April 26, 2024, 2:35 pm

242 ngày trong tay cướp biển Somali*

LTS. Hẳn bạn đọc còn nhớ, gần 10 năm về trước, trên các phương tiện thông tin đại chúng rộ lên một số vụ hải tặc Somali bắt cóc các tàu viễn dương của các nước khi đi qua vùng biển nước này để đòi tiền chuộc, trong đó có tàu Việt Nam. Một trong số những tàu của Việt Nam bị bắt cóc trong thời gian đó là tàu Hoàng Sơn Sun, bị bọn hải tặc bắt cóc là ngày 17/01/2011, đến ngày được giải phóng là ngày 15/9/2011. Như vậy trong thời gian 242 ngày buộc phải sống cùng với cướp biển Somali, trải qua nhiều đau đớn cả về thể xác và tinh thần, của những khoảnh khắc giữa cái sống và cái chết, cuối cùng 24 thuyền viên đã trở về Việt Nam an toàn trong sự chào đón của tất cả mọi người.

Thuyền trưởng của tàu Hoàng Sơn Sun thời gian này là Đinh Tất Thắng, nguyên Học viên khóa 4 (1985-1988), Khoa Tăng, Thiết giáp trường Sĩ quan kỹ thuật Vinhempic (Nay là trường Đại học Trần Đại Nghĩa). Năm 1988, sau khi tốt nghiệp sĩ quan, anh không theo con đường binh nghiệp mà tiếp tục theo học Trường Đại học Hàng hải và đi theo nghề của người Cha. Và sự kiện xảy ra với tàu Hoàng Sơn Sun vào năm 2011, Thắng là người trực tiếp chứng kiến. Anh viết trong Lời mở đầu của cuốn nhật ký được ghi lại vội vã trong những giây phút đầy nguy hiểm và thấp thỏm của 242 ngày sống trong số phận “Con tin” ở Somali:

“Đây chỉ là những trang nhật ký viết riêng cho mình trong quãng thời gian 242 ngày buộc phải sống cùng với cướp biển Somali, từ ngày chúng tấn công và cướp được tàu Hoàng Sơn Sun ngày 17 tháng 01 năm 2011, đến ngày cướp nhận được tiền chuộc và giải phóng tàu 15 tháng 9 năm 2011 và 6 ngày tiếp theo đưa tàu từ vùng bờ biển Somali đến cảng an toàn gần nhất là cảng Salalah của Oman… Những đoạn ghi chép dưới đây không được chau chuốt nhưng nó chứa đựng trạng thái tâm lý của những khoảnh khắc giữa cái sống và cái chết”.

Gọi là Nhật ký, nhưng với khả năng quan sát tinh tế, cùng những suy ngẫm mang nhiều cảm xúc, và đặc biệt là những diễn biến hết sức gay cấn nhưng lại không hề mang màu sắc hư cấu của sự kiện, cùng các tuyến nhân vật đan xen với những cung bậc cảm xúc liên tục thay đổi mà tác giả và những người đồng đội của anh trải qua trong thời gian này, thực sự khiến cho câu chuyện của 242 ngày trong tay cướp biển Somali mang dáng dấp một cuốn tiểu thuyết tư liệu. Nhìn về tổng thể, tuy nó chưa phản ánh đầy đủ những nỗ lực trong quá trình vận động, đàm phán của ta thông qua các hoạt động ngoại giao để giải cứu các con tin. Song từ tận cùng của thực tế, cuốn nhật ký lại đầy ắp hơi thở của sự căng thẳng, ngột ngạt, mệt mỏi, chán chường của 24 con người trong hơn 8 tháng trời bị khống chế mà mỗi ngày đều chưa biết ngày mai của mình sẽ thế nào. Điều mà hiếm nhà văn chuyên nghiệp nào có cơ hội để trải nghiệm.    

Tác giả của Nhật ký Somali đã đồng ý cho Văn nghệ được đăng tải nội dung cuốn nhật ký của mình để giới thiệu cùng bạn đọc về những cảm giác mà họ đã trải qua, cùng với lời khẳng định: “Chúng tôi không phải là những người hùng, nhưng chúng tôi luôn có khát vọng sống mãnh liệt, sống để trở về trọn vẹn và cuối cùng mọi cố gắng đã được đền đáp…”. 

Một điều hết sức đặc biệt là khi bản thảo này đến tay chúng tôi, thì cũng vừa tròn 9 năm ngày 24 thuyền viên của tàu Hoàng Sơn Sun được giải phóng khỏi tay cướp biểm Somali (ngày 15/9/2011). Một sự trùng hợp bất ngờ. Xin trân trọng cảm ơn tác giả, thuyền trưởng Đinh Tất Thắng, và xin được bắt đầu những trang nhật ký của anh.

Văn nghệ

 

LỜI MỞ ĐẦU

Đây chỉ là những trang nhật ký viết riêng cho mình trong quãng thời gian 242 ngày buộc phải sống cùng với cướp biển Somali, từ ngày chúng tấn công và cướp được tàu Hoàng Sơn Sun ngày 17 tháng 01 năm 2011, đến ngày cướp nhận được tiền chuộc và giải phóng tàu 15 tháng 9 năm 2011 và 6 ngày tiếp theo đưa tàu từ vùng bờ biển Somalia đến cảng an toàn gần nhất là cảng Salalah của Oman.

Tuy trải qua nhiều đau đớn cả về thể xác và tinh thần nhưng cuối cùng 24 thuyền viên đã trở về Việt Nam an toàn trong sự chào đón của tất cả mọi người. Và nhiều người trong số đó đã và đang tiếp tục đi biển trên những con tàu khác hay quay lại làm việc trên chính con tàu đã từng bị cướp đó. Những đoạn ghi chép dưới đây không được chau chuốt nhưng nó chứa đựng trạng thái tâm lý của những khoảnh khắc giữa cái sống và cái chết.

Chúng tôi không phải là những người hùng, nhưng chúng tôi luôn có khát vọng sống mãnh liệt, sống để trở về trọn vẹn và cuối cùng mọi cố gắng đã được đền đáp.

*

Ngày đầu tiên: Ngày 17 tháng 01 năm 2011. Trong khi tàu đang hành trình từ cảng B.I.K/Iran đi trả hàng tại cảng Xiamen/Trung Quốc. Trên tàu xếp 21.136,974 tấn Mill Scale Fine in bulk, đây và phế liệu thải ra trong quá trình luyện thép. Sau khi rời B.I.K ngày 12/01/2011 tàu chạy đi Furairah/UAE để lấy nhiên liệu. Đến Furairah ngày 14/1/2011 neo nhận FO 400 tấn (đây là dầu nặng), DO 90 tấn (đây là dầu diesel). Ngay sau đó rạng sáng ngày 15 tàu kéo neo tiếp tục chạy đến cảng dỡ hàng, biển êm tốc độ tốt, mọi người đang bàn chuyện về nhà ăn tết. Lúc 14 giờ 20 phút ngày 17/01/2011 (UTC+5), cướp biển đột nhập lên tàu tại vị trí (18-14.86 N, 064-42.81 E). Xuồng cao tốc chở khoảng 7 tên cướp mang theo súng AK 47 loại báng gấp và súng phóng lựu B41, tất cả đều đầu trần chân đất, vừa đi vừa nổ súng như vãi đạn, tiếng nổ nghe rất to nhưng không thấy vỏ đạn. Khi chúng lên tàu lập tức yêu cầu tắt máy chính thả trôi tàu trên biển và yêu cầu tất cả thuyền viên tập trung trên buồng lái, không có hành động khủng bố hay đánh đập, sau đó 1 tàu mẹ là loại tàu đánh cá to cập mạn bọn cướp lên tàu rất đông, bắt đầu dàn quân khắp tàu và đến 16 giờ sau khi đã ổn định được trật tự chúng yêu cầu nổ máy chạy về bờ biển Somali tàu chạy theo hướng 237 độ chạy về phía Nam đảo Sucotra hướng về Raas Xoa Fun, đến Raas Xoa Fun cướp yêu cầu tàu chuyển xuôi về phía nam hướng 215 độ dọc bờ biển Somali.

…………..

Ngày thứ 6: Rạng sáng 02 giờ 15 phút ngày 22/1/2011 tức là sau gần 5 ngày chạy tàu đến neo tại EIL đông bắc Somali tàu neo lại tại vị trí (07-51.80 N, 049-51.4 E). Trong 5 ngày sinh tử đầu tiên đó tàu đã liên lạc được về nhà 3 lần, bằng điện thoại vệ tinh Inmarsat Mini M, bằng gửi điện qua hệ thống inmasat C và lần thứ 3 gửi được bằng fax, gửi trộm trong giây phút lơ là khi canh gác giám sát thuyền viên. Từ chỗ neo nhìn thấy khá nhiều tàu neo cùng, buổi sáng tàu THOR NEXUS mang cờ Thái Lan chạy đi, 17 giờ tàu hàng rời Eagle kéo neo chạy, 17 giờ 30 tàu YUAN XIANG mang cờ Trung Quốc kéo neo chạy tất cả đều chạy về phía nam hướng 195 độ.

Ngày thứ 7: Tàu vẫn neo tại khu các tàu mới bị cướp bắt về (biết được như vậy là xem được nhận dạng đọc được ETA của các tàu (ETA là dự kiến thời gian đến cảng) tàu neo rất gần bờ chỉ cách bờ 3 hải lý. Đến 23 giờ kéo neo chạy về phía nam theo yêu cầu của tướng cướp được mọi người đặt cho nick name là Rằn ri vì nó hay mặc đồ rằn ri còn cướp gọi nó là Sende. Thằng này không nói được tiếng Anh mà phải thông qua 1 thằng cướp biết tiếng Anh có nick name là thằng Ghẻ vì nó bị ngứa cứ gãi suốt ngày còn cướp gọi nó là Hakim, thằng này nhiều lần bênh anh em mình.

Ngày thứ 8: ngày 24 tháng 1 năm 2011, lúc 05 giờ tàu thả trôi ở vị trí (05-59.26 N, 049-02.99 E) để chờ trời sáng, 07 giờ lại chạy ngược lại phía Bắc 30 hải lý vì khi tối cướp không biết đường nên chạy xa quá. Đến 12 giờ 54 phút tàu thả neo tại vị trí (06-27.31 N, 049-08.71 E) tàu thả neo 7 đường dưới nước và cách bờ 5 hải ký để đón thằng chỉ huy mới. Lúc 15 giờ 48 phút tàu phải kéo neo chạy gần thêm vào phía bờ. Đến 17 giờ 06 phút tàu lại thả neo tại vị trí (06-30.29 N, 049-01.54 E) lúc này chỉ còn cách bờ 2 hải ký. Thằng chỉ huy mới ra gặp thuyền trưởng nói ngày mai có thằng sếp ra định giá tàu. Sau này mới biết thằng này chỉ là thằng phiên dịch chuyên đàm phán mặc cả với công ty vì cướp không biết tiếng Anh nên không trực tiếp đàm phán được.

Ngày thứ 9: Ngày 25 tháng 1 năm 2011, lúc 09 giờ, thằng sếp của bọn cướp từ bờ lên tàu họp nhóm cướp biển tại phòng làm việc của tàu. Đến 10 giờ bọn nó gọi mình vào và bắt đầu tra hỏi như: công ty có bao nhiêu tàu, tài sản của công ty là bao nhiêu, công ty nhà nước hay tư nhân, giá trị của con tàu là bao nhiêu, giá hàng là bao nhiêu, dùng để làm gì, tàu chỉ huy mới có nick là Bã Trầu vì nó hay mặc áo màu bã trầu nó xưng danh là Jinh còn bọn cướp gọi nó là Omark. Thằng Bã Trầu xuống hầm hàng kiểm tra hàng là loại gì và xem trong hầm có xe tăng hay không, nó lấy mẫu hàng trong hầm hàng cho vào chai mang về bờ, nó nói có tin mật báo tàu chở xe tăng. Một mình trong phòng cùng hơn chục thằng tướng cướp thấy thật là khủng khiếp, cảm giác đến bây giờ không thể quên được nhưng cũng không thể tả được là nó như thế nào. Khi cướp lên tàu chúng dồn hết thuyền viên lên ở trên buồng lái ngủ ở đó, bắn súng uy hiếp suốt ngày, đang ăn nó xả cả băng đạn súng AK 47 hay súng trung liên RPK ngay bên cạnh tiếng nổ chát chúa. Nhiều giờ đồng hồ qua đi chúng dọa nạt tra hỏi để tìm thông tin thật về công ty, cái chết luôn kề cận. Đến 15 giờ cùng ngày nó đồng ý với mình sẽ gửi điện về công ty bằng tiếng Anh theo những gì cướp viết chứ không chịu gọi điện thoại. Sau khi soạn điện vào máy nó đọc lại và mình gửi, sau đó nó cho điện thêm bức điện thứ 2 về công ty với nội dung là khi điện trả lời phải là tiếng Anh không sử dụng tiếng Việt để nó có thể giám sát được nội dung. Cướp cũng nói cho phép mỗi thuyền viên được phép gọi điện về gia đình một phút và phải sử dụng tiếng Anh với nội dung khỏe không bị đánh đập, nhưng do phải dùng tiếng Anh nên mọi người không gọi, lấy lý do là gia đình không có ai biết tiếng Anh. Đến chiều thằng sếp ra định giá và thằng tướng cướp chỉ huy trực tiếp bắt rời tàu vào bờ. Lúc này thằng Bã Trầu thành thằng chỉ huy do nó là quan văn nên lúc này nó rất cuống thấy cái gì cũng lôi thuyền trưởng ra tra hỏi, cả ngày căng thẳng quá, lúc nào nó cũng nghĩ tàu hải quân đến giải cứu. Lúc đầu nó nói tiền chuộc tàu là 20 triệu đô la Mỹ, sau đó khi bàn luận bọn cướp thống nhất báo về công ty giá chuộc tàu là 7 triệu đô la Mỹ, chưa thấy công ty trả lời nhưng cướp nói rằng giá tiền chuộc sẽ vào khoảng 3 đến 4 triệu, số tiền này sẽ được thả từ máy bay xuống biển sau khi chúng vớt lên kiểm tra và cho tàu chạy. Nó còn nói rằng toàn bộ đất nước này là một tổ chức, một mạng lưới cướp, được điều hành từ một ông chủ sau khi trả tiền chuộc tàu sẽ chạy từ bờ ra biển an toàn không bị các toán cướp khác bắt lại. Nó nói nghèo quá nên phải đi cướp chứ không giết người với điều kiện đáp ứng được yêu cầu của bọn chúng, còn nếu làm khác đi sẽ bị cách ly và bị giết hoặc có tàu đưa ra ngoài khơi thả xuống biển.

(Còn nữa)

______

* Tên bài do tòa soạn đặt

Nguồn Văn nghệ số 39/2020

 


Có thể bạn quan tâm