỏ tay ra thì khác nào kích thích con quỷ.

Chợt Mây nhìn thấy cái áo của chồng trên giường. Chị vội vơ lấy khoác vào người. Tự nhiên mọi nỗi lo sợ tiêu tan. Mây trân trân đứng nhìn mắt long lên sẵn sàng đương đầu.

Tên chột thong thả bước vào nhà. Hắn hoàn toàn yên tâm. Đàn bà ai chả thế. Thích bỏ cha lại còn ra vẻ…

Chợt hắn khựng lại. Trước mặt hắn là một người lính. Chồng Mây đã trở về?

Người lính nắm tay, mắt lóe lửa quai hàm bạnh ra bởi hàm răng nghiến chặt. Anh ta đang chuẩn bị tấn công.

Tên chột hoảng hốt bước lùi.

Và ngay lúc đó có tiếng người lanh lảnh nhưng đầy uy lực:

- Thằng Chấn chột. Mày động vào mẹ ông thì ông chém chết!

Thằng Hòa đã vào nhà tự lúc nào. Tay nó cầm con dao bầu.

Tên một mắt run lên. Phải. Hắn là Chấn chột Phó Chủ tịch xã. Không ngờ thằng con của Mây còn thức. Đã thế cu Hòa đã nhận ra và gọi đúng tên hắn.

Không kịp nghĩ gì hơn. Hắn quay đầu chạy. Thằng Hòa đuổi theo. Còn lại Mây đứng ở góc nhà người run bắn, hai tay khép vạt áo ôm ngực thở.

Nghe ùm một tiếng ngoài ao. Mây nhỏm dậy nhìn ra ngoài.

Thằng Hòa cúi mặt đi vào. Nó ném con dao vào góc nhà rồi khẽ thở dài thả mình trên giường, mắt nhìn trân trân lên mái nhà nhập nhoạng ánh sáng đèn dầu.

Khoác cái áo của chồng, Mây chợt thấy hết khao khát. Bây giờ đã thấy vững tâm hơn. Chị thấy xấu hổ với con trai. Nhìn sang thằng bé đã nhắm mắt ngủ.

- Anh ơi. Hôm nay anh và con trai đã cứu em thoát khỏi nanh vuốt Chấn chột.

Mây đến bên bàn thờ thắp lên một nén hương. Khói hương bay vấn vít quyện trên đầu người đàn bà. Chị cảm thấy một bàn tay đang vuốt ve mái tóc của mình.

- Hôm nay em thoát được hắn. Nhưng còn ngày mai, ngày kia. Làm sao bây giờ anh ơi?

Không có tiếng trả lời. Anh đi rồi sao. Chị nhao ra ngoài.

Vấp phải cái bậu cửa. Mây ngồi thụp xuống nức nở.

*

- Cha tổ bố cái loại đàn bà… nứng quá thì lấy nắm dao mà tọng vào nhá. Đâu có cái thói quần phíp mấy lị áo phin trắng quyến rũ đàn ông. Quyến rũ để làm cán bộ phụ nữ đấy. Tưởng bà không biết à. Có cứt nhá. Đàn ông nhà này đứng đắn, tư tưởng lập trường vững vàng nhá. Không vậy mà làm được lãnh đạo à. Bà nói cho mà biết nhá… động vào chồng bà thì bà xé nát đời hoa, xé tan ba kiếp bướm nhá… Nhá!

Mây đang làm cỏ ngoài vườn nghe vợ Chấn sa sả thì chạy vội về nhà. Nước mắt chị giàn giụa. Khốn nạn! Hôm ấy cu Hòa vác dao rượt đuổi. Lão Chấn chạy mất mật. Bí quá y phải nhảy xuống ao lóp ngóp lội về nhà. Vậy nên vợ lão biết chuyện. Nó phủ đầu để mình sợ khỏi tố cáo. Mà mình đâu có quyến rũ ai. Lão Phó Chủ tịch một mắt khốn nạn. Không làm gì được người ta thì lên giọng ra điều đạo đức đứng đắn. Để giữ chức vụ Phó Chủ tịch.

Nhưng thanh minh với ai bây giờ. Mình ơi! Sao mình lại chết. Để em khốn khổ thế này. Mây gục đầu ngồi khóc.

Thằng Hòa đi đâu về đến sân chợt nghe vợ Chấn vẫn sa sả. Vào nhà thấy mẹ ngồi khóc. Hòa điên lên. Nó chạy ra sân giậm chân rồi lại chạy vào. Tức mà không làm gì được. Hoà chạy vào bếp lấy ra cái thuổng. Miệng nó lẩm bẩm: “Cho mày chết. Cho mày chết”…

Bên kia vẫn ỉ eo: Cha tổ bố cái loại đàn bà… nứng quá thì lấy nắm dao mà tọng. Đâu có cái thói quần phíp áo phin…

Mây vùng dậy. Chị giật cái áo cánh phin trắng đang mặc ném xuống đất. Vội vàng lục ba lô của chồng lấy ra cái áo bộ đội khoác vào người.  Mây bước ra sân ngẩng cao đầu đối diện với mụ đàn bà đang xoe xóe vóng sang từ bên kia hàng rào. Ánh mắt Mây long lên. Vợ Chấn tự dưng nín bặt. Lủi vội.

Mây mặc quần áo bộ đội từ ngày ấy mỗi khi ra khỏi nhà.

Nhưng trong những câu chuyện của vợ Chấn với mọi người thì Mây trở thành một con đàn bà lăng loàn gớm ghê, giả vờ mặc quần áo bộ đội ra điều chung thủy nhưng sẵn sàng hút hồn bất cứ người đàn ông nào.

Không ai dám đến nhà Mây nữa. Nhất là cánh đàn ông. Họ sợ mang tiếng. Còn đám phụ nữ thì cảnh giác.

Nhà lạnh. Chỉ có hai mẹ con thui thủi.

*

Trống ngực đập phình phịch, mặt tái nhợt lo lắng, cu Hòa bước thập thõm lên văn phòng gặp hiệu trưởng. Nó đã nghe tiếng đồn về thầy hiệu trưởng Hùng vốn là bộ đội về nên nghiêm khắc có tiếng. Phen này chắc ông ấy đuổi học.

Trái lại thầy hiệu trưởng nhẹ nhàng bảo nó ngồi xuống ghế đối diện. Cu cậu khép nép ngồi xuống mắt vẫn lấm lét nhìn mặt thầy giáo để xem thái độ. Nhìn điệu bộ cu Hòa vậy thì thầy Hùng mỉm cười:

- Sao, sợ lắm à anh bạn? Vậy chắc là có tội rồi. Tội gì vậy?

Cậu học trò đứng im.

- À… người ta không biết mình có lỗi gì. Tôi gợi ý nhé: Không chịu học bài làm bài. Đúng không?

Thằng Hòa cúi mặt. Một lúc sau nó ngẩng lên mắt rơm rớm:

- Thưa thầy nhà em không có điện.

Thầy giáo Hùng ớ người. Cả làng đều có điện sao nhà anh bạn không có? Vậy sao không thắp đèn dầu mà học?

- Nhưng cơ mà đèn dầu nóng lắm, muỗi cắn khiếp lắm! Hòa nói.

Chả nhẽ cu cậu nói dối? Thôi được. Sẽ kiểm tra sau. Hùng nghĩ vậy và nói tiếp:

- Còn gì nữa không? Tôi có nghe ông Chấn Phó Chủ tịch xã phản ánh anh bạn đào hố ngay trước ngõ nhà ông ấy để ông ấy đêm về ngã xe đạp suýt gẫy chân, vành xe cong số tám. Có đúng vậy không.

Hòa cắm mặt một lúc… rồi nó ngẩng đầu lên mặt đanh lại.

- Nhưng em ghét lão ấy!

- Sao ghét người ta? Mình là trẻ con sao có thái độ ấy? Mà làm như vậy là rất ác. Nhỡ người ta chết thì sao?

Hòa trả lời ngay bằng cái giọng rin rít. Hình như nó nói qua hàm răng đang nghiến chặt:

- Thầy không biết đâu?  Lão í khốn nạn. Cho lão chết. Để nhà lão khổ bằng nhà em.

Hiệu trưởng giật mình. “Để nhà lão khổ bằng nhà em”. Ôi trời. Con ơi. Sao lại đến nỗi này?

Thằng bé kể bập bõm... Hùng chắp nối sự việc và đã hiểu. Người anh run lên. Anh rưng rưng nhìn thằng bé đanh mặt. Tự nhiên muốn ôm nó vào lòng.

Sáng chủ nhật Hùng tìm đến nhà Hòa.

Nhà của Hòa nằm đầu xóm nhỏ chỉ có ba nóc nhà chơ vơ giữa cánh đồng. Hùng phải dắt xe đạp vì đoạn đường vào dài gần cây số là bờ kênh tiêu, một bên là ruộng lúa. Cỏ vẹt thành lối đi mấp mô chỉ đủ bàn chân. Chiếc xe đạp nhảy tâng tâng, bánh xe chồm lên như muốn nhảy xuống ruộng. Dắt bộ mà cũng còn tê cả cánh tay. Hùng vừa đi vừa nghĩ biết thế này thì gửi xe ở ngoài đầu xóm bên cho đỡ vướng víu. Chả trách thằng cu Hòa ngày mưa thường hay đi học muộn.

Có lẽ nhà này ít có người vãng lai nên việc Hùng đến nhà là một điều bất thường. Mây nhìn Hùng với ánh mắt vừa băn khoăn vừa sửng sốt chờ đợi. Người thầy giáo thấy có ngọn lửa trong mắt của vị phụ huynh. Ngọn lửa ấy hình như mỗi lúc lại ấm áp hơn trên khuôn mặt đỏ bừng ngượng ngập khiến mọi cử chỉ của Mây luống cuống. Thằng Hòa thì lo lắng. Nếu thầy giáo kể tội thì chắc chắn mẹ nó sẽ nổi cơn lôi đình. Cu cậu chỉ còn thiếu nước chui xuống đất chứ chả biết chạy đường nào. Hòa thộn mặt dựa góc nhà trong khi mẹ nó xăng xái rót nước mời thầy giáo.

Hùng nhìn Mây. Hôm nay chị búi tóc gọn gàng làm nổi bật gương mặt tròn thanh tú. Người phụ nữ “lăng loàn”, “gớm ghê” không đóng quần áo bộ đội. Chiếc áo đông xuân trắng cộc tay với cái quần phíp đen làm tôn lên nước da trắng và thân hình gọn gàng vừa độ óng ả của gái một con. Khi Mây cúi xuống rót nước, thấp thoáng khuôn ngực trắng mịn căng đầy…

Tự nhiên Hùng thở dài.

Mình cũng từng có một gia đình. Vợ mình ngày xưa cũng đẹp như cô ấy. Có lẽ tại mình! Giữa lúc người ta bon chen thì mình dửng dưng, suốt ngày trường, lớp, học sinh… Làm lính phải tròn nhiệm vụ, làm thầy phải ra thầy - Anh nghĩ vậy và tận lực vì chức phận thiêng liêng đó. Nhưng trong mắt người vợ thì Hùng vô dụng toàn tập. Đồ vô dụng ăn bám hèn nhược! Đàn ông gì mà mua cái xe đạp cũ còn phải nợ tiền. Và nàng treo trước mặt chồng những tấm gương ông lương thực, ông thương nghiệp, ông cán bộ huyện… chăm sóc vợ như thế nào, tặng quà gì ngày lễ Tết. Đến mức Hùng phát cáu: Lương hơn năm chục bạc, ăn chả đủ lấy đâu ra quà cáp? Thế mới nói là đồ vô dụng! Vậy thì hãy đi với những thần tượng của cô. Đi chứ sợ à!

Thế là ly hôn. Sự chia tay diễn ra nhẹ nhàng vì cả hai chẳng có tài sản gì mà cò kè hơn thiệt và sự xúc phạm đủ để Hùng không luyến tiếc gì. Người vợ cũ lập tức lấy một chàng thương nghiệp giầu có nhưng góa vợ. Thì ra họ đã dập dìu từ trước.

Hùng được nhận một cái án không tuyên. Anh phải chuyển trường. Vì dư luận chả hay ho gì cho tư cách một thầy giáo bỏ vợ.

Thì ra đàn bà cũng dăm bảy loại. Người vợ cũ của Hùng… chồng sờ sờ đấy mà chưa thỏa mãn. Còn người đàn bà này… khổ sở nuôi con thờ chồng mà chẳng được yên.       

Bây giờ anh đang nhìn quanh ba gian nhà trống với hai chiếc giường hai gian bên và bộ bàn ghế kê gian giữa dưới bàn thờ. Ở trên đó là tấm ảnh một người đàn ông còn trẻ mặc quân phục thấp thoáng sau làn khói nhang. Hùng đoán đấy là bố Hòa.

Hùng đứng dậy xin phép thắp nhang cho liệt sĩ. Hai mẹ con Mây đứng sau kính cẩn xúc động trước cử chỉ của người thầy giáo.

- Tôi xuống xem điện đóm thế nào mà em Hòa bảo là nhà mất điện nên không học bài? Hùng nói lý do của buổi thăm nhà học sinh đột xuất.

Mây buồn rầu:

- Mất điện hơn tháng rồi thầy ạ. Em đàn bà chả biết tại đâu. Tìm người chữa thì không có. Chả có ai dám đến nhà…

Không khó khăn gì Hùng nhận ra ngay dây bị chập cháy. Đúng là nhà mẹ góa con côi. Dám dùng dây điện thoại mắc cho điện thắp sáng…

Hùng lẳng lặng dắt xe ra ngõ. Hai mẹ con Mây ngẩn ngơ nhìn theo mà không hiểu vì sao. Gần tiếng sau anh quay lại với cuộn dây mới và dụng cụ sửa chữa. Gần hết một phần tư tháng lương. Hùng gửi xe ở xóm ngoài rồi đi bộ vào. Đường vào khấp khểnh chả dại gì mà dắt xe cho mệt.

Hì hục gần hai giờ đồng hồ, Hùng thở phào bảo với cu Hòa đang đứng đực nhìn thầy giáo ngưỡng mộ như thần tượng:

- Xong rồi. Thầy về nhé! Mẹ em đang làm bữa à. Chào mẹ hộ thầy.

Thằng bé ngẩn người, mồm lý nhí vâng ạ.

Hùng rảo bước trên đường bờ đỗi. Khi ra gần tới đầu làng thì anh chợt nghe tiếng gọi gấp gáp: Thầy… ơi! Thầy! Hùng ngoảnh lại. Mây đang hớt hải gò mình đạp xe đuổi theo. Cái xe nhảy tâng tâng trên lối mòn. Người đàn bà giơ tay vẫy vẫy như muốn nói điều gì quan trọng. Hùng dừng lại và kịp thấy cái xe nhảy chồm lên. Cả người và xe đổ tùm xuống kênh.

Hùng vội vàng chạy lại. Cả người và xe đã dưới nước. Mây chới với giơ tay. Không kịp nghĩ gì Hùng nhảy vội xuống kênh.

Ông giáo trẻ vội vàng túm lấy bàn tay vị phụ huynh kéo thốc vào bờ. Lực kéo khá mạnh khiến cả người Mây đổ ập vào Hùng. Cảm nhận sự mềm mại và mát rượi của cơ thể đàn bà khiến Hùng run lên. Nó đánh thức bản năng đàn ông đã bị ghìm lại sau thời gian dài… Mây ngước nhìn thẳng vào mắt anh. Hùng nhìn trên khuôn mặt người đàn bà gò má ửng hồng và đôi mắt chất chứa thương yêu… Anh vội quay mặt đi.

Đưa được Mây lên bờ, Hùng lại nhảy xuống kênh đưa cái xe đạp lên. Khi dựng cái xe đứng được trên mặt đường anh quay lại nhìn. Mây đang kéo quần lên lúi húi bắt đỉa bám trên bắp vế. Cặp đùi đầy đặn và trắng ngần khiến Hùng không thể rời mắt. Khi Mây ngẩng lên thì quần áo mỏng dính sát vào người đẫm nước phô hết nét cong thân hình phụ nữ căng đầy mướt mát. Mây không tránh ánh mắt của người đàn ông. Chị cất tiếng: Anh ở lại ăn cơm với mẹ con em…

Lòng Hùng chùng xuống. Mây không gọi thầy giáo mà xưng hô anh em. Cái tiếng anh em thân thương tưởng đã vắng trong tiềm thức.

- Tôi không ở lại được! Mang tiếng.

Mây cúi mặt thất vọng. Vài giây sau chị ngẩng đầu. Hai mắt rơm rớm tủi hổ. Mây nhìn thẳng vào Hùng xẵng giọng:

- Thôi. Thầy về đi!

Hùng quay mặt rảo bước.

Trên bờ ruộng, người đàn bà ướt sũng đưa tay gạt nước mắt nhìn theo.

*

Từ khi thằng Hòa ra trường học lên, chả mấy ngày thầy trò không gặp nhau. Thầy ạ, lên cấp ba các thầy cô không giục giã chăm sóc việc học hành như các thầy cấp hai. Ừ… học cấp ba là người lớn rồi. Người lớn thì phải tự giác phấn đấu. Con sẽ thi vào đại học nông nghiệp thầy ạ. Để sau này gần nhà chăm sóc mẹ. Ừ… nghĩ thế cũng phải. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển đại học, người đầu tiên để Hòa khoe là Hùng. Nó nói trong nước mắt thầy ơi con đỗ rồi. Nhờ thầy con đỗ rồi.

Hùng rưng rưng. Anh nhớ lại những ngày thằng Hòa học cấp ba. Tối nào cũng đến với thầy để được kèm cặp thêm về môn toán. Những hôm trời mưa, hai thầy trò ôm nhau trên chiếc giường cá nhân của Hùng trong gian phòng nhỏ ở khu tập thể giáo viên. Thằng bé gác chân lên bụng Hùng ngủ ngon lành. Người thầy giáo hít hà mái tóc khét nắng của học trò. Những lúc ấy thấy gắn bó như ruột thịt. Giá suôn sẻ thì mình cũng có con gần bằng tuổi nó. Mà thằng bé xưng con với Hùng từ lúc nào anh cũng không nhớ. Có lẽ từ khi nó vào học cấp ba. Hùng chấp nhận như một lẽ tự nhiên khi cả hai đều cùng cảm nhận được sự bù đắp cho những thiếu vắng.

Thằng Hòa càng gần gũi bao nhiêu thì hình bóng Mây càng đậm nét bấy nhiêu trong Hùng. Nhưng anh sợ. Ngay hôm sau khi đưa Mây từ dưới kênh lên đã có tiếng đồn ầm lên cả xã thầy giáo hiệu trưởng tằng tịu với cô Mây. Chấn hùng hổ đòi kiến nghị lên huyện chuyển Hùng đi nơi khác. Nhưng nhiều người phản bác quyết liệt. Tay Hùng không có vợ. Cô Mây chồng hy sinh. Họ có đến với nhau cũng là hợp lý. Là tự do tìm hiểu. Pháp luật không cấm thì ai có quyền cấm? Chấn đành chịu. Rồi mọi lời đồn thổi cũng qua mau. Nhưng để giữ uy tín của mình cho công việc, Hùng không bao giờ đến nhà mẹ con Mây nữa.

Thỉnh thoảng Hùng bất chợt gặp Mây trong bộ quần áo lính, vung vẩy tay, đi mốt hai mốt ngoài đường. Mây chào thầy giáo với vẻ mặt lạnh lùng nghiêm nghị. Hùng cũng xã giao chào lại. Và anh tự hỏi đây có phải là người mà mình đã từng khát khao.

*

Lão bảo vệ ủy ban đang dọn dẹp cái bàn ngổn ngang ấm chén giật nảy mình khi Hùng xuất hiện. “Phó Chủ tịch Chấn còn ở đây không?” Khi nhận ra người vừa hỏi là ông hiệu trưởng thì lão đưa tay lên miệng suỵt một cái nháy nháy mắt và hất hàm sang phòng bên cạnh đang kín cửa. Hùng dợm chân bước sang thì lão bảo vệ kéo lại ấn anh ngồi xuống ghế.

Hùng đành phải ngồi đợi.

Lát sau có tiếng kẹt cửa. Hùng nhổm người ngó sang. Cô hội trưởng hội phụ nữ xã rón rén tay khép cửa phòng ngoái người lại tay kia vuốt vuốt mông. À ra thế. Hùng tiến đến. Cô này ngẩng lên. Mặt cô ta bỗng tái nhợt, chân như khuỵu xuống nhưng cố trấn tĩnh để miệng ú ớ: “Chào... chào thầy”. Hùng gật đầu: “Vâng chào chị”. Cô ta lùi lùi và vội vàng chạy biến ra khỏi cổng ủy ban.

Hùng cười nhạt. Thế đấy.

Phải đến một lúc lâu Phó Chủ tịch Chấn mới ra mở cửa. Có lẽ lão phải nghĩ cách đối phó trong trường hợp này. Cố giữ vẻ mặt bình thản, vị lãnh đạo giơ tay... và rồi thõng tay xuống ngượng ngùng vì Hùng không bắt tay đáp lễ.

- Có việc gì vậy thầy giáo?

- Cho tôi hỏi vừa rồi có phải ông đã phê lý lịch đề nghị lên trường đại học là cháu Hòa con liệt sĩ không đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào cơ quan Nhà nước?

Phó Chủ tịch kéo ghế rồi từ tốn:

- Ấy đừng nóng. Ngồi xuống đã.

Hùng đành ngồi xuống cái ghế đối diện. Chấn vẫn đứng, anh ta im lặng như đợi lão bảo vệ ra về nhưng lão này vẫn cố nán lại giả vờ làm việc khác nhưng vẫn để ý nghe cuộc nói chuyện giữa ông Phó Chủ tịch xã và thầy hiệu trưởng.

Không thể tránh né, Chấn xoáy con mắt lành nhìn vào Hùng trịnh trọng:

- Thầy giáo hiệu trưởng Hùng vừa đặt câu hỏi chất vấn. Tôi xin trả lời như thế này: Cách đây già nửa tháng chúng tôi có tiếp nhận một công văn của tỉnh gửi về xác minh lý lịch của Lê Văn Hòa. Mục đích là làm các thủ tục để tuyển dụng vào làm ở Sở Nông nghiệp. Tập thể đã họp lắng nghe ý kiến của nhiều người để đi đến kết luận Lê Văn Hòa không đủ điều kiện đi nước ngoài dù là con liệt sĩ. Lý do vì cô Mây mẹ Hòa đang thực hành mê tín dị đoan. Tự mình lập ra tà đạo ngày đêm chuông mõ đọc kinh bằng thơ “Ta đi tới” với lại “Bầm ơi”. Ngoài ra chị ta còn tỏ thái độ công thần mặc quần áo bộ đội “mốt hai mốt” ra điều chung thủy vợ liệt sĩ. Trái mắt trái tai lắm. Để mọi người xa lánh. Tất cả những điều này trái với chính sách của Nhà nước. Làm ảnh hưởng xấu tới thuần phong mỹ tục.

Thầy giáo Hùng đứng dậy. Anh nhìn thẳng vào Chấn:

- Rất cảm ơn ông Phó Chủ tịch đã thẳng thắn. Vậy tôi cũng xin nói thẳng: Các ông ác lắm. Các ông biết chị Mây gặp chồng lần cuối cùng năm bao nhiêu tuổi không? Rồi anh ấy ra chiến trường chiến đấu hy sinh khi cháu Hòa được mấy tháng tuổi. Đến nay cháu Hòa đã mười tám tuổi. Mười tám năm ấy chị ấy phải một mình nuôi con. Mười tám năm trong độ tuổi xuân nhất của đời người…

- Nhưng chị ta có thể đi bước nữa. Có ai cấm đâu? - Chấn ngắt lời.

- Vâng. Chị ấy có thể lấy chồng. Nhưng ai dám đến với chị ấy khi có người cố tình nói chị ta lăng loàn, quyến rũ đàn ông. Ngay như tôi đến thăm gia đình học sinh khó khăn cũng thành điều tiếng xấu. Vậy ai là người đã tung ra tin đồn ác ý này? Ông biết rõ chứ? - Hùng nhìn thẳng vào Chấn. Lão này cụp mắt nhìn xuống. - Tôi hỏi ông, chị ấy đã quyến rũ ai? Nào ông trả lời đi!

Lão bảo vệ thò cổ vào hóng. Nghe chừng câu chuyện có vẻ căng đây. Hùng nói tiếp:

- Các ông bảo người ta công thần. Lính đánh nhau cũng có nhiều người bị thương mất mát thiệt thòi. Nhưng những cái mất mát, cái thiệt thòi ấy đã qua rồi. Và bây giờ họ đã có gia đình đầm ấm. Họ đã được an ủi để sống hạnh phúc. Nhưng chị ấy còn có thể hy vọng ở điều gì. Ngay ông Phó Chủ tịch đây không đi bộ đội ngày nào mà quần bộ đội mũ cối áo bay thì đã sao. Vậy chị ấy mặc quần áo bộ đội, quần áo của chồng chị ấy… thì sao lại bảo công thần với trái thuần phong mỹ tục?

Tại sao chị Mây lại mặc quần áo bộ đội. Đã ai tìm hiểu chưa? Tôi đã hỏi và đã biết. Chắc ông cũng biết?

Chấn tái mặt. Thì ra tay này biết hết chuyện. Nghĩ vậy Chấn cúi mặt không dám nhìn vào người thầy giáo.

- Tôi không muốn nói cụ thể mà chỉ muốn nói rằng tấm áo lính ấy không chỉ là kỷ vật lưu giữ hơi hướm của người chồng liệt sĩ mà còn là tấm áo giáp che chở cho chị tránh mọi sự cám dỗ. Tránh cả điều tiếng thị phi để yên tâm nuôi con ăn học. Nếu ai nghe được câu cháu Hòa nói “để cho nhà họ khổ như nhà em” mới biết là mẹ con chị ấy khổ như thế nào. So với những kẻ chồng con sờ sờ mà vẫn còn này nọ bên ngoài như vừa nãy thì chị ấy là anh hùng.

Nói đến đây người thầy giáo như nghẹn lại. Anh ngừng một tý nhìn ông Phó Chủ tịch đang gục đầu như tội phạm, hít một hơi dài và nói tiếp

- Còn nữa. Tôi nói điều này chắc mọi người sẽ bất ngờ. Mọi người bảo chị ta là tà đạo. Thắp hương thờ chồng là tà đạo ư? Đúng là chị ấy gõ mõ ê a đọc thơ Tố Hữu “Ta đi tới” với “Bầm ơi” thật. Đó là những bài thơ chị ấy đã học hồi lớp sáu lớp bảy. Đấy mà là kinh ư? Tôi nghĩ chắc là thuộc thì đọc cho đỡ nhớ, đỡ buồn ngủ… Ngủ thì cứ ngủ việc gì phải làm vậy? Ban ngày thì quần áo bộ đội, ban đêm thì gõ mõ đọc thơ. Để làm gì? Nếu ta quan sát cái xóm có mấy nhà ấy vào ban đêm thì sẽ hiểu. Tiếng mõ tiếng đọc ấy chỉ ngừng khi tất cả các nhà đều tắt đèn chồng nào vợ nấy... Tôi nói vậy chắc ông Phó Chủ tịch hiểu hơn ai hết. Để chả ai có cớ gì nghi kỵ ghen tuông. Đấy. Khổ như vậy đấy. Cho nên tôi nói các ông ác là không nói quá đâu. Tôi không xin lỗi vì câu nói ấy đâu. Bởi vì một người phụ nữ phải khốn khổ che chắn như vậy để sống để nuôi con mong cho con thành đạt. Kẻ hèn không ăn được thì đạp đổ. Kẻ hèn thì thù dai. Thù đứa bé từ trẻ con đến khi nó là thanh niên. Vì cái chuyện cháu Hòa đào hố ở ngõ nên ông ngã xe. Thử hỏi nếu người lớn đàng hoàng thì liệu đứa trẻ con nó có làm vậy không. Sao nó lại đào hố ở ngõ đấy? Ông lợi dụng tập thể những kẻ hồ đồ, những kẻ chỉ nghe hiện tượng rồi quy chụp, không chịu tìm hiểu. Và các ông đã ném đi cơ hội của cháu Hòa. Đấy. Tôi đã nói hết.

Hùng ngồi xuống. Và anh chợt thấy miệng mình khô rát. Tay run run vì xúc động, anh rót chén nước thong thả nhấp từng ngụm nhỏ. Im lặng đến nghẹt thở. Nghe rõ tiếng vo ve của đám muỗi từ góc nhà đang bay ra. Ngoài sân đã nhập nhoạng còn trong phòng thì tối sẫm.

Đến vài phút sau thì Chấn thẫn thờ đứng lên bật đèn.

Ánh điện không đủ sáng làm khuôn mặt Chấn loang lổ bóng tối. Hùng thấy ông bảo vệ nhìn vào với cặp mắt ướt ướt.

- Tôi hồ đồ. Tôi khốn nạn. Thầy chửi đúng - Giọng Chấn trầm xuống như nói với chính mình. Rồi đột nhiên ông Phó Chủ tịch cao giọng: Giờ tôi sẽ làm lại xác minh lý lịch cho cháu Hòa.

Hùng mệt mỏi đứng dậy: Cảm ơn các vị. Muộn rồi! Hòa nó nói với tôi người ta nhận người khác rồi. Không thay đổi được nữa. Chào ông!

Và anh bước nhanh ra khỏi phòng. Để giấu những giọt nước đang ập òa trong khóe mắt.

*

Vĩ thanh: Hòa tốt nghiệp đại học Nông nghiệp rồi về nhà làm ruộng. Cứ vài ngày hắn lại đến khu tập thể tâm sự với thầy Hùng. Sao đã tốt nghiệp đại học không cố xin việc Nhà nước cho đỡ vất vả? Hòa hì hì. Chẳng đâu người ta nhận thầy ạ. Sao vậy? Lại hì hì: Thầy cứ như người trên giời. Không có tiền thì ai người ta nhận. Dễ đến vài chục triệu nhỉ? Úi… Thầy là người giời thật rồi. Gấp cả chục lần cũng chẳng được. Thôi con về nhà cho lành. Sao không đưa tiêu chuẩn con liệt sĩ ra mà xin? Quên đi thầy ơi. Ấy, con xin lỗi. Bây giờ người ta quên rồi. Đưa tiêu chuẩn ấy ra họ sẽ nghĩ mình là thằng hâm. Họ nhận hồ sơ rồi để mục trong tủ. Thầy chép miệng: Phí! Học đại học mấy năm rồi xếp xó. Không! Sao lại xếp xó. Học để làm chứ thầy. Con áp dụng điều đã học để thâm canh cây cà chua trái vụ thầy ạ. Gần mẫu ruộng với toàn bộ rìa đường vào nhà ấy… trồng thoải mái. Mấy năm nay trúng lắm. Tại thầy chẳng chịu đến nhà con nên không biết. Chả giấu thầy con kiếm được mấy trăm triệu. Giầu nhỉ. Mai cho thầy vay ít mua tí đất làm cái nhà. Ba năm nữa là hưu. Chả nhẽ cứ ở tập thể! Trò nghe vậy thì xịu mặt bần thần. Thầy vội chữa: nói đùa vậy thôi. Để tiền ấy mà xin việc. Không! - Trò trả lời dứt khoát. Con sẽ tập trung vốn làm trang trại. Hay là… thầy về ở với mẹ con con.

Ôi cái thằng này. Già rồi! Chỉ vớ vẩn…

Nguồn Văn nghệ số 12/2020


Có thể bạn quan tâm