May 4, 2024, 3:38 am

Xuân về sớm trên những trang Văn nghệ

Mùa xuân vốn dĩ của đất trời nhưng thi vị thay, lại được cộng hưởng từ những tờ báo tết sặc sỡ. Văn nghệ Tết, từ lâu lắm đã là món quà, món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi gia đình. Những năm gần đây, cả nước có gần 800 tờ báo, tạp chí - nhưng chỉ có Văn nghệ Tết là gọi tín hiệu sớm nhất cho mùa xuân. Năm nay cũng vậy, số CHÀO NĂM MỚI 2021 ra ngày 29/12 (16/11 âm lịch), số TẾT TÂN SỬU ra ngày 11/1 (29/11 âm lịch), trước Tết Nguyên Đán đúng một tháng.

Tín hiệu, sự cộng hưởng cho xuân, cho Tết của Văn nghệ trước nhất là trang bìa, rất đẹp. Bìa Văn nghệ Tết do các họa sĩ nổi tiếng vẽ, giàu ý tưởng, bản sắc riêng, phối màu ấm cúng, gợi cảm xúc tết cổ truyền, chiếm được cảm tình đặc biệt của độc giả. Dù ai đó ít đọc báo, chỉ thoáng qua bìa Văn nghệ tết giới thiệu trên website hay trên báo giấy, dẫu mới đầu tháng chạp thì vẫn nhận ra - đó là báo Tết, và cảm thấy Tết đã đến gần, lòng rạo rực hơn.

Là một “tín đồ” của Văn nghệ, nhất là Văn nghệ Tết, dẫu đang giữa cái giá rét căm căm, tôi vẫn ấm lòng say mê trên từng trang Văn nghệ, chẳng khác gì đang ngồi trước mâm cỗ xuân. Cứ thế sắc xuân, hương vị Tết khắp mọi miền đất nước qua các tản văn, bút ký cứ thấm đẫm làm giàu thêm cho tâm hồn...

Ngay từ trang đầu Văn nghệ CHÀO NĂM MỚI 2011, bạn đọc thật sự phấn chấn trước sắc thái xuân mới về đất nước qua Sắc diện mùa xuân, tình nghĩa đồng bào của Võ Khắc Nghiêm. Bài chính luận cho bạn đọc cái nhìn khái quát về đất nước 2020: Thế giới lao đao vì đại dịch, kinh tế rơi vào thảm họa, gần 2 triệu người tử vong...; Việt Nam là đất nước thành công nhất phòng chống đại dịch, tăng trưởng kinh tế thuộc tốp cao nhất toàn cầu. Cùng đó là lòng nhân ái, tình nghĩa đồng bào không thể nhân văn hơn: cưu mang gần 70 nghìn người Việt ở hơn 50 quốc gia về quê hương tránh dịch, chung tay cứu trợ miền Trung bão lũ, bắc nhịp cầu yêu thương tới mọi xóm nghèo... Từ điểm tựa của 2020, sắc diện mùa xuân 2021 ở Việt Nam sẽ lung linh sôi động, tạo bước đột phá chiến lược mới, chào đón vận hội mới. Đó là sắc diện của mùa xuân mới...

Bên trang chính luận là tùy bút của Lê Quốc Hán: Đất nước đẹp dáng rồng bay. Thoạt nghe nhan đề đã hấp dẫn, ấn tượng. Một nhan đề đẹp, rất thơ, rất tết. Bạn đọc thú vị khi tùy bút cắt nghĩa sâu sắc biểu tượng chữ S – hình hài của nước Việt thân yêu; tự hào với những cột mốc hiển hách của lịch sử, những tên tuổi anh hùng xưa và nay trong kháng chiến và dựng xây. Dũng khí và sức mạnh phi thường của dân tộc bắt nguồn từ dòng dõi con Rồng cháu Tiên. Và không chỉ vậy, lòng nhân ái bao dung còn là nội hàm, nội lực của dân tộc. Có lẽ, chẳng gì đẹp hơn thế này: “Đâu phải người xưa giàu tưởng tượng/ Đất nước mình đẹp dáng rồng bay!”     

Đều đặn trên các trang báo, bạn đọc lần lượt được đắm mình với sắc xuân thiên nhiên và sắc xuân mọi miền đất nước. Mùa xuân bắt đầu từ cây và đất của Phan Thế Cải luận bàn về nguồn cội của mùa xuân. Với lối viện dẫn trùng điệp, giàu cảm xúc, bạn đọc hiểu thêm những gì tưởng như đã xưa cũ: cây là linh hồn của đất, linh hồn của nước; cây gắn bó mật thiết với con người, trường tồn cùng con người, đất nước. Mỗi hạt mầm hé lên từ mặt đất dù chỉ là một tế bào thực vật nhỏ bé nhưng tương lai sẽ làm nên cây nên lá, nên hoa thơm quả ngọt cho đời – đó là mùa xuân – những mùa xuân hứa hẹn: cây hẹn với người, người hẹn với cây cùng đồng hành dệt nên những gam màu mùa xuân bừng sáng... Với Xuân về trên vùng rốn lũ Lê Văn Vỵ cho bạn đọc cảm nhận sự hồi sinh của miền quê nghèo khó Hà Tĩnh, một trong những rốn lũ miền Trung. Chỉ sau cơn đại hồng thủy mấy tháng, bờ bãi hai bên sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, sông La đã ngăn ngắt màu xanh. Xanh phởn phơ của những bãi ngô vừa được tưới tắm phù sa, xanh non tơ của dưa lưới, xanh lá mạ trên những cánh đồng làng. Giữa màu xanh đang vào xuân ấy, điểm xuyết những chấm vàng của những vườn dưa chuột, của những vườn cam chanh Hương Khê, cam bù Hương Sơn... Đáng yêu cho sự hồi sinh vùng rốn lũ, khâm phục bàn tay cần mẫn chắt chiu của người nông dân ở miền quê chưa hết cái nghèo cái khó... Đồng hành theo trang báo, bạn đọc được về với miền quê Bắc Trung bộ - Hà Long, Hà Trung, (Thanh Hóa ) qua  Xuân về trên đất Quý Hương của Nguyễn Trường. Hà Long – là sông rồng, có cầu Long Khê, cũng tên rồng. Tên đất, tên người, tên sông, tên núi gắn với nơi phát tích 9 chúa, 13 vua nhà Nguyễn. Không gian nơi đây thật đẹp - phía Bắc là dãy đồi núi xếp chồng lớp lớp như đàn voi hùng dũng đuổi nhau; phía nam có dòng sông Mã hiền hòa uốn lượn, nhìn trên cao như con rồng bạc lấp lánh vắt mình qua những đồng ngô, bãi mía xanh mởn mởn trong tiết xuân se se lạnh. Hà Long xưa lọt thỏm trong núi rừng trùng điệp, giờ cảnh vật biến đổi như chuyện cổ tích, xanh ngút ngàn mía đặc sản... Ngược lên vùng cao Bảo Yên (Lào Cai), qua Nỗi nhớ dệt trong miền thổ cẩm của Lữ Mai, bạn đọc thật thích thú trước vẻ đẹp hoa trẩu trắng mê man, ngần ngật khắp núi rừng. Xứ non cao ấy, hoa như thể những đám mây, lửng lơ kéo từ khoảnh rừng này qua chân đèo nọ, lắm khi tưởng sà xuống tận vai người. Nơi đó, cùng với hoa trẩu trắng rụng đầy khe suối là miền thổ cẩm, những hoa văn mang linh giác con người. Mùa thổ cẩm như mới vừa nở ra, nguyên sơ tựa mây trời do bàn tay tài hoa của người phụ nữ Tày dệt nên từ khung cửi. Để có mùa thổ cẩm, phải mang gùi vào rừng chiết từ loại cỏ họ dương xỉ về giã, ngâm nước suối rồi cho vôi bột vào tạo màu.Thật công phu, tỉ mỉ, tinh tế nữa mới có một mùa thổ cẩm như thế –  nét xuân đẹp nơi Nghĩa Đô...       

Một trang nữa, Xuân về trên làng Dao. Nguyễn Liên đưa bạn đọc vào miền cao nguyên đầy nắng gió. Xuân ở đây là sự đổi thay cuộc sống cho làng Dao. Trước, từ huyện vào làng Dao không phương tiện nào ngoài đôi chân lội qua mười một con suối, bám rễ cây trầy trật leo dốc; nơi đây bao chuyện cười ra nước mắt. Người làng Dao suốt đời du cư không nhớ cả tuổi con cái – “hình như nó sinh và mùa cây cải trổ bông!”; mới 9 tuổi, 12 tuổi đã hỏi vợ gả chồng. Lấy vợ về để đi chăn trâu. Cái đói nghèo mãi đeo đẳng, mà căn nguyên là do hủ tục, không có cái chữ. Nay, được Chính phủ mở đường, kéo điện, xây trường học. Đường đã trải nhựa, đổ bê tông thênh thang phẳng ru, cái địa hình gian nan năm nào đã lùi sâu vào dĩ vãng. Xã đã có trường học, có xe đưa đón học sinh. Gặp bất cứ khuôn mặt nào người Dao già hay trẻ cũng như nở hoa, đôi mắt biết cười. Hóa ra cái chữ đã khơi thông mọi bế tắc. Mùa xuân đang mang mọi tốt lành đến với làng Dao… Chia tay cao nguyên bạn đọc vào với miền Tây sông nước - Chợ Lách (Bến Tre), nơi sản xuất giống cây ăn trái lớn nhất cả nước qua Mùa hoa chớm nụ của Trương Chí Hùng. Năm nào vào dịp mùng năm tháng năm âm lịch cũng tổ chức lễ hội trái cây. Vậy mà năm 2020, lễ hội trái cây Chợ Lách không tổ chức được do cây trái thất thu vì hạn mặn thảm khốc. Chủ vườn cầm dao đốn từng gốc do chính tay mình chăm sóc như tự chặt vào thân thể mình. Cuối năm chạy xe dọc quốc lộ 57 đến Cái Mơn, hai bên đường, những vườn hoa đã trỗi lên trong nắng sớm. Cái Mơn đang vào mùa hoa Tết bởi hoa đã bắt đầu chớm nụ... Không chỉ hoa, chớm nụ cả trong lòng người. Cái làm bạn đọc trân trọng hơn là cuộc sống dù khắc nghiệt đến đâu cũng không thể khuất phục được con người. Bởi con người có sức sống và bản năng sinh tồn bất diệt như sức sống mùa xuân vậy... Đến với quê lúa Đồng Tháp Mười (Cai Lậy - Tiền Giang), Bánh quê – ký ức ngày xuân của Kim Quyên đem đến cho bạn đọc nét thú vị riêng. Nơi đây quanh năm bát ngát một màu lúa, cách ăn tết cũng khác người. Bánh trái cô bác làm ra đều từ gạo. Ngày tết, những món bánh bà nội trợ nào cũng thường thủ sẵn là bánh phồng, bánh tráng, bánh ít, bánh tét... Mỗi loại có hương vị riêng. Điều nhớ nhất lúc làm bánh trái là cơ hội sum họp gia đình, gặp gỡ xóm giềng, tiếng cười nói râm ran quanh bếp lửa hồng – đó là những ngày vui vẻ, ấm áp nhất của Tết. “Khi xa quê, những chiều giáp Tết man mác nỗi niềm nhớ quê, nhớ Nội. Nhớ chiếc lưng còng và đôi tay cần mẫn của Nội chịu thương chịu khó làm những món bánh quê bình dị, không màu sắc hoa hòe nhưng thanh khiết, ngọt ngon. Giờ Nội đã về với đất, những chiếc bánh đã đi vào ký ức, những chiếc bánh đơn sơ đậm tình làng nghĩa xóm, tình bà cháu ruột rà, chiếc bánh quê hương đã  nuôi chúng tôi khôn lớn, trưởng thành”. Chao ôi, ký ức biết bao cảm động...

Tạm khép lại các trang báo CHÀO NĂM mới 2021 với những tản văn, tùy bút, bút ký sinh động, lung linh sắc màu xuân ở mọi miền quê. Mới biết Ban biên tập thật chỉn chu, tinh tế cho số báo xuân. Cũng mới biết Ban biên tập trân trọng bạn đọc đến thế nào. Bởi thế, bạn đọc mong chờ từng ngày Văn nghệ TẾT TÂN SỬU - mâm cỗ Tết đó còn muôn sắc muôn màu Xuân...

Nguyễn Việt Hòa

Xóm Kim Chi, Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An

_______

 (*) Người viết bài chỉ mới đọc số CHÀO NĂM MỚI 2021; số TẾT TÂN SỬU chỉ mới cảm nhận qua giới thiệu trên trang online, chưa đến tay độc giả.

Nguồn Văn nghệ số 4/2021


Có thể bạn quan tâm