May 2, 2024, 12:21 pm

Vui như Tết!...

Tôi có ông bạn đồng nghiệp, đồng niên, cùng xóm. Ông bà kinh tế tương đối khá, nhà cửa đàng hoàng, ăn tiêu dư dật. Con gái thì đã gả chồng, con giai đã cưới vợ, các con đều thành đạt, đều có nhà ở Hà Nội, có xe riêng… và đám cháu nội ngoại đứa nào đứa nấy đẹp như trong phim. Đời tưởng thế cũng là mãn nguyện. Nhưng mấy năm trước, cứ đến chiều mồng một Tết là ông lại thở hắt ra khi tôi đến chúc tuổi và hỏi rằng các cháu có về không mà nhà vắng thế?

Ông trễ nải: - Có về, nhưng… đi rồi, đi du lịch! Tối ba mươi, vợ chồng con cái chúng nó ào về, lôi trên xe cỡ hai bao tải; nào hương hoa, bánh chưng, giò chả, gà vặt lông, chuối xanh bưởi bòng mâm ngũ quả… Đủ hết! Rồi đưa mấy triệu bảo rằng để bố mẹ tiêu Tết. Rồi ngủ bảo sáng mồng một phải đi sớm ra sân bay. Vé đã đặt rồi. Thành thử ngày Tết chỉ có hai ông bà già. Lụi hụi làm mâm cơm cúng Tổ tiên xong bưng xuống ngồi nhìn nhau...

Bà vợ thủng thẳng: - Đi hay ở thì cũng thế. Ở nhà thì cả đám chúng nó đứa nào đứa nấy đều cắm mặt vào cái điện thoại…

Ông lại chép miệng: - Nhẽ không có Tết Nguyên đán cũng được ông ạ!

Tôi chợt nhớ trong thời gian gần đây, rất nhiều người - trong đó có những vị học giả có uy tín - đã đặt ra vấn đề là nên bỏ Tết Nguyên đán, chỉ ăn Tết dương lịch như người Nhật đã làm. Cái lý đề xuất là để tiết kiệm thời gian, để đảm bảo sản xuất không bị ngưng trệ, để thuận tiện đi lại… vân vân và vân vân…

Nghe ra không phải không có lý. Bởi vì bây giờ nước ta đã hội nhập toàn cầu, mọi nghi thức lễ lạt đều tiến hành vào các ngày trong năm như ở phương Tây. Chả tội gì mà cứ tích hợp vào mấy ngày Tết cho vất vả. Giỗ chạp trong năm thì cũng như mở tiệc vì những lý do này nọ thôi mà. Lại nữa, giờ kinh tế khá giả, ăn uống ngày nào cũng kém gì cỗ Tết? Đấy, bây giờ mừng sinh nhật cũng phải tiền trăm, tiền triệu… Chứ Tết mà lì xì mừng tuổi trẻ con vài chục ngàn nó chẳng thèm nhận… 

Minh hoạ: Ngô Xuân Khôi

Nhưng mà nghĩ lại mọi nhẽ, nếu bỏ Tết Nguyên đán thì văn hóa dân tộc này sẽ hao khuyết một mảng lớn. Vả lại, xã hội còn lắm người nghèo, họ vẫn cần một cái Tết no đủ, ấm êm vui vẻ. Đất nước này còn rất nhiều người phải đi làm ăn xa, vẫn mong có ba ngày Tết để trở về với hạnh phúc sum họp gia đình… Rồi nữa, trong văn hóa Việt thì việc kính nhớ Tổ tiên, tri ân cha mẹ là điều quan trọng nhất. Mỗi dịp Tết đến là một dịp để con cháu nhớ gốc gác cội nguồn, về quê hương bản quán để thắp nén hương nhớ đến công lao Tổ tiên, dâng chén rượu lưng cơm lên ông bà, cha mẹ…

Nhìn rộng ra cộng đồng, thì Tết Nguyên đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của dân tộc Việt Nam và có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Tết là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, khởi đầu một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật, cỏ cây… Bên cạnh đó là khao khát sự trường tồn cuộc sống, sự hài hòa Thiên- Địa- Nhân, sự gắn kết cộng đồng, gia tộc và gia đình. Đó là những giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm sâu sắc của người Việt, trở thành truyền thống tốt đẹp. Ngày Tết người ta vứt bỏ mọi lo âu phiền muộn để sống vui vẻ hòa đồng. Câu thành ngữ “Vui như Tết” là đúc kết nhiều giá trị tinh thần cuả ngày Tết Nguyên đán.

Thế hệ chúng tôi từ sơ sinh cho đến hết tuổi thiếu niên thì lớn lên trong đói khát, tuổi thanh niên không có thanh xuân vì cầm súng đánh giặc bảo vệ Tổ quốc. Tết Nguyên đán đối với chúng tôi thiêng liêng lắm. Có lẽ đó là những ngày giờ hạnh phúc nhất của tuổi thiếu thời. Đôi bàn chân trẻ con trần không guốc dép ướp cái lạnh buốt của đất trong tiết Đại hàn, mười ngón chân tê buốt như kim đâm… Lúc ấy, được sà vào bên bếp lửa nồng đượm với nồi bánh chưng đang sôi sùng sục thì còn sướng nào cho bằng. Rồi còn được cầm que hương châm nổ đì đùng pháo tép, được sống trong không gian lộng gió xuân lất phất mưa bay, được hít mùi hương trầm ngan ngát quyện mùi cơm Tám quyến rũ và mời gọi… Khoái nhất là được mặc quần áo mới đi chúc Tết ông bà, cô bác; được nhận những lời bảo ban dạy dỗ, những âu yếm xoa đầu và được mừng tuổi. Người mừng tuổi một xu, người hai xu, có người hào phóng mừng tuổi đến năm xu hay một hào. Nắm chặt những đồng xu trong tay, cẩn thận cho vào túi áo rồi gài kim băng kỹ lưỡng. Nghe tiếng những đồng xu lách cách trong túi mà thấy rộn rã và nghi hoặc, nên cứ đến chỗ vắng lại bỏ ra đếm lại. Trong đầu đinh ninh tự hào đây là tiền của mình, để rồi đắn đo tính toán làm gì mua gì với dăm hào bạc sau ngày Tết.

Với bọn trẻ chúng tôi thì Tết quả là vui tràn ngập, “vui như Tết”. Chỉ bố mẹ chúng tôi thì hầu như mỗi Tết đến là lại lo lắng, tính toán, hối hả… Càng gần đến Tết càng lo đến rạc người. Đói kém cả năm nhưng ngày Tết kiểu gì cũng phải lo cho được mâm cỗ tất niên, mâm cỗ mồng một cúng gia tiên và cặp bánh miếng thịt cho lũ con đói khát. Rồi nải chuối quả cam Tết lễ họ hàng, Tết thầy giáo của con, Tết ông lang thuốc chữa bệnh, Tết bà đỡ đẻ giúp sinh con… Lại phải có tấm tranh Đông Hồ treo vách, đôi câu đối đỏ dán cột nhà cũng không thể thiếu, mặc dù chủ nợ léo nhéo đòi tiền tới tận lúc kề cận giao thừa. Và đang nợ nần đầm đìa cũng phải cố có được dăm hào mừng tuổi bố mẹ già, vài xu mừng tuổi mỗi đứa con. Nhưng dù có vậy thì bố mẹ vẫn dằn lòng nén tiếng thở dài, ém lại những lo lắng để ăn Tết, để cả nhà có chung niềm vui ngày Tết.

Trở lại với ông bà bạn tôi vừa kể trên đây. Năm ngoái, thực hiện “nghị quyết đại hội gia đình”, tất cả con cháu dâu rể đều phải về lo một cái Tết “nhà quê” thật đông đủ và ý nghĩa để ông bà mãn nguyện. Chiều ba mươi, hai ông bà yên chí ngồi xem mấy đứa con cháu xúm xít làm cỗ Tết. Phải công nhận chúng nó bây giờ “đi chợ” sướng thật, chỉ bấm máy a-lô buổi sáng, buổi trưa đã đầy đủ chẳng thiếu thứ gì. Cá tươi thì nhà hàng đã đánh vảy, mổ bụng, cắt khúc nần nẫn bọc trong giấy bóng. Mấy con gà cũng đã được làm lông, mổ ruột, rửa ráy sạch sẽ, lại còn cẩn thận lòng mề của con nào thì gói riêng cho vào bụng con nấy. Thế là mâm cơm tất niên, mâm cúng giao thừa, mâm cỗ ngày mồng một… răm rắp đúng vị “Tết quê”. Ông bà vui lắm, nhưng mấy đứa con thì tất bật, hết nấu nướng, bưng dọn lại loay hoay với đống nồi niêu bát đĩa…

Trưa mồng hai Tết, trước khi kéo nhau về thành phố, chúng bàn nhau năm sau sẽ mua thứ gì, làm món gì, ai về sớm, ai về muộn… Ông bà kêu tất cả lại, nói:

- Năm nay được thế này là bố mẹ rất vui. Nhưng bố mẹ không thể sống được suốt đời để bắt các con phải làm theo khuôn phép ngày xưa. Mỗi thời mỗi khác, Tết nhất bây giờ ăn uống được bao nhiêu mà phải mâm cao cỗ đầy. Với lại các con cũng cần đi chơi, thăm thú, nghỉ ngơi… chứ ba ngày Tết về quê cứ phải lúi húi nấu nướng dọn dẹp sao được? Từ năm sau, cứ tùy cơ mà ứng biến mọi nhẽ. Nhé!

Cả đám con cháu hết nhìn ông bà lại nhìn nhau, rồi cùng vỡ òa vỗ tay hoan hô “ông bà bô” quá tuyệt vời. Tất cả cười vang. Đúng là vui như Tết!

Mai Tiến Nghị

Nguồn Văn nghệ số 5+6+7/2024


Có thể bạn quan tâm