May 2, 2024, 9:22 pm

Vàng đau. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thu Hằng

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

Trời ong ong oi nồng. Mương Vuôi chẽn thắt, gập gồ, cỏ vàng áy o, Xoan mím môi cố giữ lái đạp, bánh xe khực khực, trẹo trọ. Vượt thêm đoạn nữa, mồ hôi túa ra, tay mỏi rã tê, đến bụi chuối tây tán xòa tứ phía, Xoan dựng xe, tháo bình thuốc sâu bệt xuống cỏ, bụng cồn lên vì đói bởi từ tối qua đến giờ chưa có gì vào bụng. Với chiếc túi vải treo ở ghi đông lấy cái ngô luộc mua ở chợ từ sáng đã nguội ngắt, Xoan cố nhai, mỏi mệt nhìn ruộng cải bẹ đang xanh bưỡi ước chừng công việc sẽ phải làm. Hạt ngô cứng tắc ở cuống họng nghẹn ứ. Xoan quờ tay lấy chai nước mới nhớ vì vội nên đã để quên ở nhà bởi lo thằng con thức giấc đòi theo. Nó đang ho nặng, chẳng biết có ngủ yên không… nghĩ tới con, lòng Xoan thắt lại. Chợt có tiếng người khiến Xoan giật thót. “Xoan, oi này mà đi đồng sớm thế?”. Thũng từ trong lều cá chui ra, vận độc quần cộc với áo ba lỗ, sán đến. “Chiều về, em còn sang Đào chặt mấy buồng chuối”. Cố đổi vẻ mặt tươi tỉnh, Xoan trả lời, cảnh giác nhích xa một chút. “Dở giời thế này khó chịu nhỉ”. Thũng vừa nói vừa quạt phành phạch chiếc mo cau. Dưới ao, tiếng mấy con cá thịt háu ăn lượn lờ tợp mồi, nước một màu trong biếc. Có lẽ vì giời khó ở nên bữa trưa của đàn cá còn giằng díu nơi chiếc cọc cạnh cầu ao, xô thóc ngâm dập dềnh sau những đuôi quẫy nước.

Minh họa: Tô Chiêm

Bờ ao nhà Thũng không chỉ trồng cỏ Ấn Độ làm thức ăn cho cá mà còn lác đác những bụi chuối tây đang kì trĩu buồng. Nhìn đám vỏ bao xác rắn buộc kín để chống chuột căng cứng bạc xác nắng mưa, Xoan đoán chừng chuối đã đến kì chặt, bèn ướm hỏi bởi sợ nhà Tẻo nhoảng ra thấy, gạ gẫm mua thì mất mối hàng ngon. Thũng giơ cánh tay cầm mo cau quạt thẳng ra hướng Xoan ngồi làm mấy sợi tóc mai xòa trước mặt Xoan bay bay. “Chả mấy nữa mà rằm, để đẫy thêm, được giá, lại ngon hơn đấy em”. Tiếng “em” ngọt như chuối trứng cuốc. Xoan rào rỡ: “Ai cũng để tới hôm đó hóa ra giờ hàng khan, em sẽ trả anh thêm hai chục một buồng so với tháng trước”. “Tiền nong quan trọng gì. Với lại em chưa xem chuối, đợt này anh ấp ít phân chuồng ủ mục, vật bùn, quả đần đẫn cứ như là… Hí hí”. Đuôi mắt Thũng tít lại như râu chuối, Xoan quen với những đần đẫn, như là ấy, lơ đi, xắn quần theo Thũng men bờ ao ra xem hàng.

Từ mấy năm nay, thằng Ấu ranh rảnh hơn, Xoan sắm thêm hai cái sọt đi buôn chuối, phụ mấy sào ruộng. Thứa ở nhà quanh quẩn bán nước chè cùng dăm bảy nải chuối bày trên chiếc chõng tre trong cái quán vẩy ra từ trái nhà dưới gốc cây si. Xoan ngồi chợ Đoài, vừa đổ buôn vừa bán lẻ.

Thũng cởi hẳn bao xác rắn cho Xoan xem. Mỗi buồng tới chục nải, quả căng mẩy, cạnh đã lì, vỏ đang mỏng dần. Xoan muốn mua cả năm buồng giá một triệu, hẹn chiều quay lại chặt bởi giờ phải lên phun cho ruộng cải bẹ nhỡ dở giời, tối mưa xuống sẽ không kịp. Thũng chau mày: “Chiều tối anh đi lên phố ăn cỗ rồi. Em có mua thì chặt ngay!”.

Thũng chỉ bán cho Xoan ba buồng, một buồng giữ lại sắp có giỗ, một chiều mang lên biếu anh họ trên phố, gọi là quà quê. Ruộng cải bẹ xanh om trong mắt Xoan lùi dần, Xoan vung dao ngọt sớt, tiếng đổ rào rào xuống rìa ao, cả buồng chuối trĩu trong tay Xoan. “Để anh giúp!”. Thũng giành phần đón, bê bước nhoàng nhoàng.

“Sao anh không để ngoài này cho em?”. Khi cùng Thũng khênh buồng cuối vào, thấy chuối đều để hết trong lều, Xoan thắc mắc. “Để đấy kẻo mất. Phun thuốc xong em vào mà chở về”.

Nhìn Thũng bắp tay căng, bàn chân chắc nịch nện xuống đất, Xoan quay mặt thở dài, đầu hiện lên đôi chân quềnh quàng chạm khoeo của Thứa. Ngày mới vào nghề, đi chợ sớm, Thứa giữ xe cũng không nổi mỗi khi xếp chuối lên sọt, Xoan đành phải hàn cái chân chống di động. Có buổi, cả hai sọt tới năm sáu buồng đầy cưỡi, Xoan tự xếp, tự lái ra khỏi cổng, lúc đầu non tay còn dong bộ, sau cứng hơn, nhảy lên cọc cạch đạp, rồi cũng quen.

 “Hẵng nghỉ uống cốc nước vối cho mát đã em!” Tiếng quạt điện phè phè không át được tiếng Thũng mát rượi, Xoan ngồi tạm vào mép giường rụt rè đón cốc nước từ tay Thũng. “Lều nhà anh hướng này mát nhỉ”. “Đêm xuống, lộng gió, mở cửa, chẳng cần bật quạt ấy chứ”. “Thế không sợ ma à”. “Có ma nào vào trêu đã may”. Trên chiếc ti vi treo ở tường đã bật từ lúc nào có đôi tình nhân nằm hôn nhau đắm đuối trên thảo nguyên xanh. Nhìn cảnh đó, Xoan chợt thấy hai má nong nóng bèn hướng ánh mắt ra ngoài. Linh cảm về một nguy cơ không an toàn, Xoan đặt cốc nước xuống. “Em ra đồng đây”. Thũng chồm người khỏi ghế nhựa, cầm lấy tay Xoan, dồn dập: “Anh chẳng đi phố nữa, để anh phun thuốc giúp, đàn bà con gái, phun chiều trưa oi nồng thế này hại người lắm”. Chưa dứt câu, Thũng ôm sấn lấy Xoan. Xoan quay ngoắt tránh mặt Thũng vừa định áp vào, đứng phắt dậy, đanh giọng: “Anh em mình tình làng nghĩa xóm, đều có gia đình hết rồi, anh làm thế là em giận đấy” rồi với cái nón đội đầu, vuốt lại vạt áo, luýnh quýnh bước ra cửa. Tới bụi chuối tây, Xoan ngồi thụp xuống thở dốc. Mở vội chiếc khăn bông quáng quàng lau mặt cho bớt nhớt nhát mồ hôi, bớt hầm hập như lò lửa vừa rực lên, hai giọt nước chợt ứa ra nơi khóe mắt Xoan. Dù ở chợ, hay ở đồng, lơ đi là Xoan đều bị lũ đàn ông ve vãn, quấy rối. Đến ngay trong quán nhà mình, lúc Thứa nhờ trông hàng hộ để đi qua mấy nhà đòi nợ, tay Đo vổ, uống hết chai rượu sáu lăm với đĩa lạc rang, đi ra trả tiền, cũng quờ tay vào cặp vú bóp một cái, Xoan nóng bừng mặt định chửi thì tiếng dép lê của Thứa loẹt quẹt ngoài cửa quán, đành nuốt hận quay đi. Cánh đàn bà bán hàng ngoài chợ cũng chỉ bằng mặt mà không bằng lòng bởi từ tay xé vé chợ trở đi đều ưu ái Xoan hơn, từ lời nói đến hành động. Cặp má trắng hồng, đôi mắt đen thăm thẳm, ươn ướt, dáng lẳn cá chuối… mưa nắng vất vả mà Xoan vẫn cứ giòn xinh. Họ thắc mắc sao lại đi lấy Thứa, người lòng khòng, chân chạm khoeo, quều quào quơ rơm quơ rạ, Xoan bảo, ế thì lấy cho xong. Đẹp thế sao ế được chứ. Cao số thì ế chứ sao! Người yêu đi nước ngoài đã bảy năm không về, Xoan chờ tới tận năm hai mươi chín tuổi, trai ba mươi tuổi đang xoan gái ba mươi tuổi đã toan về già, đi cắt tiền duyên cũng không được người như ý, đành gạt nước mắt gật đầu cưới Thứa khi có mai mối. Nhiều trai làng không cưa đổ được Xoan đã vội đi lấy vợ có con bế con bồng, biết tin tiếc tưởng muốn đứt ruột, trong đó có Thũng. Đợt trước, khi mua chuối, lúc Hè - vợ Thũng, lấy tiền xong vội ra cắt cỏ cho cá, Thũng đánh mắt thật lâu nhìn Xoan, cố tình chạm vào tay khi khiêng hộ buồng chuối ra xe: “Xoan vất vả thế mà vẫn đằm như hồi trẻ ấy.”. “Anh Thũng vui tính quá. Lần sau có chuối nhớ để phần em nhé.”. “Chuối của anh không phần em thì còn phần ai chứ…”. Thũng ỡm ờ. Xoan cười, lớn tiếng: “Em cảm ơn anh, em chào chị Hè em về nhá!”. Thũng như gặp đèn đỏ, đành đứng nhìn theo bóng Xoan đùn xe chuối ra đường cái.

Nghe Xoan kể, chị gái Xoan khuyên, dù đui què mẻ sứt cũng là chồng mình, nghèo cũng là mái ấm của mình, thân gái chợ búa sớm khuya, đừng có mà nhẹ dạ, rồi tan cửa nát nhà. Xoan không hề nhẹ dạ, một lần chờ đợi đến mòn mỏi mối tình đầu bay sang trời Tây không về đã mở mắt cho Xoan về đàn ông. Xoan đon đả cười nói với họ trong một chừng mực cho phép để thuận việc chợ búa. Những cái liếc mắt, chạm tay, những câu lả lơi ỡm ờ, bao giờ cũng phải dùng lời lẽ mềm mỏng để tự thoát khỏi tình huống mà vẫn giữ được các mối quan hệ cho công việc của mình. Ngay cái nhà Quý chuyên đi thu mua nông sản đem ra thành phố vừa mới quen vụ màu trước, khi đóng hàng nguyên ruộng cải bẹ ngon ngẫn của Xoan, lúc trả tiền, tranh thủ nắm lấy tay Xoan vờ bắt nhưng giữ, bóp chặt, rồi gãi gãi ngón cái có móng dài ngoẵng như móng vượn vào lòng bàn tay Xoan không chịu buông: “Sao làm nông mà tay cứ dài mướt ra, lần sau có ruộng màu thì cứ ới anh đến nhé người đẹp!”. Đến lứa rau cải này, mới được đúng bốn mươi ngày, tối trước, Quý đã điện hỏi có hàng chưa để hai hôm nữa về bốc, thời điểm này, nếu cải bẹ đến độ muối dưa, giá sẽ gấp rưỡi, bao nhiêu cũng đóng hàng lên thành phố, rồi ỡm ờ khen tay Xoan đẹp. Xoan nhẩm nhanh trong đầu, giá thành thời điểm này, nếu bán cải rau chỉ chừng sáu triệu, còn cải dưa thì sẽ được chín triệu... Thêm ba triệu nữa chứ ít ỏi gì đâu. Nhưng để đúng cữ cho cải vàng dưa phải đợi chừng mười lăm, hai mươi ngày nữa... Nghe Xoan xuýt xoa tiếc, Quý ha hả cười, rồi bảo dễ ợt, Quý sẽ chỉ cho cách, đổi lại lần này về, cho Quý sờ chỗ “khác tay”. Ngồi xoa lưng cho cu Ấu ngủ, nhìn đám chuối mà Xoan đã làm cho vàng ươm nằm trên ổ rơm dưới nền bếp, Xoan chợt thấy ớn lạnh dọc sống lưng, mồ hôi rịn ra hai bên thái dương khi nghĩ đến phương pháp mà Quý bảo. Lần đầu tiên toan tính, Xoan ôm con tới nửa đêm mà chẳng chợp mắt được, trong bụng rực lên như có đống than nóng. Thi thoảng thằng Ấu giật thót mình, khóc ré lên trong cơn sảng càng khiến Xoan thấp thỏm, mơ hồ lo điều gì đó sẽ vận vào mình... Từ khi lấy Thứa, hễ muốn chuyện chăn gối thì Xoan phải dành dụm tiền chăm sóc, bồi dưỡng, thuốc thang cho Thứa cả tháng. Năm năm đằng đẵng, Thứa mới ươm sang cho Xoan mụn con. May trời thương, cu Ấu không giống bố lẻo khẻo, quều quào. Ba tháng biết lẫy, bẩy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi, nhưng lại dính cái bệnh ho, không tháng nào là không gặp hàng thuốc, có đợt uống mãi mà không cắt cơn, người Ấu cứ rạc đi, da vàng ệch. So với bạn ở lớp mẫu giáo lớn, Ấu còi cọc, bủng beo như trẻ lớp mầm. Ấu đã ho sốt cả tháng nay, bao nhiêu tiền lãi đi chợ, Xoan ki cóp dồn dịch mua thuốc cho con. Đợt này Xoan định sẽ đưa Ấu lên viện Nhi khám điều trị, thế nhưng chi tiêu ăn uống, các đám hiếu hỉ, vừa rồi lại phải đóng triệu rưỡi cho họ tôn tạo mộ các cụ, vẹn vào gần hết vốn chợ chuối của Xoan, lấy tiền đâu bây giờ? Lúc chập tối, đợi con cắt cơn ho, ăn được lưng bát cháo, cho uống hai thìa si rô, Xoan rón rén bước đến bên Thứa, ằng hắng lấy giọng ngọt nhạt: “Con mãi không cắt ho mà cứ sốt, anh còn tiền không, dồn đưa em tạm ít để đưa con đi khám trên viện Nhi...”. Thứa ngáp một cái, gườm gườm con mắt đã đùng đục: “Tám trăm đưa cho cô tuần trước đã tiêu hết rồi chắc? Hòm tôi còn sáu trăm, tính gom lại để sáng mai lấy hàng đấy, hay định đóng cửa quán để cùng nhau ăn cháo chuối của cô thì bảo”. Xoan đành nhún: “Tám trăm, đi ăn cỗ cưới hai đám với mua thuốc cho con...”. “Thế hàng ngày cô đi ngồi lê ở chợ làm tang dạng gì? Tháng trước, cô còn vay tôi một triệu làm vốn mua chuối đấy!”. Nước mắt Xoan rơm rớm: “Buôn thúng bán mẹt thì ăn thua gì, vừa rồi còn phải đóng để xây mộ các cụ”. “Tôi không biết, là đàn bà thì phải chắn vén. Lúc nào cũng tiền tiền.”. Xoan thở hắt ra, đầu chợt nghĩ đến chị Thu, nhưng đã nợ chị gái đến ba triệu từ đầu năm, còn chưa trả được, vác mặt sang vay thì ông anh rể bỉ bôi cho, không chịu được...

Có tiếng gà gáy te te, xóm làng tĩnh như tờ, cả tiếng ếch ương dưới ao bèo cũng tắt giọng, nhìn lên đồng hồ đã năm giờ sáng, Xoan nén tiếng thở ra, rón rén lẻn lối cửa buồng dò dẫm ra cuối vườn tận ao bèo giáp cánh đồng. Tới trước đống rơm mục, Xoan run rẩy định quay về, nhưng tiếng ho khan của thằng Ấu vẳng ra làm Xoan khựng lại. Xoan bặm môi, cúi xuống bới bới lôi ra chiếc lọ si rô nhỏ bỏ vào túi ni lông rồi buộc vào chiếc bình phun thuốc trừ sâu để chiều mang ra đồng. Sáng Thứa có việc phải đi nên Xoan phải ở nhà trông hàng và cu Ấu.

*

Lọ thuốc sâu vừa mở nắp, mặt mày Xoan nhăn lại vì mùi thuốc bay xộc lên khó chịu. Xoan đeo găng tay ni lông, đong cẩn thận rồi đổ vào bình, mùi hóa chất độc hại nồng nặc chui vào mũi, lên họng, đã bịt một khẩu trang, một khăn bông rồi mà người Xoan vẫn bạo bực. Ho rút ruột, Xoan lắc bình cho thuốc tan rồi đeo lên vai. “Em phun thuốc si rô kích thích cho rau sao đấy, Xoan? Nao bán để cho anh mớ về nấu canh cá rô!”. Thũng đỗ xe máy lại bên này bờ mương, cười cợt hỏi. “Dùng bao nhiêu, em san sang để mang đi cho tiện ấy mà.”. Xoan hắng giọng trả lời Thũng, cất vội lọ si rô vào túi ni lông đen. Xoan chiết thuốc sâu sang đó để ai vô tình nhìn thấy cũng không biết là thuốc gì. “Để anh ở lại phun giúp em nhé! Bình nặng thế kia cơ mà.”. Vì cái bờ chuối đang buồng to buồng bé, Xoan đành nhún nhã: “Cảm ơn anh, anh đi ăn cỗ đi kẻo mọi người lại chờ.”. Thũng cười trừ, phóng đi.

Ruộng cải bẹ xanh mướt, lá đan lá, cây sát cây. Bình trĩu sau lưng, mắt Xoan hoa đi, nhòe ướt, trong đầu hiện lên cảnh thằng cu Ấu đói quá vào vét cơm nguội, ra bốc dưa muối trong lọ chấm tương ngồi ngay bậc cửa nhai uể oải. Chính là cái hôm Xoan đi chợ về muộn, buổi chợ đầu tiên mấy sọt chuối của Xoan tất thẩy đổ mã vàng ươm. Cầm nhiều tiền hơn mọi buổi chợ khác mà cảm giác tội lỗi cứ len lỏi vào tận tâm can. Vừa cười vừa mời khách mua, Xoan tự trấn an mình: Chỉ là ngoài vỏ thôi mà... Cái bí kíp chuyển màu cho chuối, gã Nhụ mít đã mách như một cách trả công cho cái tay gã sấn sổ bóp lên bầu ngực Xoan. Phiên chợ ấy chính rằm, Xoan đến từ tờ mờ đất để giữ chỗ, sọt chuối khá nặng làm nghiêng xe, dãy hàng hoa quả mới có mỗi Nhụ mít ngồi dưới gốc cây bàng đã bày hàng xong. Hắn mau chân chạy đến, đỡ xe, dựng chắc chân chống rồi giúp Xoan chuyển mấy buồng chuối xuống. Ở nhà Xoan toàn bưng bê một mình, chứ lên đến chợ sớm, Xoan thường được người nọ người kia giúp một tay, nhất là Nhụ. Hàng mít ngồi cạnh hàng chuối, láng giềng chợ mà, Nhụ nói cười khà khà, cố tình quệt tay vào mông Xoan. Nhìn mẻ chuối bán ngày rằm của Xoan, Nhụ chê toàn còn xanh thế này, bán rằm mất giá. Xoan thì tấm tắc khen Nhụ có tay mua mít, cứ đúng tuần rằm lại cất được hàng mẩy hàng chín, vỏ múi cứ vàng ươm, thơm lựng. Nhụ nhấp nháy mắt khi Xoan mở bọc giấy báo mời Nhụ cái bánh rán đường. Giơ tay ra nhưng không cầm bánh rán, hai cái “bánh bao” của Xoan vừa khoẳm trong bàn tay to bè thô ráp của Nhụ. Xoan đỏ bừng mặt định lớn tiếng mắng thì Nhụ ghé miệng vào tai Xoan thì thầm: “Có mất mát gì đâu mà kêu, cho bóp cái sướng tay rồi anh bảo cho cách làm chuối vàng ươm như ý muốn...”, nói xong, Nhụ bóp thêm cái nữa rồi mới bỏ ra, quay về chỗ ngồi. Sau lần đó, mỗi ngày rằm, mồng một, chuối của Xoan dãy trong dãy ngoài đều một màu vàng mơ bắt mắt, khách mua dừng lại nhiều hơn. Thi thoảng từ phía gốc bàng, Nhụ nháy mắt, huýt sáo với Xoan. Có cái gì rân rân trên má, Xoan lảng tránh ánh nhìn săm soi của Nhụ...

Phải phun thôi! Không thì lấy tiền đâu đưa con đi chữa bệnh. Thằng bé, Xoan đã phải thuốc thang, khẩn cầu bao năm mới có được, muốn chữa bệnh cho con thì phải phun thôi. Bao nhiêu người cũng làm thế chứ đâu phải mình Xoan, người dùng cũng còn rửa mấy lần nước, ngâm muối... Ý nghĩ ấy khiến Xoan nhẹ bớt mặc cảm tội lỗi. Phun đi, kẻo trời mà đổ mưa sớm thì hỏng hết.

Bậm môi, tay này Xoan nâng cần gạt thuốc, tay kia run run đưa vòi lướt trên lá rau.

Trời ong nồng như một cái chảo gang lớn trên bếp than hồng. Xoan tớt toát mồ hồi, mùi thuốc sâu khiến đầu quay quay, bộ quần áo công nhân bạc màu dày bịch đang thấm từng mảng mồ hôi dính bết khi phun xong luống rau cải thứ năm. Còn bảy luống dài dằng dặc nữa, luống lép Xoan sẽ không phun để dành muối dưa cho thằng Ấu. Sớm nay Xoan đã gọi điện, hai ngày nữa, xe hàng của Quý về. Hai ngày nữa sẽ có tiền đưa cu Ấu đi khám bệnh, sau đó mua cho con đôi dép xăng đan mới... Hôm trước, Ấu từ lớp về mếu khóc bảo các bạn ê con, không chơi với con, vì đi đôi dép tổ ong cũ rách… Rồi đám cỗ nhà cậu ruột Thứa, cũng triệu hơn triệu kém. Rồi lại sắp phải đóng sản phẩm… Trăm thứ bà rằn tất cả trông vào mấy sào rau này.

Trời ganh mưa gió nung cơn hầm hập cùng mùi thuốc sâu khiến người Xoan bạo bực, cánh tay cầm cần mỏi nhừ. Sắp hết bình thứ hai, chỉ nay mai ruộng cải sẽ lên màu vàng... Nghĩ đến các khoản phải chi đã có chỗ trông vào, Xoan chợt thấy phấn chấn, tay lia vòi thuốc nhanh hơn. Đám rau trước mặt như đang chuyển màu vàng rực dưới chân ruộng. Mồ hôi rơi lã chã đầy mặt, hơi thở hổn hển của Xoan tưởng như cũng phả ra mùi thuốc diệt cỏ.

Chuông điện thoại bỗng vang lên, Xoan cố dấn tay gạt cần phun nốt. Điện thoại của bác Đìa, mối quen.“Mai tôi cần lấy gấp chục nải chuối tây mã phải ơ ơ để cho khách ngày kia cúng kiến, cô có không?”. “Sáng mai bác ra chợ nhé, có mấy buồng đẹp lắm, đảm bảo đúng mã yêu cầu, ngày kia mà không ngả màu vàng rộm thì em hoàn trả lại bác tiền!”.

Từng đám mây đen kéo đến vón cục trên nền trời u âm oi nồng, Xoan lầm rầm cầu cho trời đừng mưa sớm, phải ít nhất nửa tiếng thuốc ngấm mới tốt, sau tối mà mưa thì còn gì bằng bởi nó sẽ làm hết mùi thuốc trên rau. Mấy giọt mồ hôi rơi vào khóe miệng, chát ngắt. Dấn chân bước về bụi chuối, cởi bình còn ít thuốc để đó, Xoan đi vào lều nhà Thũng, bê ba buồng chuối ra. Nhìn quanh không có ai, Xoan phun nốt chỗ thuốc còn lại lên mấy buồng chuối. Dính nước thuốc, lớp vỏ xanh mềm đi, lấm chấm đậm nhạt. Đầu Xoan ong ong u u, mùi thuốc diệt cỏ túa vây xung quanh, nồng nặc. Cải bẹ vàng muối dưa thơm ròn, chuối vàng ơ rộm... Xoan chẳng biết mồ hôi hay nước mắt trên mặt đang rỏ từng giọt xuống. Cánh đồng chiều như chao tít trong vòng tròn xanh vàng biến ảo. “Ới giời ơi là Xoan ơi, về mau, thằng Ấu đi cấp cứu rồi!”. Giọng chị Thu hốt hoảng gào lên từ đầu cánh đồng. Chiếc xe máy khậc xuống rệ mương nước ngay đầu ao nhà Thũng, bình thuốc sâu trên tay Xoan rơi phịch xuống, bụng bỏng rát như vừa nuốt ngụm thuốc sâu, hai hàm răng Xoan ríu lại, lập bập: “Sao lại cấp cứu? Trưa cháu đã ăn bát cháo, đã đi ngủ rồi?”. Tiếng chị Thu ngắc ngứ, nước mắt tứa ra, ôm lấy Xoan. “Tỉnh dậy, cu cậu mò xuống trái bếp chơi, lần mần ra đầu nhà đào lỗ cóc móc lỗ ngóe móc thế nào lại lôi lên lọ si rô... chắc tưởng thứ mình vẫn uống nên cu cậu dốc vào miệng. Cũng may, chắc thấy đắng nên lè ra... Giời ơi! Đi qua thấy cháu kêu khóc, xung quanh sặc sụa mùi thuốc sâu, miệng lè đầy bòn bọt, tôi rụng rời hết cả chân tay... May vừa lúc ấy anh em nhà Thũng phóng xe máy đi ăn cỗ qua ngõ, nghe tiếng nhao vào đèo thằng Ấu lên bệnh viện.”

“Giời ơi!...”. Xoan tái bợt mặt, khụy xuống bờ mương như cây chuối bị phạt ngang thân, ngực rực lên muốn vỡ tung, tay run rẩy giơ lên trời. Cố gượng đứng dậy, Xoan tất tưởi chạy ra phía đường lớn. Hơi lạnh trùm lên cánh đồng Vuôi, mùi thuốc diệt cỏ thẫm loang trong hơi lạnh. Mây đen dần kéo đến tối sẫm cả cánh đồng, mây vươn vòi rồng đuổi theo sau lưng hai người đàn bà. Những hạt mưa đầu tiên ồ ạt rơi xuống, cánh đồng dần trắng xóa trong nước mắt trời.

Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thu Hằng

Nguồn Văn nghệ số 13/2023


Có thể bạn quan tâm