April 27, 2024, 10:21 pm

VĂN NGHỆ DÂN GIAN: Những trăn trở cho một mùa giải mới

Năm 2023, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã nhận được 81 công trình đăng ký tham dự giải thưởng, thuộc tất cả các chuyên ngành văn hóa, văn nghệ dân gian. Hội đồng Sơ khảo đã lựa chọn được 60 công trình đủ điều kiện trình Hội đồng Chuyên ngành… Ngày 16/12, tại Hà Nội, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tổ chức trao Giải thưởng Văn nghệ Dân gian năm 2023, và phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian... Tuy nhiên, mùa giải năm nay vẫn không có giải Nhất

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian, so với năm 2022, năm 2023 số công trình đưa vào xét giải tăng đều ở cả 5 chuyên ngành, trên cả hai lĩnh vực: điều tra sưu tầm và nghiên cứu, giới thiệu. Đặc biệt các công trình sưu tầm văn học dân gian các dân tộc thiểu số năm nay đều được thể hiện song ngữ. Điều này, rất quan trọng với công tác nghiên cứu, phát huy những di sản văn hóa các tộc người trong nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam; mặt khác cũng khẳng định năng lực tiếp cận ngôn ngữ các dân tộc ít người của đội ngũ những nhà điều tra sưu tầm của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Bên cạnh đó, về dung lượng, cũng ghi nhận một vài công trình chỉ hơn trăm trang, song phần lớn đều là các công trình vài trăm trang, thậm chí có công trình trên 1.000 trang. Đặc biệt có những công trình là kết quả của những chuyến điền dã, điều tra nhiều ngày, nhiều năm tại cơ sở, cho thấy sự kiên trì, bền bỉ của tác giả để có được… Hai tác phẩm đạt giải cao nhất là giải Nhì A và Nhì B cho công trình sưu tầm giới thiệu sử thi Ba Na Giông thử tài (Giông long), song ngữ Việt - Ba Na, và Nhì B cho công trình sử thi Ba Na Chàng Hơ Dang làm vòng (Dăm Hơ Dang weng kong). Cả hai công trình đều do tác giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Dũng sưu tầm, biên soạn, nghệ nhân ALưu diễn xướng, A Jar phiên âm và dịch nghĩa. 

Những cố gắng không mệt mỏi của những người làm công tác nghiên cứu văn hóa dân gian đã bước đầu thu được những quả ngọt nhất định, đó là những giải thưởng, tôn vinh sự đóng góp thầm lặng của họ vào kho tàng văn hóa dân tộc. Sự trao truyền, quảng bá những nét văn hóa được tìm thấy trong các công trình nghiên cứu sẽ được các cơ quan, đơn vị chức năng lên kế hoạch thực hiện.

Kết quả, Hội đồng Chung khảo đã thống nhất trao tặng 50 giải thưởng cho các tác giả, nhóm tác giả có công trình sưu tầm, nghiên cứu có giá trị. Cụ thể, không có công trình đạt giải Nhất. Hội đồng đã trao 1 giải Nhì A, 2 giải Nhì B, 9 giải Ba A, 15 Giải Ba B, 14 Giải Khuyến khích và 9 Tặng phẩm cho các tác giả, nhóm tác giả, phần nào cho thấy những đề tài mà các nhà nghiên cứu, sưu tầm đều có giá trị, không chỉ góp phần khẳng định, tôn vinh những nét văn hóa truyền thống mà còn khơi gợi những phương án phát huy và bảo tồn trong đời sống đương đại.

Trước sự cạnh tranh, lấn lướt của văn hóa ngoại lai, việc sự tầm, trao truyền văn hóa truyền thống là vô cùng cẩn thiết. Từ xác định đó, việc dồn sức cho những công trình nghiên cứu và lan tỏa những giá trị mà những công trình nghiên cứu trong đời sống văn hóa được coi là mục tiêu của Hội Văn nghệ Dân gian. Nhờ sự đầu tư bài bản, lớp lang và đa dạng hóa các kênh thông tin cho các hội viên, giá trị giải thưởng và hàm lượng khoa học của các công trình tham dự giải thưởng thường niên của Hội đã phong phú hơn, có sự chỉn chu về câu chữ, cấu trúc và hàm lượng khoa học cao, và đồng đều ở các chuyên ngành. Tuy nhiên, công tác nghiên cứu, sưu tầm của hội viên Hội văn nghệ dân gian không chỉ là hoạt động bề nổi mà nghiêng nhiều hơn về chiều sâu, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ của người làm công tác nghiên cứu. Nhất là trong bối cảnh hiện tại, quá trình hội nhập thế giới cùng tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến văn hóa dân gian ngày càng bị teo tóp. Cùng với đó, đội ngũ nghiên cứu vừa mỏng lại chưa thực sự chuyên nghiệp khiến cho công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian ở nước ta gặp nhiều trở ngại. Do đó, công tác đào tạo người làm nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian càng phải được chú trọng. Việc không có giải Nhất - giải thưởng cao nhất của Hội trong mùa giải năm nay cho thấy vẫn còn những bất cập trong nỗ lực đầu tư hoạt động của Hội với những đòi hỏi ngày càng cao của giải thưởng. Theo giáo sư Tô Ngọc Thanh, người đã gắn bó gần như cả cuộc đời với lĩnh vực văn hóa dân gian, thì muốn nghiên cứu văn hóa dân gian trước hết chúng ta cần có lý thuyết; Phải hiểu bản chất của văn hóa dân gian trong quá khứ là cái gì?... Có một điều nhiều khi mọi người không để ý, đó là văn hóa dân gian là văn hóa của đời thường, không phải văn hóa của nghệ sĩ đứng trên sân khấu. Do đó, sự hạn chế trong đánh giá, nhìn nhận công việc nội tại của người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm, biểu diễn văn hóa dân gian vẫn còn có độ vênh nhất định. Chính vì vậy, làm nảy sinh những công trình nghiên cứu, sưu tầm có nội hàm na ná nhau, chưa đi đến tận cùng cái gọi là bản sắc văn hóa truyền thống - hồn cốt của chủ thể nghiên cứu. Và đây cũng chính là câu trả lời cho giải thưởng của Hội Văn nghệ Dân gian không có giải Nhất - giải thưởng cao nhất dành cho một năm điền dã để nghiên cứu, sưu tầm và viết lên những công trình…

Minh Nguyệt

Nguồn Văn nghệ số 52/2023


Có thể bạn quan tâm