April 26, 2024, 1:54 pm

75 năm và hành trang Văn học

 

Nằm trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 75 năm Báo Văn nghệ ra số đầu tiên, ngày 20-4-2023, đoàn công tác Báo Văn nghệ do nhà văn Khuất Quang Thụy - Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam – Tổng Biên tập làm trưởng đoàn đã đi thăm và tặng sách cho trường THCS và Tiểu học Thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

 

 

Sau khi gặp gỡ và tặng sách cho tập thể lãnh đạo Thị trấn Thổ Tang, đoàn công tác tới thăm và tặng sách là Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học I, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học II và Trường THCS Thổ Tang. Tại điểmTrường Tiểu học Nguyễn Thái Học I, đoàn được cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngọc Liên cùng Ban Giám hiệu nhà trường nồng nhiệt đón tiếp.  Thay mặt Báo Văn nghệ, nhà văn Khuất Quang Thụy – Tổng Biên tập và Phó Tổng biên tập Nguyễn Hồng Liên đã trao tặng 500 cuốn sách cho thư viện trường.

 

Nơi đầu tiên chúng tôi đến thăm là Đền Trúc Lâm, được xây dựng trên vùng rừng trúc xưa, nên dân trong làng còn gọi là miếu Trúc. Theo ngọc phả ghi lại, đền Trúc Lâm được xây dựng thời kỳ Hậu Lê, có kiến trúc nhỏ, đẹp, kiểu tứ trụ chồng bồn. Đền là nơi thờ cúng Lân Hổ hầu đô thống Đại vương và thân mẫu Phùng Thị Dong đã có công giúp nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông. Tiếp đó, đoàn đi thăm Đình Thổ Tang, là ngôi đình có kiểu dáng cổ nhất trong các ngôi đình hiện còn ở Vĩnh Phúc. Kiến trúc khá đồ sộ. Các bức chạm gỗ có giá trị lớn về mỹ thuật dân gian thời Lê với kỹ thuật tinh xảo, đề tài độc đáo như: "Đánh ghen", "Hội xuống đồng", "Bắn hổ", "Đấu vật", "Đá cầu"... Song có người lại đặc biệt ca ngợi bức hoành phi của ngôi đình với 3 chữ đại tự "Hoà Vi Quý" (Hòa là quý, thể hiện một triết lý nhân sinh sâu sắc chỉ thấy có ở đây. Hiện đình đang được trùng tu và sẽ xong trong thời gian tới. Rồi đoàn tới Chùa Tùng Vân. Ngôi chùa được xây dựng cách đây 327 năm vào thời vua Lê Huy Tông và là ngôi chùa cổ và lớn vào bậc nhất ở huyện Vĩnh Tường, được xếp hạng di tích văn hoá cấp quốc gia năm 1964 và 1992. Tại đây đoàn công tác được Đại đức Thích Nguyên Cao – Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Vĩnh Tường – Trụ trì chùa Tùng Vân đón tiếp một cách trọng thị.

Để giới thiệu với đoàn công tác về phát triển kinh tế của thị trấn, Chủ tịch Lê Kim Thành dẫn đoàn tới Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm của huyện cùng hệ thống kho vận có quy mô hơn 186 ha bắt đầu đi vào hoạt động, nơi đây đầu mối tiêu thụ nông sản, kho vận của nhiều tỉnh thành phía Bắc. Đồng chí cũng cho biết: chỉ trong một thời gian không xa, tại thị trấn Thổ Tang sẽ hiện hữu một Trung tâm thương mại mang tầm cỡ khu vực rất sôi động, sầm uất, văn minh, mang lại một cách nhìn mới về mô hình sử dụng, khai thác ứng dụng, gắn trung tâm thương mại hiện đại với chợ truyền thống và chợ đầu mối - một mô hình đang được nhiều nhà quản lý và đầu tư quan tâm.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn được biết, vốn trước đây là một vùng đất thuần nông, chuyên "trồng dâu, nuôi tằm". Với dân số đông và diện tích nông nghiệp khá eo hẹp, dù cần mẫn lao động song, người dân nơi đây vẫn không đủ ăn và nuôi sống gia đình. Vì vậy, họ phải đi khắp nơi để làm ăn, buôn bán kiếm sống, lập nghiệp... nghiệp buôn bán của Thổ Tang bắt nguồn từ đó... nhờ đức tính cần mẫn, chăm chỉ, người dân Thổ Tang vẫn ngày đêm miệt mài tìm hướng lao động, sản xuất, kinh doanh làm giàu cho bản thân và quê hương.

 

Thế mạnh về kinh tế của Thổ Tang là kinh doanh nông sản, ngoài ra còn có dịch vụ vận tải, thương mại và sản xuất. Vùng đất Thổ Tang còn có nhiều tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là nguồn lực đầu tư từ chính người dân Thổ Tang làm ăn xa xứ trở về phát triển quê hương. Kinh tế Thổ Tang luôn đạt mức tăng trưởng cao trong 10 năm gần đây. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị trấn luôn cao hơn mức bình quân chung của cả huyện và toàn tỉnh. Cơ cấu kinh tế của Thổ Tang trong những năm vừa qua chuyển biến theo hướng tích cực, có sự chuyển dịch phù hợp với xu thế chung của toàn tỉnh và xã hội, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp.

Chứng kiến sự “thay da, đổi thịt” trong một thời gian ngắn của Thị trấn Thổ Tang, nhà văn Khuất Quang Thụy – Tổng Biên tập Báo Văn nghệ trong phát biểu của mình đã gửi lời cảm ơn và chúc cho nhân dân thị trấn, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền sẽ phát triển và làm giàu hơn nữa cho quê hương và qua đó, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của Thị trấn Thổ Tang nói riêng và của huyện Vĩnh Tường cũng như tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.

Chia tay các đồng chí đại diện lãnh đạo thị trấn trong không khí thân mật và xúc động cùng những cái bắt tay thật chặt. Thay mặt tập thể lãnh đạo thị trấn, đồng chí Lê Kim Thành – Chủ tịch UBND chúc Báo Văn nghệ luôn gặt hái được nhiều thành công và khẳng định luôn đồng hành với Báo Văn nghệ và sẽ cùng tập thể lãnh đạo thị trấn tới dự Lễ Kỷ niệm 75 năm Báo Văn nghệ ra số đầu tiên tại Hà Nội.

Việt Thắng


Có thể bạn quan tâm