May 13, 2024, 3:51 am

Xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại các địa điểm mà Luật đã quy định cấm hút thuốc

PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI (PCTH) THUỐC LÁ:

Bằng chứng về tác hại của hút thuốc thụ động đối với sức khỏe đã được thu thập trong vòng 40 năm qua. Dựa trên hàng trăm nghiên cứu, các nhà nghiên cứu khoa học đã chứng minh rõ ràng rằng hút thuốc thụ động gây bệnh và tử vong

 

I. TẠI SAO CẦN XÂY DỰNG PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CÔNG CỘNG (GTCC), BẾN TÀU, BẾN XE, NHÀ GA, BẾN CẢNG KHÔNG KHÓI THUỐC LÁ

1. Thực trạng sử dụng thuốc lá

Trên thế giới hiện có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá. Tại các nước phát triển, tỷ lệ hút thuốc lá đang giảm đi trong những thập kỷ qua, ngược lại, tại các nước đang phát triển việc sử dụng thuốc lá có xu hướng gia tăng.

Tại Việt Nam, theo Điều tra toàn cầu năm 2010 về tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (từ 15 tuổi) tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc là 47,4%. Với tỷ lệ này, Việt Nam là một trong 15 nước dẫn đầu thế giới về số người hút thuốc. Tỷ lệ hút thuốc lá cao và thói quen hút thuốc trong nhà là nguyên nhân dẫn đến việc phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng khá cao, Việt Nam hiện có 33 triệu người (67,6%) không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà và 5 triệu người (49%) bị phơi nhiễm với khói thuốc thụ động tại nơi làm việc. theo điều tra y tế quốc gia 2001 - 2002, trên 70% trẻ em dưới 5 tuổi sống trong các gia đình có người hút thuốc. Kết quả điều tra hút thuốc trong học sinh 13 - 15 tuổi năm 2007 (GytS 2007) cho thấy có gần 60% học sinh nhóm tuổi này thường xuyên bị hút thuốc thụ động tại nhà và trên 70% bị hút thuốc thụ động tại nơi công cộng.

2. Tác hại của hút thuốc và hút thuốc thụ động:

1) Tác hại đối với sức khỏe

Về thành phần độc tính trong khói thuốc, theo kết luận mới nhất của tổng hội Y khoa Hoa Kỳ công bố năm 2010 cho biết trong khói thuốc chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có khoảng 69 chất gây ung thư. Các hóa chất khi vào cơ thể, tác động lên tế bào, gây viêm mạn tính, biến đổi tế bào dẫn đến loạn sản rồi ác tính hóa. Nicotine trong khói thuốc lá là chất được cơ quan kiểm soát Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) xếp vào nhóm các chất có tính dược lý gây nghiện tương tự như heroin và cocain.

Sử dụng thuốc lá đã được khoa học chứng minh là một trong các nguyên nhân quan trọng gây ra hơn 25 căn bệnh như: Ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch… (xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, nhồi máu cơ tim…) và các bệnh về hô hấp. trên thế giới, sử dụng thuốc lá gây ra 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ. Theo ước tính ở Hoa Kỳ, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của khoảng 30% các trường hợp tử cung do bệnh ung thư.

Trên thế giới, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, trong thế kỷ 20 đã có 100 triệu người chết do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Mỗi năm thuốc lá gây ra gần 6 triệu ca tử vong, con số này sẽ xảy ra ở các nước đang phát triển. Nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện thì trong thế kỷ này sử dụng thuốc lá sẽ giết 1 tỷ người.

Tại Việt Nam, trong khi xu hướng mắc các bệnh lây nhiễm giảm thì các bệnh không lây nhiễm gia tăng nhanh chóng. các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (cOPD), ung thư phổi… là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở nam giới. Gần 28% tổng số ca tử vong ở nam giới là do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc lá. Nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030.

Hút thuốc thụ động cũng được xác định là nguyên nhân gây bệnh ở những người không hút nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc. Những người này là vợ, con, người sống chung trong gia đình với người hút thuốc và những người làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc lá. Hút thuốc thụ động có thể gây nên nhiều bệnh hiểm nghèo như ung thư phổi, nhiễm trùng đường hô hấp, các bệnh về tim mạch… Nguy cơ mắc bệnh động mạch vành ở những người hút thuốc thụ động cao hơn 25 - 30% so với những người không hít phải khói thuốc. Ở trẻ em, hút thuốc thụ động gây viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, làm nặng thêm các triệu chứng hen và là một trong những nguyên nhân gây đột tử ở trẻ sơ sinh. Phụ nữ mang thai thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động có thể bị sảy thai, thai nhi chậm phát triển hoặc sinh non. Theo Tổ chức Lao động quốc tế, hàng năm trên thế giới có khoảng 200.000 ca tử vong do phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc.

2) Tác hại đối với kinh tế

Mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá có những đóng góp cho ngân sách quốc gia, nhưng phần đóng góp này không đủ để bù đắp những tổn thất kinh tế khổng lồ do sử dụng thuốc lá gây ra đối với các cá nhân, gia đình và xã hội.

Năm 2007, người dân Việt Nam đã chi 14.000 tỷ đồng cho hút thuốc lá. Năm 2012, con số này tăng lên thành 22.000 tỷ đồng. Chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình, đặc biệt là các hộ có thu nhập thấp. Các hộ nghèo tại Việt Nam phải tiêu tốn khoảng 5% thu nhập của gia đình vào thuốc lá. Ở những hộ này, khoản tiền mua thuốc lá thậm chí cao hơn khoản tiền chi cho y tế hay giáo dục. Nếu những người hút thuốc nghèo bỏ thuốc, họ sẽ có nhiều tiền hơn để mua thức ăn hoặc để trả tiền học cho con cái của mình. Ngoài tổn thất do chi mua thuốc hút, số tiền khám chữa bệnh mới chỉ cho 5 căn bệnh trong 25 căn bệnh do thuốc lá gây ra là 23.000 tỷ đồng/năm. Các tổn thất Việt Nam chưa tính được do sử dụng thuốc lá bao gồm chi phí điều trị các căn bệnh còn lại (tại Thái Lan tổng chi phí này là hơn 414 triệu uSD/năm); chi phí giảm hoặc mất năng suất lao động do mắc bệnh và tử vong sớm liên quan đến thuốc lá, (tại Mỹ: 167 tỷ uSD/năm; Úc: 23 tỷ uSD/năm); chi phí nghỉ giữa giờ để hút thuốc, tổn thất do cháy nổ liên quan đến thuốc lá (Úc: 63 triệu AuD/năm; Canada: 81.5 triệu CAD/năm), chi phí vệ sinh môi trường tăng…

3. Lợi ích của việc thực hiện phương tiện GTCC, bến tàu, bến xe, nhà ga, bến cảng không khói thuốc

1. Lợi ích kinh tế

Thu hút nhiều khách hàng, tăng lợi nhuận: Đa số khách tham gia giao thông đều không hút thuốc, đều mong muốn được tham gia trên các phương tiện giao thông không khói thuốc, đặc biệt là những người dễ bị say xe, người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em. Môi trường không khói thuốc còn tạo cho hành khách thấy rằng chủ phương tiện quan tâm tới sức khỏe của họ. Vì vậy, họ đều muốn đi trên các phương tiện giao thông không khói thuốc. Điều này sẽ thu hút nhiều hành khách, góp phần tăng doanh thu cho các công ty.

Giảm các chi phí vệ sinh môi trường và bảo trì bảo dưỡng phương tiện như: Lau chùi, tẩy rửa rèm, trần và khử mùi trên xe, bảo dưỡng điều hòa, đệm ghế, thảm và rèm bị cháy do thuốc lá gây ra.

Giảm nguy cơ cháy nổ góp phần giảm nguy cơ thiệt hại về tài sản cho chủ phương tiện.

Giảm chi phí bảo hiểm y tế chi trả cho điều trị bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, đồng thời cũng hạn chế sự suy giảm năng suất lao động do nghỉ ốm của các cán bộ nhân viên.

2. Lợi ích về sức khỏe

Thực hiện bến tàu, bến xe, nhà ga bến cảng và phương tiện Gtcc không khói thuốc lá giúp cho hành khách, cán bộ, nhân viên ngành giao thông vận tải tiếp cận được những thông tin về tác hại thuốc lá cũng như các biện pháp phòng tránh hút thuốc thụ động để bảo vệ sức khỏe của mình.

Môi trường không khói thuốc làm giảm việc phơi nhiễm với khói thuốc, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá cho hành khách, lái xe, phụ xe cũng như cán bộ nhân viên ngành giao thông vận tải.

Môi trường không khói thuốc hạn chế nguy cơ cháy nổ góp phần giảm thiệt hại về tính mạng cho cán bộ, nhân viên và hành khách tham gia giao thông.

PV

Nguồn Văn nghệ số 24/2017


Có thể bạn quan tâm