April 27, 2024, 6:13 am

80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam

 

Gần hai năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào tháng 11/ 2021, loạt sự kiện kỷ niệm  80 năm ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam đã được tổ chức quy mô cấp quốc gia, tiếp tục khẳng định những tư tưởng của Đề cương vẫn còn nguyên giá trị, góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

 

Văn hóa  với sứ mệnh “soi đường”

Năm 1943, Đề cương Văn hóa Việt Nam do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo chính thức được ra đời, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Cùng với lập trường, lý luận khoa học mácxít mới mẻ về văn hóa, bản Đề cương còn là sự kế thừa và bổ sung hết sức quan trọng tư tưởng Hồ Chí Minh, Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, những chủ trương, đường lối và sự tổng kết thực tiễn lãnh đạo trong lĩnh vực văn hóa của Đảng ta qua các cao trào đấu tranh cách mạng kể từ khi thành lập. Mang sứ mệnh khơi thông những mạch nguồn của văn hóa dân tộc trong bối cảnh đẩy mạnh cao trào cách mạng, tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, bản Đề cương đã tạo nên sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng văn hóa cho nhân dân, nhất là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ có tâm huyết, cổ vũ lòng tự hào dân tộc, khích lệ tinh thần dấn thân cho cách mạng, thật sự trở thành ngọn đuốc soi đường cho sự phát triển nền văn hóa mới.

Từ một dân tộc mà bờ cõi chưa bao giờ yên tiếng vó ngựa của bè lũ xâm lăng, dân tộc Việt đã vịn câu thơ thần “ Bài thơ Thần” của Lý Thường Kiệt đến “ Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn mà nhất tề đứng lên “ rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

Cũng từ Đề cương văn hóa, nhiều văn nghệ sĩ, trí thức từ chỗ “ cầu bất cầu bơ” sống “ hồn bướm mơ tiên” đã  “ nhận đường”và tự nguyện đi theo con đường cách mạng. Họ sáng tác những ca khúc, tác phẩm văn học nghệ thuật  thoát khỏi “ Ánh trăng giả dối” để thay vào đó là cái nhìn tươi mới, trần ngập niềm tin vào cuộc đấu tranh đòi giải phóng dân tộc, thoát khỏi áp bức bất công, trở thành người làm chủ cuộc đời của chính mình. Cũng từ Đề cương văn hóa mà những nhà văn, nghệ sĩ như Tố Hữu, Đỗ Nhuận, Văn Cao đã có những tác phẩm đỉnh cao. Khi Tố Hữu vui mừng: Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ mặt trời chân lý chói qua tim/ hồn tôi là một vườn hoa lá/ rất đậm hương và rộn tiếng chim…Để rồi sẵn sàng “Tôi buộc hồn tôi với mọi người/ Để tình trang trải với trăm nơi/ Để hồn tôi với bao hồn khổ/ Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”

Từ ấy không chỉ giống như một chỉ dấu cho lời tuyên ngôn của những trí sĩ trẻ yêu nước, hay đúng hơn là lời hiệu triệu ngàn vạn trái tim của dân tộc Việt máu đỏ da vàng. Hãy sát cánh bên nhau, để mạnh thêm khối đời. Khối đời ấy là sức mạnh bẻ gẫy xiềng gông, lật đổ ách thống trị của Pháp, của Mỹ và của giặc ngoại xâm phương bắc. Từ nhận đường, đến tự nguyện vững bước đi theo con đường cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch sẵn, văn nghệ sĩ trí thức cả nước đã cùng với đồng bào của mình tạo thành một khối thống nhất, dùng văn hóa để cổ vũ tinh thần, dùng tác phẩm để hiệu triệu trái tim những người cùng khổ, nhất tề đứng lên, trước là tự giải phóng bản thân, sau là giành độc, toàn vẹn lãnh thổ.

Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới có một phần đóng góp không nhỏ của  Đề cương Văn hóa. Chính Đề cương văn hóa đã đập tan mâm mưu đồng hóa dân tộc Việt Nam của đế quốc Pháp, thức tỉnh ý chí tự cường dân tộc. Đề cương về văn hóa Việt Nam đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, với nhận thức đúng đắn rằng: sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa vừa là một tất yếu chính trị, vừa là một tất yếu khách quan. Cách mạng muốn xây dựng thành công nền văn hóa mới dứt khoát phải do Đảng tiền phong lãnh đạo. Mặt khác, có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới lan tỏa được tư tưởng cách mạng, tạo nên ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội.

Xây dựng nền Văn hóa xã hội chủ nghĩa

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra vào tháng 11/ 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, khi đã nói đến văn hoá là nói đến những gì là tinh hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hoá, một gia đình có văn hoá, một dân tộc có văn hoá; lối sống văn hoá, nếp sống văn hoá, cách ứng xử có văn hoá,...). Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hoá, phi văn hoá, phản văn hoá. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng. Việt Nam là một đất nước có hơn 4 nghìn năm lịch sử, trải qua không biết bao nhiêu sự biến đổi, thăng trầm do thiên nhiên và con người gây ra, đã tích luỹ, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hoá riêng của Dân tộc, làm nên hồn cốt của Dân tộc; đồng thời tiếp thu và góp phần đóng góp vào nền văn hoá chung của nhân loại. Chính vì vậy, việc xây dựng nền văn hóa mới phải gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Công cuộc cải tạo xã hội, loại bỏ những gì cũ kỹ lạc hậu, hướng tới xây dựng một chế độ xã hội mới ưu việt hơn chỉ hoàn thành khi hình thành được nền văn hóa mới: “nền văn hóa xã hội chủ nghĩa”.

Hiện Văn hóa đã và đang được đặt ngang tầm với kinh tế và là nguồn lực nội sinh và động lực to lớn để phát triển nhanh và bền vững đất nước. Khi quyết định mở cửa nền kinh tế, gia nhập các tổ chức kinh tế, chính trị tầm cỡ quốc tế, Việt Nam đã thể hiện thiện chí và hoán chuyển các tài nguyên, giá trị văn hóa, các giá trị quốc gia, giá trị gia đình Việt Nam thành những giá trị phát triển. Từ đó, văn hóa không chỉ được đặt ngang hang với kinh tế mà còn thẩm thấu sâu hơn, lan tỏa mạnh hơn trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội. 

Chỉ trong một thời gian ngắn ( 35 năm sau đổi mới) vị thế đất nước, con người Việt Nam như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “ đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế và uy tín như hiện nay” là một  thực tế rất đáng tự hào. Nhiều di sản của Việt Nam trở thành nguồn tư liệu quý của thế giới song song với những mặt hàng thủ công mỹ nghệ, những sản vật nông sản triệu đô được thế giới công nhận và trân trọng.

Văn hóa Việt đang trên đà phát triển mạnh mẽ trong sự kế thừa và phát huy những

những giá trị tích cực, tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc, vừa đẩy mạnh giao lưu, tiếp biến, vừa tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, khẳng định bản sắc và bản lĩnh của dân tộc trong tiến trình hội nhập quốc tế.

 80 năm đã trôi qua, nhưng giá trị của Đề cương văn hóa vẫn luôn còn đó, nhất là các luận điểm xác định về vai trò, sứ mệnh của văn hóa như nguồn lực nội sinh cho phát triển; sự gắn kết của văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội; ý nghĩa trung tâm của con người trong phát triển văn hóa; và các nguyên tắc vận động của văn hóa đã được minh định là những giá trị nền tảng cốt lõi, định hình đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

 Trước những biến động không ngừng của bối cảnh lịch sử và các yêu cầu phát triển mới của đất nước, sẽ có những sự vận dụng mới mẻ  những luận điểm mà đề cương văn hóa đã được đăt ra trước đó cho phù hợp với thời kỳ mới. Nhưng tin rằng với ba nguyên tắc: Dân tộc, đại chúng, khoa học của Đề cương văn hóa Việt Nam sẽ tiếp tục là nền móng vững chắc, khai phá mở đường đúng đắn cho quá trình xây dựng lý luận văn hóa ở Việt Nam, giúp phát triển các ngành công nghiệp, thị trường văn hóa. Những yếu tố này đều góp phần thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc (năm 2021); xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế, xã hội và không gian số sẽ giúp văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Kỷ niệm 80 năm ra đười Đề cương Văn hóa Việt Nam, cũng là dịp để văn nghệ sĩ, trí thức cả nước nói riêng, người dân cả nước nói chung nhận thức sâu sắc hơn nữa về tầm quan trọng và giá trị của Văn hóa. “ Văn hóa còn là dân tộc còn” Đó là bài học về sự kiên định kế thừa và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhằm phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sự tham gia, đóng góp trí tuệ, tài năng của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước trong phong tráo đấu tranh giải phóng dân tộc và nay là xây dựng, phát triển đất nước hung cường, thịnh vượng.

Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, không chỉ dừng lại ở chuỗi các hoạt động Hội thảo, triển lãm, mít tinh kỷ niệm mà sẽ được kéo dài trong cả năm 2023 và nhiều năm tiếp sau đó. Đây là khẳng định của Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng những ban ngành liên quan. Những hoạt động này tiếp tục tiếp thêm động lực, cho chúng ta niềm tin vững chắc rằng, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc sẽ là mệnh lệnh bất khả kháng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đoàn kết một lòng, ra sức cống hiến trí tuệ, tài năng, đưa dân tộc ta đến những thắng lợi mới.

Hà An


Có thể bạn quan tâm