May 8, 2024, 10:55 am

Âm hưởng sóng

 

Mỗi lần đến đầu nguồn nơi thác ghềnh biên giới, tôi luôn tự hỏi dòng nước ấy sẽ mang phù sa về bồi đắp cho những miền quê nào. Rồi tự nhủ, dù có xuôi nam hay ngược bắc, về tây hay sang đông thì những con sông sẽ luôn là dòng thiêng chở linh khí đất trời ngàn năm hội tụ, cuối chặng hành trình ấy luôn là những cửa biển khoáng đạt với sóng xanh cát trắng. Thả một chiếc lá từ đầu nguồn Đà Giang nơi Mường Tè xa lắc hay dòng Lũng Pô nước đỏ phù sa nơi sông Hồng đổ vào đất Việt, tôi vẫn ước mong nó sẽ theo những con sóng lan tỏa rồi đổ ra cửa Cấm, cửa Bạch Đằng, Lạch Tray, Văn Úc… nơi Hải Phòng quê tôi vời vợi tím biển chiều.

Du khách đến đất Cảng là tìm đến một miền đất vốn nổi danh với “bốn cống, ba cầu, năm cửa ô” cùng những người dân ăn sóng nói gió, với Nữ tướng Lê Chân oai dũng giúp dân lập ấp giữ làng, với chiến thắng Bạch Đằng lịch sử, với những ngôi chùa, mái đình đã đi vào huyền tích… Đến với công cuộc đấu tranh bất khuất, kiên cường bảo vệ quê hương, với Cát Bà, Đồ Sơn đẹp như tranh vẽ đâu phải chỉ để hưởng thụ đơn thuần mà còn để cảm nhận phong vận “địa cửu thiên trường” của thành phố này được hun đúc từ thủa khai thiên lập địa.

Người đi xa nhớ Hải Phòng là nhớ về những viên ngói mũi hài trên mái quán hoa giữa trung tâm thành phố dường như chưa phôi phai thời gian, nhớ màu phượng tháng Năm cứ hừng lên như lửa. Nhớ những đoàn thuyền đánh cá giăng cờ đuôi nheo nằm phơi mình trên bến, vị mặn của biển, vị tanh của cá dưới đôi tay cần mẫn, dẻo dai của người dân miệt biển sẽ trở thành những súc cá khô đậm đà, nõn tôm đỏ ửng hay chai mắm mặn hậu vị sóng xa.  

Làng tôi vốn là một làng cổ nằm nghiêng nghiêng dọc bờ sông Cấm, quanh năm bồi lở phù sa và xanh um những trang, những đước làm rừng chắn sóng. Tuổi thơ tôi là những tháng ngày chân đất chạy trên doi cát ven sông, đuổi bắt lũ còng còng chân đỏ hoặc theo bà đục hà, vớt hến. Hẳn là vì lẽ ấy nên mỗi khi nhớ nhà, tôi lại thấy sóng sánh trong lòng mắt sắc xanh mê mải của dòng Đá Bạc, Rế, Văn Úc hay màu hồng trầm lặng của sóng Bạch Đằng, Lạch Tray… Những dòng nước là hạ lưu của sông Thái Bình đổ ra biển, mang tên gọi mộc mạc thân thương như tên xóm tên làng và lưu giữ trong lòng sông bao huyền tích của một “Hải tần phòng thủ” lừng lẫy năm nào. Những con sông làm nên một Hải Phòng có mật độ sông ngòi trung bình từ 0,6 - 0,8 km/1 km² và một đường bờ biển dài 125km với quần thể đảo đa dạng trong vùng vịnh Lan Hạ.

Năm 1972, đạo diễn Đạo Trọng Khánh từng viết “Cái thành phố ăn nằm với biển. Đẻ ra một lũ cần lao.” để nói về Hải Phòng quê ông. Nhưng Hải Phòng trong thơ tôi mãi là “Thành phố đêm về nghe sóng thở. Mạch biển dâng trong mạch sống căng tràn”. Bởi trong tôi, vùng đất ấy vừa đằm sâu vừa quật cường khí thế, con người ăn sóng nói gió đấy mà không hề nông nổi, cạn nghĩ suy. Ẩn trong vẻ thô mộc mạnh mẽ là sâu nghĩa nặng tình. Cả thành phố được bao bọc bởi hàng trăm con sông lớn nhỏ và hướng nhìn ra biển bằng tư duy biển, nơi nào cũng cho ta cảm giác thắm và đậm. Đã nắng thì nắng chan hòa, rời rợi, đã gió thì gió ầm ào, cởi mở. Rừng đã xanh là xanh thăm thẳm, phượng đã nở là đỏ đến kiệt cùng, biển đã đục là phù sa ngầu đỏ. Đất ấy, người này hẳn phải là sự giao hòa giữa cái mạnh mẽ, khoáng đạt của biển và sự bền bỉ, thủy chung, nhẫn nại của sông.

Và cũng bởi yêu sông, nên những ngày cuối năm về với tuổi thơ, tôi bất chợt nhận ra dáng đứng của rất nhiều những cây cầu mới xây đang nối nhịp yên vui về muôn hướng. Ký ức của tôi là cầu Rào, cầu Niệm, cầu Hạ Lý, cầu Quay… tuổi đời trăm năm hoặc sấp xỉ tuổi tôi đã gắn với bao thăng trầm đất Cảng. Nên đứng trước những dáng cầu hiện đại cong tựa nét mày duyên người con gái phố biển, hay vươn cao như từng đợt triều dâng sóng hoặc khoáng đạt như “cánh chim biển” bay trên mặt nước khiến tôi ngỡ ngàng về một Hải Phòng luôn kiêu hãnh nơi đầu sóng.

Lại nhớ khi còn niên thiếu, đứng trên con đê quai ngoài bãi khi trời chiều, bên kia sông là bến Cảng với những cầu tàu, cẩn cẩu vươn lên hối hả, những chuyến phà tấp nập đưa đón người qua mà thấy thêm quý yêu người dân quê mình thuần hậu. Giờ đây, chuyến phà xôn xao bờ bến ấy đã trôi về miền kí ức, để những cây cầu mang hơi thở một đô thị kiểu mẫu ngày một nhiều hơn mạnh mẽ kết nối các công trình giao thông hiện đại. Nếu nói cả chục dòng sông đã kiến tạo nên vóc dáng cho đất Cảng hôm nay thì những cây cầu chính là những vạch nhịp vững chắc của sóng, tạo nên khúc nhạc không lời và có sức cộng hưởng tới muôn vạn con người.

Giữa lúc thành phố chạm ngõ mùa xuân, những búp non đang đua nhau thắp nến hồng, nến xanh trên những cội cây già hai bên đường phố. Đó cũng là dịp Cầu Hàn và cầu Đăng bắc qua sông Thái Bình nối hai huyện ngoại thành trọng yếu là Tiên Lãng và Vĩnh Bảo khánh thành. Cây cầu sẽ rút ngắn khoảng cách từ nội thành Hải Phòng đi huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng và đến với huyện ven biển tỉnh Thái Bình, mở ra những bước phát triển mới về kinh tế - xã hội cho một vùng đất ven biển còn nhiều tiềm năng chưa khai phá. Dừng xe tạt vào một quán nhỏ ven đường, bà chủ quán đôn hậu nhìn những vị khách đến thăm cầu, giọng nói như còn nhuốm vị phèn bảo đó là niềm hi vọng của bao thế hệ nơi đây.  

Lang thang giữa lòng thành phố, lặng nghe tiếng còi tầm vọng lại từ nơi nào rất xa. Đường Lê Hồng Phong như rộng mãi ra để lưu giữ lấy phút giây giao hòa mà thiên nhiên thịnh tình ban tặng. Không gian chợt sáng bừng ánh điện muôn màu từ cây cầu vượt vòm thép đầu tiên của thành phố mới được thông xe chưa lâu. Gần khu vực trung tâm, cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Nguyễn Trãi bắc qua sông Cấm cũng đang gấp rút chạy đua cùng thời gian. Những trụ cầu hôm nay, rồi đây sẽ là nhịp nối quan trọng trong việc kết nối khu vực trung tâm hành chính cũ với trung tâm hành chính mới sẽ được xây dựng tại khu đô thị mới Bắc sông Cấm, đồng thời tạo kết nối giao thông từ Cảng hàng không quốc tế Cát Bi sang huyện Thủy Nguyên.

Đi trên đường Nguyễn Văn Linh, mùi hoa sú từ bờ đầm chưa kịp san lấp dè dặt làm quen khách lạ và dẫn lối chúng tôi ra với cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á. Niềm vui của người Hải Phòng cách đây hơn mười năm khi bến phà biển nối Đình Vũ với Cát Hải đi vào hoạt động giờ đây được nhân lên gấp bội khi vòng bánh xe như reo đuổi theo những dợn sóng dưới chân cầu. Tân Vũ – Lạch Huyện, tên cầu không khoa trương nhưng lại gắn với nhiều cái “nhất” của Việt Nam như cầu biển dài nhất với tổng chiều dài 15km, áp dụng hệ thống “đê giả” ngăn biển tiên tiến nhất, cây cầu duy nhất có kết cấu đường hầm đặc biệt, kỹ thuật làm cầu lần đầu tiên áp dụng… Cây cầu mang kì vọng sẽ kết nối và phát triển kinh tế ven biển của thành phố, thúc đẩy hoạt động đầu tư cho khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Và cao hơn thế, sẽ là một trong những tuyến đường quan trọng của vành đai kinh tế từ các tỉnh phía Nam Trung Quốc, Đông bắc Lào qua đường biển sang châu Âu, châu Mỹ…

Những cây cầu lớn sẽ khởi nguồn cho những con đường lớn, để thênh thang đà tiến về phía trước, thực hiện sứ mệnh tiên phong, đầu tàu của thành phố Cảng lớn nhất miền Bắc. Cao tốc Hải Phòng – Hà Nội, cao tốc ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, cao tốc Hạ Long – Hải Phòng… đã và đang đưa bao vùng đất lại gần nhau, cộng hưởng và gia tăng giá trị cho nhau để cùng phát triển. Và chỉ riêng trong dự án đường cao tốc ven biển đã có tới 7 cây cầu lớn sẽ được xây dựng trên địa bàn thành phố. Với sức vươn ấy, hàng triệu tấn hàng hóa từ bốn biển năm châu về các cảng biển Hải Phòng sẽ nhanh chóng tỏa đi cả nước, mang lại nguồn lực quan trọng để xây dựng quê hương. Điều hiếm thấy là cùng một thời điểm triển khai từng ấy dự án lớn, vậy mà công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân vẫn đạt được sự đồng thuận đáng trân trọng.

Một Hải Phòng năm nào còn điềm tĩnh nhường đường cho các tỉnh bạn vượt lên giờ vươn vai đứng dậy. Tất cả tiềm năng còn đang ở phía trước, song nội lực dồi dào đã thể hiện bằng những con số đáng mừng. Năm 2016, Hải Phòng bất ngờ dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế và mọi lĩnh vực đều có những chuyển biến tích cực. Năm 2017, thành phố hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thu ngân sách nội địa đạt 21.500 tỷ đồng, chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua là 21%., bứt phá vượt trội so với mức tăng bình quân của cả nước là 5,8%. Mức tăng trưởng GRDP gấp khoảng 2,3 lần bình quân chung cả nước.

Có được thành tựu ấy, là biết bao tâm sức của triệu con người đang nỗ lực vì thành phố này và vai trò đầu tàu của Thành ủy, UBND thành phố cũng như các Sở, ban, ngành. Một thế hệ lãnh đạo mới không chỉ có bản lĩnh chính trị mà còn có tư duy kinh tế vô cùng nhạy bén. Xây dựng một Hải Phòng “Xanh – Văn minh – Hiện đại”, quyết tâm đó của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hải Phòng qua lời khẳng định của Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành tại tại buổi tọa đàm “Phát huy vai trò báo Đảng trong định hướng dư luận” do báo Hải Phòng tổ chức tháng 3 năm 2017 đã cho tôi nhiều dự cảm tốt lành. Đây cũng là lần thứ 3 tôi có dịp gặp gỡ vị “Tổng chỉ huy đại công trường” quê tôi.

Lần đầu tiên là khi ông còn là Tổng giám đốc Công ty xi măng Hải Phòng, hồ hởi đưa các văn nghệ sĩ của thành phố đi thăm quan di tích Bạch Đằng Giang mà Tổng công ty xi măng Hải Phòng vừa mới quy hoạch, tu bổ lại. Lần thứ hai là trên cương vị Bí thư thành ủy Hải Phòng tiếp đón đoàn nhà văn Quân đội về thăm và làm việc với lãnh đạo thành phố. Con người sinh ra từ đồng đất Vĩnh Bảo đã có 53 mùa xuân gắn bó, cống hiến cho thành phố quê hương ấy say sưa nói về những ưu thế vượt trội của hàng chục dòng sông uốn lượn trong lòng thành phố nên cần có lộ trình xây dựng các công trình hai bên sông để khai thác các giá trị cảnh quan về đêm, tạo điểm nhấn du lịch, cần có thêm những cây cầu để không còn “cách trở đò giang” giữa các vùng. Rồi về quyết tâm mở thêm công viên, trồng nhiều cây xanh, rặng cây lớn để chắn bớt gió bão và tạo dựng “không gian thứ hai” nuôi dưỡng sinh hoạt cộng đồng và vẻ đẹp tâm hồn người đất Cảng.

Ông bày tỏ sự tin tưởng, cùng với thời gian, diện mạo Hải Phòng sẽ ngày càng đẹp và hiện đại hơn để có thể tự tin bắt kịp nhịp độ phát triển của các thành phố hiện đại khác trong khu vực, đồng thời tạo dựng cho mình những yếu tố hấp dẫn hơn, độc đáo hơn để hướng tới sự phát triển bền vững thành phố trong tương lai. Vẫn ăn sóng nói gió như “thương hiệu” của người Hải Phòng, nhưng từ trong ông toát lên sự mẫn tiệp của một người từng trải trước biến động của thương trường và khả năng dự báo tương lai của một chính trị gia lão luyện.

Từ điển tiếng Việt định nghĩa: “Sóng, sóng từ, chuyển động sóng là sự lan truyền của dao động, có thể mang theo năng lượng...”. Hải Phòng hôm nay không chỉ có những dòng sông, vùng biển đảo mà còn bao công trình trùng trùng bừng lên như sóng, là trường năng lượng hùng hậu kết tinh từ ý chí, trái tim triệu người đưa con tàu quê hương vượt biển đến trùng dương. Có phải chăng sóng của thiên nhiên, sóng của lòng người tuy song thanh mà đồng vọng, cùng tạo nên âm hưởng về một thành phố “với những nhà máy, với những con tàu” sẽ luôn “sáng ngời trên cửa biển bao la” như lời ca khúc “Thành phố của em” tôi đang nghe nơi cửa ô sớm xuân nay./.


Có thể bạn quan tâm