April 28, 2024, 4:58 pm

Văn học Việt Nam dịch ra tiếng nước ngoài: Một ví dụ nhìn từ Ba Lan

Ngày 23 tháng 10 năm 2023, tại Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Ba Lan thuộc Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội đã diễn ra buổi giao lưu - tọa đàm giữa Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Ba Lan với Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt Nam - Ba Lan. Chủ đề của phần tọa đàm là Dịch văn học Việt Nam sang tiếng Ba Lan. Tại đây anh Marcin Nowacki, sinh viên Ba Lan đang học tiếng Việt tại Trường Đại học Adam Mickiewicz ở Poznan, Ba Lan, hiện đang là thực tập sinh tại Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, đã đọc bài tham luận về tình hình dịch văn học Việt Nam tại Ba Lan. Văn nghệ xin giới thiệu những ý chính của tham luận này.

 

Sinh viên Marcin Nowacki trình bày tham luận tại cuộc tọa đàm

Khái quát

Tác phẩm văn học Việt Nam và Ba Lan từ lâu đã được giới thiệu và dịch sang ngôn ngữ của nhau. Nhưng nếu nói về văn học Ba Lan dịch sang tiếng Việt và văn học Việt Nam dịch ra tiếng Ba Lan, có thể thấy ngay một thực tế là số lượng các tác phẩm văn học Ba Lan được dịch ra tiếng Việt chiếm ưu thế tuyệt đối so với số lượng các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng Ba Lan. Đây là vấn đề tôi muốn nhấn mạnh trong cuộc giao lưu - tọa đàm hôm nay.

Thành tựu dịch văn học Ba Lan sang tiếng Việt được xem là rất lớn và phong phú. Có nhiều tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau của văn học Ba Lan đã được dịch và còn rất nhiều tác phẩm đang nằm trong kế hoạch dịch thuật của các dịch giả Việt Nam. Công việc dịch thuật văn học Ba Lan ra tiếng Việt được hoàn thành bởi những người Việt đang sinh sống ở cả ở Việt Nam lẫn Ba Lan. Tính sơ bộ, đã có khoảng trên dưới 100 đầu sách văn học Ba Lan đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam.

Vài nét lịch sử dịch văn học Ba Lan sang tiếng Việt

Những ví dụ cụ thể nhất về các tác phẩm văn chương Ba Lan được dịch sang tiếng Việt có thể kể:

- Quo vadis, Hiệp sĩ thánh chiến của Henryk Sienkiewicz do Nguyễn Hữu Dũng dịch;

- Búp bê của Bolesław Prus và Hoàng đế của Ryszard Kapuściński do Nguyễn Chí Thuật dịch;

- Chàng Tadeusz của Adam Mickiewicz, Bieguni, những người không ngừng chuyển động của Olga Tokarczuk và Những người nông dân của Władysław Reymont do Nguyễn Văn Thái dịch;

- Faraon của Boleslaw Prus, Hy vọngNgười đàn bà vô gia cư của Katarzyna Michalak do Lê Bá Thự dịch;

- Cô đơn trên mạng của Janusz Leon Wiśniewski do Nguyễn Thị Thanh Thư dịch;

- Thơ của hai nhà thơ Ba Lan được trao Nobel văn học là Czeslaw Milosz (1980) và Wislawa Szymborska (1996) đã được dịch giả Tạ Minh Châu chuyển ngữ sang tiếng Việt.

- Du hành cùng HerodotGỗ mun của Ryszard Kapuściński do Thái Linh dịch.

Khái quát về việc dịch văn chương Việt sang tiếng Ba Lan

Có thể khẳng định thành tựu dịch văn chương Việt sang tiếng Ba Lan còn nghèo nàn về số lượng và kém phong phú về thể loại tác phẩm. Từ sau năm 1989, không có nhiều bản dịch tác phẩm văn chương Việt sang tiếng Ba Lan. Số lượng người chuyên về dịch văn học Việt Nam giảm dần và không thấy nổi lên những khuôn mặt dịch giả đáng kể nào. Nói chung về việc dịch văn học Việt Nam ra tiếng Ba Lan có thể tóm lược trong mấy đặc điểm như sau:

- Ít tác phẩm được dịch;

- Không có nhiều tác phẩm được dịch trực tiếp từ tiếng Việt sang tiếng Ba Lan;

- Đa số tác phẩm được dịch qua tiếng Pháp hoặc tiếng Anh;

- Không có người chuyên về dịch văn học Việt Nam sang tiếng Ba Lan;

- Đa số tác phẩm được dịch là những tác phẩm ra đời vào nửa cuối thế kỷ XX;

- Hầu như không có người Ba Lan dịch một tác phẩm trực tiếp từ tiếng Việt.

Những tác phẩm văn chương Việt đã được dịch trực tiếp từ tiếng Việt và xuất bản tại Ba Lan có thể kể:

- Máu và Hoa của Tố Hữu do Nguyễn Tự Thắng và Nguyễn Trần Ba dịch với sự giúp đỡ của Izabela Zdziech và Andrzej Zaniewski.

- Tập thơ Przemija życie của Lâm Quang Mỹ do nhà thơ tự dịch với sự giúp đỡ của Agnieszka Żuławska-Umeda, Aleksander Nawrocki, Paweł Kubiak, Barbara Nawrocka;

- Tập Thơ Việt Nam từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX do Lâm Quang Mỹ và Paweł Kubiak dịch;

- Tập Thơ Việt Nam do Thanh Lê, Maria Kurecka, Witold Wirpsza dịch;

- Hai tập Truyện cổ Việt Nam do Nguyễn Chí Thuật, Anna Krystkowiak và các sinh viên Trường đại học Adam Mickiewicz dịch;

- Tập thơ Phía bên kia sự im lặng của Mai Quỳnh Nam do Nguyễn Chí Thuật dịch với sự cộng tác của Kalina Izabela Zioła;

- Tập thơ Hoa ban mai của Trương Anh Tú do Nguyễn Chí Thuật dịch với sự cộng tác của Kalina Izabela Zioła;

Trở lại quá khứ một chút, những tác phẩm như Miền tây của Tô Hoài, Gặp gỡ cuối năm của Nguyễn Khải, Miền cháy của Nguyễn Minh Châu, Mùa xuân tiếng chim của Vũ Tú Nam cũng đã được Ryszard Chmielewski dịch.

Một ví dụ khác về tác phẩm văn chương Việt đang được dịch trực tiếp ra tiếng Ba Lan là Tố Tâm của HoàngNgọc Phách, do các sinh viên năm thứ tư tại Trường đại học Tổng hợp mang tên Adam Mickiewicz tại Poznan, Ba Lan dịch dưới sự chỉ dẫn của TS. Bogdan Nowicki.

Trong số những tác phẩm văn học Việt Nam được dịch gián tiếp từ tiếng Pháp sang tiếng Ba Lan, có thể kể đến Truyện Kiều của Nguyễn Du do Roman Kołoniecki dịch, Mặt trận trên cao của Nguyễn Đình Thi do Ewa Fiszer dịch, Chiến tranh giải phóng và quân đội nhân dân, ba giai đoạn chiến lược của Võ Nguyên Giáp do Czesław Lech và Franciszek Dziedzic dịch, Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan do Katarzyna Witwicka dịch, Hái theo mùa của Chế Lan Viên, Thơ Hồ Xuân Hương do Franciszek Machalski dịch, tập thơ cổ điển của các tác giả Việt Nam mang tên Zwój wielkiej perfumowanej rzeki do Andrzej Turczyński tuyển chọn, dịch và xuất bản vào năm 2008.

Dịch qua tiếng Anh sang tiếng Ba Lan có Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh do Roman Palewicz dịch.

Dịch qua tiếng Nga sang tiến Ba Lan có Truyện ngắn chọn lọc do Małgorzata Leczycka dịch vào năm 1970, Truyền thuyết và truyện cổ tích Việt Nam do Jerzy Śliziński dịch vào năm1956…

Ngoài ra còn có một số tác phẩm văn học do những người Việt sáng tác và được xuất bản tại Ba Lan. Có những tác giả viết trực tiếp bằng tiếng Ba Lan, như hai tập thơ của Nguyễn Chí Thuật: Từ sông Hồng đến sông Wisla và sông Warta (2011), Xuôi dòng Warta (2016) hay Từ Việt Nam đến Ba Lan của Trần Thị Lài – Wilkanowicz. Một số tác phẩm khác được viết bằng tiếng Việt, sau đó dịch sang tiếng Ba Lan, như trường hợp cuốn Một mình trên đường của Lệ Tân Sitek, do nhà văn tự dịch, Tiếng vọng của Lâm Quang Mỹ do nhà thơ tự dịch với sự giúp đỡ của Agnieszka Żuławska-Umeda, Aleksander Nawrocki, Paweł Kubiak, Jan Marszałek, Barbara Nawrocka, Edward Osiecki.

Tương lai việc dịch văn chương Việt tại Ba Lan

Nếu hiện nay việc dịch văn chương Việt sang tiếng Ba Lan chưa nhìn thấy những dấu hiệu tích cực thì trong tương lai, nhiều tiềm năng và một viễn cảnh đầy hứa hẹn là điều có thể dự đoán. Thứ nhất là sự quan tâm của người Ba Lan đến văn hóa và ngôn ngữ châu Á nói chung và các dân tộc Đông Nam Á nói riêng đang gia tăng. Nhiều người Ba Lan trẻ bắt đầu hào hứng theo học các ngành liên quan đến văn hóa và ngôn ngữ khu vực này của thế giới, như tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung, nhưng bên cạnh đó tiếng Thái, tiếng Indonesia và tiếng Việt cũng trở nên phổ biến hơn trước. Mặc dù hiện nay chỉ có một trường đại học ở Ba Lan đào tạo ngành Việt Nam học và tiếng Việt, đó là Trường đại học Adam Mickiewicz ở Poznan, nhưng hàng năm ngành học này thu hút nhiều sinh viên mới đến học Việt Nam học (hiện nay số lượng một lớp sinh viên mới năm thứ nhất học Việt Nam học là khoảng 10 người). Cũng có một số trường tư mở lớp học tiếng Việt, ở Poznan, Rzeszów, Warszawa v.v... Thứ hai là sự quan tâm của một số nhà xuất bản đến việc dịch văn chương Việt sang tiếng Ba Lan. Ví dụ nhà xuất bản Tajfuny. Tajfuny là một nhà xuất bản được thành lập vào năm 2018, là nhà xuất bản Ba Lan đầu tiên xuất bản các tác phẩm văn chương châu Á một cách tích cực và quan tâm đến sự phong phú về thể loại. Mặc dù nó xuất bản tác phẩm chính từ Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, nhưng đã nhiều lần nhà xuất bản này bày tỏ sự quan tâm đến việc xuất bản tác phẩm văn chương Việt. Hiện nay nhà xuất bản Tajfuny đang cố gắng tập hợp đội ngũ phiên dịch Ba Lan để dịch trực tiếp một cuốn sách Việt sang tiếng Ba Lan.

Kết luận

Mặc dù hiện nay hiện trạng dịch văn chương Việt sang tiếng Ba Lan còn có nhiều điều cần bàn, nhưng trong tương lai chúng ta có thể trông chờ vào những kết quả khả quan hơn. Cơ sở của niềm tin này là nhờ sự quan tâm ngày càng lớn của cả sinh viên học tiếng Việt lẫn các nhà xuất bản trong nước.

Marcin Nowacki

Nguồn Văn nghệ số 45/2023


Có thể bạn quan tâm