May 4, 2024, 6:04 am

Xung lực mới cho hệ giá trị Quốc gia

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa và con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 đang được Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch gấp rút hoàn thiện để trình Quốc hội phê chuẩn. Chương trình đặt ra 7 mục tiêu tổng quát và 9 dự án thành phần. Với điểm nhấn là các dự án xây dựng môi trường văn hoá, phát triển con người, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, bảo tồn, phát huy các giá trị, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực, hội nhập quốc tế và cải thiện, nâng cấp một số thiết chế văn hoá. Chính vì vậy, chương trình được xem là một “đại công trình” về văn hóa với kỳ vọng tạo bước đột phá trong lĩnh vực văn hóa nói riêng và kinh tế xã hội đất nước nói chung.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, chủ trì Hội nghị toàn quốc Về phát triển các ngành công
nghiệp Văn hóa Việt Nam ngày 22/12/2023

Đã lượng hóa cụ thể Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa

Đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã rất quan tâm đến lĩnh vực Văn hóa, đưa văn hóa ngang với kinh tế, chính trị. Để thực hiện quyết tâm này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, nhiều Hội nghị, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng về lĩnh vực Văn hóa đã được tổ chức. Đơn cử như, Hội nghị Văn hóa toàn quốc do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, Hội thảo Thể chế, chính sách và nguồn lực cho Văn hóa do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì. Cùng với đó là các Hội thảo khoa học nhằm làm rõ những nội hàm về giá trị và hệ giá trị văn hóa, gia đình, quốc gia… đã được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Kết luận của các hội thảo nói trên đã được xem là những tư liệu quan trọng giúp cơ quan tham mưu Chính phủ là Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố xây dựng đề cương và hoàn thiện dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa và con người Việt Nam.

Công bằng mà nói, không phải đến thời điểm hiện tại những vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa hay coi phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế mới được nhắc đến, mà trước đó, tất cả các văn kiện Đại hội Đảng được đưa ra tại các kỳ đại hội, những nội dung về chấn hưng, phát triển văn hóa đã được đề cập hết sức rõ ràng, thậm chí là rất cụ thể. Tại  Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Đảng ta đã khẳng định bốn đặc trưng của nền văn hoá Việt Nam là “dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Đến văn kiện Đại hội XII cũng tiếp tục nhấn mạnh: “Các cấp, các ngành phải nhận thức đầy đủ và thực hiện có kết quả mục tiêu: xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Tại văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Đảng ta đã lượng hóa những công việc cụ thể để phát triển văn hóa: Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước; Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là động lực cho phát triển đất nước và hội nhập quốc tế; Phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam; xây dựng đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Tính đến thời điểm hiện tại, dự thảo Chương trình đã được Hội đồng tư vấn thông qua và đang chờ Hội đồng cấp quốc gia quyết định. Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cũng đã chuẩn bị sẵn những kịch bản thực hiện chương trình một cách khoa học, xác định các mục tiêu có tính chất trọng tâm, trọng điểm cho các nhóm thuộc các dự án thành phần để tập trung vào việc huy động các nguồn lực. Trong đó nguồn lực nhà nước giữ vai trò là đầu tư công và dẫn dắt, nguồn lực xã hội được phát huy để đóng góp tích cực vào nhiệm vụ phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong 10 năm tới.

Để tạo xung lực mới cho hệ giá trị quốc gia, mục tiêu phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống đẹp, có thể đưa đất nước Việt Nam không chỉ “ sánh vai với các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh kỳ vọng mà còn là quốc gia hùng cường đóng vai trò dẫn dắt thế giới đã và đang được triển khai. Cho thấy, đây không phải là tham vọng mà hoàn toàn có cơ sở thực hiện.

Kỳ vọng bước đột phá mới

Ngày nay, văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu; “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đặc biệt, trong những giai đoạn cụ thể, những trường hợp cụ thể, văn hóa  đã thực sự tỏa sáng trong phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Góp phần xây dựng thành công hình ảnh về một Việt Nam toàn diện, không chỉ vượt trội về kinh tế, chính trị, xã hội mà còn là một quốc gia có trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế.

Cùng với phát triển kinh tế, Việt Nam đã tập trung nhiều hơn để phát triển công nghiệp văn hóa. Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, sau 5 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa đến nay, 12 ngành công nghiệp văn hóa đã đạt được những thành tựu nhất định, đồng thời trở thành xu hướng, được xác định là phần quan trọng, bền vững và đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; đến năm 2019 ước đạt 6,02%. Năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên số liệu có sự sụt giảm, chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%. Năm 2022, các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng, ước đạt 4,04%. Song song với phát triển công nghiệp văn hóa, trong vai trò là cơ quan chủ quản tham mưu Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã đẩy mạnh những dự án thành phần về nâng cao hợp tác quốc tế, giao lưu, tiếp biến văn hóa khi Việt Nam mở cửa và hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Đứng trước một thế giới phẳng, Việt Nam chủ động hòa nhập nhưng không hòa tan, phát triển văn hóa nhưng vẫn gìn giữ những gì được coi là hồn cốt “đậm đà bản sắc” là cụm từ trở thành thước đo vừa mềm dẻo, nhưng cũng hết sức nhất quán của Đảng ta trong phát triển đất nước.

Phát triển văn hóa suy cho cùng là chăm lo, phát triển nhân cách con người, từ đó tạo nên hệ giá trị quốc gia, dân tộc. Vì vậy, trong chiến lược phát triển văn hóa chúng ta đã đề cập nhiều hơn đến vấn đề phát huy các giá trị di sản văn hoá. Bởi đây không chỉ là văn hóa, là báu vật của quốc gia, được thiên nhiên ban tặng, do cha ông xây dựng. Mà còn là thái độ ứng xử với di sản, với tiền nhân. Những kế hoạch tôn tạo, bảo tồn đã được  thực hiện rộng khắp trên cả nước. Bên cạnh những địa phương, cơ sở làm tốt vẫn còn không ít những hệ lụy đáng tiếc xảy ra do chủ thể thực hiện thiếu hiểu biết về di sản. Đây cũng là bài toán đặt ra cho các cơ quan quản lý về cách tôn tạo, giữ gìn và phát huy, biến di sản thành tài sản, phát huy những giá trị đó trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Nhận thức được tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa đối với phát triển kinh tế xã hội đất nước, trong tháng 12 của năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã tham mưu trình Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị đã đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Quyết định số 1755/QĐ-TTg); Xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới, đặc biệt giai đoạn từ nay đến năm 2030. Trong đó, tập trung hỗ trợ sản xuất các sản phẩm, dịch vụ mà Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh mang nhiều giá trị Việt, có khả năng quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Đồng thời, ban hành các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tập trung bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với tình hình mới để thúc đẩy phát triển Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Những lớp lang cụ thể cho một kế hoạch thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa trở thành động lực quan trọng hay nói đúng hơn là nguồn lực nội sinh cho Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa và con người Việt Nam đã được chỉ rõ, việc còn lại chính là thực hiện và từng bước hiện thực hóa mục tiêu mà  Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng từng quyết tâm, xây dựng văn hóa trong thời gian tới để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh phát triển và bảo vệ đất nước…, hướng tới mục tiêu văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP vào năm 2030. 

Như vậy, với quyết tâm nói trên, trong một chừng mực nhất định, việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa đã và đang ngày càng hướng đến tạo dựng bản sắc quốc gia vừa gắn với truyền thống vừa mang tính mới tương thích với các giá trị chung của toàn cầu trong một thế giới đa văn hóa, dung hợp văn hóa là tất yếu. Chì vì vậy, những xung lực mới cho ngành công nghiệp văn hóa nói riêng, Chiến lược phát triển Văn hóa và con người Việt Nam nói chung đã và đang được cả hệ thống chính trị, xã hội vào cuộc. Hiện trên dưới đã đồng lòng, dọc ngang đã thông suốt, chắc chắn sẽ đưa Văn hóa trở thành lĩnh vực đột phá mới cho sự phát triển bền vững đất nước, thực hiện khát vọng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc của dân tộc.

Vân Anh

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2023


Có thể bạn quan tâm