May 3, 2024, 10:18 pm

Về quê Đại tướng Chu Huy Mân

Xã Hưng Hòa, thành phố Vinh (xưa là xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên), quê Đại tướng Chu Huy Mân, chỉ cách thành phố Vinh bảy cây số nhưng đất đai, phong thổ có những nét độc đáo đặc biệt, cảnh quan kỳ thú hấp dẫn.

Rời nội thành náo nhiệt về đây có cảm giác như được thư giản, như lạc vào một thế giới khác. Sông Lam chảy từ đầu đến cuối xã mở lòng ra gần cây số, mặt nước trong xanh như tấm gương soi bóng núi Hồng Lĩnh bên kia bờ Hà Tĩnh. Những chiếc thuyền chài lửng lờ thả vào không gian tiếng gõ cá lúc khoan, lúc nhặt. Con đê sừng sững như cánh tay dài ôm lấy những xóm làng bình yên, đồng lúa, đồng cói, hồ đầm, hói lạch trải tít tắp tận chân trời. Phía cuối xã là rừng bần chạy dài hơn 3 km dọc theo đê chấp chới cánh cò cánh vạc. Đứng ở rừng bần nhìn sang bờ nam thấy rõ làng Tiên Điền với bến Giang Đình, với những ngọn cây cổ thụ ở Khu di tích lưu niệm Nguyễn Du. Xuôi theo sông Lam chừng bốn cây số là Cửa Hội thấy rõ hòn Song Ngư như đôi cá chụm đầu vào nhau.

Đại tướng Chu Huy Mân về thăm, làm việc với cán bộ Thành ủy Vinh đầu xuân 2003

Mảnh đất này xưa kia cũng như Vinh là vịnh biển (sau này Vịnh bỏ dấu nặng thành Vinh), được bồi tụ dần nhưng dấu vết của biển còn để lại khá rõ. Đào sâu hàng mấy chục mét nước vẫn chua mặn, có những đầm nước mặn chỉ năn lác, rong tảo mới sống được. Hồ đầm, hói hà chằng chịt với những xứ đồng tên gọi đẫm màu sông biển: Giập Giang, Quày Đáy, Hà Đoạn, Long Triều. Nghề trồng cói, dệt chiếu - nghề duy nhât ở thành phố Vinh, nếu không nói là Nghệ An - đã tồn tại ở đây hàng trăm năm nhưng nó chỉ là nghề phụ khi mà cho đến những năm đầu đổi mới, 85% dân số còn là nông dân, hạt gạo đúng nghĩa là ngọc thực, nhà nông mưu sinh chủ yếu bằng trồng lúa. Đồng đất thì mênh mông nhưng nghề làm ruộng ở mảnh đất đồng chua nước mặn này thật cơ cực vất vả, phải chắt chiu từng gàu nước ngọt, không có vôi khử phèn cây lúa chẳng khác gì cỏ may. Cây cói, cây đay, con tôm con cá, cua cáy trên đồng, rươi hến ngoài sông – những sản phẩm vùng nước lợ - góp phần cứu đói, cứu mạng cho con người song nó cũng góp thêm phần cực nhọc vất vả cho bà con. Người nông dân cả ngày quần quật trên đồng, tối về còn phải thức khuya dệt chiếu. Người già trẻ em cũng phải trằn mình trên khung dệt. Mãi đến những năm đầu thập kỷ 90, thế kỷ 20, tôi còn được nghe bài vè nói về đặc điểm mấy xã ngoại thành Vinh:

Giàu sang Nghi Phú

No đủ Vinh Tân 

Kiệm cần Hưng Lộc

Khó nhọc Hưng Hòa…

Nằm ở cửa ngõ phía đông thành phố, gần nhà máy xe lửa Trường Thi, cảng Bến Thủy, thực dân Pháp coi mảnh đất này là vị trí quan trọng trong chính sách khai thác thuộc địa, vị trí chiến lược quân sự xung yếu trong kế hoạch xâm lược Đông Dương. Chúng đặt đồn binh ngoài bãi sông, Xây dựng sân bay ở trên đồng bây giờ còn cái tên đồng Tàu Bay. Chúng bắt dân nai lưng đào đất đắp sân bay, biến hàng trăm mẫu ruộng thành hồ nước mênh mông làm hồ bơi, hồ cảnh, giờ gọi là Hồ Goong. Bọn hào lý, bang tá được thể hoành hành, làm mưa làm gió. Dân đã vất vả cực khổ vì thiên tai lũ lụt lại thêm cơ cực vì sự áp bức, bóc lột, vơ vét của chúng. Tôi không ngờ cảnh bán con bán chó xót xa trong tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố được tái hiện trong bài thơ Mẹ của Đại tướng Chu Huy Mân trong tập tài liệu đánh máy như là hồi ký ông gửi cho xã để làm sử:

Bán hai còn sáu vẫn gian nan

Rau cháo ngày qua mẹ tảo tần

Con út lớn lên nguồn hy vọng 

Nhưng nước non đã gọi tuổi xuân…

Cha mẹ sinh những 8 người con, ông là con út, con thêm nên gọi là Đèo, sau đổi thành Điều - Chu Văn Điều. Mới 14 tháng tuổi cha qua đời, một mình mẹ tảo tần nuôi đàn con nhỏ “Nhà tre trống rỗng đàn con dại/ Mẹ đau thân phận đến bao giờRau cháo vẫn không có đủ nuôi con, phải đứt ruột bán đi hai để cứu cả nhà. Phải chạy ăn từng bữa nhưng mẹ không nguôi hy vọng khi thấy Đèo thông minh sáng dạ đã cho theo học chữ nho một thầy đồ trong xã, sau lại theo học quốc ngữ một thầy trên Vinh về dạy. Ban đầu cùng học a, b, c sau rồi cậu tự mày mò dạy lại cho bạn tối dạ trong lớp hoặc vì hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học…

Nhà tưởng niêm Đại tướng Chu Huy Mân ở xã Hưng Hòa, Thành phố Vinh.
Ảnh: Đinh Thanh Quang

Mảnh đất Yên Lưu không được thiên nhiên ưu đãi, nên con người nơi đây muốn tồn tại phải có bản lĩnh kiên cường, bất khuất chống lại thiên tai lũ lụt triền miên tạo nên nét đẹp truyền thống không chỉ trong chế ngự thiên nhiên mà cả trong chống giặc ngoại xâm. Họ đã nhiệt tình ủng hộ phong trào Văn thân, sĩ phu xứ Nghệ như Trần Tân, Đặng Như Mai; khi phong trào Cần vương bùng nổ, đã tham gia nghĩa quân Phan Đình Phùng, hưởng ứng phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh bằng chống thuế, cự sưu. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cuộc biểu tình 1/5/1930 lịch sử mở đầu cho cao trào cách mạng 1930-1931, hàng trăm người dân Yên Lưu đã kéo lên Vinh hòa vào khối người đông đảo gồm nông dân, công nhân, lao động thành phố đòi yêu sách Ngày làm tám giờ, tăng tiền lương; giảm sưu thuế, chia lai ruộng đất công bất chấp kẻ thù đàn áp khủng bố…

Chính quê hương lam lũ mà quật khởi, mà nghĩa nặng tình sâu, một trong những cái nôi của cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã hun đúc ý chí, tinh thần của chàng trai nghèo sớm giác ngộ cách mạng. Anh đã tích cực tham gia đội tự vệ đỏ, trở thành đội phó và cuối năm 1930 được chi bộ kết nạp khi bước sang tuổi 17. Năm 1933, anh được bầu làm bí thư chi bộ. Đây là giai đoạn cực kỳ gian khổ, khó khăn sau khi cao trào Xô Viết bị kẻ thù kịch liệt đàn áp khủng bố, hầu hết các đảng viên bị bắt lên Nhà lao Vinh, rồi đày đi Buôn Ma Thuột. Bản thân anh cũng bị bọn bang tá bắt cùng một số cốt cán trong xã. Chúng dùng roi mây ngâm nước mắm tra tấn đánh đập dã man bắt nhận “đã làm cộng sản”, ký vào tờ giấy “xin quy thuận”. Anh kiên quyết phản đối không nhận, không ký. Phần vì không đủ bằng chứng, phần vì thức khuya, uống nhiều rượu, lại cố sức hét lác đánh đập; chúng quá mệt phải thả. Năm 1937 anh bị bắt lên Nhà lao Vinh, sau đó được thả rồi bị bắt lại. Đầu năm 1940, bị đày đi Kon Tum. Và như cánh chim bằng cưỡi gió, anh vượt ngục lao vào bầu trời giông bão, hiến trọn cuộc đời cho độc lập tự do của Tổ quốc.

Do công lao, những cống hiến, đóng góp to lớn, ông Mân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Và, điều vô cùng vinh dự, vô cùng vẻ vang, rất bình dị mộc mạc mà rất nhân văn đó là ông được Bác Hồ cùng cán bộ, chiến sĩ gọi bằng cái tên thân thương trìu mến là “Anh Hai Mạnh”– mạnh cả về quân sự và chính trị.

Bàn chân của Anh Hai Mạnh bôn ba khắp mọi nẻo đường của Tổ quốc từ Cao Bắc Lạng đến Khu 5 dằng dặc khúc ruột miền Trung, lên Tây Nguyên, sang đất nước Triệu Voi được nhân dân các bộ tộc Lào thân mật gọi là “Tướng Thao Chăn”. Ở đâu Đảng cần, Tổ quốc gọi là ông có mặt. Ông luôn đứng mũi chịu sào ở những nơi gian khổ, khó khăn, ác liệt nhất. Đã từng là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316, đơn vị tham gia nhiều chiến dịch lớn, đặc biệt đã hành quân cấp tốc truy kích địch giải phóng Lai Châu, bao vây Điện Biên Phủ và chỉ huy chiến đấu góp phần giành thắng lợi chiến dịch lịch sử này. Trong kháng chiến chống Mỹ Ông đã hai lần làm Phó bí thư Khu ủy, Bí thư Quân khu ủy, Chính ủy, Tư lệnh Quân khu 5; Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận B3 - Tây Nguyên. Tài thao lược của ông ở hai mặt trận Khu 5 và B3 đã góp phần vào chiến thắng lừng lẫy Plâyme - Ia Đrăng, tiêu diệt chiến đoàn thiết giáp ngụy và lần đầu tiên tiêu diệt một tiểu đoàn quân Mỹ, giải phóng Đà Nẵng; điểm mấu chốt, mắt xích quan trọng cho một loạt chiến thắng vang dội trên các chiến trường trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước…

Ngày ông qua đời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến viếng, ghi vào sổ tang những lời tâm huyết thể hiện tình cảm sâu nặng; sự quý mến trân trọng vô cùng: “Đại tướng Chu Huy Mân là một cán bộ lãnh đạo cao cấp tiêu biểu của Đảng và nhà nước, một tướng lĩnh xuất sắc, chính trị quân sự song toàn của quân đội ta, là một tấm gương sáng cho toàn quân, toàn dân học tập… Đối với tôi, Đại tướng Chu Huy Mân là người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết, người cán bộ mà tôi đặt nhiều niềm tin khi đồng chí được gao nhiều nhiệm vụ quan trọng…

*

Về Hưng Hòa hôm nay, đi trên con đường du lịch ven sông Lam (vốn là mặt đê Tả Lam) mịn màng, rộng 12m, hai bên ta luy ghép đá, dựng lan can, cột điện chiếu sáng tôn thêm vẻ đẹp cho cảnh quan nơi đây; nhà lưu niệm Đại tướng Chu Huy Mân tọa lạc trên một khuôn viên rộng hàng ngàn mét vuông ở ngay bên đường rạng lên như một điểm nhấn khiến lòng tôi bồi hồi xúc động. Nhớ lại hơn 20 năm trước, tôi cùng một cán bộ xã ra nhà ông ở 36A Lý Nam Đế (Hà Nội) để ông trao đổi về bản thảo Lịch sử xã Hưng Hòa xã đã gửi ra trước để ông đọc, thẩm định; ông đã đọc và ghi vào bên lề, mặt sau trang những chỗ cần bổ sung, sửa chữa. Trước lúc kết thúc, ông dặn đi, dặn lại: “Trong lời nói đầu và những chỗ về phong tục tập quán, quan hệ xã hội phải nêu rõ xã mình rất tôn trọng đạo lý nghĩa tình, rất có ý thức bảo vệ thuần phong mỹ tục. Truyền thống ấy có từ xưa và được gìn giữ tới bây giờ. Nó là yếu tố quan trọng làm nên sức mạnh tinh thần, làm nên phẩm chất anh hùng…”. Vậy mà, con người luôn nặng lòng với quê hương, coi trọng nghĩa tình ấy đã từ chối thẳng thừng mấy ông cán bộ xã (có người là anh em bà con) ra nhờ ông tác động kéo vốn về làm đường, xây dựng hạ tầng... Ông bảo: “Đừng nghe người ta bày dại đi làm cái chuyện “cục bộ địa phương”. Bác Hồ dạy Phải tự lực cánh sinh, nay Đảng yêu cầu Cần phát huy nội lực, xã mình có nhiều tiềm năng, các cháu nên đi tham quan học hỏi các nơi rồi về bàn bạc nghĩ cách làm giàu cho dân, cho xã. Cứ lo nhờ vả, “tác động” xây cái này, cái kia cho to, cho oai mà dân cứ khổ thì xây làm chi?”…

Những lời khuyên bảo ấy của ông thật chí tình chí lý chứng tỏ cái nhìn sáng suốt của một cán bộ lãnh đạo từng trải, giàu kinh nghiệm và có lòng tin tuyệt đối vào truyền thống cần cù thông minh, ý chí quật khởi của bà con quê hương…

Nhưng quá trình đổi mới, phát triển đâu dễ dàng đối với mảnh đất thuần nông, từng được mệnh danh là “rốn nước”, “túi đựng nước thải của thành phố”. Vậy mà, kỳ diệu thay, về xứ đồng Long Triều, nơi ra đời Chi bộ Yên Lưu, nơi tá túc đầu tiên của Xứ ủy Trung Kỳ khi tạm lánh đây; ngôi đền thiêng chỉ còn lại cái tên nhưng từ cái cồn nơi xưa đền tọa lạc nhìn ra thấy hồ tôm san sát mênh mông kéo xuống tận Nghi Thái, Nghi Lộc. Một chủ hồ, từng là phó chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp, bảo: “Để có thu hoạch, có lợi nhuận từ con tôm ông và các hộ nuôi ở đây đã “chiến đấu thật sự”, phải gọi là sống chết, búng quẩy cùng tôm... Giờ thì diện tích nuôi tôm đã phát triển lên 200 héc ta, không có ăn thì dại chi đi ôm lấy cái cực, cái lao tâm khổ tứ…”

Lời ông cùng những điều tai nghe mắt thấy cho tôi tin vào thực chất danh hiệu “Xã đạt chuẩn nông thôn mới” tỉnh công nhận tháng 11 năm 2015 với thành tích: Trong 5 năm huy động 195,5 tỷ đồng xây dựng các công trình phúc lợi, trong đó nhân dân đóng góp 4 tỷ ; nhân dân hiến 18.391m2 đất và hàng ngàn ngày công để xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, mương máng ; xây dựng trên 300 ha cánh đồng mẫu lớn, trên 200 ha nuôi tôm xuất khẩu, 70 ha nuôi cá nước ngọt, 60 mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi… Hộ giàu tăng nhanh, hộ nghèo giảm xuông chỉ còn dưới 2%. Và, từ đó, càng vững tin thế hệ cháu con “Anh Hai Mạnh” vẫn xứng đáng với truyền thống Xô Viết quang vinh, không làm hổ danh tên tuổi của Anh cùng mảnh đất Yên Lưu, Thành phố Đỏ anh hùng.   

Đinh Thanh Quang

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2023


Có thể bạn quan tâm