April 28, 2024, 5:00 pm

VĂN NGHỆ, những chặng đường: 9 năm kháng chiến, 7 năm Văn nghệ

KỶ NIỆM 80 NĂM “ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM”

Thời đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược (1946-1954), phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã sơ tán lực lượng các tổ chức chính quyền, đoàn thể về các vùng nông thôn, rừng núi. Văn nghệ sĩ, trí thức từ Hà Nội và các đô thị tản cư về nhiều hướng: vào Khu 5, Khu 4, Khu 3, Liên khu Việt Bắc, v.v. Tại các “vùng kháng chiến” (đôi khi cũng gọi là “vùng Việt Minh”, “vùng tự do”, v.v.) dần dần hình thành một số trung tâm văn nghệ, có các hoạt động báo chí, xuất bản, hội họp; các cơ quan trung ương đều đóng tại Việt Bắc.

Bác Hồ nói chuyện với các nhà văn, nhà thơ Tố Hữu, Phan Tứ, Trần Đình Vân. Nhà thơ Tố Hữu là Thư lý Tòa soạn đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ, tiền thân của Báo Văn nghệ ngày nay.

Mùa thu năm 1947, nhà thơ Tố Hữu đang là bí thư Thanh Hóa, được Đảng điều động lên Việt Bắc, được tổng bí thư Trường Chinh giao nhiệm vụ phụ trách công tác văn nghệ cùng với Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi. Ngày 3/10/1947, ba nhà văn kể trên cùng một số văn nghệ sĩ họp tại Đại Từ (Thái Nguyên) bàn việc thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam và bầu ra một ban chấp hành lâm thời để xúc tiến công việc1 Tạp chí “Văn nghệ” của Hội Văn nghệ Việt Nam ra mắt số đầu tiên tại Việt Bắc vào tháng 3/1948.

Theo hồi ức của một số văn nghệ sĩ trong cuộc, bài vở cho số tạp chí đầu tiên được viết và tập hợp từ cuối năm 1947. Tòa soạn và trị sự tạp chí Văn nghệ ban đầu cũng chính là cơ quan Hội, nguyên là cơ quan của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam (1943-1948) và tòa soạn tạp chí “Tiên phong” (1945-1946) chuyển thành.

Do số đông thành viên được điều động đi nhiều công việc khác nhau, cho đến trước ngày 19/12/1946, tại cơ quan Hội (40 Quang Trung, Hà Nội) có Nguyễn Huy Tưởng, Thành Thế Vỹ và một số nhân viên, trong đó có ông Nguyễn Văn Mãi. Bộ phận này được lệnh chuyển về làng Phụ Chính huyện Thanh Oai tỉnh Hà Đông, đóng ở Ngã ba Thá bên sông Đáy. Giữa năm 1947, cơ quan này được lệnh chuyển lên Tuyên Quang, Bắc Cạn; sau đó lại chạy sang Bắc Giang để tránh cuộc tấn công của quân Pháp lên Việt Bắc; sau cùng, trở lại đóng cơ quan Hội và tòa soạn Văn nghệ tại xóm Chòi xã Yên Mỹ huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên.

Văn nghệ ban đầu xuất bản ở dạng tạp chí, khổ 16x24 cm, ra hàng tháng; thư ký tòa soạn là Tố Hữu; bộ biên tập đứng tên 4 người: Đặng Thai Mai, Tố Hữu, Thế Lữ, Văn Cao, Nguyên Hồng; với một danh mục cộng tác viên gồm 20 người: Tô Ngọc Vân, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Kim Lân, Hoài Thanh, Trần Văn Cẩn, Huy Cận, Nguyễn Hữu Đang, Trần Huyền Trân, Như Phong, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Xuân Diệu, Thép Mới, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Tư Nghiêm, Xuân Thủy, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Huy Tưởng. Trên thực tế, người phụ trách tòa soạn ban đầu là Nguyễn Huy Tưởng, sang những năm 1950 là Xuân Diệu.

Năm 1948 ra được 7 kỳ (7 số), từ tháng 3/1948 đến tháng 12/1948.

Năm 1949 ra được 7 kỳ (10 số), trong đó 3 kỳ là những số kép: tháng 5/1949 (số 11&12, Văn nghệ bộ đội); tháng 9&10/194 (số 15&16: số Hà Nội); tháng 11&12/1949 (số 17&18: số tranh luận).

Năm 1950 ra được 8 kỳ (10 số) trong đó 2 kỳ là những số kép: tháng 2&3/1950 (số 20&21: số Xuân); tháng 11&12/1950 (số 27&28: Chiến thắng Cao – Lạng).

Năm 1951, sau 8 tháng ngừng (không xuất bản), Văn nghệ đổi thể tài, từ tạp chí sang báo, dự định ra 2 kỳ/tháng (bán nguyệt san), ra được 5 số: 3 số theo khổ báo 24x32 cm (số 29, ngày 15.8.1951, đến số 31, ngày 1.10.1951); 2 số sau trở lại khổ tạp chí 18x24 cm (số 32, ngày 25.10.1951 đến số 34, ngày 15.12.1951).

Năm 1952 ra được 4 số: từ số 35 (tháng 4/1952) đến số 38 (tháng 12/1952).

Năm 1953 ra được 8 số: từ số 39 (tháng 2/1953) đến số 46 (tháng 12/1953).

Năm 1954 ra được 10 số (trước khi tòa soạn chuyển về Hà Nội, tạp chí đổi thể tài): từ số 47 (tháng 1/1954) đến số 56 (tháng 10/1954).

Văn nghệ thời kỳ 1948-1954 đã phản ánh được những sự kiện lớn của đời sống văn nghệ Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp, như:

- Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai và việc thành lập Hội Văn hóa Việt Nam (16-20/7/1948).

- Đại hội văn nghệ toàn quốc thứ nhất, thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (23-25/7/1948).

- Hội nghị văn nghệ bộ đội (9-14/4/1949).

- Hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc (25-28/9/1949).

- Hội nghị tranh luận sân khấu (20-22/3/1950).

- Triển lãm hội họa 1951 và Hội nghị tranh luận hội họa (19-25/12/1951).

- Giải thưởng văn nghệ Việt Nam 1951-1952 (tháng 1/1953).

- Đại hội văn công toàn quốc (15-20/1/1955).

Văn nghệ thời kỳ 1948-1954 đã đăng tải những thiên chính luận, tiểu luận văn nghệ quan trọng như: Nhận đường (Nguyễn Đình Thi, s.1), Vẫn tranh tuyên truyền và hội họa (Tô Ngọc Vân, s.2), Kháng chiến và văn hóa (Đặng Thai Mai, s.3), Một giai đoạn mới trong văn chương kháng chiến (Hoài Thanh, s.5), Mấy vấn đề thắc mắc văn nghệ (Trường Chinh, s.6), Tìm nghĩa hiện thực mới (Nguyễn Đình Thi, s.10), v.v.

Văn nghệ thời kỳ 1948-1954 là nơi đăng tải lần đầu những bài thơ sẽ trở nên nổi tiếng như: Ngoại ô mùa đông 1946 (Văn Cao, s.2), Nhớ máu (Trần Mai Ninh, s.2), Viếng bạn (Hoàng Lộc, s.8&9), Đêm sầu Hà Nội (Chính Hữu, s.11&12), Nhớ Tây Tiến”(Quang Dũng, s.11&12), Hoan hô chiến thắng Điện Biên (Tố Hữu, s.52), Ta đi tới (Tố Hữu, s.56), v.v.

Văn nghệ thời kỳ 1948-1954 là nơi xuất hiện lần đầu của những truyện ngắn xuất sắc như: Làng (Kim Lân, s.1), Đôi mắt (Nam Cao, s.2), Thư nhà (Hồ Phương, s.15&16), v.v.

Văn nghệ thời kỳ 1948-1954 là nơi đăng tải lần đầu loạt “tùy bút kháng chiến” của Nguyễn Tuân, và những bút ký, ký sự xuất sắc như: Trận phố Ràng (Trần Đăng, s.14), Vượt Tây Côn Lĩnh (Tô Hoài, s.14), Một cuộc chuẩn bị (Trần Đăng, s.25), v.v.

Trong điều kiện kháng chiến, việc phát hành báo Văn nghệ chưa thể trông cậy vào hệ thống giao thông công chính các tỉnh các khu. Ủy viên thường vụ Hội văn nghệ Việt Nam phụ trách quản trị kiêm giám đốc nhà xuất bản Văn nghệ là Ngô Quang Châu, được giao việc tổ chức hệ thống phát hành tạp chí Văn nghệ và sách của nhà xuất bản Văn nghệ. Một tổ giao thông được thành lập từ việc tuyển dụng nhân viên tại địa phương cơ quan đóng trụ sở.

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Mãi2 khi đó là phó giám đốc nhà xuất bản Văn nghệ, thì chuyến đi đầu tiên, đích thân ông Ngô Quang Châu và một số nhân viên gồng gánh đưa tạp chí Văn nghệ số 1 phát hành về khu 3 và khu 4. Họ từ Hạ Hòa xuống Vũ Ẻn, thuê đò xuống thị xã Sơn Tây, qua Thạch Thất xuống Vân Đình, qua Chợ Đại, Cống Thần về chi hội Văn nghệ Liên khu 3. Từ đây, ông Châu tổ chức chuyển tạp chí cho đại lý phát hành Liên khu 4 ở Cầu Bố, Thanh Hóa, đưa tạp chí đến Cầu Giát, Đô Lương (Nghệ An) và Đức Thọ (Hà Tĩnh).

Sau chuyến đi đầu tiên, tổ giao thông được trang bị xe đạp để đèo sách báo phát hành đến các liên khu. Thường mỗi tháng đi một chuyến. Trưởng phòng phát hành liên khu 10 là Nguyễn Công Liêm, trưởng phòng phát hành liên khu 3 và liên khu 4 là Nguyễn Văn Lễ; cả hai tổ phát hành gồm 7 người. Họ xuất phát từ Đại Từ, qua Đèo Khế tới Sơn Dương, ngoặt sang chợ Me đi Vĩnh Tường, qua đò sông Hồng tới thị xã Sơn Tây, từ đây đi Cống Thần, Chợ Đại.

Khi quân Pháp lấn ra các vùng thị xã Sơn Tây, thị xã Phủ Lý, chi nhánh nhà xuất bản Văn nghệ liên khu 3 và 4 chuyển vào Cầu Bố, Thanh Hóa, thì tổ giao thông của Hội Văn nghệ phải chuyển tuyến. Sau khi qua đò Mía sang đất Quảng Oai thì theo đường 21 qua ngã tư Xuân Mai xuống Nho Quan, qua thị xã Ninh Bình vào Thanh Hóa.

Khi quân Pháp đóng đồn Xuân Mai, thường cho quân phục kích Suối Rút, thì tổ giao thông phải bỏ xe đạp, gồng gánh vượt trọng điểm Suối Rút.

Khi quân Pháp lấn ra chiếm thị xã Ninh Bình, đóng đồn Đá Chông khống chế bên hữu ngạn sông Hồng, thì tổ giao thông phải từ Đại Từ vượt Đèo Khế đến bến Bình Ca qua đò sang Tuyên Quang, xuống Phú Thọ, vượt sông Thao sang đất Thanh Sơn, lại vượt sông Đà sang thị xã Hòa Bình, theo đường 12 leo dốc Cun, qua Vụ Bản tới Nho Quan, theo đường tắt qua Đền Sòng – Suối Cát vào Thanh Hóa.

Năm 1950, quân Pháp chiếm đóng Hòa Bình, Ninh Bình, tổ giao thông Hội Văn nghệ, sau khi vượt sông Thao sang Thanh Sơn, phải ngược lên giáp Sơn La mới qua sông Đà sang vùng Đà Bắc, tới Mai Châu, vượt sông Mã đến Hồi Xuân – La Hán, tới Cẩm Thủy, qua thị xã Thanh Hóa để đến chi nhánh nhà xuất bản Văn nghệ ở Cầu Bố. Tại đây có ông Thông là người chịu trách nhiệm chuyển tiếp sách báo vào Liên khu 4 và tổ chức gửi sách báo theo lái buôn hàng chuyến vào Bình Trị Thiên và Liên khu 5.

Thực hiện phát hành sách báo văn nghệ bằng cách trực tiếp ngay trong chiến tranh như vậy, tổ giao thông sách báo văn nghệ đã không tránh khỏi những tổn thất, hy sinh. Lúc chi nhánh nhà xuất bản Văn nghệ và Chi hội Văn nghệ Liên khu 3 còn đóng ở vùng Cống Thần – chợ Đại, ngôi nhà tổ giao thông ở trọ bị trúng bom của máy bay Pháp, toàn bộ sách báo của thư viện chi hội bị đốt cháy hết, một nhân viên tổ giao thông là Nguyễn Văn Mỵ bị tử vong.

Các cán bộ nhân viên từng tham gia phát hành sách báo văn nghệ kháng chiến còn nhớ rõ, những sách văn nghệ, tạp chí Văn nghệ từ Việt Bắc đưa về các địa phương bao nhiêu đều bán hết mà vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của bạn đọc. Đây là nguồn động viên rất lớn của những người làm sách báo, trong đó có tạp chí Văn nghệ.

Trong những năm từ 1998 đến 2005, bộ sưu tập 56 số tạp chí Văn nghệ 1948-1954 đã được nhà báo Hữu Nhuận sưu tầm, chuyển cho chúng tôi ở nhà xuất bản Hội Nhà Văn tổ chức tái bản ở dạng gần như phục chế3 Do vậy, hiện nay các giới văn học nghệ thuật và nghiên cứu phê bình đã có đủ tài liệu để tìm hiểu lại diện mạo tờ tạp chí có tòa soạn đóng giữa đại ngàn Việt Bắc những năm 1948-1954 nhưng hiện diện ở hầu khắp các địa phương trong toàn quốc, ít nhất là từ Việt Bắc vào tới liên khu 5, là diễn đàn của nền văn nghệ Việt Nam kháng chiến kiến quốc.              

_________

1. Tin văn hóa: Hội Văn nghệ Việt Nam thành lập, Văn nghệ, [Việt Bắc], s. 2 (tháng 4&5. 1948); Dẫn theo “Sưu tập VĂN NGHỆ 1948-1954”, Hữu Nhuận sưu tầm, Lại Nguyên Ân biên soạn, T.1 (1948). Nxb. Hội Nhà văn, H., 1998, tr.158.

2. Đức Lân: “Chuyện cũ ghi lại. Từ khu Ba lên Việt Bắc; Tổ giao thông phát hành sách báo” [ghi lại lời kể của ông Nguyễn Văn Mãi] trong sách: 50 năm Nhà xuất bản Văn học, Nxb. Văn học, H., 1998, tr. 31-42.

3. Xem: SƯU TẬP “VĂN NGHỆ” 1948-1954 (56 số tạp chí Văn Nghệ xuất bản trong kháng chiến tại Việt Bắc), Hữu Nhuận sưu tầm, Lại Nguyên Ân tổ chức biên soạn, Nxb. Hội nhà văn, H., Tập 1 (1948): 1998; Tập 2 (1949): 1999; Tập 3 (1950): 1999; Tập 4 (1951) và Tập 5 (1952): 2003; Tập 6 (1953): 2005; Tập 7 (1954): 2005.  

Lại Nguyên Ân

Nguồn Văn nghệ số 9/2023


Có thể bạn quan tâm