April 29, 2024, 5:29 am

Xin đừng “Nát với cỏ cây!”

Mới đầu mùa mưa mà nhiều nơi đã xảy ra những vụ sạt lở đất nghiêm trọng, có vụ vùi lấp chết người rất thương tâm.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng nguy hiểm này đã được cảnh báo từ lâu, đó là tình trạng chặt phá rừng ồ ạt, khiến đồi núi trụi trơ, không còn cây cối để giữ đất, giữ nước. Và hệ lụy tất yếu đã xảy ra và sẽ còn tiếp tục xảy ra ngày mỗi thảm khốc hơn, nếu vấn nạn chặt cây, phá rừng không khẩn trương và kịp thời ngăn chặn; cùng đó là những dự án trồng rừng bị rút ruột, những mục tiêu trồng triệu triệu, tỉ tỉ cây xanh đây đó chỉ là những con số trrong các bản báo cáo thành tích của các ngành và địa phương các cấp.

Thêm một lần đạo lý “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” hiển linh ứng nghiệm. Và không chỉ cây rừng đâu, mà cây xanh ở làng quê, phố thị, bãi biển… nếu cũng bị đốn hạ không thương tiếc vì những mưu đồ trục lợi, thì quả báo cũng nhỡn tiền. Thảo mộc, đặc biệt là các cổ thụ tọa ở nơi chốn cồn cao, bãi lớn, cuối sông, đầu bể; ở các địa linh di tích văn hóa, lịch sử… theo cảm nhận truyền đời của dân gian đều có hồn vía, đều linh thiêng, thiêng đến mức biết báo ân báo oán theo luật nhân quả.

Văn chương giai thoại về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã kể lại: Vào năm Minh Mệnh thứ 14, Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, một thi sĩ, một nhà trị thủy, lập điền tài danh bậc nhất triều Nguyễn, đã cho quân lính chặt cây phá đền của Ngài ở làng Cổ Am. Cây vừa ngã, đền vừa đổ thì từ thượng lương, đòn nóc rơi ra một mảnh giấy có ghi mười bốn chữ: “Minh Mệnh thập tứ/ Thằng Trứ phá đền/ Phá đền thì phải làm đền!”. Truyền rằng, khi đọc xong mười bốn chữ ấy, Uy Viễn tướng công, một người đã từng thề: “Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo” đã vội vàng cấp tốc cho xây lại ngôi đền thờ Trình Quốc Công Nguyễn Bỉnh Khiêm như cũ.

Trong truyện nôm khuyết danh Thạch Sanh, có hình tượng cây đa tình nghĩa, biết tri giao, tri âm thâm hậu với  chàng trai nghèo là Thạch Sanh chuyên nghề đốn củi nuôi thân, đến mức “Vắng chàng  cành lá ủ ê” và khi thấy chàng về thì “Lá xanh, búp thắm đề huề lại tươi”. Hoặc như trong truyện Tam Quốc diễn nghĩa bên Tàu, tác giả La Quán Trung viết về cái chết của đại gian hùng Tào Tháo có nguyên nhân từ việc Tào Tháo đã chặt cây cổ thụ có niên đại ngàn năm. Số là, vì muốn xây đền Kiến Thủy dài chín gian, nghe mách có cây gỗ lê ở đầm Dược Long, cao hơn mười trượng, Tào Tháo đã tìm đến. Khi Tào Tháo tự tay vung gươm báu chém vào cây gỗ lê, thì thân cây này chảy ra máu. Tào Tháo quẳng gươm lên ngựa bỏ về. Đêm đó, Tào Tháo gặp ác mộng, thấy thần cây gỗ lê hiện về đòi giết Tào Tháo. Tỉnh dậy, Tào Tháo đau đầu như búa bổ, không bao lâu thì chết.

Đó là chuyện xưa, hư hư, thực thực, liêu trai… nhưng tính răn dạy thì luôn luôn thời sự, luôn luôn cảnh báo. Còn chuyện ngày nay thì ở tỉnh Thanh Hóa có một khu đô thị nghỉ mát rất nổi tiếng, rất hút khách thập phương bởi đó là địa danh có rừng, có biển, có núi đá, có sông ngòi, hồ đầm… và nhiều địa chỉ văn hóa tâm linh thiên tạo và nhân tạo độc nhất vô nhị. Trên bãi biển của khu đô thị này, trước khi bị hiện đại hóa, bê tông hóa, là một thảm cây xanh gồm các tiểu khu, nào rừng phi lao, sa mộc; nào rừng dừa, rừng bang… trải từ đại lộ chính ra tận mép sóng. Dưới tán lá biếc xanh của trùng trùng phi lao cao vút, của tầng tầng tàu dừa rì rào, của tán tán lá bàng rậm rịt… là những khu nhà mái cọ, cột tre, vách liếp bằng nứa, bằng vầu, bằng nan tre… hoặc để thông thống gió làm quán giải khát, quán điểm tâm, quán nhậu. Chỉ là quán bình dân, toàn những sản phẩm tươi sống từ biển; lạc tươi, ngô nướng, khoai lang luộc, bánh đa, bánh khoái, nông sản từ miền đồng…

Và nữa, trong các tiểu khu rợp bóng cây xanh đó còn có những nhà tắm dựng tạm bằng cột tre, quây lợp bằng lá dừa, lá cọ, cạnh các giếng nước trong vắt mát rượi.

Đó là một hình thức du lịch bán sinh thái vô cùng tiện dụng và hấp dẫn. Chẳng biết ở chốn Thiên Thai hay tiệc vườn đào của Tây Vương Mẫu trên thượng giới thì hoành tráng, an lạc, phiêu bồng, hoan hỉ… đến cỡ nào, chứ ở bãi biển này ngày xưa ấy, du khách vừa từ biển lên, tạt vào bất kỳ một cái giếng nào cũng sẽ được tắm miễn phí bằng thứ nước ngọt tự nhiên mát rười rượi, rồi vào quán dùng các món ẩm thực tùy theo sở thích, tùy mức hầu bao… trước khi về khách sạn hoặc thả bộ theo bãi biển cũng rợp bóng cây xanh, hoặc men theo đại lộ có tầng tầng bóng mát hai bên. Trải nghiệm trong một khung cảnh thiên nhiên mang tính liên hoàn, tiện dụng như thế thì nào có thua gì tiên giới?

Ấy là chuyện của ngày xưa, cái thời khu vực này chưa thuộc quyền sở hữu của một đại gia tiền tỉ, rất nhiều tỉ, có thể mua được cả… Giời! Và sau một thời gian hiện đại hóa, bê tông hóa, giờ thì trên bãi biển mênh mông ấy cứ cách chừng 50 mét lại có một HUBWAY (công trình tắm tráng trong nhà, ngoài trời) nằm giữa biển trời “chang chang cồn cát”, chẳng núp cạnh một cây xanh nào, chẳng dưới một bóng mát nào. Và tất nhiên, các HUBWAY này cũng chẳng thể “trơ gan cùng tuế nguyệt” được, vì nó đã xuống cấp và đang tiếp tục xuống cấp đúng như quy luật, cái gì không phù hợp, không được dùng đến thì cái đó khó tồn tại. “Không phù hợp”, bởi vì các HUBWAY này không có sự mát mẻ và sự tiện dụng. Bởi những người tắm biển vừa thoải mái với sự mặn mòi của sóng nước đại dương, tâm hồn đang lâng lâng, da thịt đang phơn phiêu thì bị bập vào thứ nước máy bị phơi nắng trên các bể bê tông, trên các bồn inox nóng tựa nước trụng lông gà. Đó là chưa kể cảnh tượng phải xếp hàng khi đông người để mua tích-kê (vé vào) mất từ mười ngàn đồng đến hai mươi ngàn đồng mỗi lượt tắm tráng. Rồi có lúc còn phải biết điều mà nhanh nhanh lên, khi phía ngoài mỗi buồng HUBWAY đang có cảnh xếp hàng nóng nực, bứt rứt, kêu ca, gắt gỏng... Thành ra cảnh tắm tráng trong các HUBWAY là cảnh mua thêm “mồ hôi”, sau khi đã trút rửa chúng trong lòng biển.

Thế rồi cơ sự tiếp tục diễn ra theo “đúng qui trình”, khi các dự án thu hồi đất, đền bù, giải tỏa, di dân để bê tông hóa và cát trắng hóa tràn ra mép sóng biển thì những ông chủ đầu tư, một thời oanh liệt “cắn cơm không vỡ, cắn tiền vỡ tan” (ca dao), cứ cách này hoặc cách khác bị gom hết vào “lò”. Gần đây lại thêm một danh sách dài dặc, gồm đông đảo các vị quan chức địa phương có liên quan đến các dự án nêu trên bị Ủy ban kiểm tra Trung ương và cơ quan chống tham nhũng tiêu cực cao nhất công bố là “vi phạm rất nghiêm trọng”. Nguyên nhân chắc là nhiều, rất nhiều nhưng các cụ cao niên, thức giả ở khu đô thị biển kể trên thì cho rằng: tội chặt cây, lấp giếng là tội lớn lắm. Nó chạm đến long mạch đất đai, nó chạm đến thịt da của đất là thảo mộc. Mỗi cái cây đều có hồn vía, thảm sát chừng ấy cây rừng phi lao, chừng ấy gốc dừa, gốc bang… thì có biết bao hồn vía bị bứng khỏi thể phách, bị lang thang vô định, không còn chỗ trú ngụ, không thể siêu thoát được? Xin đừng coi những lời chiêm nghiệm truyền đời của các bậc thức giả, các cụ cao niên ở địa phương là dị đoan. Đó là những lời vàng đá đầy tính cảnh báo trước các nguy cơ hệ sinh thái đã bị triệt tiêu, hoặc đang bị nhắm nhe triệt tiêu. Ai ở Thủ đô Hà Nội, hẳn chưa quên vụ triệt hạ hàng loạt cây xanh cổ thụ trên các tuyến phố, để thay bằng cây mỡ nhưng tính giá cây vàng tâm năm nào. Và hệ lụy quả báo ra sao hẳn mọi người đều đã rõ.

Một chiều hè mới đây, tôi cùng mấy đồng nghiệp lang thang trên một bãi biển còn giữ được nhiều nét thiên nhiên hoang sơ, an tĩnh, để tìm “tia chớp sáng tạo” như cách nói của người thơ, chợt bắt gặp một cảnh tượng vô cùng lãng mạn. Đó là một đôi bướm có bộ cánh ngũ sắc vờn lượn, quấn quýt, dan díu bên nhau như không thể nào dứt ra được, không thể ngừng cơn phiêu phê được trên một cụm cỏ thi, hoa đang trổ những nhành nhụy vàng tươi. Thật là một cảnh tượng đẹp trinh nhã như ánh bình minh đầu ngày. Anh bạn nhà thơ cao giọng ngân nga cảm tác: “Cỏ cây cũng có tâm hồn/ Côn trùng cũng biết bồn chồn tìm nhau”…

Thế đấy! Xin đừng “nát” với cỏ cây!…

Nhà văn Lê Ngọc Minh

Nguồn Văn nghệ số 33/2023


Có thể bạn quan tâm