April 27, 2024, 12:51 am

9 Sự kiện văn học trong nước nổi bật năm 2020

Năm 2020 là năm cuối nhiệm kỳ IX của Hội Nhà văn Việt Nam và cũng là năm hoạt động văn học chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19. Nhiều hoạt động văn học, sinh hoạt nghiệp vụ của Hội Nhà văn buộc phải tạm dừng hoặc lùi thời hạn tổ chức. Song năm 2020 cũng được đánh giá là năm thành công của Hội Nhà văn Việt Nam, không chỉ trong duy trì sự hoạt động ổn đinh của Hội mà công tác văn học cũng được chú trọng, phát triển, ghi dấu ấn của nhiệm kỳ có nhiều bứt phá với đỉnh cao là thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X nhiệm kỳ 2020-2025. Dưới đây là 9 sự kiện văn học tiêu biểu diễn ra trong năm 2020 do Văn nghệ bình chọn (Sự kiện được sắp xếp theo tiến trình thời gian).

1. Hai lần hoãn tổ chức Ngày thơ Việt Nam 2020, nhưng…

Ngày thơ với vận mệnh 'Sông núi trên vai'

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVIII năm 2020 đã buộc phải tạm hoãn đến 2 lần (Rằm tháng Giêng và dịp Quốc khánh 2/9 theo kế hoạch của BTC). Trước đó, tại cuộc họp ngày 26/12/2019 của Ban tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 18 cho biết, Ngày Thơ Việt Nam năm 2020 sẽ diễn ra trên các địa phương cả nước đúng ngày Rằm tháng Giêng với chủ đề “Đồng hành cùng đất nước” với 2 điểm nhấn quan trọng được tổ chức ở Hà Nội và TP. Huế. Theo kế hoạch dự kiến, sẽ có 7 đoàn nhà thơ quốc tế sẽ sang tham dự, gồm: Hoa Kỳ, Hàn Quốc (2 đoàn), Ấn Độ, Ý, Nhật Bản và Đài Loan. Nội dung Ngày Thơ Việt Nam năm 2020 sẽ hướng đến các bài thơ ca ngợi quê hương, đất nước, con người Việt Nam và hướng tới các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc ở biên giới và hải đảo.

Mặc dù đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho một Ngày thơ thành công và ý nghĩa trên toàn quốc, nhưng đã không thể thực hiện, khiến cho các nhà văn, nhà thơ, người yêu thơ cảm thấy thiếu vắng, bâng khuâng, không chỉ với một hoạt động văn hóa hết sức ý nghĩa, mà đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân trong và ngoài nước mỗi dịp Xuân về, Tết đến.

Ngày Thơ Việt Nam được bắt đầu từ năm 2003, lấy bài thơ Nguyên Tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm chủ đề xuyên suốt và luôn tổ chức vào rằm tháng giêng hằng năm. Năm 2020, Ngày thơ Việt Nam nếu được tổ chức sẽ là mùa thứ XVIII. Không được tổ chức, song chính sự thiếu vắng của Ngày thơ Việt Nam đã một lần nữa góp phần định vị giá trị của thơ ca trong đời sống văn học và xã hội

2. Năm kỷ niệm 100 năm sinh của các nhà văn, nhà thơ lớn

100 năm sinh nhà văn Tô Hoài, ảnh của BVN

Đã có 4 lễ kỷ niệm 100 năm sinh của các nhà văn, nhà thơ thế hệ “khai quốc” của văn học Việt Nam: Tô Hoài, Tố Hữu, Chế Lan Viên và Kim Lân, được tổ chức từ tháng 10 đến nửa đầu tháng 12/2020 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam trong không khí trang trọng và ấm cúng với sự có mặt của đại diện Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình, đại diện gia đình và bạn đọc yêu mến các nhà văn, nhà thơ nói trên.

Tại các lễ kỷ niệm, ngoài những đánh giá, làm sâu sắc hơn những thành tựu văn học và những đóng góp to lớn của các nhà văn, nhà thơ cho nền văn học Việt Nam nói chung và từng giai đoạn văn học Việt Nam nói riêng, nhiều thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học... đã có những phát hiện mới không chỉ về tài năng sáng tác, mà còn là phẩm chất viết văn của các nhà văn khi đã có một độ lùi nhất định để kiểm chứng.

Với nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh: Tô Hoài là người có đóng góp rất quan trọng vào sự toàn thắng của văn chương quốc ngữ và đưa nó vào quỹ đạo của văn học hiện đại. Ông là người có công to lớn trong việc mở rộng cương vực của văn xuôi Việt Nam; để lại một pho sử thi đồ sộ về đất nước, con người và cuộc sống của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20 - một thế kỷ sôi động và sống động với 2 cơn bão táp kép và chiến tranh và cách mạng, cách mạng và chiến tranh… Tô Hoài cũng là nhà văn tiên phong và hạt nhân có công hàng đầu trong xây dựng Hội Nhà văn Việt Nam từ thời “Văn hóa cứu quốc”. Cùng với những nhà văn cùng thời trong Hội Nhà văn Việt Nam, To Hoài đã tổ chức xây dựng, tập hợp những người viết, làm nên diện mạo nền văn học cách mạng.

Làm sâu sắc hơn những đóng góp của nhà thơ tố Hữu, người được coi  “như một ngọn núi lớn, thời gian càng lùi xa, càng thấy cao. Ông là một sự kết tinh đẹp đẽ của nền thơ ca cách mạng với những tố chất truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân văn. Tố Hữu đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam, đi vào lịch sử văn học Việt Nam như một tinh hoa văn hóa kết tinh những phẩm chất cao đẹp của dân tộc và thời đại”, nhà thơ Hữu Thỉnh, khẳng định, Tố Hữu không chỉ cần thiết cho quá khứ mà còn rất cần thiết cho hiện tại và tương lai. Còn với nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Tố Hữu vẫn ở bên cạnh tôi, bên cạnh mỗi chúng ta, vẫn không bao giờ mất đi, không bao giờ già đi, vì cái gì ông mang đến cho nhân dân, đồng hành cùng nhân dân, như nó đã có từ 50 năm nay, và hơn thế nữa, từ 80 năm nay… thì những cái đó sẽ vĩnh viễn bất tử”.

Nhà thơ Chế Lan Viên được biết đến là người sở hữu những vần thơ “mang sức mạnh của những binh đoàn ra trận” trong những năm chiến tranh cách mạng. Ông còn được bạn văn, bạn đọc trân trọng bởi gia tài văn chương đồ sộ, ý thức luôn tự làm mới sáng tác của mình, để rồi trở thành hình mẫu về một  nhà thơ tái nhận thức, tái điều chỉnh, tự vận động không ngừng, cốt cho thơ bắt kịp với đời sống.

Không rực rỡ, ồn ào và cũng không sở hữu nhiều tác phẩm văn học đỉnh cao như nhà văn Tô Hoài, Tố Hữu, Chế Lan Viên, nhưng nhà văn Kim Lân lại được bạn văn, bạn đọc yêu văn chương giành cho những tình cảm vô cùng đặc biệt. Ông là văn sĩ, nghệ sĩ đa tài ở nhiều lĩnh vực: viết văn, sân khấu và điện ảnh. Ở lĩnh vực nào ông cũng tròn vai. Tại lễ kỷ niệm, nhiều tham luận của các văn, nhà nghiên cứu lý luận phê bình đã tiếp tục làm rõ hơn những điểm đặc sắc nhất, xúc động nhất trong văn chương của nhà văn Kim Lân. Với họ, đó là hồn cốt của tình người chứ không phải là những kịch tính hay xung đột dữ dằn trong đời sống xã hội. Và chỉ nhà văn Kim Lân, với  tính chuyên nghiệp và sự thuần thục bậc thầy về cấu trúc và ngôn ngữ truyện ngắn mới có thể cho ra đời những tác phẩm đặc sắc, có sức sống lâu dài, làm giàu có thêm văn chương Việt, tâm hồn Việt.

3. Nhà thơ cuối cùng của thế hệ Thơ Mới ra đi ở tuổi 100

Là người đại diện cuối cùng của phong trào Thơ Mới tính cho đến thờ điểm này, Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã qua đời vào sáng  ngày 22/11, tại Bệnh viện Hữu Nghị , Hà Nội, không lâu sau ngày Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ mừng thọ nhà thơ trong 100 tuổi.

Sinh thời, nhắc đến Ngyễn Xuân Sanh, người đọc nhớ tới ông trong vai trò người sáng lập nhóm Xuân Thu Nhã Tập (thành lập năm 1939) - một nhóm đầy ắp trăn trở tìm hướng phát triển thi ca, cách tân Thơ Mới. Và ông cũng chính là người đã bắc nhịp cầu từ Thơ Mới sang thơ hiện đại, người khởi động cuộc chạy tiếp sức của thơ Việt vào hiện đại với tác phẩm Buồn xưa. Đồng thời cũng là người đã góp phần đào tạo nhiều nhà văn, dịch giả trẻ, giới thiệu nhiều tác gia văn học lớn của thế giới với bạn đọc trong nước. Ông còn có nhiều đóng góp cho công tác đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam, là phó tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa đầu tiên.

Trước đó, tại lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, nhà thơ Hữu Thỉnh  đã khẳng định,  sau Hàn Mặc Tử, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh chính là người đã đặt nền móng cho Thơ văn xuôi, đưa thơ văn xuôi lên tầm cao mới. Đọc thơ Nguyễn Xuân Sanh, người ta thấy được sự kết hợp của lý tưởng xã hội với lý tưởng nghệ thuật, sự tìm tòi sáng tạo trong nghệ thuật cũng là để phản ánh hiện thực cuộc sống tốt đẹp hơn...

4. Trao giải Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ Năm (2016 -2020)

trao giải tiểu thuyết

Cuộc thi tiểu thuyết được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lần đầu tiên vào năm 2002 từ quan niệm, một nền văn học trưởng thành không thể vắng bóng tiểu thuyết. Sự đầu tư cho tiểu thuyết đáp ứng kì vọng của độc giả, đáp ứng sự mở rộng về đường biên, thể tài nhưng không quên khuyến khích các thể loại văn học khác. Từ 2002 đến nay, cuộc thi tiểu thuyết đã diễn ra 5 mùa liên tục. Lễ trao giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 diễn ra vào sáng ngày 20/11, tại Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam với sự tham gia của các thành viên trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà văn, nhà thơ đạt giải thưởng và bạn đọc yêu văn chương tham dự.

Nhìn lại chặng đường 5 năm diễn ra cuộc thi tiểu thuyết, Nhà thơ Hữu Thỉnh, khẳng định với phương châm “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, công tác chấm giải cuộc thi tiểu thuyết đã được tiến hành rất nghiêm túc,  công tâm, vì một nền văn học chất lượng cao. Thành công lớn nhất của cuộc thi tiểu thuyết đó là có thêm nhiều tác phẩm viết về lịch sử về kháng chiến. Nhiều tác phẩm đã khái quát lịch sử 10 thế kỉ từ triều đại nhà Lý đến thời đại Hồ Chí Minh. Nhiều tác phẩm đã lấp những khoảng trống của mảng văn học sử như Từ Dụ Thái Hậu của Trần Thùy Mai, Thị Lộ chính danh của Võ Khắc Nghiêm...; Bên cạnh đó có nhiều tác phẩm đi vào những vấn đề nổi cộm trong cuộc sống với cách viết sắc sảo như: Quay đầu lại là bờ của Hữu Phương; Gió bụi đầy trời của Thiên Sơn; Gió Thượng Phùng của Võ Bà Cường; Gió bụi đầy trời, tác giả Thiên Sơn; Gió Thượng Phùng của Võ Bá Cường... cho thấy đây không chỉ là một mùa bội thu của tiểu thuyết, mà còn là cuộc thi mở rộng đường biên, nối dài đội ngũ những người viết văn trong những nỗ lực cách tân nghệ thuật.

5. Trao Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2020

trao giải văn học 2020

Diễn ra cùng thời điểm với lễ trao giải Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5, song được đánh giá là sự kiện văn học được trông đợi nhất trong năm, do có nhiều nhân tố mới, bất ngờ.

Theo đánh giá của Hội đồng giải thưởng, các tác phẩm tham dự giải thưởng văn học năm 2020 rất dồi dào, đa dạng và phong phú. Ban sơ khảo của các Hội đồng chuyên môn đã có nhiều cuộc làm việc nghiêm túc, nhằm tuyển chọn những tác phẩm tốt nhất để trao giải. Sau nhiều mùa không có giải thưởng Thơ thì năm 2020 tác phẩm Bên trời của tác giả Trần Kim Hoa đã được chọn trao giải. Mảng Văn xuôi, cũng là năm có nhiều sự kiện lạ, khi Hội đồng chuyên môn không chọn được tác phẩm trình Hội đồng chung khảo, do đó việc vận dụng Quy chế xét giải hàng năm đã được thực hiện để chọn ra tác phẩm Gánh gánh gồng gồng đọc chung trong toàn Hội đồng. Ban chấp hành cũng có nhiều buổi làm việc nghiêm túc, đi đến thống nhất quyết định trao 4 giải thưởng cho 4 tác phẩm thuộc các thể loại: Thơ, văn xuôi, văn học dịch, lý luận phê bình. Đồng thời, Ban chấp hành cũng xem xét, đánh giá và thống nhất giới thiệu tập thơ Nghe mưa của nhà thơ Hà Phạm Phú để dự xét giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2020.

6. Kết nạp 53 Hội viên mới 2020

các hội viên mới năm 2020

Theo thông lệ thì Giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam và lễ kết nạp Hội viên mới sẽ được tổ chức vào dịp xuân mới. Song năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX, nên lễ kết hai sự kiện này được tiến hành sớm hơn thường lệ. Tuy vậy, công tác xét, kếp nạp hội viên mới năm 2020 vẫn được thực hiện hết sức nghiêm túc, bám sát yêu cầu đặt ra của Hội Nhà văn là ngày càng nâng cao chất lượng hội viên, chất lượng của Hội Nhà văn Việt Nam, được phản ánh cụ thể bằng tác phẩm, bằng sự nghiệp văn học. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Hội nhà văn Việt Nam khóa IX đã thông qua quyết định kết nạp 53 hội viên mới, trong đó chuyên ngành Thơ 25 hội viên; Văn xuôi 20 hội viên ; Lý luận phê bình 6  hội viên và chuyên ngành Dịch 2 hội viên.

7. Giải thưởng “Sáng tác về biên giới - biển đảo đợt I”

trao giải biên giới biển đảo

Giải thưởng đợt I cho các tác phẩm viết về biên giới, biển đảo của Hội Nhà văn Việt Nam là một giải thưởng chuyên đề đặc biệt khẳng định vai trò của văn học nghệ thuật trong công tác tuyên truyền về biên giới, biển đảo đồng thời nhấn mạnh về tấm lòng tri ân bao thế hệ cha ông ta đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Tinh thần ấy được lan tỏa, tiếp nối trong nhiều thế hệ người Việt và giới văn nghệ sĩ để cho ra đời những tác phẩm đầy tính hiện thực và xúc động. Các tác giả, tác phẩm và tập thể được tôn vinh, trao giải thưởng đợt 1 đều có chất lượng nội dung tốt, cách tiếp cận tinh tế, sâu sắc, nhiều tác phẩm đã chinh phục được bạn đọc, đoạt nhiều giải thưởng văn chương uy tín của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, Hội Nhà văn Việt Nam…

Dù giải thưởng chưa bao quát hết được tất cả những tác phẩm sáng tác từ 1975 đến nay, nhưng những tác phẩm được vinh danh trong cuộc thi đợt I đều xứng đáng bởi đã được xuất bản khá lâu và bạn đọc đã có thời gian kiểm chứng, đánh giá tác phẩm. Sẽ còn có những mùa giải sau và nhiều tác phẩm xuất sắc được vinh danh. Chúng ta có quyền hy vọng về điều đó.

8. Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam khóa X nhiệm kỳ (2020-2025)

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam: Kỳ vọng văn học Việt sẽ khởi sắc | Văn hóa | Vietnam+ (VietnamPlus)

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ (2020-2025), đã diễn ra từ 23 đến ngày 25/11/2020, tại Hà Nội. Gần 600 đại biểu đại diện cho trên một nghìn Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã về dự Đại hội.

Đại hội đã đánh giá toàn diện hoạt động văn học nhiệm kỳ IX. Thể hiện về tư duy văn học, đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác tiếp tục được đổi mới, đem đến một diện mạo văn học đa dạng phong phú, chấp nhận và khuyến khích nhiều cá tính sáng tạo, nhiều tìm tòi thể nghiệm cái mới. Đời sống văn học đã trở nên năng động hơn, thích ứng với yêu cầu của tình hình mới. Vấn đề đạo đức xã hội đã được nhiều tác phẩm lên tiếng cảnh báo từ lâu, nay tiếp tục đi sâu vào nhiều ngõ ngách, cảnh báo về những vực thẳm dưới tác động tinh vi và dữ dằn từ tác động của kinh tế thị trường. Tự do sáng tác được tôn trọng, xu hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo, nâng cao tính chuyên nghiệp trong mọi hoạt động đang thu hút nghị lực và tâm huyết của đông đảo nhà văn hiện nay. Đây chính là nơi thể hiện rõ nhất bản lĩnh, nhân cách và trách nhiệm của nhà văn với đất nước.

Đại hội đã bầu ra 11 thành viên Ban Chấp hành và 5 thành viên trong Ban kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam khóa X. Ngay sau đó, tại phiên họp đầu tiên của Ban Chấp hành, các thành viên trong Ban Chấp hành đã thống nhất bầu nhà thơ Nguyễn Quang Thiều giữ chức Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa X. Hai Phó Chủ tịch là nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Nguyễn Bình Phương.

Trên cương vị tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa X, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã khẳng định, “Chúng tôi xin tiếp bước các nhà văn chân chính đã chọn đi, đồng hành cùng Cách mạng, đất nước. Chúng tôi nguyện làm tốt hơn nữa trách nhiệm ấy…".

9. Nhà thơ Trần Nhuận Minh tác giả Trần Ngọc Phú  đoạt Giải thưởng Văn học sông Mekong lần thứ XI năm 2020

Giai thuong Van hoc song Mekong anh 1

Giải thưởng Văn học sông Mekong lần thứ XI năm 2020  đã chính thức vinh danh hai tác giả Việt Nam là nhà thơ Trần Nhuận Minh với tập thơ Qua sóng Trường Giang (Nxb Hội Nhà văn) và tác giả Trần Ngọc Phú với bộ sách ba tập Từ biên giới Tây Nam đến đất Chùa Tháp (viết về cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới Tây Nam những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước).

Giải thưởng Văn học sông Mekong (Mekong River Literature Award) là giải thưởng dành cho các nhà văn thuộc những quốc gia trong khu vực có dòng Mekong chảy qua. Giải thưởng được tổ chức với mong muốn qua tác phẩm văn học, nhân dân các nước trong vùng sông Mekong sẽ hiểu biết hơn về văn hóa, con người, quá khứ và hiện tại của mỗi quốc gia để cùng đoàn kết, phát triển, hòa bình, thịnh vượng. Mùa giải 2020 chưa được ấn định thời gian trao giải do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng địa điểm tổ chức chính thức sẽ diễn ra tại thành phố Phnom Penh, Campuchia.

Văn nghệ

Ảnh Hữu Đố

Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2021


Có thể bạn quan tâm