April 28, 2024, 4:00 pm

Về bài thơ ĐÊM NHẠN LẺ[1] của Nguyễn Minh Hùng

 

                                                                                                              

          ĐÊM NHẠN LẺ

         

 Đàn sếu nghiêng xuống dưới trăng chiều

ồn ào tìm phương trú ẩn

bọn ngỗng tuyết huyên náo tranh chỗ ngủ đêm

đám đông che kín mặt đầm lầy

 

Riêng đoàn chim nhạn vẫn trật tự thủy chung

vây quanh các bô lão

kẻ bệnh tật

và bọn trẻ con thơ dại

trong cái cách cố hữu bầy đàn

giữa đêm tạm trú hằng thường

của kiếp thiên di

 

Đứng cảnh giới

có một con mà bọn phường săn gọi là:

Nhạn Lẻ

 

Đêm Nhạn Lẻ là đêm riêng không nói nổi

đôi cánh rã rời và bụng đói có hề chi

đến cái chết cũng chưa hẳn là điều quan trọng nhất

thì sự mất ngủ và nỗi cô đơn chẳng nghĩa lý gì

 

Bọn cung tên thường mai phục giữa đêm khuya

lửa châm lên rồi phụt tắt đánh lừa kẻ - cảnh – giác

đàn chim mớ ngủ bị quấy rầy trở nên nhớn nhác hỗn loạn

chúng xúm vào mổ chết con Nhạn Lẻ trước lê minh

rồi tiếp tục đắm say trong giấc ngủ ngỡ thanh bình…

 

Những lưới đạn vô tâm giăng mắc

những vì sao nhấp nháy quá xa vời

khi nhắm mắt bóng tối luôn gần nhất

từng cánh nhạn lìa cành cùng lá thu rơi

 

Đó là đêm bi kịch của sự cảnh giới

hay thời khắc diệt vong của lẽ tồn sinh?

khi mặt trời lên soi lau lách

trên chiếc lông vũ bẽ bàng u ẩn những sinh linh…

 

Thiên Di là tập thơ thứ hai của nhà thơ, nhà phê bình văn học Nguyễn Minh Hùng ra đời năm 2014. Trong Thiên Di, Đêm Nhạn Lẻ là bài thơ “khó hiểu” nhất của những bài thơ “khó hiểu”. Cánh nhạn từng bay với ráng chiều và vọng tiếng kêu sương từ Đường thi cho đến hôm nay đã trở nên quen thuộc nhưng Đêm Nhạn Lẻ là “tiếng kêu mới” của kẻ đã chọn tiếng kêu tinh huyết (Bay ngược), là lời cảnh tỉnh trước cuộc chết chóc khôn lường và kì lạ trong kiếp thiên di.

Đó là đêm bi kịch của sự cảnh giới/ hay thời khắc diệt vong của lẽ tồn sinh? - câu hỏi bức thiết đặt ra trước sự chứng kiến hãi hùng ở hai câu tiếp theo của khổ thơ cuối: Khi mặt trời lên soi lau lách/ trên chiếc lông vũ bẽ bàng u ẩn một sinh linh… Câu hỏi hiện hữu lúc này đúng hay sai, sai mới là diễm phúc!... Hỏi không để trả lời mà để khẳng định sự khốc liệt của tấn bi kịch đi tìm đất sống.

Mở đầu cấu tứ Đêm Nhạn Lẻ là cảnh tượng bát nháo từ những thân phận thiên di. Thiên di không chỉ là hành trình nơi chốn. Thiên di trong thơ của Nguyễn Minh Hùng còn mang hàm nghĩa sâu xa. Đó là sự trượt ngã, trôi lăn, chia lìa, đoạn tuyệt… với chân giá trị cốt lõi trước những cám dỗ mang tính bầy đàn:

Đàn sếu nghiêng xuống dưới trăng chiều

ồn ào tìm phương trú ẩn

bọn ngỗng tuyết huyên náo tranh chỗ ngủ đêm

đám đông che kín mặt đầm lầy

Một cảnh tượng thật sinh động dưới khung trời hoàng hôn inh ỏi âm thanh của bọn kiếm sống tìm chỗ tạm nghỉ trên đường thiên lí. Trong “đàn” chim ấy, có một “đoàn” khác biệt, một “tổ chức” quy củ, thứ lớp và được phân công nhiệm vụ dù vẫn trong bản chất “cố hữu” của bản năng loài:

Riêng đoàn chim nhạn vẫn trật tự thủy chung

vây quanh các bô lão

kẻ bệnh tật

và bọn trẻ con thơ dại

trong cái cách cố hữu của bầy đàn

giữa đêm tạm trú hằng thường

của kiếp thiên di

Chim không còn là chim, không phải lũ sếu trong tiếng gọi đàn điếc tai/ kiếm miếng ăn da diết (bài đã dẫn) nữa. “Đoàn” di trú gồm nhiều thế hệ với bô lão bệnh tậtđám trẻ con thơ dại - sự thơ dại vẫn mang tính bầy đàn càng khiến các bô lão cố hữu, bất động, chết cứng trong cách nghĩ cách làm của cuộc mưu sinh. Và bỗng dưng xuất hiện một hình tượng Nhạn Lẻ giữ vai trò cảnh giới giấc ngủ của đoàn - chim - nhạn. Màn đêm buông xuống, giấc ngủ là thứ cám dỗ muôn thuở của muôn loài. Nhạn Lẻ linh cảm sự nguy hiểm rập rình trong bóng tối. Linh cảm biến thành nhận thức, nhận thức điều khiển hành động quyết liệt đầy tinh thần trách nhiệm và sự hi sinh:

Đêm Nhạn Lẻ là đêm riêng không nói nổi

đôi cánh rã rời và bụng đói có hề chi

đến cái chết cũng chưa hẳn là điều quan trọng nhất

thì sự mất ngủ và nỗi cô đơn chẳng nghĩa lý gì

Cô đơn mới làm nên sự sáng tạo của nghệ sĩ? Nhưng đối với kẻ dự báo, và canh gác cho sự an nguy đồng loại thì sự mất ngủ và nỗi cô đơn chẳng nghĩa lý gì. Để rồi chính Nhạn Lẻ phải chuốc họa vào thân bằng cái chết từ bầy đàn trong thời khắc tranh sáng tranh tối giữa cơn mớ ngủ. Bầy đàn/ bóng tối/ mớ ngủ thì đã tận cùng vô minh! Người cảnh giới, cứu tinh phút chốc là kẻ thù, là thủ phạm quấy rối giấc mơ; kẻ lai tỉnh đã phải trả giá trước đồng bọn trong cơn mê đắm.

Bọn hủy diệt (cũng một bản năng ấy mà thôi), tỉnh táo hơn, thông minh hơn, chọn đúng vào thời điểm tự hủy diệt ấy để chỉ cần tốn thêm ít viên đạn cuối cùng:

Bọn cung tên thường mai phục giữa đêm khuya

lửa châm lên rồi phụt tắt đi đánh lừa kẻ - cảnh - giác

đàn chim mớ ngủ bị quấy rầy trở nên nhớn nhác

chúng xúm vào mổ chết con Nhạn Lẻ trước lê minh

rồi tiếp tục đắm say trong giấc ngủ ngỡ thanh bình…

Bi kịch đâu chỉ mình Nhạn Lẻ mà còn của chính bầy đàn: chúng xúm vào mổ chết con Nhạn Lẻ trước lê minh/ rồi tiếp tục đắm say trong giấc ngủ ngỡ thanh bình… Khác chăng, kẻ biết trước và kẻ không biết gì về thứ bi kịch hằng thường ấy. Cái kết của đêm riêng không nói nổi hay đúng hơn là niềm chung không cạn tỏ trước mối an nguy luôn hiển hiện trên tiến trình đấu tranh cho các cuộc sinh tồn:

Những lưới đạn vô tâm giăng mắc

những vì sao nhấp nháy quá xa vời

khi nhắm mắt bóng tối luôn gần nhất

từng cánh nhạn lìa cành cùng lá thu rơi

Vở bi kịch vào hồi kết tràn ngập những mặt đối lập và tương hỗ: lưới đạn/ vô tâm/ vì sao quá xa vời/ bóng tối luôn gần nhất/ nhạn lìa cành/ lá thu rơi… Bốn dòng kết như một khái quát câu chuyện kể về Đêm Nhạn Lẻ:

           Đó là đêm bi kịch của sự cảnh giới

          hay thời khắc diệt vong của lẽ tồn sinh?

          khi mặt trời lên soi lau lách

          trên chiếc lông vũ bẽ bàng u ẩn những sinh linh…

Như một quy luật nghiệt ngã. Như một định mệnh an bài. Không, chiếc lông vũ sót lại là biểu tượng muôn sinh linh tiếp tục rơi vào một trạng thái bi kịch mới: tưởng khi mặt trời lên soi lau lách thì bóng tối, cái xấu, cái ác lộ diện, sự sống và cái đẹp được tái sinh, ai ngờ: trên chiếc lông vũ bẽ bàng u ẩn những sinh linh… Trong bài thơ Hồng Hạc, tuy có phần nhẹ nhàng, Nguyễn Minh Hùng đã hình tượng hóa chiếc lông vũ - Những đồng bãi phương Nam mỏi mắt/ Cảnh hồng chân mây đi miết không về/ Kỉ niệm lông vũ ngời đáy nước/ Dáng mây đùn thiếu phụ sơn khê - cũng là một tan biến bẽ bàng của cái đẹp theo một cách khác mà ông luôn hoài tưởng.

Kí thác vào hình tượng loài chim trời với đặc tính Thiên Di, nhân vật trữ tình hiện ra khá chi tiết, cụ thể với mỗi loài (vịt trời, sếu, ngỗng tuyết, nhạn, hồng hạc, chim yến,…), trong nhiều không gian và thời gian khắc nghiệt (giá rét, bóng tối, mưa tuyết, đá sỏi, đường dài, đảo vời xa, trùng dương, góc trời cô lẻ, vách đá, mỏm núi cao, bụi cỏ gai,…), trong những trạng huống thử thách nguy cấp (ổ gà vô hình, bay ngược, trận trận thu phong, dặm nghìn gió lộng, cơn bão cuối cùng, lả đi trong chiều tắt, vấp té, treo trên sóng, rơi, rớt, rụng, lưới đạn vô tâm giăng mắc,…), Nguyễn Minh Hùng muốn ẩn náu một thông điệp: “...Trên đường thiên lí, loài chim di trú trải qua nhiều cảnh tượng huy hoàng và rủi ro, bất trắc. Chúng bị rình rập bởi giông bão, cái đói, bệnh tật, già yếu, phường săn và sự tự hủy hoại của bầy đàn. Đối với loài thiên di, quê hương là khái niệm có ý nghĩa nhưng đất sống, sự sống, cao hơn là sự tồn tại lại mang một ý nghĩa khác. Thân phận người - nhất là nghệ sĩ - phải chăng là một cánh thiên di?! Trong không gian bay diệu vợi ấy, số phận Cái Đẹp mong manh và vĩnh hằng ước muốn được chất chứa qua chữ và kiểu cấu trúc”[2]. “Thơ Nguyễn Minh Hùng là thơ viết trong hành trình về những hành trình tưởng như mơ hồ vô vọng. Hai cuộc lữ hành xa hút bền bỉ ấy - của đôi chân đời sống và những bước thiên di tinh thần - không phải lúc nào cũng nhìn thấy nhau. Nhưng đều độc hành không có cuộc hồi đầu...”[3] (Trần Tuấn).

Nhan đề Đêm Nhạn Lẻ dường như muốn khái quát một thành - ngữ - thơ khi muốn truyền tải thông điệp về thân phận kẻ vì đồng đội hóa thành nạn nhân của u mê đồng đội. Kẻ sĩ chân chính sẽ nói lên sự thật bằng thái độ chân chính, đối lập với thái độ bất chính vốn là phế phẩm từ cỗ máy bệnh hoạn. Một cỗ máy ấy không thể xây đắp điều gì tốt đẹp cho hiện tại và tương lai, ngay cả nguồn năng lượng bình an trong con người cũng đang bị nhiễu loạn đến kiệt cùng. Do đó, chức năng cảnh giới và dự báo của nghệ thuật thông qua hệ thống nghệ thuật tác phẩm chính là sứ mệnh chân chính của nghệ sĩ./.

                                                                 Gò Nổi, tháng 10 năm 2023

                                                                               Trần Thu

 


[1] Nguyễn Minh Hùng, Thiên Di, NXB Hội Nhà văn 2014.

[2] Đề từ tác giả trang bìa gấp tập Thiên Di.

[3] Trang bìa gấp tập Thiên Di.


Có thể bạn quan tâm