April 27, 2024, 6:05 am

Áo khoác Bác Hồ ấm áp vạn niềm tin

 

Nguyễn Đình Phúc đã viết những câu chuyện quen thuộc về Bác Hồ, những tấm gương sáng trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh”, nhưng tác giả đã phát hiện ra những vấn đề mới lạ. Tác giả không kể lại chuyện mà gợi lại những việc làm của Bác, tạo cho người đọc một trường liên tưởng sâu rộng về tư tưởng, cốt cách của một con người phi thường, vĩ đại nhưng lại rất bình thường, giản dị: “Bỗng nhận ra điều giản dị vô cùng/ Xưa Bác đi thăm đâu thường đi vào ngõ nhỏ/ Nơi những xấu tốt dễ khuất che ở đó/ Kế sách lòng dân trước nhất được ưu tiên” (Ngõ sạch hoa thơm kẻ trộm cũng ít dòm); “Chỗ của Bác ở đâu mấy ai nghĩ mà trông/ Ở đâu giữa lòng dân nơi Bác chọn/ Chẳng nhà lầu cao sang, xe hơi, quyền quý/ Bậc Đền Giếng nơi Bác ngồi xưa con đã hiểu ra” (Nơi Bác đã ngồi); “Làng miền Trung kia tôi chưa đến bao giờ/ Như có Bác trong ngày vui đoàn kết/ Nghe đâu đây tiếng chuông ngân tỏa khắp/ Và màu xanh đơn độc sẽ thành rừng” (Hương ước).

Tác giả tả thực nhưng không trần thuật giản đơn việc làm của những cá nhân và tập thể đã học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh. Nhiều câu thơ có giá trị gợi hình, gợi cảm sâu sắc: “Ngước nhìn già tuổi tám mươi/ Sáu mươi tuổi Đảng - khoảng trời pha lê” (Sáu mươi tuổi Đảng - khoảng trời pha lê) “Gian nhà đơn sơ giữa treo ảnh Bác Hồ/ Người chủ giữ từ bao giờ như nhịp sống/ Chiến tranh rồi kinh tế thị trường biến động/ Bụi không mờ vườn nắng thoảng hương thơm” (Ảnh Bác trong ngôi nhà lá cọ); “Ngày mỗi ngày anh xe ôm đứng đó/ Nơi ngã ba có ảnh Bác vẫy tay cười/ Mười mấy năm bến đỗ này thân thiết/ Khách đến đi, ấm áp tình người” (Anh xe ôm và hình ảnh Bác).

Ngôn ngữ thơ Nguyễn Đình Phúc giản dị, chân thật, không giáo điều, hô khẩu hiệu. Những bài học về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh của ông thấm đẫm chất nhân văn, có giá trị thẩm mỹ cao đẹp, lan truyền sang bạn đọc tự nhiên, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc: “Bác có bao giờ nói khó hiểu đâu/ Mà suốt đời ta lời khuyên chưa đi hết” (Tự tôi ngày nào cũng tập); “Con về đây lọc hồn mình/ Đơn sơ đời Bác sáng tình nước non” (Con về thăm lại nhà sàn của Bác); “Hồ Chí Minh/ Lòng ta chợt hiểu/ Người ở đâu đích cũng nhân dân” (Người ở đâu đích cũng nhân dân).

Tập trung vào một đề tài “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh”, nhưng các hình tượng thơ trong tập Áo khoác Bác Hồ rất phong phú, sinh động. Mỗi bài là một câu chuyện nhỏ về cuộc đời vĩ đại của Bác Hồ và những tấm gương tiêu biểu, điển hình học tập tư tưởng, đạo đức của Bác: “Chiếc áo khoác bình dị và thong thả/ Sau lưng Người một thoáng thần tiên/ Đôi mắt sáng dõi về phía trước/ Ta bên Người giông gió bỗng lặng yên” (Chiếc áo khoác Người chưa cài cúc). Có những câu thơ giàu chất triết lý, nhưng không cao siêu, xa lạ, trái lại càng đọc, càng ngẫm, càng hay: “Từ biết ơn tôi nghiệm ra lý lẽ/ Ngõ sạch hoa thơm kẻ trộm cũng ít dòm” (Ngõ sạch hoa thơm kẻ trộm cũng ít dòm); “Có những đá sỏi nuôi dưỡng tâm hồn/ Lại có tâm hồn hóa vô tri - tri kỷ” (Từ viên gạch hồng Pari nghĩ về Bác); “Đi tìm những chân ngôn học, làm theo lời Bác/ Mà lòng ta sao vẫn thiếu một bi ve” (Những viên bi ve ngoài giờ học).

Nét độc đáo của những bài thơ trong tác phẩm là sự kết hợp hài hòa giữa chất thông tấn báo chí với chất văn chương. “Con mắt tinh đời” của một người học toán kinh tế, nhiều năm vật lộn kiếm sống ở nước ngoài, đã phát hiện ra những khoảnh khắc xuất thần của Bác Hồ trong giây phút đời thường, lựa chọn nhiều tọa độ khác nhau để nhìn nhận, đánh giá một cách logic biện chứng về hình tượng Bác Hồ. Từ đó phát hiện ra những tia sáng trong góc khuất, những vẻ đẹp chói ngời trong nhân cách của Người. Cái hay của các tác phẩm thơ là sự kết cấu chặt chẽ, tứ thơ phát triển logic. Các chi tiết, hình ảnh thơ bổ trợ cho nhau để xây dựng nên hình tượng Bác Hồ.

Với tập thơ Áo khoác Bác Hồ, Nguyễn Đình Phúc đã chọn cho mình con đường riêng, ở đó hình tượng Bác Hồ hiện lên gần gũi và cao đẹp, quen thuộc mà mới lạ, tinh khôi. Rất thực mà cũng rất lãng mạn. Tác giả khéo léo kết hợp nội dung tư tưởng với hình thức nghệ thuật để tạo nên sự nổi bật, đặc trưng thể loại. Những câu chuyện trong thơ của tác giả kể về Bác Hồ gắn liền với cuộc đời cách mạng của Người, nhưng không nhàm chán. Nhà thơ đã làm mềm đi bằng những áng thơ bay bổng, hàm súc, in đậm vào tâm trí của độc giả: “Giây phút tạc hình Người vào dáng hình nước non/ Thiếu thốn, cam go càng sáng hình lãnh tụ/ Tự giặt giũ, việc nhà, đâu chờ công vụ/ Trên đôi vai gầy vầng nhật nguyệt sáng soi” (Trên đôi vai gầy vầng nhật nguyệt). Hình tượng Bác Hồ khoác hờ chiếc áo bên ngoài ngồi nói chuyện với các chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong trên bậc thềm Đền Giếng, Đền Hùng đã đi vào lịch sử. Áo khoác Bác Hồ đã được Nguyễn Đình Phúc chắp cánh thành hình tượng thơ đẹp, tượng trưng cho tư tưởng thân dân, vì dân của Bác Hồ. “Nhưng tôi biết một ngày chiếc áo/ Người sẽ tặng cụ già, thương binh/ Bao giặc giã dân còn chưa đủ ấm/ Chiếc áo Người ấm áp vạn niềm tin” (Chiếc áo khoác Người chưa cài cúc).

Tập thơ Áo khoác Bác Hồ được tỉnh Phú Thọ tặng giải A năm 2019, Ban Tuyên giáo Trung ương tặng giải C tháng 5/2020.

Nguồn Văn nghệ số 34/2020


Có thể bạn quan tâm