May 4, 2024, 1:30 am

“Việc nhẹ lương cao” là những việc gì?

Cái cụm từ “việc nhẹ lương cao” khoảng hơn chục năm về trước xuất hiện trong những cuộc bàn luận về nghề nghiệp, với một ý nghĩa nghiêm ngắn và bản thân người nhắc đến cũng bằng một niềm ngưỡng mộ. Xã hội gần như mặc định “việc nhẹ lương cao” thuộc về giới lao động trí óc. Người ta cho rằng lao động chân tay là lao động nặng, lao động bằng trí tuệ là lao động nhẹ. Việc nhẹ mà lương lại cao, thậm chí rất cao, ai chả thích! Thế nên người ta mới đua nhau cho con cái học hành phấn đấu để thoát khỏi công việc lao động chân tay nặng nhọc, tiến tới công việc nhẹ nhàng thu nhập rủng rẻng. Và ai cũng biết, để tiến tới đẳng cấp “việc nhẹ lương cao” người ta phải được học hành, đào tạo bài bản và sở hữu những năng lực hoặc sự nỗ lực không ngừng, kết hợp với vô vàn trải nghiệm, thậm chí đánh đổi, hy sinh. “Lương cao” còn được xem là thước đo trình độ, tay nghề của người lao động. Nói đến “việc nhẹ lương cao” là nói đến một thứ quả ngọt, một thứ thành tựu treo trước mắt cho lớp trẻ nhìn vào đó mà có động lực phấn đấu.

Nhưng dần dà về sau, tôi cũng không rõ từ khi nào mà cụm từ “việc nhẹ lương cao” lại ngầm bóng gió chỉ đến những vị trí quyền lực trong xã hội, tức là giới lãnh đạo. Ngồi đó “chỉ đạo”, suy nghĩ thì đã có các bộ phận tham mưu, phát biểu đăng đàn thì đã có đội ngũ thư ký viết sẵn, không làm ra bất cứ sản phẩm nào mà lương lắm bổng lộc nhiều. Người hiểu biết, chín chắn thì sẽ nói “một người lo bằng kho người làm” để giảm bớt những tị hiềm giữa tầng lớp lao động sản xuất và lao động quản lý. Việc lãnh đạo, quản lý xã hội có phải là việc nhẹ không? Tôi thì nghĩ là không, nhưng dân gian nhiều người nghĩ có và ngay trên nghị trường người ta cũng thừa nhận một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý chỉ “sáng vác ô đi, tối vác ô về”.

Thêm một đối tượng nữa trong xã hội bị châm chọc “việc nhẹ lương cao” ấy là những cô gái làm nghề mại dâm. Dù ở Việt Nam, những hành vi liên quan mại dâm là phạm pháp, nhưng đại bộ phận dân chúng vẫn xem bán dâm là một nghề của những cô gái thích “việc nhẹ lương cao”. Hoặc bộ phận làm nghề môi giới như bất động sản, môi giới xuất nhập cảnh, môi giới lấy chồng nước ngoài... cũng được xem là “việc nhẹ lương cao”.

Ngày nay “việc nhẹ lương cao” là cụm từ được người ta nhắc đến với mục đích giễu nhại, bông đùa hoặc chua chát, ám chỉ những người lao động chân tay nhẹ dạ cả tin. Đó là sự dịch chuyển ngoạn mục của “việc nhẹ” từ bộ phận lao động trí tuệ sang bộ phận lao động chân tay. Là người từng sống bằng những công việc nặng nhọc, tôi xin khẳng định là trong lĩnh vực lao động phổ thông thì không tồn tại công việc thật sự gọi là “việc nhẹ lương cao”. Bởi vì, ngay cả trong lĩnh vực lao động kết hợp chân tay và trí óc nặng nhọc như bác sỹ thì lương cũng vẫn thấp. Bác sỹ đa khoa làm tới trưởng khoa sản một bệnh viện tuyến huyện mà lương chưa nổi 10 triệu đồng/tháng thì chỉ là đủ ăn. Hay như giáo viên, bạn tôi dạy mầm non 18 năm hợp đồng đến giờ lương mới được 4 triệu đồng/ tháng. Giáo viên phổ thông các cấp “lương chính” cũng chỉ nhỉnh hơn. Bảo sao giáo viên bây giờ mười người thì hết chín quay cuồng dạy thêm, ai không có điều kiện dạy thêm thì phải làm thêm để có thêm thu nhập. Vì lương không đủ sống. Lên mạng mà xem, giáo viên bán hàng online rất đông.

Thế mà bọn trẻ độ tuổi con tôi, cháu tôi, còn đang ngồi trên ghế nhà trường, còn đang ăn bám bố mẹ lại dễ dàng tin vào những lời dụ dỗ “việc nhẹ lương cao”. Thậm chí nhiều người độ tuổi anh chị tôi, cũng tin như thế. Lòng tin của con người vốn dĩ là thứ đẹp đẽ, đáng trân trọng. Nhưng để không bị lợi dụng thì lòng tin phải được đặt đúng chỗ. Ngạn ngữ có câu “không có bữa ăn miễn phí”, thế thì làm gì có công việc miễn phí, nhất là với những bạn chưa có một chứng chỉ nghề nghiệp nào? Để tránh bị lợi dụng thì phải nâng tầm dân trí. Con người ta sống được là nhờ niềm tin mà niềm tin lớn lao nhất, cơ bản nhất là tin vào chính mình. Lại còn phải biết hoài nghi nữa. Tại sao mình được hứa hẹn đón nhận? Mình có xứng đáng không?

Gần đây, liên tiếp những vụ người lao động làm thuê cho những sòng bạc bên xứ người chạy trốn về nước bất chấp hiểm nguy, đánh đổi mạng sống. Khi được giúp đỡ, giải cứu thì họ kể rằng họ bị lừa vì tin vào những hứa hẹn “việc nhẹ lương cao”. Nếu nói rằng tại địa phương không có công việc phù hợp thì không đúng. Sau dịch bệnh, hoạt động lao động sản xuất đã dần phục hồi trở về nếp cũ. Nhiều người tôi biết đã gần năm mươi tuổi vẫn đi làm trong các công ty và nhận lương dao động từ 7-10 triệu đồng/ tháng. Những người lớn tuổi hơn nhưng có nghề thì vẫn có những công việc làm tại nhà với mức thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng. Mười năm trước, việc làm cho lao động dư thừa ở nông thôn lúc nông nhàn hay lao động không qua đào tạo là một vấn đề nhức nhối chiếm sóng mọi diễn đàn. Còn hiện tại, vấn đề chỉ là chọn lựa công việc phù hợp để làm và ổn định cuộc sống… Thuận lợi là thế nhưng con người vẫn dễ dàng sập bẫy “việc nhẹ lương cao”. Để rồi, những đứa trẻ gái mới mười bốn, mười lăm tuổi, chỉ cần mẹ mắng là ngay lập tức bỏ nhà đi tìm “việc nhẹ lương cao”. Công việc các bé được hứa hẹn là bán hàng, phụ bếp, bưng bê trong các quán. Nếu có hiểu biết thì các cháu phải biết rằng bán hàng là một công việc khó khăn. Khó gấp nhiều lần việc cầm tiền đi mua hàng. Những nơi hứa hẹn lương cao phần lớn là cạm bẫy hoặc ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Nhiều cháu đã bị “sang tay” như những món hàng, bị ép buộc làm những công việc mà luật pháp không cho phép. Thế là, thay vì nhận lương, thay vì thoát khỏi sự phụ thuộc vào cha mẹ, nhiều cháu đẩy bố mẹ vào tình trạng nợ nần, kiệt quệ vì phải chi tiền tìm con, chuộc con...

Bây giờ ai cũng biết “việc nhẹ lương cao” là cách nói hài hước đầy ngụ ý. Nhưng không phải ai cũng có thể tránh được nó. Bởi vì những kẻ lừa đảo luôn biết cách đánh vào tâm lý “ngại khó ngại khổ, thích việc nhẹ nhàng” của con người. Có một giai đoạn, nhà nhà cho con thi vào ngành học “quản trị kinh doanh” vì trong đầu các sỹ tử, các bậc phụ huynh khi ấy cho rằng “quản trị” là một công việc “đầu óc” thiên về chỉ đạo. Họ đâu biết rằng, sau 12 năm phổ thông và 4-5 năm đại học, thì con cháu họ vào đời chưa thể “quản trị” cái gì cả. Chỉ có môi trường làm việc, lao động thực tế mới cho con người mọi kỹ năng sống, đủ để xác định được rằng mình thật sự phù hợp với công việc nào. Thực tiễn luôn giúp con người ta định hướng nghề nghiệp và lựa chọn chính xác hơn là lý thuyết. Nếu chỉ nghe người ta hứa hẹn về “việc nhẹ lương cao” mà tin thì ít nhiều phải trả giá. Có khi cái giá quá đắt.

Tôi có một anh bạn cho con đi xuất khẩu lao động vì nói ở nhà nó đề đóm cờ bạc, bỏ bê vợ con, phá gia chi tử... Đi sang đó làm việc liên tục, người ta có kỷ cương, sẽ giúp nó thay đổi. Tôi bảo em có mấy người quen sang Malaysia làm dịch vụ cầm đồ và cho vay nặng lãi ở những khu vực có người Việt Nam sinh sống làm việc đấy, anh tin hay không thì tùy. Thế rồi, cuối năm ngoái, giai đoạn dịch bệnh trong nước vẫn đang căng, con anh bay về, tiền tắc xi từ sân bay về nhà anh phải trả. Và khủng khiếp hơn, là áp Tết, nhóm thu nợ của tín dụng đen đến nhà anh báo một khoản nợ con anh vay để cờ bạc khi còn ở nước ngoài lên tới bảy trăm triệu cả gốc lẫn lãi. Khi anh gọi con trai ra để tra khảo thì nó cãi là tại bố cứ bắt con đi, tại bố bảo bên ấy lao động có máy móc hỗ trợ nhiều, con người không mất sức mấy, nhưng thực tế không phải vậy, con rất vất vả, con không chịu đựng được… Hóa ra là tại anh xem youtube thấy những chiếc máy dọn vườn, hái quả, phân loại tự động… và con người chỉ việc bấm nút điều khiển và lương lại vài chục triệu đồng/tháng… Tiếc thay bài học 700 triệu của anh không đủ ngăn những người dân quê tôi tiếp tục cạy cục cho con đi xuất khẩu lao động. Suy cho cùng, con người ta có quyền mưu cầu một cuộc sống nhàn nhã nhất có thể nhưng lại có thu nhập tốt ngất có thể. Mưu cầu ấy đôi khi bất chấp những cảnh báo về sự lừa lọc. Biết là thế nhưng chúng ta có thể im lặng để cho cái xấu mặc sức hoành hành không?

Những gì tôi viết ra đây, kể ra đây, nếu chỉ có rất ít người quan tâm và trong số ít ấy có một bạn trẻ đọc được và giật mình xem xét lại cái dự định mông lung của mình, thì tôi thấy cũng đáng để viết ra rồi. “Việc nhẹ lương cao” là viễn cảnh đáng để chúng ta cảnh giác hơn là mừng vui!

Nguồn Văn nghệ số 44/2022


Có thể bạn quan tâm