May 3, 2024, 10:36 am

Vợ người anh hùng.Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Trọng Luân

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024
 

Anh và chị học cùng nhau hết cấp 2 thì anh nhập ngũ. Đó là đầu năm 67.  Ngày ấy chả cứ quê tôi mà bất kì làng xóm nào trên miền Bắc thanh niên học tới lớp 7 có tới mười sáu mười bẩy tuổi là xung phong nhập ngũ vào Nam đánh Mỹ hoặc đi thanh niên Xung phong. Họ chia tay nhau ở bụi tre ngay đầu bến đò. Tôi nghe kể, lần đầu tiên người quê tôi nhìn thấy trai gái hôn nhau chính là anh và chị ở chỗ bụi tre đó.

Cái bụi tre nơi bến đò ấy vào năm lụt 68 vỡ đê nó sụt xuống sông thành cái vực xoáy. Ở chỗ ấy có đến tám người làng chết đuối, toàn là thanh niên trẻ. Nước sông Hồng quét xốc vào tận làng trong thành những doi cát càng lẫn toàn vỏ hến. Nửa tháng sau nước rút. Cả cánh đồng làng tôi toàn một thứ cát càng khô phênh phếch.

Minh họa: Đặng Tiến

Chị ấy đứng ở chỗ vỡ đê khóc một mình. Chị khóc cho ngày chia li của mối tình anh chị, chị khóc những oan hồn của thiên tai. Khóc vì những nỗi khốn khổ con người. Sao mà cái đất nhà mình cơm ăn còn chưa đủ cứ giặc giã liên miên. Chị tiếc lắm cái bụi tre nơi hai anh chị ôm nhau trước ngày anh đi bộ đội bây giờ đã biến đi đằng nào. Chị bảo những kỉ niệm chả nhẽ cũng trôi đi đau đớn thế ư? Chị sợ nó vận vào mình quá. Mỗi lần đi qua chỗ bụi tre ôm nhau ngày xưa là quáng quàng đi cho mau hệt như chạy trốn nỗi lòng của mình.

Nhưng lúc ấy họ chưa biết chị là gái góa. Anh nhập ngũ năm 1965 thì kì nghỉ phép đầu năm 1966 anh về cưới chị. Cưới xong mươi ngày là đi. Anh nói anh lái xe vào Trường Sơn. Hồi ấy làng tôi chỉ có anh là người biết bẻ máy ô tô. Anh kể chuyện, tay khuỳnh khuỳnh mồm bim bim. Lũ trẻ con chúng tôi sướng nhất là tiếng bim bim và dáng nghiêng người cua xe vòng quanh đồi. Nhìn anh kể chuyện nhiều thanh nữ làng tôi trố mắt cười. Còn chị, má hồng lên và mắt chị long lanh. Chị làm vợ có mươi ngày rồi là thành gái góa.

Anh vào Trường Sơn hơn hai năm thì thành Anh hùng. Cho tới lúc anh trở thành anh hùng anh và chị cũng không gặp nhau lần nào nữa. Với chị cái chữ anh hùng cũng là lạ. Lạ vì mình chưa nằm với anh hùng thật một đêm nào.  Chị bảo chị không biết cái ông Anh hùng già hay trẻ. Đảng ủy quán triệt mãi chị mới hiểu. À thì ra Anh Hùng cũng giống như “Chiến sĩ Diệt Dốt” hồi năm 1959 mà bố chị được tặng cái giấy chứng nhận treo trên vách liếp mốc meo đến tận bây giờ. Mốc meo rồi mà bố chi vẫn tự hào và ông nói nó oai lắm đấy. Hàng ngàn người thậm chí cả vạn người mới có một người Anh hùng. Chị sướng như được mùa. Nhưng khốn thay khi chị nhận giấy báo tử thì mới biêt chồng mình là Anh hùng. Sau ngày báo tử anh, chị đeo tang trắng và súng k44 ra đồng sản xuất cùng thanh niên làng.

Chị sống với khăn trắng trên đầu hết hai năm thì bỏ khăn. Cũng có lúc vì máy bay soi nhiều quá chị phải giã nước lá trầu không để nhuộm khăn trắng. Nhưng rồi chị nghĩ làm thế là phải tội anh, chị lại đội khăn trắng bịt ngoài một cái khăn đen xin của mẹ đẻ mỗi khi ra đồng kẻo người đi làm cùng học tránh xa. Hồi máy bay Mỹ đánh phá ai mà đội nón trắng, áo trắng là người khác tránh như tránh tà. Vì coi đó là mục tiêu cho máy bay thằng Mỹ nó bỏ bom. Thế rồi tháng này qua tháng khác, khóc mãi buồn mãi cũng phải đế lúc ngẩng mặt lên mà sống tiếp với đời. Sau lúc héo hon chị dần trở lại mỡ màng. Mới 24 tuổi đã là gái góa. Những người vợ góa liệt sĩ lại là anh hùng nữa dân làng người ta nể bao nhiêu thì lại xét nét bấy nhiêu. Khổ lắm. Cái gương con cũng chỉ dám soi ở trong buồng. Tự dưng hôm nào mà ửng đỏ ở chỗ đông người thì thật là khốn nạn. Lại có tiếng phỉ pheo, đấy chồng chết chửa đoạn tang đã nứng đã nựng. Chị khóc nghẹn họng, chị cắn răng hàng đêm. Cái má hồng cái ngực căng cũng làm khổ chị.

Truy điệu chồng chị to lắm. Có cả trên huyện ủy, huyện đội về. Cả làng đau xót. Nhưng vì anh được Anh Hùng vẻ vang cho làng xã nên cả làng xã mừng. Từ thượng cổ đến giờ làng tôi mới có sự kiện nhớn như thế, có được một người là Anh Hùng LLVT. Ông Bí thư Đảng ủy phát biểu cảm động như chính nhà ông ấy có người Anh hùng. Ông huyện ủy cũng phát biểu lâm li yêu thương đúng như là người nhà ông đã chết trận. Ông huyện đội trưởng đeo súng lục ra đứng trước ngôi mộ giả làm bằng cái thuyền thúng úp xuống phủ lá cờ đỏ lên mà giơ tay chào. Chị chả nhớ được gì. Suốt ngày vật vã bên cái cái thuyền thúng úp sấp có lá cờ đỏ lên mà gọi anh. Có lúc chị đập lên ngôi mộ nó kêu binh binh. Chị khóc, chị gọi mãi gọi mãi cho đến lúc đêm thì ngủ thiếp đi.

Anh về. Anh đến bên chị. Be bét những đất và máu. Một bàn tay ôm lấy bụng, một bàn tay vuốt má chị. Chị bảo, sao anh không ôm em bằng hai tay. Anh bảo, anh phải bịt tay vào chỗ thủng ở bụng kẻo ruột nó xổ ra. Mảnh bom thằng Mĩ văng trúng bụng anh em ạ. Mẹ cha nó, nó đánh bom suốt ngày đêm, đại đội anh đã mấy mùa chiến dịch vận chuyển. Lần này là chiến dịch lập chiến công tỏ lòng thương nhớ Bác Hồ. Em biết không suốt từ Lùm Bùm đến Phu La Nhíc bọn anh không một ngày ngơi nghỉ… gần hai năm anh không được về ôm em, mà em vẫn thế thôi ư? Mình chả đỗ được đứa con ư em? Anh xụt xịt, chị òa lên khóc. Chị níu lấy tay anh. Anh lại vuốt má chị. Bỗng anh cười, cái bụi tre chúng mình hôn nhau ngay đầu bến đò sang làng Lâm ấy bây giờ vẫn đẹp như xưa hả em. Những đêm Trường Sơn xoay cung tăng chuyến anh chỉ hình dung ra cái bụi tre chúng mình hôn nhau là quên được bom và đạn xiên thùng của kẻ thù. Hóa ra anh chưa biết cái vụ vỡ đê làng mình, bụi tre ôm nhau trôi đi từ đời nào rồi anh ơi. Tuy tay anh ấn ruột khỏi lòi ra bụng nhưng anh phấn khởi lắm. Anh bảo, thằng Mĩ thua chúng mình là cái chắc em ạ. Ở Trường Sơn anh gặp nhiều cô gái TNXP cùng tuổi như em mà dũng cảm lắm nhé. Bom vùi bom cháy cả rừng mà các cô ấy vẫn cười vẫn sống trên mỗi cung đường anh qua. Anh nhăn nhó. Ruột anh lại lòi ra rồi em ạ. Giúp anh ấn nó vào đi. Anh cười khe khẽ, tay kia lại đặt lên vai chị. Tiếng cười vi veo. Tiếng cười người âm lạnh như gió bấc. Lần này thì anh khóc. Anh bảo, em ơi trời chưa thương cho mình một đứa con. Em còn trẻ thì em hãy đi lấy chồng và cố đẻ một đứa con. Nếu có con gái hay trai cũng cứ lấy tên làng mình mà đặt tên con. Để anh dễ nhận ra con em cũng là con mình. Tên làng mình em nhé. Làng Đan… Chị bừng tỉnh. Xung quanh chị đông người quá. Ai cũng đang khóc. Có cả ông Bí thư Đảng ủy xã đeo xà cột vải bạt thở phào. Chị nghe thấy tiếng ông ấy nói rõ to. May quá, thế là đồng chí ấy tỉnh rồi. May rồi. Không có gì phải quán triệt nữa. Ông ấy đi nhanh ra khỏi đám đông. Chị lại nhắm mắt, bên tai chị ồn ã có cả tiếng khóc của mẹ đẻ của chị và tiếng trống hộ đê. Năm ấy cũng mưa nhiều lắm.

*

Một năm sau khi chồng chị trở thành anh hùng thì chị được bầu là Bí thư Xã đoàn. Chị lao vào công việc để quên nỗi buồn nhớ anh. Nhưng làm sao chị quên 10 ngày làm vợ. Mùi mồ hôi đàn ông mùi cái giường mới và những giọt mồ hôi lăn trên ngực nhau. Bây giờ hàng đêm chị quằn quại trên cái giường chỉ một thứ mùi đàn bà, cái giường đã cũ mùi nó ngai ngái xanh xao. Đầu giường chị là những lá thư của anh trên Trường Sơn gửi về và những Công văn Nghị Quyết triển khai công việc của đoàn thanh niên xã nhà. Những lá thư liệt sĩ lẫn lộn trong bộn bề công điểm làm đồng lẫn trong phân gio trâu bò đồng áng nó cứ đan chéo vào cuộc sống của cuộc kháng chiến khiến chị cho rằng đời mình sinh ra là phải  thế.  Chị nghĩ sự đan chéo đan chéo vào nhau này đồng điệu đến giản đơn.

Cũng ở trên cái giường ngài quạt gỗ xoan tươi mà anh chị ở với nhau mười đêm ấy bao nhiêu ý tưởng phong trào đoàn xã ra đời. Nhưng phong trào đoàn càng đi lên bao nhiêu thì chị lại càng mình thấy mình tội lỗi bấy nhiêu, bởi má chị càng ngày càng đỏ, ngực chị càng ngày càng căng. Mới 24 tuổi từng biết mùi đàn ông những chục ngày chứ đâu chưa từng trải nên má nó hồng ngực nó căng đâu có tội gì cơ chứ.  Có những lúc đang cười nói rộn ràng chợt nhớ mình là vợ anh hùng mà ngưng bặt không dám đùa vui với bạn bè nữa. Cũng có lúc đi đào mương thủy lợi ngồi ăn mía bên bờ mương chợt vùi khúc mía xuống cát chụp cái nón lên đầu. Anh ơi, em giữ là giữ cho anh. Giữ cái anh hùng của anh. Cái vườn nhà mình lâu nay không trâu bò nhà ai dám lại vãng đến mà phá phách nữa. Cỏ vườn um tùm, lối vào nhà mình cũng xanh rì những rêu trơn. Em bỗng thấy hình như họ chỉ nhìn em từ sau bờ rào đầy những dây tơ hồng phủ kín cúc tần. Họ ngại em thì phải, nhất là cánh đàn ông, chả ai dám bỗ bã cười đùa với em.  Có đêm chị không gặm thành giường như người ta hay ví von. Chị cứ như thấy mùi mồ hôi anh sót lại trong mươi ngày phép của anh. Chị ghé miệng liếm môi lên thành giường nơi cánh tay chồng vắt lên ngày xưa. Chị liếm thấy mằn mặn. Chả biết là nước mắt chị mặn hay là mồ hôi anh để lại. Giời ôi, ra là chị cũng lại phải làm anh hùng thay cho chồng. Không những thế chị còn làm anh hùng cho cả nhà chồng cho nhà mình và cho chị. Sao đời chị nặng nề đến thế. Có lúc chị nghĩ dại, giá mà anh không phải là anh hùng, anh chỉ là liệt sĩ như những người liệt sĩ khác trong làng có có đỡ cho chị không....

Một năm hai năm rồi ba bốn năm. Ngôi nhà vợ người anh hùng xanh mướt mát những là rau ngót và lá mơ tam thể. Những đứa bạn chị đi lấy chồng hết cả. Lâu rồi chả thấy đứa nào sang mà hái rau mà vặt lá mơ về thịt chó. Vườn nhà chị sau mỗi trận mưa dẫm xèo bọt mùi tanh tanh. Chị đã hai khóa bí thư xã đoàn. Chị xin nghỉ mà chưa được. Họ bảo chưa có ai thay chị. Mấy cô phó bí thư nay lần lượt đi lấy chồng cả. Các đồng chí thấy chị son rỗi đoan trang nên động viên chị làm tiếp. Chị vạch ngực soi gương thấy đầu vú đã thâm thâm. Chị quay trước quay sau đấm đấm vào mông vuốt vuốt lên ngực rồi khóc. Ngôi nhà chị bí thư xã đoàn có mùi mùi ngai ngái giống như cái mùi tanh từ lối đi rêu mọc dày từ vườn đưa vào.

Cũng một ngày mưa anh ấy đến. Anh tên Long. Chị biết anh vì anh cùng đi bộ đội với chồng chị một ngày. Nhưng anh ấy có học hơn nên được đi binh chủng thông tin, còn chồng chị đi lái xe. Anh châm nhang thắp lên bát hương bố mẹ chồng chị trước rồi thắp nhang vào bát hương chồng chị.

Anh khấn: 

- Thiện ơi, tớ về thắp nhang cho cậu đây, tớ cũng ra quân rồi, về phục viên thôi, mình chả đào tạo cơ bản gì họ cho về có lương là tốt lắm rồi cậu ạ.  Sống khôn chết thiêng thì phù hộ cho vợ cậu. Cô ấy cũng khổ lắm Thiện ơi. Đời những người vợ sau chiến tranh sao mà khổ thế chứ kể cả những người chồng còn sống trở về cũng khổ cậu ạ.

Lần đầu tiên chị thấy có luồng điện chạy rùng mình từ đầu xuống chân. Chị thấy que hương rung bằn bặt. Lần đầu tiên chị thấy như có người ôm chặt lấy chị, ghì ngực chị, nén cặp vú như hai cái vét si bóng khiến chị tức thở. Anh ấy thẫn thờ nắm tay chị rất nhanh rồi ra về cũng nhanh.

Ngoài ngõ có người hàng xóm đứng hái búp cúc tần về đắp cho trâu bị cước chân nhòm vào.

Sau vài năm từ ngày chồng chị là anh hùng chả phải đây là lần đầu có người đàn ông đến ngôi nhà chị rêu trơn nhuồi nhuồi đầu ngõ. Họ phải kiếm thân cây sắn làm gậy chống đi vào cho khỏi vồ ếch. Có cả ông xã đội trưởng cũng nhân tiện gì đó đến nhìn chị lom lom khiến chị phải úp cái nón lên ngực nói to. Đồng chí có chỉ thị gì thì nói nhanh lên. Cũng lúc ấy ngoài hàng rào cúc tần có cái tiếng e hèm rõ to. Đồng chí xã đội trưởng sốc lại cái sắc cốt vải bạt vội đi ù ra cổng ngoái lại nói giắng, nhớ nhé, đồng chí ra ngay trụ sở đồng chí nhá, ra là triển khai họp ngay đấy nhá.

Ngày bố chồng chị mất. Đám ma bố chồng chị có cả các đồng chí trên huyện về đi đưa đám. Các cơ quan đoàn thể đủ hết có cả vòng hoa kết từ những bông mẫu đơn, bông giong giềng và dâm bụt ở làng. Các đồng chí nhắc chị, đồng chí là đảng viên lại là vợ anh hùng, đồng chí không được lăn đường. Không khóc rống lên, không được theo cái nếp cũ hủ bại mà ảnh hưởng đến danh hiệu đảng viên. Làm như thế sẽ làm tủi vong linh anh hùng chồng đồng chí. Thế là chị cứ đi như cái bóng ngay đơ đằng sau quan tài mắt đầm đìa nước mà như thấy bóng chồng về trách móc. Tiếng kèn trống nghe sao mà ai oán chê bai chị trách móc chị đến vậy.

Chị không rõ mình ít cười từ bao giờ, cũng không rõ mình nói không to như trước từ bao giờ. Lâu nay chị đã quen hễ mở mồm nói điều gì là nhớ ngay chồng mình là Anh hùng. Đến nỗi đi chợ mua sắm cái gì là hôm sau cả làng biết vợ người Anh hùng ăn món gì. Nhưng chị nhớ rất rõ mỗi kì giỗ bố mẹ chồng các đồng chí lãnh đạo xã nói gì với chị. Họ ca ngợi chị và họ cũng tự hào về vợ người anh hùng xã nhà. Chị cảm động đến cứng người khi các đồng chí khen chị đoan trang xứng đáng người đảng viên lại là vợ một người Anh hùng LLVT. Bao giờ cũng thế, sau mỗi lần được xã được huyện khen là đêm ấy chị ôm cái gối thêu con chim bay con chim đậu cũ mèm mà khóc. Khóc lịm đi hàng giờ. Khóc trong đau khổ. Hàng cúc tần quanh nhà ngày càng cao hơn. Lớp cỏ rác non mơn mởn lùa ra ngoài rào thưa làm mồi cho trâu hàng xóm. Có những hôm trâu nhà bên cứ nhân nha vào vườn nhà chị mà ăn búp giong giềng non. Chị chạy ra chỉ dám uầy uầy trong miệng chứ không dám cầm cây và đập cho nó một cái. Cầm cây mà đập trâu đập chó nhà khác lại mang tai mang tiếng vợ anh hùng mà ác độc. Những lúc ấy người làng biết cả đấy. Chỉ duy nhất một điều ai đi ra nghĩa trang cũng dừng lại ngắm nhìn mộ chồng chị và cúi xuống thắp một nén hương hay vặt những ngọn cỏ lòa xòa trên mộ của anh hùng mặc dù đó là ngôi mộ gió. Chị cũng mãn lòng.

Chả hiểu sao, bao lâu nay chị có thế đâu ấy vậy mà kể từ buổi sáng anh Long đến thắp hương cho chồng chị chị thấy mình khác quá. Đêm ấy, chị thấy người nửa nóng nửa lạnh. Chị nằm sấp xuống chiếu cọ cựa cái bụng. Chị ôm chặt cái gối, chị bổ ra sân rồi lại bổ vào giường. Có con thạch sùng tặc lưỡi trên cái xà nhà. Chị tự hỏi tại sao người đời cứ gọi đàn bà mất chồng là gái góa? Gái góa thì có xấu gì? Có tội gì đâu cơ chứ. Chị cũng tặc lưỡi. Chị góa vì chồng đi đánh giặc. Làng quê này và làng quê khác bao nhiêu cơ man là gái góa trẻ măng đó thôi. Chị ôm ghì cái gối có con chim bay chim đậu mà thở hổn hển, hưng hức khóc. Khóc cho đến sáng. Lúc gà gáy chị dậy thắp nhang cho bố mẹ chồng và cho chồng, chị nhớ đến anh Long. Người chị lại thấy có luồng điện nhoi nhói chạy qua.

Năm sau thì anh Long hỏi cưới chị. Anh Long lên xã trình bày với Đảng ủy, Ủy ban, rồi xin phép họ hàng bên chồng cũ của chị. Chả ai hồ hởi nhưng chả ai lập lí si đúng gì hết.  Đám cưới diễn ra thật đơn sơ, cũng trà thuốc và mươi mâm cơm hai họ. Nhưng ở làng dân chúng thấy gường gượng. Các cơ quan đoàn thể như vừa mất đi cái gì mơ hồ, không rõ là mất đi cái gì, nhưng cũng thở phào cởi bỏ một cái gì mơ hồ không kém. Cả người được hạnh phúc và người chứng kiến hạnh phúc cứ nhìn đi đâu đâu chứ không nhìn thẳng vào mặt nhau.

Ngay sau đám cưới, anh chị về ở với nhau trên ngôi nhà của chị vì đất này là của mẹ đẻ chị cho chị khi xưa chị đi lấy chồng. Cũng năm ấy chị thôi công tác. Vợ chồng chị lại làm ruộng và hưởng trợ cấp thượng úy của anh Long. Bao nhiêu nỗi lòng của chị trong căn nhà ngai ngái mùi đàn bà ngày mưa nay biến mất. Chị hạnh phúc ngay trong căn nhà bất hạnh của mình khi tuổi đã ba lăm. Chiến tranh vừa mới qua được vài năm, những hân hoan đợi chờ vỡ òa. Cũng vài năm sau chiến tranh người ta báo tử đông lắm. Sự vui mừng đoàn tụ nói cười, tiếng nhạc lẫn trong tiếng kèn trống hết đám báo tử này đến báo tử khác. Chị thấy mình vừa đau đớn mà cũng vừa hạnh phúc. Hạnh phúc hơn khối người. Chồng mình chết để mình làm vợ anh hùng. Dù tuy rằng vợ anh hùng cùng nằm góa hệt như vợ người khác. Nghĩ đến đận ấy chị lại cắn răng vào thành giường. Cái thành giường gỗ xoan tươi ngày hai vợ chồng đóng vội còn tươi nay nó đã cong vênh nhưng gỗ xoan vẫn đắng hệt như lúc thợ bào bong lên những phoi bào gỗ trắng hồng như cái khăn tang cuộn tròn.

Lấy anh Long, lần đầu tiên chị được chồng tặng hoa vào ngày 8/3. Chị òa khóc. Thế là cũng có lúc chị được hạnh phúc như người đời. Suốt những năm chị làm Xã đoàn làm Chấp hành Phụ nữ chỉ lo tổ chức tặng hoa ngày lễ ngày mít tinh mùng 2 tháng 9, mồng 8 tháng 3 rồi 20/11, 30/4 ...cho người khác. Cứ như thể việc ấy đương nhiên họ được hưởng và chị đương nhiên phải đi tặng họ. Còn với chị đàn ông họ cũng ngại. Cũng hôm ấy chị ôm lấy chồng mà khóc mà nói rằng:

- ... Anh ơi, mồng 8 tháng 3 sao em không thấy họ mang hoa vào nghĩa trang tặng những nấm mồ mang tên con gái hả anh? Anh Long đớ người ra. Anh nhìn chị, ngượng ngùng trước một người đàn bà hiền lành là vợ mình. Tự dưng anh Long nhớ anh là đảng viên và thấy mình như là người có lỗi với những người phụ nữ đã hiến tuổi xanh của mình ở ngoài mặt trận.

Một năm hai năm rồi ba bốn năm năm. Chị mơ hồ nhận ra nỗi buồn của chồng mình. Những nỗi niềm khe khắt dòm ngó của người đời ở một vùng nông thôn đối với chị khi trước thế nào thì nay lại chuyển sang chồng chị. Họ để ý xem anh ăn ở với vợ một người anh hùng ra sao. Họ cứ nghĩ rằng anh luôn núp dưới cái bóng tiếng tăm của vợ. Rằng cái thượng úy của anh chả là gì với danh xưng một liệt sĩ anh hùng. Quá lắm thì là anh thượng úy về một cục vì sức khỏe yếu mà thôi. Gần bốn mươi mà chị vẫn không thấy có chửa. Chị cởi áo nhìn ngực mình thấy vú xẹp dần mà đầu vú như quả xoan khô thâm bẳn. Nước mắt chứa chan. Anh Long đứng sau cũng dàn dụa nước mắt. Anh cho chị biết anh đi khám và biết mình vô sinh vì chất độc da cam từ chiến trường Tây Nguyên mang về. Đêm ấy anh bảo chị, em còn khả năng có thai thì nên đi lấy chồng hoặc thích ai thì cứ ăn nằm với người ta kiếm đứa con. Chị khóc nức nở. Chả gì em cũng đã là vợ một sĩ quan, vợ một anh hùng em sao có thể làm như thế. Em có trách nhiệm với anh cũng như trách nhiệm vợ một người anh hùng chứ anh ơi. Dù em biết nỗi niềm tụng ca có gì đó như giấu trong áo mình một vật nhọn khổ lắm. Cả hai người cùng khóc. Hồi lâu anh bảo, em khổ quá em ạ. Khổ với anh đã đành, em khổ vì cái Anh hùng của chồng em nữa. Nỗi khổ ấy đeo nhũng nhẵng nhẹ nhàng mà quá nặng một đời em. Anh thương em lắm.

Sau lần ấy chị chủ động cùng anh đến từng nhà các cựu chiến binh trong làng tổ chức hội đồng ngũ, hội chăn trâu, hội cùng đơn vị và lấy nhà mình làm trụ sở sinh hoạt. Anh và chị lại đi tới nhiều xã trong huyện thăm hỏi các bạn bè của chồng cũ chồng mới. Vợ người anh hùng lại sống như một hồi chị làm bí thư xã đoàn. Cuộc sống cứ phải vươn về phía trước đừng ngoái lại sau và chí tít là không dừng bước. Anh chị thấy vui và bè bạn anh chị ngày càng năng đến nhà.

*

Năm nay nước lại ngập lút đồng. Từ xóm chân đồi nhìn ra, nước e e như nồi canh cua lẫn rau rút lều phều. Nước sông Hồng lạnh như kem. Chị lội lõm bõm ra bãi soi. Nghĩa trang nổi cao hơn mặt nước chỉ cỡ một con dao phay thái chuối. Ngôi mộ Anh hùng chồng chị đỏ chói lói vì vừa qua ngày 27/7 xã nhà cho sơn trắng quét lại tinh tươm. Tấm ảnh anh đội mũ mềm có ngôi sao cũng mới làm khảm vào đá từ dưới Hà Nội mang về. Người làm tấm bia có ảnh này chính là anh Long chồng chị bây giờ. Anh có tấm ảnh cất kĩ từ ngày hai người cùng ở đơn vị huấn luyện với nhau.

Ngày mang tấm bia gắn ảnh của chồng anh hùng về làng chỉ mình chị là không biết. Chồng chị xách túi xi măng ra nghĩa trang lúi húi một buổi chiều. Tối ấy anh uống rượu một mình ngoài hè. Trăng lên, anh bảo chị tắt đèn đi để anh ngồi hóng gió một mình. Chị ngồi sau cửa nhìn ra, thấy anh như nhập nhoè in vào vườn chuối lặng phắc như cái con bù nhìn canh ngô ngoài bãi soi. Chị thương anh bao nhiêu chị thương mình bấy nhiêu.

Chị đứng trước ngôi mộ giả của người chồng Anh hùng bao lâu không nhớ nữa. Nước sông vẫn lên, mưa tạnh rồi mà lũ mạn ngược u ù kéo về. Lại nghe nói cái bọn láng giềng nó xả lũ ngọn nguồn bên kia biên giới. Binh tình này quê mình khéo lại chìm mất bãi soi anh ơi. Anh lại chìm trong nước dơ dáy đến bao giờ hở anh. Có con thẫm giun lội rón rén cắm mỏ tìm mồi ngay lùm chuối ở cửa nghĩa trang. Bỗng thấy chị nó bay đánh vù, kêu kéc một tiếng. Cũng lúc ấy chị nghe trong xóm có tiếng đứa cháu gọi, cô ơi cô về ngay đi, chú Long khó thở quá. Về đưa chú đi viện cô ơi. Chị bừng tỉnh. Chị lạnh buốt hai thái dương.

Hình ảnh người chồng Anh hùng LLVT đội mũ mềm sáng lên. Chị nghe như có tiếng anh trong tiếng ì oạp của nước ngập xô dạt trên đồng lúa. Tiếng của người chồng anh hùng nghe rất gần văng vẳng meo méo nhưng chị lại nghe rất rõ…

- Em về đưa anh ấy đi viện đi em. Anh ấy cũng khổ lắm, anh ấy còn khổ hơn cả anh.

Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Trọng Luân

Nguồn Văn nghệ số 14/2023


Có thể bạn quan tâm