April 27, 2024, 11:05 pm

Việt Nam, là như vậy

Trận chiến đấu đêm 26-12 diễn ra hơn một giờ, lực lượng phòng không ba thứ quân của Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đã đánh một trận tiêu diệt lớn, bắn rơi 8 máy bay B52 (riêng Hà Nội bắn rơi 5 chiếc, trong đó 4 chiếc rơi tại chỗ) và 10 máy bay chiến thuật khác. Trong trận này, lần đầu tiên Quân khu Việt Bắc (Trung đoàn 256) anh dũng bắn rơi 1 chiếc B52 của địch chỉ bằng pháo cao xạ 100mm. Mặc dù không có khí tài ra đa hỗ trợ phát hiện mục tiêu, nhưng với cách đánh thông minh, sáng tạo, phối hợp tốt với mạng lưới ra đa cảnh giới quốc gia, pháo cao xạ 100mm cũng bắn rơi máy bay ném bom chiến lược của không quân Mỹ. (Theo QĐND)

Câu chuyện này tôi mới nghe hồi tháng 9 năm 2022. Đúng 50 năm sau “Mười hai ngày đêm Điện Biên Phủ trên không”. Tháng 9, tôi ra Hà Nội và ghé nhà thăm bác Nghiêm Thúy Băng, phu nhân của nhạc sĩ Văn Cao. Rất nhiều người đã biết về Văn Cao, đã yêu thương ông, nhưng nếu nói về Văn Cao mà bỏ quên người vợ “tấm mẳn” của ông là bác Thúy Băng, thì còn thiếu sót lắm. Tôi gọi bác Băng là “Siêu cận vệ” của bác Văn Cao. Đúng như thế. Người với gương mặt thời đau khổ “Như mảnh trăng những đêm rừng cháy” (thơ Văn Cao) ấy đã đi sau, đi bên cạnh Văn Cao suốt cuộc đời ông, đã là người cận vệ trung thành của ông. Bác Nghiêm Thúy Băng chính là “quà tặng” mà ông Trời đã ban cho nhà thơ nhạc sĩ họa sĩ tài ba Văn Cao. Bây giờ, khi người thiên tài Văn Cao đã về Trời gần 30 năm, và tới năm 2023 này, Văn Cao tròn 100 năm ngày sinh, thì những câu chuyện bác Băng kể về chồng mình vẫn khiến tôi rất thú vị.

Năm nay đã 93 tuổi, bác Thúy Băng chân đã yếu, đi lại khó khăn, nhưng đầu óc thì rất minh mẫn, trong câu chuyện của bác với tôi vẫn đậm chất hài hước hiếm có với người đã ở tuổi đó.

Nghe tôi nói, sắp kỷ niệm 50 năm “Mười hai ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, bác Băng tự nhiên hào hứng hẳn. Bác nói với tôi: “Ông Văn nhà tôi, vào cái tối 26 tháng 12 năm ấy, ông rủ một người bạn cố tri của mình tới nhà ông uống rượu, dù ngày 26/12 thì Mỹ đã ném bom B52 suốt 8 ngày đêm xuống Hà Nội mình rồi. Qua Noel chắc gì nó đã nghỉ. Nhưng ông Văn nhà mình vẫn bình thản. Ông nói: “Nó ném bom thì cứ ném, mình uống rượu thì cứ uống, có làm sao!”

Hai ông bạn chưa già lắm nhưng cũng đã già kéo nhau ra ngồi ở đầu cầu thang nhà tôi, nói tôi mang rượu và lạc rang ra để hai ông nhâm nhi. Tôi phục vụ ngay, nhưng vẫn lo lo: “Sao hai anh lại ngồi đây, nhỡ nó ném bom B52 thì sao?” Ông Văn tôi cười: “Nó ném chắc gì đã trúng mình. Mà có trúng, chắc gì đã chết…”

Trời ơi, câu nói đó đám lính chúng tôi ở chiến trường Nam Bộ hay nói với nhau, cốt ổn định tâm lý thôi. Không ngờ, Bác Văn Cao cũng nói y hệt như thế. Bác Băng kể, hai ông bạn già uống chưa hết tuần rượu thì còi báo động vang lên, rồi tiếng máy bay B52 ì ầm, rồi… bom bắt đầu rơi. Vệt bom rơi khá gần nhà 108 Yết Kiêu của bác Văn Cao. Nhưng hai ông già vẫn ngồi yên vị. Bỗng tên lửa ta bay lên, từng đợt, sáng chói. “Ông Văn nhà tôi tự nhiên nói với người bạn già: “Tên lửa mình lên lừ lừ, ông nhỉ!”. Ông bạn gật gật đầu. Đúng là tên lửa ta “lên lừ lừ” thật. Hai người bạn già ngồi ngắm tên lửa ta vây bắt lũ hung thần khát máu. Cuộc chiến đối đầu đối chọi ấy kéo dài khá lâu, những vệt bom rơi phía phố Khâm Thiên, theo đường chim bay rất gần nơi hai ông đang ngồi uống rượu. Hai ông bạn già lững thững đi xuống tầng hầm. Ở đó có căn hầm tránh bom.

Bác Thúy Băng ấn tượng nhất với câu nói bình thản của chồng mình: “Tên lửa ta lên lừ lừ, ông nhỉ!”. Trận bom B52 và cuộc chiến đấu của Phòng không - Không quân Việt Nam qua rồi, hôm sau, gia đình bác Văn Cao mới biết, không quân Mỹ đã cho máy bay B52 đến ném bom rải thảm dọc phố và khu chợ Khâm Thiên, phá hủy ngay lập tức 534 ngôi nhà. Tội ác Mỹ ngay lập tức làm chết 287 người, trong đó có 40 cụ già, 56 trẻ em, 94 phụ nữ, 97 nam giới. Nhưng chúng đã không thể hạ sát được tinh thần và ý chí của người Hà Nội, không lay chuyển được người nghệ sĩ thiên tài của chúng ta. Vụ thảm sát Khâm Thiên trở thành vụ thảm sát lớn nhất của B52 Mỹ, và là nỗi nhục của Không quân Mỹ.

Khi tôi tạm biết bắc Nghiêm Thúy Băng ra về, trong đầu tôi vẫn vang lên giọng nói đầy tự hào và bình thản của Văn Cao: “Tên lửa mình lên lừ lừ, ông nhỉ!”

Việt Nam, là như vậy.

Thanh Thảo

Nguồn Văn nghệ số 1/2023


Có thể bạn quan tâm