May 6, 2024, 12:31 am

VĨNH BIỆT NHÀ THƠ LÒ CAO NHUM

VĨNH BIỆT NHÀ THƠ LÒ CAO NHUM

Nhà thơ Lò Cao Nhum, người dân tộc Thái, sinh ngày 09/6/1955, quê quán Bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Ông từng là Ủy viên BCH Hội Văn học Nghệ thuật Hòa Bình các nhiệm kỳ 2,3,4 (từ năm 1995 đến 2017); Ủy viên Ban Thường vụ Hội VHNT Hòa Bình nhiệm kỳ 4; Ủy viên Ban Văn học dân tộc miền núi Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 7; Ủy viên Ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 8; Ủy viên Ban Chấp hành Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2019; nguyên Phó Tổng biên tập kiêm Thư ký Tòa soạn báo Văn nghệ Hòa Bình.

Các tác phẩm đã xuất bản: Dân ca Thái Mai Châu (sưu tầm, dịch, in chung,1991); Giọt sao trở về (thơ, 1995); Rượu núi (thơ, 1996); Mùa hoa chuông (thơ in chung, 1997); Sàn trăng (thơ, 2000); Theo lời hát về nguồn (thơ, 2001); Lời hát trong lễ hội chá chiêng (dịch, biên soạn dân ca Thái, 2001); Góc trời (thơ, 2009); Rượu núi (thơ chọn, 2010); Phiên chợ hoa văn (tập ký, 2005); Bếp lửa trong đời sống người Thái (khảo cứu, 2008); Tìm hiểu lịch sử – Văn hóa cổ truyền người Thái Mai Châu (chủ biên, 2016); Hợp tuyển văn học Thái vùng Mai Châu (khảo cứu, sưu tầm, 2020).

Nhà thơ Lò Cao Nhum đạt được nhiều giải thưởng văn học: Tặng thưởng Chùm thơ hay trong năm báo Văn nghệ Trẻ 1996; Giải C cuộc thi Thơ Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội 1996–1997; Tặng phẩm chung khảo giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm1996; Giải thưởng Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2009 và 2010; cùng nhiều lần được nhận Giải thưởng Văn học Hòa Bình 5 năm, 10 năm… của UBND tỉnh Hòa Bình.

Sau một thời gian điều trị bệnh, nhà thơ Lò Cao Nhum đã từ trần lúc 21h30 ngày 14/6/2023 (tức ngày 27 tháng Tư năm Quý Mão), hưởng thọ 68 tuổi. Tang lễ nhà thơ đã được tổ chức vào ngày 15/6/2023 (tức ngày 28 tháng Tư năm Quý Mão) tại nhà riêng ở Bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình.

Chỉ cách đây ít ngày, nhà thơ Lò Cao Nhum đã gửi cho Tuần báo Văn nghệ một chùm thơ, chúng tôi cũng đã sắp xếp để in vào số báo này (số 25), báo chưa kịp đi in thì nhận được tin ông đã qua đời. Trang thơ tưởng như in ra để làm lời động viên nhà thơ cố gắng vượt qua bạo bệnh, nào ngờ trở thành trang thơ vĩnh biệt ông, một người con tài hoa của đồng bào dân tộc Thái.

Báo Văn nghệ xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình, bạn bè và độc giả của nhà thơ, cùng các dồng nghiệp ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình, và xịn giới thiệu chùm thơ này thay cho lời vĩnh biệt ông.

Văn nghệ

LÒ CAO NHUM

Chiếc áo sặc sỡ

của thầy Mùn

 

Chiếc áo sặc sỡ

Tua đỏ diềm xanh

Nào lấp lánh viền bạc

Nào lấp ló ánh vàng

Rộng thừa tay

Dài quá chân

Chiếc áo sặc sỡ của ông Then

Tặng thầy Mùn

Làm người cứu nhân độ thế.

 

Khoác chiếc áo sặc sỡ

Thầy Mùn ra ngoài ngõ

Vung chân, múa tay

Phẩy quạt, tung kiếm

Làm quả bưởi rợn gai

Quả muỗm rụng non

Cụp cả đuôi con bò

Con bò vừa chạy vừa ngoái nhìn

chiếc áo sặc sỡ.

 

Không biết thần linh

Chẳng hay ma quỷ

Đâu tường pháp thuật

Chỉ biết cõi trần này

Có chiếc áo thầy Mùn sặc sỡ.

______

* Thầy Mùn: Thầy cúng có uy tín cao trong xã hội Thái.

* Ông Then: Ông tối cao trên mường Trời theo quan niệm dân gian Thái.

 

 

Cây thốt nốt

bên bờ biên giới

 

Bờ ruộng không thẳng không queo

Không rộng, không hẹp

Chon von, xêng xang cây thốt nốt.

 

Sần sùi mà ngọt trái,

Xoè mặt trời xanh

Thắp nắng mây gió.

Có một đường chỉ vô hình

Phân nửa bờ ruộng

Bổ đôi thân cây

Cây thốt nốt lắc lư vô tư nghiêng ngả.

 

Rễ chùm uống nước ruộng này

Uống nước ruộng kia,

Cỏ xanh cũng không chia

Phương này phía nọ.

 

Chàng trai Căm Pu Chia ruộng bên buông cày

Cô gái Nam Bộ bên này ngơi tay gieo sạ

Dưới vòm râm thốt nốt

Rôm rả mùa màng.

 

Ông nội tôi

khai sinh miền đất

 

Như mọi họ mạc

Các cộng đồng

Đất nước

Ông nội tôi khai sinh miền đất.

 

Bắt đầu là gồng gánh núi non

Ở trong núi có mồ hôi của đá

Trong đá kết tinh nỗi khổ

Nỗi khổ ủ niềm khát khao.

 

Rồi ông vung dao phạt quang mầm đói

Ông chọc lỗ gieo hạt củ no

Sự sống ấm chân trời hoang sơ

Lá nón rách trầm tư canh mùa

Con rơm bù nhìn lật lờ mưa gió.

 

Mưa lũ bóc mảng nương xuống vực

Gió nóng hun cháy mùa vàng rực

Giặc càn rỡ đấm hố bom sâu hoắm vườn nương

Ông vẫn đứng như cây bền rễ.

 

Gan lỳ không phó mặc

Sau lưng ông rồng rắn bao thế hệ

Vẽ lên mặt đất một quy luật sinh tồn

 

Thế hệ tôi chưa xa thế hệ ông

Nhưng cũng không còn gặp ông nữa

Ông khai khẩn đất đai và ông đã về hòa với đất.

 

Tôi tha thẩn lòng mình từ mộ địa cánh rừng

ra mơn mởn vườn nương

Nơi ông từng đứng gan lỳ suốt dọc triền mưa gió

Nghe mạch đất râm ran

vọng điều linh thiêng

Hỡi mọi sinh linh mặt đất

Trong ta trú ngụ một Thành Hoàng.

 

Nóc nhà ta

có hoa khau cút

 

Nhận ra anh em

Nhận ra họ hàng

Nhận ra đồng tộc

Khi nóc nhà có hoa khau cút.

 

Đấy là tín hiệu vui

Tín hiệu máu mủ

Anh có thể cởi dép

Rửa chân lên thang

Tìm chỗ ngồi của mình nơi góc chiếu.

 

Ta về với nhà ta

Anh có gói thì anh mở

Chủ nhà sẽ xum xoe chắp mười ngón tay

đón nhận

Không có, chủ nhà cũng không nỡ

Bỏ qua vài sừng trâu rượu cần.

 

Nửa là khách, nửa là người của nhà

Anh lỡ độ thường kèm theo lỡ bữa

Đấy là điều chủ nhà nhấp nhổm chẳng an.

 

Miếng thịt gà măng chua thành câu ca

Rằng của vườn của bếp

Chớ lạ đi, lạ về

Chớ quên nóc nhà có hoa khau cút.

 

Rồi anh đi

Ngoái nhìn ngọn hoa mưa nắng

Thơm thảo nơi mái lá nhà sàn

Văng vẳng níu chân lời hát

Người ta chỉ muốn gần nhau thôi.

 

Lời chợ phiên

Tao có chồng, mày đi bắt vợ

Bao mùa vụ cắm cúi đời nương

Mấy vòng mặt trời quên trăng tỏ

Sương lửng lơ bình lặng xanh rừng.

 

Hơi đâu mà giữ buổi đầu thương

Mày thổi khèn còn tao thổi lá

Tháng giêng thẹn thùng hơi men lạ

Say rồi khèn bế lá lên mây.

 

Giờ mày năm chân, tao bảy tay

Chuyện chồng vợ còn giấu vào núi

Tao nhớ mày, gùi lưng lủi thủi

Nén mũi kim thêu áo cho chồng.

 

Giờ tao lên bà, mày thành ông

Con cháu nhao nhao như gà quạ

Rằng bà nhớ không, xưa kèn lá

Ngựa sắt cháu đèo xuống chợ phiên.

 

Chợ tình tâm sự mấy mươi phiên

Yêu thương gập ghềnh còng dáng núi

Gió lùa sau lưng nấn ná mãi

Chiều chẳng còn mấy, chợ dần vơi…

Nguồn Văn nghệ số 25/2023


Có thể bạn quan tâm