April 26, 2024, 9:20 pm

Ấn tượng sâu sắc về một người thầy

 

Tiếng vỗ tay trong hội trường vang lên sau khi nghe Trưởng ban bầu cử công bố kết quả bỏ phiếu của Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu giáo chức Việt Nam. Viện sĩ, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phạm Minh Hạc đắc cử vị trí Chủ tịch Trung ương Hội Cựu giáo chức Việt Nam khóa I, nhiệm kỳ 2005-2009.

Cũng như mọi đại biểu khác, tôi vô cùng vui mừng, phấn khởi khi có được người đứng đầu tổ chức Hội đủ tầm, đủ tâm, đủ trí để gánh vác trọng trách quan trọng của một tổ chức bao gồm những người có nhiều năm tháng đã đứng trên vị trí là những “Kỹ sư tâm hồn”, những cán bộ, chuyên viên trong lĩnh vực gieo trồng những hạt mầm văn hóa trên những mảnh đất của quê hương, đất nước, từ hải đảo xa xôi, nơi ngày đêm sóng vỗ dạt dào đến núi rừng biên giới hẻo lánh sớm chiều rộn rã tiếng chim ca; từ làng quê êm đềm với những cánh đồng trải rộng cánh cò bay, vọng vang tiếng sáo diều trong những chiều hè đến thành phố đông vui ngày đệm nhộn nhịp những dòng xe ngược xuôi đi lại trên các tuyến đường. Dù ở nơi đâu, thời trai trẻ của tất cả cán bộ, hội viên Cựu giáo chức đều say sưa cống hiến cho sự nghiệp trồng người với tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu”.

Là Chủ tịch của một tổ chức xã hội-nghề nghiệp có hơn nửa triệu hội viên, không được nhà nước cấp kinh phí hoạt động nhưng lại phải gánh vác nhiệm vụ nặng nề, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho mọi cán bộ, hội viên, thầy Hạc đã cùng tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Hội trăn trở, lo toan, tìm kiếm mọi biện pháp có thể để cổ vũ, khuyến khích cán bộ, hội viên yên tâm trong quá trình tham gia các hoạt động xây dựng và phát triển Hội. Ấn tượng sâu sắc nhất để lại trong tâm trí hàng vạn cán bộ, hội viên trong thời gian qua là việc trợ cấp một lần cho những giáo viên đứng lớp chưa được hưởng chế độ thâm niên trong lương theo Quyết định 52 của Thủ tướng Chính phủ. Nét đẹp trong việc làm này được tạo dựng nên không phải là số tiền được lĩnh ít hay nhiều mà cái chính là ở những cảm xúc của cán bộ, hội viên được cô đọng lại ở niềm tin dành cho người đứng mũi chịu sào của Hội. Bởi lẽ, chúng tôi hiểu rất rõ rằng vấn đề này đâu chỉ đơn giản diễn ra trong một vài lần họp bàn, trao đổi thuộc phạm vi nội bộ của Hội, mà ngược lại, đó là một vấn đề rất phức tập, có liên quan đến nhiều bộ, ngành khác nhau trước khi tạo ra một sự thống nhất để trình lên Chính phủ quyết định. Sự thành công của việc làm này thể hiện rõ đức tính kiên trì bảo vệ chân lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các hội viên của GS.Phạm Minh Hạc. Có thể nói một phương pháp luận giải quyết công việc có lý, có tình, đậm tính nhân văn đã được thầy Hạc vận dụng một cách năng động, sáng tạo trong quan hệ với các đơn vị có liên quan để tạo ra tiếng nói chung về chính sách đãi ngộ đối với những giáo viên còn thiệt thòi.

Là học trò của GS.Phạm Minh Hạc, tôi đã có dịp may mắn được lĩnh hội trực tiếp từ thầy những kiến thức hiện đại, những phương pháp nghiên cứu đa dạng, phong phú trong lĩnh vực khoa học Tâm lý - Giáo dục của thế giới, nhất là của Liên xô (trước đây), kể cả những kinh nghiệm viết và trình bày các bài báo khoa học.  Hồi ấy, học trò chúng tôi đều là những cán bộ giảng dạy trẻ của các trường đại học đã tốt nghiệp một chuyên ngành khoa học cơ bản được cử đi đào tạo chuyên ngành 2 về khoa học giáo dục rồi sau đó lại trở về trường đại học giảng dạy, nghiên cứu bộ môn Tâm lý học hoặc Giáo dục học. Trong hành trình hơn hai năm học tập, nghiên cứu với sự hướng dẫn của thầy Hạc và các thầy trong khoa Tâm lý - Giáo dục thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, và trong 15 năm làm cán bộ chủ chốt của Hội Cựu giáo chức tỉnh Hải Dương, tôi luôn luôn mang trong tâm trí của mình quan niệm triết xuất những điều tốt đẹp, quí giá về kiến thức khoa học và kinh nghiệm quản lý trong kho tàng trí tuệ của người thầy tôn kính. Tôi nhớ mãi không quên về một kỷ niệm sâu sắc trong đời. Đó là lần tôi bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Sư phạm - Tâm lý với tư cách là nghiên cứu sinh đầu tiên của khóa I (1980-1984) tại Viện Khoa học giáo dục Hà Nội, khi đó thầy Hạc là Viện trưởng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng chấm luận án quốc gia trong lần bảo vệ của tôi. Những lời đánh giá của thầy về chất lượng luận án và sự hoàn thành trước thời gian qui định hơn một năm đã tạo ra cho tôi động lực trong quá trình học tập, nghiên cứu, quản lý sau này.

Nguồn Văn nghệ số 21/2019

 


Có thể bạn quan tâm