May 2, 2024, 9:34 pm

Xóm Gia Mỹ. Truyện ngắn dự thi của Lê Mỹ Thạnh

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

 

Đằng xa là xóm kinh tế mới Gia Mỹ.

Những mái nhà đa số lợp bằng tranh, hoặc bằng tôn xi măng màu xám trắng chen giữa những vòm cây trông xa như một bức tranh làng mạc dưới bầu trời đang xám xịt, thoạt nhìn đã chạm tới một nỗi buồn kinh khủng!

Qua đoạn Gia Mỹ, tầm nhìn như chặn lại bởi một màu xanh của rừng bao bọc.

Sơn buồn bã nhìn mông lung theo con đường rất mới từ vết hai bánh xe tạo thành. Chiếc Bò-ma được phủ bạt bịt bùng, tăng ga như con tê giác đang húc đầu vào sườn núi.

Hai chiếc băng ghế bằng miếng ván ép tự chế được gác lên những thùng đạn loại B40 đã chật cứng bọn thanh niên, phần còn lại ngồi bệt xuống sàn xe, sự rung lắc bởi con đường gập ghềnh xô ngã họ vào nhau… Những đôi mắt thật buồn, những nụ cười xã giao, có cả tiếng chửi thề bực bội, mọi thứ pha trộn lại tạo thành thứ cảm xúc khó tả cho đến khi tiếng thắng xe làm họ mới thật sự trở về với hiện tại.

- Tới rồi!

Lòng hồ Đá Bàn ra hoang sơ nằm lọt thỏm dưới dãy núi đông Trường Sơn, đó là nơi trên kế hoạch dài hơi sẽ tạo thành một hồ chứa nước rộng lớn để tải về cho đồng bằng phía nam đang rất khô hạn.

- Tập họp.

Người chỉ huy tầm trung niên vận một bộ đồ màu xanh biển, chiếc tu-huýt đeo trên cổ bằng sợi dây dù màu đỏ trông nổi bật, anh ta đội chiếc nón cối đặc trưng của cán bộ, rất dõng dạc:

- Anh em nghỉ ngơi, mỗi người được cấp hai bộ đồ lao động, cuốc và rựa…chiều nay sẽ có cuộc họp phân chia tổ nhóm. Chúng ta tạm thời nấu cơm ăn rồi sau đấy sẽ vào rừng chặt cây làm lán trại.

…Con đường vào rừng chỉ là một lối nhỏ tầm nửa mét, đã bị phủ kín bởi lá khô, không còn dấu vết trước đây có người đã đi qua. Hai bên cỏ lau cao quá đầu người ngã chụm vào nhau, vừa đi vừa phải lấy tay vẹt sang bên.

Minh họa: Phạm Hà Hải

Sơn bị bỏ lại khi đến đoạn leo lên con dốc để vào sâu bên trong. Rừng rậm hơn, nhiều thân cây lâu năm cả vòng ôm không hết, phải níu những thân dây leo đồ sộ mà đi, đội của Sơn đã chặt được nhiều đòn tay, họ chia nhau vác quay về, có thể nói ngay bước đầu nhiều người không chịu nổi công việc “quá tải” này mà mệt đến “ná thở” - từ được dùng nhiều nhất sau một ngày mệt nhọc.

Ngày thứ tư, buổi trưa mọi người tập trung ăn cơm, hôm nay có món cá chuồn khô chiên, dằm mắm- loại mắm không mấy ngon làm Sơn nhớ má thường ủ mắm cá cơm nơi vùng biển Tuy Hoà thơm lựng, chỉ ăn cơm trắng với mắm là đã đời rồi.

- Ê, thằng nhỏ, múc cho gáo nước, lẹ coi!

Người gọi Sơn có nước da đen tái, sóng mũi cao nhưng đôi lông mày lại thưa và chẩu, ánh mắt sắc lạnh.

Sơn nhìn quanh một lượt, tự nhận biết mình nhỏ con nhất đám, có thể vì thế làm người ta như mặc định là để sai vặt?

Còn đang lơ ngơ thì một người thấp đậm giọng nói rặc tiếng Phú Yên chen vào:

- Mầy để anh!

Người này đẩy Sơn qua một bên rồi sấn tới nhìn gã cao to kia.

- Anh uống đi, từ nay có gì tui phục vụ anh!

- Mầy thằng nào?

- Mai Cu Đất!

Cả trại nhìn nhau cười, cái tên có vẻ quê mùa kia lại dám ăn nói ngang hàng với Thi Đen- một tay giang hồ có tiếng ở Nha Trang.

Bặt - Tiếng gió vút mạnh, một cây đòn xóc dùng để quảy tranh vụt qua mang tai Mai Cu Đất. Cú né nghiêng người đẹp thần sầu đã không làm Mai bị thương, và đó như là một lời cảnh báo của Thi Đen dành cho người không theo ý hắn, nhưng cũng cho Thi Đen biết Mai Cu Đất không phải dạng vừa.

Đêm hoang vu, lửa được đốt lên một đống to để lấy hơi ấm.

Rừng như muốn nuốt chửng bao con người nhỏ bé, lòng hồ về đêm ánh lên màu nước sóng sánh, nhờ nhợ dưới ánh trăng non tựa như con mắt đại ngàn.

Củi rừng tha hồ mà đốt, lửa cháy dữ dội, bùng cao, lửa sẽ xua được sự tấn công của thú dữ, nhưng con vật nhỏ éc mà “lì lợm” nhất là thứ muỗi rừng, con nào con nấy to như “con trâu”!

- Gió thu lạnh thiếu lửa hồng sưởi ấm…/Rượu lưng bầu lạnh vẫn thắm buồng tim…”

Có tiếng ai hát. Sơn lân la lại gần, đó là Phương Lai, anh ta có khuôn mặt đẹp, tóc xoăn tít, cao tầm một mét bảy lăm.

- Thích nghe cải lương hà chú em?

Sơn gãi đầu:

- Dạ bài này má em hay nghe ạ...

- À, thằng nhỏ nhớ má rồi chứ gì? Con nít con nôi!

Phương Lai có cha là lính Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, là đàn anh của băng UN. Khi còn ở Nha Trang, băng Phương Lai nổi tiếng chuyên đi hoà giải các vụ mâu thuẫn chỉ bằng tình cảm để hai đối phương từ kẻ thù trở thành bạn. Anh luôn cười, mái tóc vàng xoăn đặc biệt, hồi đó anh đóng đô ở Cầu Bóng, luôn giúp đỡ nhóm bụi đời lai đa chủng tộc chuyên bán kẹo sing-gum trên bãi biển về đêm.

Đêm trôi thật chậm. Khu dành cho bọn con gái được Phương Lai ghi bằng tiếng Anh :“Woman B” trên một thớt gỗ có chỉ mũi tên về hướng trại rất hép-pi, anh làm điều này bởi sự có mặt của “Điệp si- ven”- một cô gái thật ấn tượng, đôi mắt có lúc trông ngơ ngác có lúc như “bể oan cừu”, trước khi cưới vợ Phương Lai đã từng ngồi đồng trong quán Thiên Hà để chỉ được nhìn Điệp si- ven lơ đãng đứng trong quầy bar rít thuốc, chính đôi mắt của cô đã làm anh chao đảo …và bẵng một thời gian dài cô bỏ Nha Trang đi đâu mất biệt…cho đến khi gặp lại nhau nơi sơn cùng thủy tận này.

 

Đêm hoang vu, đèn đóm khu B đã tắt, im lìm.

Bên khu B, ngoài Điệp si- ven ra, đa phần ai cũng đẹp, con gái vùng duyên hải mặn mòi lắm, nét duyên như được đắp bồi từ nắng gió…Họ như vừa bước sang một thế giới khác- thế giới kỷ cương, không còn sự phóng túng, giờ giấc được quy định chặt chẽ, thức ăn có chừng mực, đơn sơ. Trong số họ có cả những nàng trước đây là vũ nữ chuyên nghiệp của những hộp đêm khét tiếng.

Chị Tường người gốc Tu Bông, đẹp, cao một mét sáu lăm. Những điếu thuốc cuối cùng hiệu Captan mang theo đã hết, chị bắt đầu men ké bọn đàn em. Chị bảo khi nhìn làn khói thuốc loãng rồi tan biến thì muộn phiền như cũng tan theo… có lẽ chị cao tuổi nhất trong đám phụ nữ, mái tóc bồng bềnh được kẹp cao lên để lộ vòng cổ như một minh tinh. Chị từng là bà chủ động Hoa Biển, có chút tiểu sử về xã hội, ít cười nhưng vui buồn đã ở cả trong đôi mắt lá răm!

Lúc này Sơn được đặc trách làm bếp phụ với mấy anh chị và chuyên viết thư dùm, trong số anh em, có người một chữ bẻ đôi cũng không, có người vì muốn lá thư mình khi người thương yêu đọc có ý nhị. Bởi nên dần rồi có hẳn “đơn đặt hàng”.

Chưa một lần nắm tay con gái mà Sơn viết ướt át lắm, hỏi thì Sơn bảo tưởng tượng mà ra thế, ví dụ khi viết cho Dũng bụi: “Em yêu, buồn thúi ruột khi anh nhớ về em, nơi gọi là bán sơn địa này vừa đúng với câu khỉ ho cò gáy, ngày mai bọn anh lại vào rừng chặt cây. Em ở nhà chờ anh, đừng léng phéng với thằng nào, được phép anh về hôn em từ chân lên tóc!”

Vài tuần sau, những đám đất được cuốc xới vuông vức, hom mì được gắm theo hàng thẳng tắp, nhìn chung mầm xanh đang dần cựa mình, đất khai hoang đang thở, hơi thở của sự sống!

Mọi việc hằng ngày đã dần đi vào nề nếp.

Đám du đảng cắc ké một thời quậy phá ở Hòn Chồng giờ như co cụm lại, riêng băng Thông Chột ngày trước chuyên tranh giành lãnh địa giờ vẫn còn nung nấu ý định thống lĩnh dù đang ở bất cứ đâu. Bọn chúng gom hàng nhu yếu phẩm được người nhà tiếp tế, rồi bán với giá trên trời. Biết vậy nhưng sự thiếu thốn, thèm một điếu Mai hay cái bánh in đều có giá gấp hai, ba lần, cũng đành!

Đêm lòng hồ tĩnh lặng, rừng âm u. Tối qua Sơn dọn bếp trễ hơn, đã chuẩn bị ít cơm cháy, vài củ sắn to lùi vào tro bếp còn than lửa để khuya nay Sơn và năm anh em dùng làm lương thực vượt trại, trong số đó có anh Vinh Mắt Ốc, Phụng Quắn, Long Quán Nhớ, Cường Hoàng Thịnh và Bảo Chuột. Ai cũng có lý do để trốn đi, riêng Bảo Chuột thì lỉ kỉ kể từ những đêm trước với vẻ mặt đưa đám:

- Nếu tao không về thì con người yêu nó đi lấy chồng, chết sống gì cũng về…

Duy có Sơn là nhớ má, nhớ má quay quắt.

Sáu bản kiểm điểm nằm trên bàn, riêng Long Quán Nhớ khai: “Em về lấy củ súng chôn dưới gốc khế”.

Cuộc đào tẩu thất bại, nhưng từ đấy tâm phục khi cả nhóm trốn trại được anh Tân cán bộ phân trần. Anh Tân rất thương anh em.

Hải Chuột còn lăn tăn vì mấy cây đao thể nào cũng bị ông già cho xuống sông Ba. Riêng Sơn không nói năng gì, bảng kiểm điểm ghi hai từ “nhớ má” bằng chữ in hoa rất đậm!…

Sáng hôm đó, khi rừng chưa tỉnh giấc, sương muối dày đặc trên vòm cây, tiếng con chim chèo bẻo đầy đau đáu vang lên.

Tất cả mọi người được gọi tập trung lại để chứng kiến cái chết của Phương Lai, xác anh nằm xấp xuống mặt đá xám, trên người còn mang chiếc bầu xăng. Điều này như một lời cảnh báo rằng không ai được cái quyền xâm phạm của công, tất cả không được phép lặp lại điều này, vì đó là một sự vi phạm không thể tha thứ.

… Những ngày mưa kéo dài, nhìn về phương bắc là dãy núi hòn Chảo một màu đen nghịt chắn ngang tầm mắt, chắn ngang tầm nhìn về hướng có cánh đồng mênh mông. Sơn nhớ nhà, nhớ mùa gặt chưa kịp xong thì mưa tháng tám đã ầm ào làm ngập bãi bờ…

Đêm nay trời gầm gừ, một chập lại có tiếng nổ lớn từ trong núi xa, y như đất đá chuyển mình…

Thung im lìm như chìm vào giấc ngủ. Thỉnh thoảng có ánh đèn pin quét ngang, ánh chớp cũng quét ngang liên tiếp, dữ dội như xé màn đêm u tịch.

Ầm… Ầm…

Nước từ trên rừng tuôn xuống nhanh như cắt. Tiếng la hét. Tiếng còi báo động. Có tiếng anh Tân dùng loa cảnh báo:

- Nước khách, nước khách anh chị em bảo trọng!

Sơn bị trôi tuột từ sạp gỗ xuống cái bực thường ngày được tạo thành bậc tam cấp. Có gì đó như quấn quanh cổ, Sơn dùng tay gạt phăng, thì ra là một con rắn, rồi nhiều con rắn … người và rắn quay trong nước loạn xạ, xoong nồi trôi xoay ngang mặt, bọn đàn bà con gái la thất thanh giữa tiếng trấn an của chỉ huy Tân:

- Hãy bám chặt vào những gì có thể, sẽ ổn thôi!

Như một cơn ác mộng, nước đến rồi đi êm không ngờ, để lại những mất mát chưa thể thống kê.

Ướt sũng và hoang mang khi người đồng bằng lần đầu chứng kiến cái cảnh tượng quá bất ngờ và hai từ “nước khách” nghe như trong chuyện cổ tích, Sơn và mọi người thật sự bàng hoàng!

Sớm mai, ông mặt trời chiếu ánh nắng xuống mặt hồ phẳng lặng, lóng lánh lên như gương. Bọn con gái túa ra đi tìm những vật dụng cá nhân đêm qua bị “ông khách nước” cuốn phăng.

Dưới triền thấp vài chiếc cóc-xê treo trên cành cây “ngạo nghễ”, có chị gái thường lân xuống bếp xin miếng cơm cháy, chớp mắt:

- Sơn khều dùm chị chiếc xì-líp trên “cành mận gai” kia đi, mà là chiếc màu mận chín nha cưng!

Sơn đỏ mặt, bị chọc ghẹo đã đời khi đi lao động rồi, giờ lại sinh sự nữa đây. Sơn lên tiếng:

- Chị nhiễm tiểu thuyết quá rồi, làm gì có cây mận gai nào ở đây?

Chị gái phá lên cười, khuôn mặt đẹp như đóa hoa chắc đã một thời xuân thắm…

Chị vừa đi vừa hát:

- Thủa trời đất nổi cơn nước khách

Của má đào giăng mắc giữa lùm cây.

Có tiếng zipo bật canh cách bên tây và ba tiếng vỗ tay từ bên đông đúng ám hiệu cho lần gặp đầy gay cấn.

Đêm bàng bạc bởi ánh trăng mười tám, bãi đất trống cạnh bờ suối trước đây người dân dùng làm nơi tập kết để kẹp hạt đát sẽ là nơi hai đàn anh gặp nhau nói chuyện - Thi Đen và Thông Chột đã xuất hiện.

- Mầy tính giành phần cái căn tin hết sao? Để phần cái tủ thuốc cho con Điệp-Thi Đen hất hàm.

Từ ngày Phương Lai mất, Thi Đen thường cho đàn em mang thuốc lá đến giắt vào liếp trại B1 nơi Điệp si-ven ở. Nét đẹp u buồn của người con gái ấy như chạm vào con tim sắt đá của Thi.

Thông Chột như sắp sẵn trong đầu và vì tính máu nóng nên hậm hực, tay bốc viên đá quăng xuống dòng suối miệng thốt ra câu:

- Vậy thì đánh nhau thôi!

Vừa dứt lời, Thông Chột bật dậy phi thẳng vào mặt Thi Đen bằng một đòn song cước, Thi Đen đã thủ sẵn dao lam trong người nên vừa né nghiêng vừa phẩy vào hướng vai Thông Chột, hai lưỡi lam kẹp trong hai ngón tay chắc nịch bay ra thật chính xác.

Máu nơi cánh tay Thông Chột rỉ xuống và chỉ một giây khựng lại đủ để Thi Đen chồm tới quật ngã. Ngày trước Thi Đen nổi tiếng với món phóng dao, hắn xuất thân từ một đoàn xiếc có kỷ cương nhưng vì thích tự do nên đã quên câu thề khi nhập môn, những trận đánh có vết cắt trên thân thể đối phương luôn là chiến tích của hắn và từ đấy một bước hắn lên chức đại ca cho một nhóm chuyên đi thu nợ và làm kinh hồn con bạc một khi đã lỡ vay mượn chúng…

- Liều thì liệu đấy!

Nói xong Thi Đen cao hứng lộn mấy vòng xuống con đường nhỏ dẫn về trại.

Lại mưa, mưa kéo dài. Tiếng gió rít qua hàng hiên lán trại từng hồi.

Căn bếp trông im lìm. Bỗng có tiếng người đàn ông la sảng hồn:

- Có ai cứu dùm, cứu dùm…

Sơn còn đang thức, giật mình nhận ra tiếng của Lý Đầu Cầu. Anh làm gì giờ này dưới đó?

Sơn chạy vội xuống bếp, lúng túng bật diêm thắp lên cây đèn hột vịt. Ánh sáng vừa đủ trông thấy chị Thảo là chị nuôi bếp ăn nằm bất động, miệng sùi bọt mép trắng xoá. Sơn giục:

- Anh kể nghe chuyện gì đã xảy ra?

Vừa lúc mọi người tụm lại rất đông, Lý Đầu Cầu gãi đầu, lắp bắp:

- Tại…tại…

Chị Tường lại gần cúi xuống giựt tóc mai chị Thảo, chị vỗ nhẹ hai bên má rồi vuốt hai bên thái dương… đắp lại tấm mền, kéo vội chiếc quần lên tới rún cho chị Thảo rồi đứng dậy phủi hai tay vào nhau:

- Chút tỉnh thôi mà.

Chỉ là quá phê thôi bà con ơi!

- Thì ra! - Mai Cu Đất cú vào đầu Lý Đầu Cầu, cảnh báo:

- Thảo hậu cần. Bệnh nền yếu tim, nhớ nhé người anh em. Nghe rõ trả lời!

Tiếng cười đồng loạt vang lên, nổ như bắp rang tới lửa lẫn vào tiếng mưa nặng hạt ngoài kia.

Điệp si-ven đã cắt đế rất thành thạo, khi về trại mấy anh em đi ngang khu B thường bông đùa:

- Hút thuốc xong nhớ dụi tàn rồi dán “dế” lên cây đừng có cao hứng búng lên mái tranh nha nhỏ!

Lúc ở Nha Trang Điệp đã phải lòng Phương Lai nhưng định kiến gia đình đã chia rẽ một con nhỏ mới lớn không gia đình đi làm cái nghề “đứng két”, chính người nhà của Phương Lai đã mang tối hậu thư đặt trên quày bar nơi cô làm việc với những lời đe dọa…Từ đấy anh đã không còn được mục thị cái khẩy tàn thuốc trông điệu nghệ của cô trên chiếc gạt mác USA còn thơm mùi si-ven-ti-nai… mỗi ngày.

Cô đã thật sự chạy trốn một mối tình câm lặng, hồi đó, khi yêu họ chỉ cần nhìn nhau thôi là đủ, Phương Lai trở thành một gã bụi đời với nhiều chiến tích và đã không quay về nhà, trượt dài cho đến khi hay tin mẹ anh mất, gia đình sắp xếp ngay một đám cưới gọn gàng cho anh theo lời mong ước của mẹ sau đấy.

Đêm thật buồn từ khi xảy ra “phi vụ cuối cùng” của người yêu, Điệp đã vào rừng dùng dao lam kẹp vào thanh lồ ô để dạt mái tóc cao lên kiểu đề mi gạc xông - kiểu tóc một thời làm Phương Lai mê đắm.

Cô dốc tâm vào công việc, lặng lẽ làm tốt một ngày lao động, khi về trại cô tập thêu khăn tay, đan vớ để gửi về Nha Trang tặng bọn nhỏ ở cô nhi viện- nơi một thời thơ ấu cô đã từng sống vui vẻ cùng các sơ.

..

Có tiếng kẻng vang lên báo động.

Lúc đó tầm 4g sáng.

Mọi người nháo nhào tung mền nhìn qua liếp cửa, họ đồng loạt phát hiện một con hổ trắng vừa băng qua đám mì đang chuẩn bị thu hoạch. Con hổ đói đã tìm về lòng hồ, đã ngửi thấy mùi con người, mùi củ đang lớn dần trong lòng đất. Tất cả những vật dụng có thể tạo ra tiếng động đã được gõ vào nhau, tiễn một người khách không mời mà đến thật “linh đình”.

- Hôm nay được nghỉ một ngày, Sơn đưa dùm chị qua con suối kia, chị rất thích hoa mua.

Sơn gãi đầu:

- Có ai đi cùng không chị?

- Chị muốn yên tĩnh!

Sơn đi trước, dòng suối trong veo băng qua cánh rừng rậm, hai bên suối hoa Lộc vừng rụng đỏ tạo thành một bức tranh tuyệt mỹ.

- Sơn!

Sơn ngoái lại, chị Tường đã cởi chiếc áo khoác bên ngoài để lộ đôi ngực căng đầy dưới chiếc cổ áo được khoét rộng.

- Sơn có người yêu chưa?

- Em chưa, à mà hồi đi học có thương thầm nhỏ kia…

- Vậy có nắm tay chắc?

- … Chưa

Chị phá lên cười

- Đồ ngốc!

- Ai ngốc?

- Sơn chứ ai!

Hai người đã lội qua bên kia bờ. Sạn dăm dưới chân nghe lạo xạo, rừng vắng tanh… Sơn chợt nghĩ đến con hổ trắng hôm trước, nét mặt như nghiêm lại nhưng điều ấy không có vẻ “nguy” vì có lẽ cọp trắng đã cao chạy xa bay?

Trước mặt Sơn là một người phụ nữ đẹp, da trắng như hoa lài tây… trễ nải và tự tin.

- Sao căng thẳng thế, sợ cọp à? Hôm… trốn trại í, đi luôn được thì Tường sẽ nhớ Sơn đấy!

Cảm giác hơi gai nơi sống lưng khi chị xưng hô như thế, Sơn im lặng.

- Ở đây vui mà.

- …

- Quen rồi còn gì?

- Em biết rồi, ở đây nhiều thành phần xã hội nhưng xem ra anh em đang dần đoàn kết và thương yêu nhau, em sẽ ở lại.

- Rồi cưới vợ?

- Em chưa nghĩ ngày đấy.

- …

Bỗng dưng có một nhánh khô trên cành rơi xuống, chị Tường giật mình ôm chầm lấy Sơn làm Sơn mất đà ngã ra, thoáng mùi da thịt của chị nghe vương nơi cánh mũi, cảm giác gần gụi giữa một người đàn bà với một thanh niên mới lớn, rất lạ, chưa kịp phản ứng thì chị đã ép ngực vào người Sơn, hơi thở dồn dập…

Trong thoáng chốc Sơn nhớ về thời mới lớn, nhớ hằng ngày vào giờ ra chơi Sơn leo lên cây bàng nhà bà cai trường chỉ để được nhìn một người chị lớn hơn mình hai lớp, có lần gió mạnh đã tốc vạt áo dài của chị để lộ một chiếc quần ủi ly hai bên bó sát - chỉ ngần ấy thôi mà Sơn nghe cảm xúc lạ kỳ …

Sơn như được chị Lựu - người chị trong xa xưa, mơ hồ giữa cơn mộng mị đầy hoang dại quấn lấy, tà áo dài trắng như phủ lên khuôn mặt ngây ngô của Sơn, Sơn mơ mẩn trong vòng tay của chị và chị đã giựt phăng chiếc áo trắng học trò bảng hiệu lớp đệ thất của mình…

- Đừng chị!

Sơn đẩy chị Tường xuống đám lá khô nghe âm thanh gãy vụn.

Chị ngồi dậy chạy băng xuống dòng suối, lặn hụp rồi chị ôm mặt, lên bờ nằm vật ra đám sạn đang ủ sức nóng mặt trời buổi trưa ràn rạt.

Sơn cài lại khuy áo, cúi nhặt chiếc áo khoác của chị bỏ lại rồi bằng một thứ tình thương cảm, Sơn đến bên bờ, cúi xuống đỡ chị Tường lên một cách ân cần.

Đôi mắt chị đỏ hoe. Không cần biết vì nước suối vào mắt hay vì chị đang khóc? Không cần biết chị dành cho Sơn thứ tình cảm gì? Sơn cầm tay chị, cứ thế họ lội qua con suối rồi về đến trại bao giờ không hay trong im lặng.

Nửa năm.

Bóng chiều đã khuất hẳn sau lưng dãy núi già.

Điệp tô son thật đậm, nàng bước ra ngoài và đi thẳng về phía lòng hồ.

Khi người ta buồn sau đó có thể sẽ vui.

Còn khi người ta tuyệt vọng?

Điệp si-ven không có người thân, chỉ duy nhất một mối tình chôn giấu vừa đã vuột khỏi tầm tay. Cô bước xuống lòng hồ, không gian chạng vạng buồn bã, nước còn âm ấm bởi mặt trời hôm nay nóng gắt. Điệp si-ven nhắm mắt lại, nàng bước đi chầm chậm, nước đã tới ngực, thấm vào lưng như được một bàn tay ấm, ôm ngang vỗ về. Nàng đưa hai tay giăng ngang, trước mặt là khoảng tối vô định.

- Dừng lại!!!

Nước hồ bắn tung toé, một người đàn ông nhảy ùm xuống hồ, kéo Điệp vào lòng, anh quát:

- Cô làm gì thế?

Điệp si-ven vùng vẫy, thét lớn:

- Hãy để tôi yên…

Tân kéo Điệp vào bờ, không nói nửa lời, anh cởi chiếc áo fean khoác vội lên vai cô.

- Em về đi, đừng dại.

Tân là một trung đoàn trưởng có trách nhiệm nhất mà Điệp nhận biết.

Hôm trước cô cắt tranh bị đứt tay anh đã sơ cứu cho cô, anh ân cần bảo:

- Anh nắm kỹ lý lịch rồi nhé. Hãy làm em gái anh, đồng ý chứ?

Cô chưa gật đầu. Cô còn chưa quen hình ảnh chiếc nón cối anh đội, vậy thôi. Vậy mà bao giờ anh cũng xuất hiện đúng lúc cô xảy ra điều không hay.

Tân nhặt tấm giấy đươc Điệp dằn lên mấy viên đá trắng.

Lời thơ đượm một sắc thái thiền, như nói rằng chết là giải thoát:

Ta đã nghe tiếng chuông gọi hồn mình trong âm âm vô thức.

Ta bà mòn mỏi

Xin gió núi tụng dùm lời kinh duyên nghiệp.

Sông suối rửa trôi muộn phiền.

Cởi trả áo trần ta về với người thương

20 năm sau.

Sơn trở lại nơi này vào một ngày tháng giêng trời nhiều nắng, thứ nắng lung linh không gắt gỏng như mùa hè đổ lửa năm nào…

Đằng xa những mái nhà lợp ngói đỏ, những hàng rào dâm bụt điểm hoa, thú vị là những dây phơi đồ với những chiếc bít tất, khăn tã em bé bay bay trong gió như một bức tranh yên bình vui reo trong mắt.

Bây giờ ở đây đã thành một lâm trường, có những anh em vì thương nơi này mà ở lại, lập gia đình và đã là cán bộ với nhiều tâm huyết.

- Chị…Điệp si-ven!

Sơn vừa thấy Điệp đi qua nên gọi giật ngược trong vui mừng.

Sơn nhỏ hơn Điệp tầm bốn tuổi, hồi đó mỗi chiều nhìn chị từ suối về còn mặc trên người bộ đồ ướt sũng trông chị đẹp như tranh - Sơn nhớ là mình đã thầm thốt lên như thế.

Chị nheo mắt:

- Bỏ rồi! Bây giờ là Điệp Hoa Hồng!

Chị cười, đôi mắt buồn ngày nào giờ đã khác, chị bây giờ là một bông Hồng mặn mà đúng nghĩa, là chủ nhân của những luống hoa hồng nở rộ dọc theo bờ hồ, tươi thắm.

Điệp si-ven ở lại là lựa chọn tốt nhất khi trong kiếp này, tình thương này đã dành hết cho Phương Lai, nơi đây đã cho cô được sống những ngày tháng êm đềm và cũng ầm ào như sóng dữ khi cái chết Phương Lai đã ám ảnh cô. Hoa Hồng được đặt nơi tảng đá xám vào những đêm rằm, chị vẫn ngồi nơi đó để trò chuyện và bảo rằng:

- Em đã nhận huynh Tân làm anh, sẽ nuôi phụ bé Lam Tuyền cho chị đi tu nghiệp bên Nga. Cái chị xinh xinh hay lên thăm anh Tân rồi bị ngất khi xuống bếp chiên cơm cho ảnh, anh nhớ không? Nếu là em thì em đã chết mất rồi với loài bò sát tổ chảng đang quấn quanh cái bếp còn tro ấm, bọn anh đã rượt theo để hòng lấy mỡ tặng cho chị Ly và em thoa gót chân, nhưng nó mạnh quá đã thoát vào rừng. Ôi chúa!

Một người đàn ông đang ngồi bên cái chạn nước trông quen quen.

- Thông Chột. Tóc anh đã bạc rồi kìa! - Sơn reo lên.

Thông Chột đang lúi húi mài lưỡi riều, anh ngước lên cười rạng rỡ để lộ hàm răng bị mẻ mấy chiếc, trông anh hiền lành không có gì là láu cá như trước nữa, sau cái ngày anh bị cây lớn đè trong núi đã được trung đoàn trưởng Tân cứu chữa tận tình, anh giơ bàn tay trái còn ba ngón lên như khoe:

- Sá gì, Sơn con!

- Em tưởng ca ca mài dao chém Thi Đen phục hận chứ?

Anh cười xoà, đập vào vai Sơn:

- Bỏ đi! Ở lại làm với anh vài cút rượu nhé, ngâm rắn từ nước khách trôi về!

Sơn xúc động khi anh nhắc lại chuyện cũ.

Thông Chột tự nguyện ở lại sau những thấm thía cuộc đời, được mất gì khi cái chết cận kề? Chỉ có tình thương và sự chân thành là còn mãi, mà thôi.

Điệp si-ven chỉ tay về phía trảng đồi, ngôi nhà của Hùng Lambatta, ở đó, thoạt nhìn có một cây quạt gió to làm cảnh trước cửa.

Hai chị em đi men theo con đường nhỏ được trải nhựa đen rất đẹp, Hùng Lambatta đang cho chim ăn, nghe tiếng bước chân anh xoay lại.

- Đại ca, cho em xin làm Xan-trô… theo anh cuối đời nhé! Gã khổng lồ kìa, chiến thôi! Sơn vừa nói vừa chỉ tay về chiếc cối xay gió.

- Anh đã ngừng làm Đôn-ki- hô-tê lâu rồi!

Hùng Lambatta nhận ra ngay Sơn con dễ thương ngày nào.

Anh cười sảng khoái vuốt nhẹ hàm râu con kiến được tỉa rất sang.

- Vào đây, chú mày bỏ anh em đi biệt, tội lớn lắm, hôm nay phạt nặng.

Trước kia, Hùng Lambatta cũng là một nhân vật nổi tiếng trong nhóm con nhà giàu nhưng thích bỏ nhà đi bụi, từ khi lên Đá bàn, anh thực sự rũ bỏ tất cả. Anh yêu rừng, yêu tiếng con chim hót trong lùm cây và nhất là những buổi chiều khi mặt trời khuất sau rặng núi rất nhanh…

Anh bảo:

- Rừng nội lực và quyến rủ lắm!

Trước 1975, nơi này là chiến khu xưa…những dây thông hào dẫn từ rừng ra đường, những hầm chông vẫn còn nguyên dấu tích. Những ụ mối to, những tổ ong rừng đóng góp chút lương thực trời ban và những cánh lan đẹp trên cao gợi nhớ đến người thương nơi thôn nghèo chờ đợi…

Câu chuyện của anh Tân khi nhắc về chiến khu xưa nghe thật thấm đẫm, nhà anh phía đồi tây sát chân núi, hoa ổi rừng còn gọi là hoa ngũ sắc nở mộc mạc ven rào, anh nuôi gà sao và bầy lợn nâu sau vườn.

Anh vỗ vai Sơn con rồi nhìn cô em gái bên cạnh:

- Sơn con, hãy kể tới đoạn Quan Công phò nhị tẩu đi.

- Đoạn này em sẽ báo với anh Phương Lai.

Điệp Hoa Hồng cúi xuống, chị cười nhẹ, nụ cười thoáng qua, buồn vui có đủ khi nghe ai nhắc đến người ấy.

Kỷ niệm một thời trai trẻ nơi này luôn in đậm trong Sơn. Lòng bồi hồi khi nhắc lại những tháng ngày đầu dữ dội…

Tất cả như mới hôm nào.                       

Truyện ngắn dự thi của Lê Mỹ Thạnh

Nguồn Văn nghệ số 16/2023


Có thể bạn quan tâm