May 5, 2024, 6:46 pm

Xin tiễn biệt thầy!

VĨNH BIỆT NHÀ VĂN, PGS-TS TRẦN HỮU TÁ

 

Nhà văn, PGS-TS-NGƯT Trần Hữu Tá còn có bút danh là Thùy Dương, Hoàng Nguyên. Ông sinh ngày 16/10/1936, quê quán Mễ Sở - Châu Giang - Hưng Yên. Vốn xuất thân trong một gia đình viên chức nhỏ, năm 1959, Trần Hữu Tá tốt nghiệp khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội và bắt đầu tham gia giảng dạy, nghiên cứu văn học. Ông bảo vệ luận án Phó tiến sĩ năm 1993. Năm 1996 Nhà văn, nhà giáo Trần Hữu Tá được phong hàm Phó Giáo sư.

Bắt đầu dạy học từ năm 20 tuổi, từ bậc phổ thông, rồi sau này chuyển lên giảng dạy ở bậc đại học; Trần Hữu Tá từng dạy ở trường sư phạm trung cấp các tỉnh Quảng Bình, Sơn Tây, Hà Tây và Đại học Sư phạm Hà Nội; Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học Tp. Hồ Chí Minh; nguyên Trưởng khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trương Vĩnh Ký… Có lẽ chính điều này, cộng thêm với bản tính là một người quảng giao, nên khắp Bắc - Trung - Nam thầy Trần Hữu Tá đều có học trò và nhiều bạn bè thân thiết. Hơn nửa cuộc đời giảng dạy, nghiên cứu, phê bình văn học, Trần Hữu Tá đã đào tạo nên nhiều lớp học trò thành danh. Có thể nói hầu hết tất cả những ai theo nghề giảng dạy và học văn tại Tp. Hồ Chí Minh đều ít nhất một lần được PGS-TS Trần Hữu Tá giảng dạy và hướng dẫn. Thậm chí có gia đình đã được ông giảng dạy cho cả 2 thế hệ, từ cha đến con… Ngoài giảng dạy, ông còn tham gia biên soạn giáo trình. Là chủ biên sách giáo khoa môn ngữ văn lớp 11, đồng chủ biên sách giáo khoa ngữ văn lớp 12 (chương trình cũ). Ông cũng là tác giả hàng chục cuốn sách văn học cùng nhiều bài nghiên cứu, phê bình văn học đăng trên các tờ báo của cả nước. Ông cũng là người tham gia hiến kế cho ngành giáo dục những vấn đề mang tính chuyên môn nóng bỏng như đào tạo đội ngũ giáo viên, tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông, tuyển sinh đại học, cải tiến hoạt động quản lý và giảng dạy...

Các tác phẩm chính và công trình đã xuất bản: Văn hóa văn nghệ miền Nam dưới chế độ Mỹ ngụy (Nghiên cứu, 2 tập, viết chung, 1977); Lịch sử văn học Việt Nam 1945-1954 (giáo trình đại học, viết chung, 1980); Tổng tập văn học Việt Nam (tập 29A, 30A, 30B, biên soạn chung, 1981-1982); Từ điển văn học (2 tập, đồng tác giả, 1983); Lịch sử văn học Việt Nam 1945-1975 (Giáo trình đại học, 2 tập, viết chung, 1988); Vũ Trọng Phụng, hôm qua và hôm nay (biên soạn, 1992); Nhìn lại một chặng đường văn học (nghiên cứu, 2000); Nhà văn Vũ Trọng Phụng với chúng ta (biên soạn, 2000); Chủ biên sách giáo khoa Văn học lớp 11 (1989-2007); Đồng soạn giả sách giáo khoa Văn học lớp 12 (1990-2007); Từ điển văn học bộ mới (đồng chủ biên, 2005); Tuyển tập Nguyễn Lương Ngọc (tuyển chọn, giới thiệu, 2004). Tuyển tập Hoàng Như Mai (tuyển chọn, giới thiệu, 2005); Tuyển tập Văn Tâm (tuyển chọn, giới thiệu, 2006); Nguyễn Văn Nguyễn – nhà hoạt động chính trị, nhà báo, nhà văn hoá (viết chung, 2006). Ông cũng là tác giả hàng chục cuốn sách văn học cùng nhiều bài nghiên cứu, phê bình văn học đăng trên các tờ báo của cả nước.

Do tuổi cao, bệnh nặng, nhà văn, nhà giáo Trần Hữu Tá đã qua đời lúc 20h20’ ngày 27/11/2022 (tức ngày 5 tháng 11 năm Nhâm Dần) tại Tp. Hồ Chí Minh, sau một thời gian cùng gia đình kiên cường chống lại bệnh tật suốt mấy năm qua, hưởng thọ 87 tuổi. Tang lễ ông đã được tổ chức từ ngày 28 đến sáng ngày 30/11/2022.

Nhà văn, PGS-TS-NGƯT Trần Hữu Tá hội đủ tính cách của một sĩ phu Bắc Hà, đó là sự tế nhị, nhẹ nhàng, khéo léo, không chỉ trong công việc mà cả trong ứng xử hằng ngày với bạn bè. Trong ký ức của nhiều thế hệ học trò, Trần Hữu Tá là một người thầy tận tình và vô cùng nhân hậu, luôn thấu hiểu và quan tâm đến học trò cũ. Nhiều người không ngần ngại cho rằng được làm học trò của thầy là một niềm hạnh phúc. 

Là một nhà nghiên cứu, một nhà giáo, nên sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy của ông có ảnh hưởng rất sâu rộng đối với sinh viên và các thầy cô giáo. Không chỉ ở kiến thức chuyên là mảng văn học Việt Nam hiện đại; sở trường của thầy; mà còn ở cả những tri thức về văn hóa, giáo dục, lịch sử, xã hội học cổ kim Đông Tây trong những công trình nghiên cứu, những bài nói, bài viết đã được công bố của ông. Chính nhờ lượng kiến thức sâu rộng như vậy nên những bài giảng của thầy Tá bao giờ cũng phong phú, đầy ắp tri thức, sinh động, hấp dẫn, có khả năng lay động trái tim người học, người nghe…

Không chỉ là một nhà giáo, Trần Hữu Tá còn là một nhà quản lý, nhà nghiên cứu phê bình văn học đã dành cả cuộc đời cho nền giáo dục Việt Nam. Ông ra đi là để lại một khoảng trống, một mất mát lớn cho các thế hệ học trò và cho ngành giáo dục. Hội Nhà văn Việt Nam và Ban Biên tập báo Văn nghệ xin chia buồn sâu sắc với gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp, học trò và những người yêu quý nhà văn, nhà giáo Trần Hữu Tá!

Văn nghệ

Học phổ thông, sách vở hiếm hoi, tôi may mắn được một cô giáo trong trường cho mượn bộ Từ điển Văn học, 2 tập, in từ năm 1977. Tôi biết đến nhiều tác giả, tác phẩm văn học trên đời nhờ bộ từ điển đó. Tôi cũng biết tên thầy Trần Hữu Tá và nhiều thầy, cô khác qua bộ Từ điển đó. Biết và kính phục: sao mà kiến thức, sở học của các thầy, các cô mênh mông, đồ sộ thế. Trong bộ Từ điển, thầy Trần Hữu Tá viết khá nhiều mục, giới thiệu khá nhiều tác giả, tác phẩm. Mục nào cũng cũng được phân tích, đánh giá, bình luận rất kỹ càng. Phải “độc thư vạn quyển”, nghiên cứu sâu thầy mới có sở học uyên bác như thế.

Vào Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, rồi học lên Cao học, tôi đều may mắn được học thầy một số học phần. Nhận thức khi đó đã khác, tôi cảm thấy cách tiếp cận văn chương, cách đánh giá trong sách, bài nghiên cứu cũ của thầy có nhiều điểm đã lỗi thời, cứng nhắc. Ở lớp Cao học, năm 1996, tôi đã mạnh dạn đưa ra nhận xét của mình. Không những không phản đối, thầy còn công nhận ngay. “Nhận thức phải thay đổi theo thời điểm, đi cùng thời gian. Tôi cũng đang sửa dần”. Sau này, khi Từ điển ra bộ mới, quả thật, đọc lại, tôi thấy thầy đã sửa rất nhiều, rất mới. Có lần, học ở chính nhà thầy, trong khuôn viên khu tập thể Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, thầy còn nói với chúng tôi: “Tác phẩm văn học thời chống Mỹ, cuốn được in nhiều nhất có khi lại là cuốn ít chất văn chương nhất. Tác phẩm viết vì mục đích chính trị thì ắt hẳn sẽ nghèo văn chương. Một thời “Sống như anh, chết... như tôi”.

Uyên bác, nghiêm khắc, nhưng thầy Trần Hữu Tá là người rất hiền lành, trong bài giảng cũng không hiếm khi thầy tỏ ra hóm hỉnh.

Trước tôi 2 năm, anh trai của tôi đã là học trò của thầy bên Đại học Sư phạm. Nhưng trong nhà, bố tôi mới là người đầu tiên được học thầy, ở miền Bắc, từ năm 1958. Thỉnh thoảng anh em chúng tôi về thăm nhà, bố tôi lại nhắc: “Thầy Trần Hữu Tá có khỏe không? Có dịp cho bố hỏi thăm thầy!”. Rồi cũng có dịp thật. Tôi đã đưa bố mình đến chào thầy, cũng ở trong khu tập thể Sư phạm, đường Nguyễn Văn Cừ. Học trò già ôm lấy vai ông thầy già hơn (thầy lớn hơn học trò chỉ 3-4 tuổi), thầy thì cứ nắm tay học trò lắc lắc mà chảy nước mắt, dù tên trò, thầy chưa chắc đã nhớ ra. Còn tôi hậu sinh thì lùi ra sau, khoanh tay chờ sẵn, lỡ ra cả hai cụ già vì gặp gỡ xúc động mà trượt chân...

Số là mùa hè năm 1991, tôi đi làm thêm, có dịp cùng làm việc chung với anh Trần Hoàng Nguyên, con trai thầy ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn, chi nhánh tại Tp Hồ Chí Minh. Sau này, tôi có có kể với Nguyên. Anh bảo, vậy đưa ông cụ ghé chơi đi, bố anh sẽ vui lắm. Vậy là có cuộc gặp gỡ. Một nhà, ba người, hai thế hệ cùng được làm sinh viên - học trò của thầy, với tôi và gia đình, đó là một diễm phúc.

Và tối hôm qua, 27/11, lúc 20h 20’, ngọn đèn hết bấc. Tận hiến một đời cho nghiệp trồng người, thầy đã về nghỉ ngơi giữa an lành.

Xin cúi đầu tiễn biệt thầy Trần Hữu Tá! Mong thầy hạc giá vân du!

 Nguyễn Hồng Lam

Nguồn Văn nghệ số 50/2022


Có thể bạn quan tâm