April 26, 2024, 12:19 pm

Ăn Tết và chơi Tết

 

Hồi còn ở Sa Pa, cứ đến khoảng giữa Chạp là không khí “Về quê ăn Tết” đã sôi sục rồi. Đâu chả có tết, quê nào chả có tết, nhưng sao cứ phải là tết quê mình. Ai có quê người đó về, nhường Sa Pa sầm uất là thế, đẹp đẽ là thế cho người bản địa và khách du lịch nước ngoài.

Để phục vụ cho cái hành trình “về quê ăn Tết”, thì những người xa quê như tôi phải lên kế hoạch cẩn thận chu đáo. Để không bị động trước Tết, cái ví phải dầy, chả tự dưng mà các cụ lại nói “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, “phú quý sinh lễ nghĩa”. Muốn mạnh bạo, muốn lễ nghĩa thì phải có tiền. Để có tiền, thì phải “cày” thôi. Ra chợ, những tiếng thở dài bủa vây tôi “hàng hóa chửa tết đã bị tăng giá”, “chưa làm được gì đã tết, sợ thật đấy"…

 

Ảnh Internet

Những người xa quê, những người sống ở thành phố thường nghĩ rằng tết ở quê mới thật sự là tết. Tết là dịp anh chị em, bố mẹ, con cháu đoàn tụ với ông bà, là dịp họ hàng gặp gỡ, láng giềng thăm hỏi nhau. Gọi tết Nguyên Đán là tết đoàn viên không sai. Tết đoàn viên là tết “trở về” chứ không phải “tết đi” đối với những người biền biệt xa quê. Ấm áp biết bao, ý nghĩa biết bao. Tết cổ truyền là ngọn lửa thắp sáng văn hóa Việt bao đời. Nên tôi bắt đầu bình thản nghênh tiếp những câu hỏi liên quan đến tết. Bao giờ nghỉ tết, sắp về quê ăn tết chưa, đã sắm tết chưa? Rồi tết có to không? Rất ít người hỏi tôi "tết năm nay tính đi chơi những đâu". Hơn hai mươi năm xa quê, gần hai chục năm vượt giá rét mưa sương, đường xa dặm thẳm “về quê ăn tết”, nay kể ra, cũng là cách sao chép lại ký ức trước khi những cơn khủng hoảng nhớ nhớ quên quên ập đến.

Học sinh ở vùng núi thì thường nghỉ tết sớm hơn vì rét, còn ở quê thì sự học có dài hơn, vào ngày 27-28 tết. Nhà nông thì khi cấy xong vụ Đông Xuân nếu thời tiết ấm. Bộ đội, công an, bác sỹ, viên chức thì còn tùy, công nhân cũng thế. Còn những người đi "làm ăn" xa quê như tôi thì cứ qua dịp ông Công ông Táo lên giời là khăn gói quả mướp lên đường. Cho nên, dẫu có cùng tư tưởng lớn là “về quê ăn tết” thì mỗi người một thời gian, một kiểu phương tiện, muôn sắc, muôn vẻ, sinh động vô cùng. Vì ở vùng cao về nên có đặc sản gì là cũng đem theo. Từ thịt lợn bản, thịt trâu sấy khô, măng lưỡi lợn, chè tuyết san cổ thụ, nấm hương rừng Sa Pa, gạo nếp Điện Biên, gạo nếp cẩm, hạt dổi, thảo quả... Cứ gọi là đầy túi lớn túi bé, đầy một xe máy. Thế mà trên đường, trong dòng người đổ về quê ăn tết, thấy mình chưa là cái tác phẩm gì, nhiều chiếc xe máy chất cả nhà lên, hai người lớn, ba đứa trẻ con và cơ man nào là đồ đạc. Có cái xe đã đầy, còn rung rinh một cành đào núi rất to phía sau. Có nhà thì rọ mèo một bên, rọ chó một bên. Cứ như là một cuộc sơ tán khổng lồ từ một nơi tết người về nơi tết mình. Ai nấy mệt bở hơi tai nhưng háo hức chộn rộn, vì sắp được gặp lại gia đình, ông bà cha mẹ, anh em, con cái, bạn bè…

Là dâu trưởng cho nên nhà xây ở quê là từ đường, kèm theo cả ba gian nhà thờ họ trên cùng một thửa đất hương hỏa, có bao nhiêu việc phải dùng đến bàn tay và sức khỏe mới thành tết, nên tết, cho nên trên hành trình hơn ba trăm kilomet chạy xe máy, đầu óc cứ lởn vởn suy nghĩ "lạy giời đừng ốm". Sáng từ Sa Pa lên đường, trưa ăn tạm bát bún trong quán, chiều tối về tới nhà. Rửa cái mặt xong, mắt sáng ra mới thấy thấy nhà cửa nhếch nhác, phòng bàn bụi bặm, vườn tược rậm rạp. Thế là lại xắn tay lên lau dọn, chứ tuyệt không được nghỉ phút nào. Sáng hôm sau, dậy rất sớm dù toàn thân ê ẩm, muốn ngủ thêm nhưng không được. Bởi vì cái loa thôn đã dậy từ 5h và phát chương trình ca nhạc. Vợ lao vào bếp, chồng vớ lấy cái chổi, con dao phát. Đứa dọn trong bếp, đứa ngoài sân ngõ. Hết bếp thì lên nhà lớn. Hết nhà lớn đến nhà thờ. Hết nhà thờ thì phát vườn, dọn rác, đốt. Xong trong nhà thì ra ngoài ngõ. Rồi bổ củi chất đống chuẩn bị cho ngày nấu bánh. Nhà to, vườn rộng, đồ đạc lắm. Mất hai ngày quần quật thì mới sạch sẽ gọn gàng được. Ngày thứ ba, thường đã 27 tết thì bắt đầu đi chợ mua sắm những thứ cần thiết cho tết từ ống giang làm lạt gói bánh, đến cuộn dây điện, cái bóng thắp sáng, các loại hóa chất tẩy rửa, chổi quét, chổi lau, bổ sung dao thớt, cái chêm cái mài...Sáng đi chợ, trưa và chiều ở nhà sắp đặt. Tối ngồi chẻ lạt gói bánh. Ngày hôm sau, tức 28 tết, thường là đã đặt trước, bắt hẳn một con lợn trên dưới một tạ về thịt cho có khí thế. Mỗi nhà một đùi, gọi là ăn đụng. Phần nhà mình, lọc ra, thịt nào làm chả, thịt nào làm giò, thịt nào nấu đông, thịt nào quay, thịt nào làm nhân bánh... Hì hụi suốt chiều đến đêm khuya khoắt, đứng dậy, lưng đau như dần. Có khi, lên giường rồi mới nhớ là chưa ngâm gạo và đỗ để hôm sau gói bánh…

Sáng 29, lại đi chợ, nhưng đi nhanh thôi, là đi để lấy những thứ đã đặt trước như giò bò, thịt bò, một số loại rau củ, hoa quả để chuẩn bị cho mâm ngũ quả. Nhanh thì cũng phải tám giờ sáng mới về đến nhà. Khoảng 11h trưa thì bắt đầu gói bánh. Nhà mình thường gói khoảng 10kg gạo bánh gồm cả bánh vuông và bánh tày. Gói một mạch đến trưa thì xong. Bắc bánh lên bếp rồi mới ăn trưa. Trong lúc đun bánh thì tranh thủ làm măng, luộc măng, mổ gà, làm cá... Không có ai trợ giúp cả vì bố bọn trẻ lau chùi án gian, đồ thờ, sắp mâm ngũ quả ở cả nhà lớn và nhà thờ và tiếp khách đến đưa tết. Con gái chưa về, con trai thì tranh thủ đi đưa tết bà con trong họ. Các em cô, em chú, đứa nào cũng có gia đình riêng, ở riêng, con còn nhỏ, chúng còn vất vả bận rộn hơn mình vì còn chăn nuôi, còn cấy, con nhỏ. Có đứa sáng ba mươi vẫn bán rau, có đứa chiều ba mươi vẫn đang vá đồng. Ông nội của các con thì ngất ngây trong các cuộc tất niên tưởng chừng không bao giờ dứt, từ các nhà trong họ, đến các hội nhóm, ban bệ, chi hội… Đêm đến, vừa nấu thịt đông vừa nấu bánh. Đến khoảng 2h sáng thì vớt bánh chưng ra, rửa sạch, chèn ván lên cho phẳng nếu là bánh vuông, còn bánh tày thì lăn đi lăn lại, ràng lại lạt cho đẹp…

Sáng ba mươi tết, nhất định vẫn phải đi chợ, vì muôn thứ còn thiếu. Đầu giờ chiều, khi nhà cửa tinh tươm sạch sẽ, ban thờ xếp xong, hoa trái ngào ngạt, là lúc đi làm mâm cơm tất niên, cúng chiều ba mươi tết. Giờ là lúc ra vườn tìm lá về đun nước tắm tất niên. Vài cái lá bưởi, mấy cành sả, ít tía tô, ít hương nhu, mấy quả bồ kết, nắm lá tre, ít mùi già... đun lên, thơm ngào ngạt. Hai đầu gối muốn long ra rồi, chỉ muốn tắm ngay và lăn ra ngủ một giấc. Nhưng mà vẫn phải ngồi đợi khách tất niên ăn xong để còn dọn dẹp bát đũa, nhà cửa. Xong hết mọi thứ là 22h khuya mới được đi tắm.

Sáng mùng một, năm giờ đã chui ra khỏi giường dù đầu đau như búa bổ. Lại lao đầu xuống bếp, sắp hai mâm cơm cúng để 7h sáng, các thành viên trong họ tộc có mặt tại nhà thờ làm lễ… Đến khoảng 10h sáng thì những sinh hoạt của dòng họ kết thúc. Bữa cơm đầu tiên của năm mới của đại gia đình diễn ra đầm ấm vui vẻ. Nhìn các em, các con, các cháu ăn ngon lành và tấm tắc khen thì mình cũng thấy vui trong lòng, cho dù mình không còn thấy gì ngon nữa. Ăn xong thì lại dọn dẹp, lên chùa thắp hương, xuống nhà văn hóa gia tâm quỹ làng. Đến chúc tết các nhà trong họ ở gần trong buổi chiều mùng một. Sáng mùng hai lại tiếp tục với hai mâm cơm cúng, ăn xong thì chúc tết những nhà ở xa hơn… Mùng bốn lại lên Sa Pa, lại bước vào guồng quay cơm áo gạo tiền đến chóng mặt, rồi nhận ra mình hết ốm từ lúc nào không biết.

Ai đó có hỏi về quê ăn tết to không? Rất to. Mệt không? Mệt đứt hơi. Ừ, thì to thì phải đi với mệt rồi. Ngẫm mà đúng. Tết là để vui chứ! Nhưng ốm thì vui sao được nữa. Mấy mươi năm, chỉ đi chúc tết họ hàng và nhận lời chúc tết từ họ hàng mà chưa một lần được đi chơi tết cùng bạn bè hay anh em chị em ruột thịt. Có bao nhiêu người đàn bà ở xa quê hoặc đang sống ở quê như mình được đi chơi tết đúng nghĩa? Hình như, đàn bà quê mình đang nô lệ cho Tết, nô lệ cho thứ văn hóa “ăn Tết” chứ không phải văn hóa “chơi Tết”?   

Tống Ngọc Hân


Có thể bạn quan tâm