May 3, 2024, 5:51 am

Về Thanh Hóa hôm nay

Cùng trong chuyến công tác với đoàn công tác của Viện Lịch sử Đảng – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh do Tiến sĩ Lương Viết Sang, Phó Viện trưởng làm trưởng đoàn, tôi đã có chuyến thực tế về hai huyện Hậu Lộc và Nghi Sơn của tỉnh Thanh Hóa. Đoàn nhận được sự đón tiếp nồng hậu của các đồng chí đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và của hai huyện cùng các phòng, ban liên quan…

Hậu Lộc vượt qua nỗi đau quá khứ

Thanh Hóa là một tỉnh nằm ở cực bắc Miền Trung, cách Thủ đô Hà Nội 150 km về phía Nam, cách Thành phố Hồ Chí Minh 1.560 km. Phía Bắc giáp với ba tỉnh Sơn La, Hoà Bình và Ninh Bình, phía Nam giáp với tỉnh Nghệ An, phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn (nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào), phía Đông là Vịnh Bắc Bộ. Bờ biển dài 102 km cùng nguồn tài nguyên biển phong phú, có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển; có bãi tắm Sầm Sơn nổi tiếng và các khu nghỉ mát khác đang hình thành; cảng nước sâu Nghi Sơn đã, đang được đầu tư và phát triển lớn. Dọc bờ biển có nhiều cửa lạch lớn, thuận lợi cho tàu thuyền đánh cá ra vào. Vùng lãnh hải rộng 17.000 km2, với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao, đây là trung tâm nghề cá của tỉnh.

Đoàn công tác thăm công trình đập KeXim - huyện Hậu Lộc

Đoàn công tác được tới thăm xã Ngư Lộc thuộc huyện Hậu Lộc, là xã có mật độ dân số đông nhất nước ta. Tính đến đầu năm 2022, tổng dân số của xã là trên 19.000 người. Trong khi đó, diện tích đất ở chỉ vỏn vẹn 0,46km2, mật độ dân số lên đến 40.000 người/km2. Một di tích lịch sử, cách mạng mà bất kỳ đoàn công tác nào tới đây đều không thể không tới, đó là ngôi nhà và ngôi mộ của Mẹ Tơm, một bà mẹ như bao bà mẹ Việt Nam khác đã hiển hiện sống động trong bài thơ “Mẹ Tơm” của cố nhà thơ Tõ Hữu. Những câu thơ khắc vào tâm trí mọi người, khiến đoàn công tác chúng tôi ai cũng bùi ngùi, rưng lệ: “Ôi bóng người xưa đã khuất rồi/ Tròn đôi nấm đất trắng chân đồi/ Sống trong cát, chết vùi trong cát/ Những trái tim như ngọc sáng ngời”… Song, điều khiến đoàn công tác vô cùng xúc động bởi được biết, năm 1996, cơn áp thấp nhiệt đới đã gây ra cho mảnh đất Hậu Lộc này những hậu quả mà cho tới nay, không ai có thể đếm được, có chăng chỉ đếm được bằng nước mắt của những người ở lại. Trận áp thấp nhiệt đới gần bờ năm 1996 đã cướp đi 54 ngư phủ. Đến nay, hàng năm, cứ vào ngày mùng 1 tháng 7 âm lịch, Ngư Lộc lại có 54 cái giỗ những ngư dân tử nạn lần ấy. Khói nhang còn tỏa nghi ngút, những giọt nước mắt tiếc thương và nỗi đau vẫn âm ỉ chưa nguôi. Thảm họa ngày ấy chưa bao giờ cũ, vẫn đủ để nhắc nhớ mỗi ngư dân, cấp ủy, chính quyền thảm họa đau thương này.

Biển Ngư Lộc - huyện Hậu Lộc

Hậu Lộc là huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Thanh Hoá, điều kiện tự nhiên đa dạng. Trước đây, người Thanh Hóa có câu “Nhất Xương, nhì Gia, thứ ba Hậu Lộc”. Xương tức Quảng Xương, Gia tức Tĩnh Gia, cùng với Hậu Lộc là ba huyện nghèo đói nhất tỉnh này. Song, nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng cũng như những nỗ lực điều hành của chính quyền và sự cần cù, chịu khó của người dân trong huyện, Hậu Lộc đã phát triển vượt bậc dựa trên 3 vùng sinh thái kinh tế: Vùng đồi, vùng đồng bằng chủ yếu là phù sa và vùng ven biển; Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân của huyện đạt trên 14%. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông - lâm - thuỷ sản giảm từ 30% (năm 2020) còn 29,23% (năm 2023); Tổng sản lượng thủy sản bình quân đạt 48.000 tấn/năm, giá trị toàn ngành đạt 1.500 tỷ đồng. Trong đó, diện tích nuôi trồng thuỷ sản 1.855 ha (nước ngọt 735 ha, nước lợ 550 ha, nước mặn 570 ha). Toàn huyện có 635 tàu cá. Tính đến nay có 133 tổ đoàn kết, với 431 tàu cá và 2.221 lao động.

Đoàn công tác thăm nhà mẹ Tơm (tên thật là Nguyễn Thị Quyển, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc)

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế biển tại Hậu Lộc còn một số khó khăn như cường độ, tần suất bão lớn gây khó khăn, nguy hiểm cho giao thông, cho hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân ở vùng ven biển. Luồng lạch ra vào cảng và khu neo đậu cá bị bồi lấp, cơ sở hạ tầng cảng cá và một số hạng mục đã xuống cấp; một số hạng mục chưa được đầu tư, như: hệ thống bơm nước chưa hoàn chỉnh, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống chiếu sáng, nhà điều hành… Cùng với đó là nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm do cường lực khai thác vượt quá trữ lượng nguồn lợi thủy sản. Huy động nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế biển đạt kết quả chưa cao do thiếu cơ chế khuyến khích đầu tư… Chính vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế biển của huyện từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu có dư địa để phát triển như: đẩy mạnh phát triển nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản, công nghiệp ven biển; từng bước kết nối hình thành du lịch sinh thái, tâm linh ven biển.

Nghi Sơn - mảnh đất giàu tiềm năng

Sau khi thăm và làm việc với huyện Hậu Lộc, đoàn công tác được tới thăm một trong Tứ Sơn đầu tàu kinh tế của tỉnh Thanh Hóa. Đó là Thị xã Nghi Sơn, nơi có đường bờ biển dài 42km, với 15 xã, phường ven biển; có 3 cửa lạch (Lạch Bạng, Lạch Ghép và Lạch Hà Nẫm), có 2 cảng cá Lạch Bạng và cảng cá phường Hải Châu, với nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch quốc gia như: Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc-Nam, vận tải biển trong nước và quốc tế qua hệ thống cảng biển Nghi Sơn, các tuyến đường quan trọng nối liền Khu kinh tế Nghi Sơn với các khu vực phát triển kinh tế của tỉnh. Đây là tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp, đô thị hóa phát triển công nghiệp nặng, năng lượng, chế biến, chế tạo, dịch vụ Logistics, du lịch, khai thác thủy sản. Đồng thời là điệu kiện thuận lợi phát triển thị xã Nghi Sơn - Khu kinh tế Nghi Sơn trở thành cầu nối giữa các cực kinh tế lớn là Hà Nội – Hải Phòng - Quảng Ninh và khu vực miền Trung theo Nghị quyết số 58 NQ/TW của Bộ Chính trị.

Cảng quốc tế Nghi Sơn

Cảng biển nước sâu Nghi Sơn không chỉ có vai trò quan trọng đối với sự hình thành phát triển của Khu kinh tế Nghi Sơn mà còn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Khu kinh tế Nghi Sơn là một trong 8 Khu kinh tế trọng điểm ven biển của cả nước, trong đó cảng biển Nghi Sơn góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư vào khu kinh tế Nghi Sơn cũng như vào tỉnh Thanh Hóa.

Đến nay, cơ bản các bến cảng trong KKT Nghi Sơn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với 14 dự án khai thác hạ tầng cảng biển, tổng mức đầu tư đăng ký khoảng 25.000 tỷ đồng. Trong đó, khu vực cảng tổng hợp gồm 21 bến cảng, đã có 10 bến đã hoàn thành đi vào khai thác kinh doanh, gồm: các bến cảng của Công ty Cổ phần cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa 02 bến, Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản Đại Dương 03 bến, Công ty Cổ phần gang thép Nghi Sơn 05 bến. Khu vực cảng chuyên dùng gồm 18 bến và khu bến, đến nay đã có 12 bến hoàn thành và đi vào hoạt động, phục vụ các dự án lớn trong KKT Nghi Sơn như: Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn 08 bến cảng, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn 01 bến, các Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và 2 có 03 bến cảng. Khu cảng container gồm 10 bến cảng, đã chấp thuận cho Công ty Cổ phần gang thép Nghi Sơn đầu tư 04 bến, Công ty TNHH Long Sơn đầu tư 04 bến; các dự án này đang trong quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra, còn 01 bến dành cho cơ quan quản lý cảng đã được đầu tư với chiều dài bến là 98 mét, hiện nay tỉnh đã có chủ trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương dự án Cảng biển Xuân Thiện Nghi Sơn với năng lực tiếp nhận tàu hàng tổng hợp, container có tải trọng tới 200.000 DWT, tổng mức đầu tư 15.000 tỷ đồng.

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn

Bên cạnh đầu tư vào các khu kinh tế và các cảng biển, huyện luôn quan tâm tới đầu tư cho công nghiệp không khói. Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của thị xã, trong đó du lịch biển là sản phẩm du lịch thế mạnh, thị xã đã ưu tiên các nguồn lực cho phát triển du lịch, các khu du lịch trọng điểm, có khả năng khai thác phát triển du lịch đã được rà soát, điều chỉnh, bổ sung, lập mới các quy hoạch du lịch, làm cơ sở để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút và triển khai thực hiện các dự án đầu tư về du lịch. Tập trung xúc tiến kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án trên địa bàn, điển hình như: khu du lịch sinh thái Tân Dân, Hải Lĩnh, Ninh Hải, Hải Ninh, Bình Minh... Bên cạnh đó tập trung xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2025, trong đó chú trọng việc kết nối du lịch biển Hải Hoà, Bãi Đông với du lịch Đảo Mê do Công ty TNHH dịch vụ khách sạn Anh Phát khai thác.

Toàn thị xã có 108 cơ sở lưu trú du lịch trong đó: 01 khách sạn xây dựng theo tiêu chuẩn 4 sao, 06 khách sạn 3 sao, 23 khách sạn từ 1 - 2 sao và có 78 nhà nghỉ đảm bảo nhu cầu phục vụ khách du lịch. Giai đoạn 2021 đến hết tháng 5/2023, toàn thị xã đón được 1.576.650 lượt khách, bình quân mỗi năm đạt 652.000 lượt, riêng năm 2022 vượt chỉ tiêu Nghị quyết ĐH giai đoạn 2021 - 2025 đề ra; 5 tháng đầu năm 2023, lượt khách du lịch đạt 289.975; tổng thu từ du lịch ước đạt trên 907 tỷ đồng.

Đoàn công tác tại cảng cá Lạch Bạng, Thị xã Nghi Sơn

Vĩ Thanh

Thanh Hóa là một tỉnh có sự tăng trưởng kinh tế nhanh và rất mạnh mẽ trong những năm gần đây. Sự tăng trưởng đó luôn có sự đóng góp của các các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trong tỉnh. Năm 2022, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt hơn 51.000 tỷ đồng, vượt 71% dự toán và tăng 24,6% so với cùng kỳ, là năm đầu tiên thu ngân sách của tỉnh vượt mốc 50 nghìn tỷ đồng. Chia tay địa phương, thay mặt đoàn công tác của Viện Lịch sử Đảng – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Lương Viết Sang cảm ơn sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo hai địa phương Hậu Lộc và Nghi Sơn đã dành thời gian tiếp và làm việc với đoàn. Qua trao đổi và thực tế cơ sở, đoàn được lắng nghe, chứng kiến những thành tựu đạt được và khó khăn của các địa phương trong phát triển kinh tế biển. Qua đó, đoàn có thêm những thông tin bổ ích và kinh nghiệm quý để vận dụng trong quá trình nghiên cứu, đào tạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao cũng như kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền có các cơ chế, chính sách trong phát triển kinh tế biển. Đoàn công tác chúc mừng sự phát triển vượt bậc về kinh tế của tỉnh Thanh Hóa nói chung và của hai huyện Hậu Lộc và Nghi Sơn nói riêng. Hy vọng, lần trở lại sau, sẽ được thấy Hậu Lộc và Nghi Sơn phát triển, đạt nhiều thành tựu hơn nữa, xứng đáng là một trong những đầu tàu kinh tế của tỉnh Thanh Hóa.

Mai Nguyễn

 


Có thể bạn quan tâm