May 3, 2024, 1:01 pm

Văn hóa cũng lụy “phân lô bán nền”

Dịp Tết Tân Sửu đầu năm 2021 cả thị xã Ba Đồn của tỉnh Quảng Bình sôi sùng sục vì một sự kiện chưa bao giờ có: Chính quyền và ngành Văn hoá thị xã tổ chức lễ hội “Không gian xưa, chợ Tết quê”. Một không gian chợ Tết các vùng quê ngày xưa được tái hiện tại Trung tâm Văn hoá thị xã, bên cạnh chợ Ba Đồn là một trung tâm thương mại phía Bắc của tỉnh Quảng Bình và cả khu vực miền Trung, vốn nổi tiếng từ hàng trăm năm trước.

Góc “Ông đồ” ở chợ tết Ba Đồn xuân Tân Sửu 2021. Ảnh Đỗ Thành Đồng

Còn nhớ ngày ấy, người dân náo nức thời trang áo dài, khăn đóng để đến lễ hội. Dù đang là những ngày tháng lăm le Covid-19, nhưng khách thập phương và người địa phương đi lễ hội đều xúc động và hào hứng. Trong lễ khai mạc, cũng như bế mạc, đại diện lãnh đạo thị xã đều phát biểu khẳng định: Từ nay lễ hội “Không gian xưa, chợ Tết quê” sẽ trở thành sự kiện văn hóa thường niên của thị xã, phấn đấu trở thành một “thương hiệu văn hóa” như là sản phẩm OCOP của địa phương. Người ta vỗ tay rầm rầm và hồi hộp mong chờ…

Tiếc thay, năm sau dịp tết Nhân Dần (2022) do đại dịch Covid-19 hoành hành nên lễ hội “Không gian xưa, chợ Tết quê” của thị xã phải hoãn. Đó là điều bất khả kháng. Sang dịp tết Quý Mão năm 2023, đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, cả nước đã bước vào giai đoạn “bình thường mới”. Ai cũng háo hức hướng  về Trung tâm Văn hoá thị xã chờ sự kiện “Không gian xưa, chợ Tết quê” tái diễn “thường niên” như lời lãnh đạo đã khẳng định, nhưng mãi chẳng thấy chính quyền địa phương và ngành chức năng “đả động” gì. Chúng tôi trong Ban lãnh đạo Chi hội Văn học Nghệ thuật của thị xã, năm trước được giao phụ trách tổ chức, năm nay thấy im ắng lâu quá, bèn hỏi thăm ngành chức năng thì được biết: Tình hình ngân sách đang hết sức khó khăn, lãnh đạo thị xã không thể bố trí kinh phí để tiếp tục tổ chức “Không gian xưa, chợ Tết quê” được. Tất cả chỉ vì giá đất đang tụt xuống quá thảm hại, đất thị xã quy hoạch để phân lô bán nền không đấu giá được. Thế là tịt “Không gian xưa, chợ Tết quê”.

Năm nay, “Không gian xưa, chợ Tết quê” của tết Giáp Thìn 2024 chắc chắn cũng tịt vì đã cuối tháng 12-2023 mà tình hình vẫn hết sức im ắng. Và nguyên nhân chắc chắn cũng bởi đất phân lô bán nền đang đóng băng. Trên thị trường tự do thì đang sôi sùng sục những cuộc bể hụi, vỡ nợ, xiết nợ… liên quan đến đất và hậu quả là tình hình trật tự an ninh đang tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn… Một “đại gia” vay ngân hàng 50 tỷ đầu tư, giờ mỗi tháng trả lãi 450 triệu. Không biết anh ta sẽ cầm cự lãi suất được bao lâu? Mấy anh ngân hàng cho vay cũng đang “sốt vó”. Vì để được vay, “đại gia” này chỉ cần có mấy tỉ đồng, mua đám đất rồi hô vống giá lên ngang với giá cơn sốt đất cùng thời điểm đó. Thế là Ngân hàng lấy đó làm mức “thế chấp” mà cho vay, giờ mà bán phát mãi may lắm chỉ được dăm bảy tỉ đồng. Một “tiểu gia” khác, mua đám đất gần nhà mẹ tôi ở dưới làng, chỉ một trăm mét vuông đất vườn nông thôn mà những tỷ rưỡi đồng, sau 3 lần trao tay với giá mua ban đầu là nửa tỉ. Nay anh ta rao bán một tỷ không ai mua, trong khi cộng cả trả lãi vay đám đất đã gần hai tỷ. Vậy là tết Giáp Thìn này nhịn ăn nhịn mặc nhé, đừng mơ đến rượu bia với cây cảnh (!)

Một góc lễ hội “Không gian xưa, chợ Tết quê”.

Đất phân lô bán nền ở thị xã Ba Đồn đóng băng khiến mấy anh em văn nghệ địa phương cũng “vạ lây”. Ấn phẩm Văn nghệ Linh Giang là một chuyên san văn hóa và Văn học Nghệ thuật của Chi Hội Văn học Nghệ thuật Ba Đồn – Quảng Trạch, thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Bình. Để có kinh phí duy trì được thường niên mỗi năm ra hai số, ngoài khoản tự xoay xở của Ban biên tập và Chi hội, thì lãnh đạo thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch còn hỗ trợ cho ấn phẩm một khoản kinh phí có ý nghĩa quyết định. Khoản kinh phí hỗ trợ này thường đến chậm, nên Văn nghệ Linh Giang phải thường xuyên mắc nợ nhuận bút cộng tác viên và tiền của các nhà in, nhà xuất bản… Đặc biệt đến nay, đã cuối tháng 12-2023 rồi mà kinh phí cho Văn nghệ Linh Giang số Tết Quý Mão vẫn chưa có và xem chừng rất vô vọng. Cũng vì thế mà năm 2023 Văn nghệ Linh Giang không thể xuất bản được 2 số như “thường niên”, khiến cộng tác viên và bạn đọc vô cùng thất vọng. Vừa rồi một vị lãnh đạo chủ chốt của địa phương đã phải “nói khó” với chúng tôi: “Các nhà văn, nhà thơ thông cảm cho chúng tôi. Ngân sách địa phương đang kẹt quá, giá đất xuống thảm hại, không đấu giá được…”.

Lại cũng vì thế mà Ngày Thơ Việt Nam dịp rằm tháng Giêng Quý Mão 2023, Chi hội Văn học Nghệ thuật Ba Đồn - Quảng Trạch cũng chỉ dám làm cuộc toạ đàm nho nhỏ với khoảng 30 người. Trước đó, Ngày Thơ Việt Nam năm 2022 chúng tôi tổ chức Lễ hội Thơ với cả ngàn người tham gia. Dự tính, Ngày Thơ Việt Nam năm 2024, cố gắng lắm may ra cũng chỉ làm được như năm 2023. Cũng là một sự đi xuống của văn hoá theo… giá đất vậy!

Kể thêm một chút về thú chơi hoa quả ngày xuân dịp tết. Thị xã Ba Đồn nằm giữa hai đầu đất nước, nên hội tụ đủ các loại hoa và cây cảnh khắp ba miền; chủ yếu là đào và quất miền Bắc, các loại hoa Đà Lạt, mai vàng phương Nam… Tết Nhâm Dần năm 2022, đang lúc dịch Covid-19 hoành hành dữ tợn. Tuy vậy, đeo khẩu trang đi một vòng quanh thị xã Ba Đồn nhỏ bé, thấy hoa, cây cảnh mà ngợp. Phố chợ, trung tâm thì chả nói làm gì, từ mọi ngóc ngách phố phường, đến mấy xã nông thôn vùng ven đều tràn ngập các loại hoa và cây cảnh. Cán bộ, tiểu thương, thường dân… thì chỉ trên dưới một triệu đồng là đã có được chậu hoa, cành đào, cây quất… chơi Tết. Nhưng có đoạn phố, ngõ xóm… bày toàn loại hàng “khủng”, từ vài triệu đến vài chục triệu một chậu hoa, một cây thế. Dân hưu trí lương dăm triệu như tôi đi dạo chợ hoa, thầm nghĩ như này mà ít người mua, bán không hết thì sẽ tội khổ cho các nhà buôn lắm. Nào ngờ chưa đến Ba mươi Tết, đi dạo một vòng xem sao thì thấy họ đã bán sạch sành sanh. Ấy là nhờ năm trước đất lên giá vù vù; nhiều người chỉ trong dăm bữa nửa tháng bỗng trở thành triệu phú, tỉ phú. Người dân bình thường cắt đất vườn mươi lăm mét mặt đường bán kiếm vài tỉ đồng gửi tiết kiệm, sửa nhà cửa, sắm xe máy, cho con cháu và… ăn Tết. Dân đầu cơ đất thì đổi ô tô, xây nhà lầu, ăn nhà hàng và… chơi hoa Tết. Liên tục 2 cái Tết Tân Sửu năm 2021 và Nhâm Dần 2022, cả thị xã Ba Đồn rực rỡ hoành tráng với hoa. Nhưng rồi từ giữa năm 2022 thị trường bất động sản đóng băng, giá đất tụt thảm hại, kéo theo một cái Tết đìu hiu thưa thớt hoa và cây cảnh, cây thế trên các đường phố và trong các sân nhà, cùng sự “méo mặt” của những người bán hoa. Các nhà đầu tư hàng Tết, nhất là hàng hoa “tươi sống”, vốn rất nhạy cảm, nên lượng hoa và cây cảnh nhập về trong dịp Tết Quý Mão đã giảm hai phần ba. Ấy thế mà chiều muộn Ba mươi vẫn còn rất nhiều cây cảnh giá trên mười triệu đứng tồng ngồng trên phố. Loại giá bình dân cũng vắng hẳn khách hàng. Một người bạn của tôi từ Sài Gòn về quê ăn Tết, chiều tối ba mươi đi xem phố xá, gặp một người đồng hương bán đào đang đứng khóc, bèn mua cho hẳn một chục cây mà chỉ tốn hai triệu đồng, đem về trồng đầy trong vườn.

Phải thẳng thắng thừa nhận, tôi rất lơ mơ kiến thức về kinh tế nói chung và đất cát nói riêng. Hơn nữa, tôi luôn luôn cho rằng, mối quan hệ giữa đất với người cũng như vợ chồng vậy. Nếu có nợ có duyên thì tìm đến nhau, nếu hết nợ duyên thì… chia tay là tất yếu. Bởi vậy, dù đất có sốt sồn sột hay đóng băng im ỉm như châu Nam Cực thì tôi cũng chẳng mấy quan tâm. Nhưng khi “sức khỏe” của đất quy hoạch phân lô bán nền ảnh hưởng sinh tử đến các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật thì bất đắc dĩ tôi phải lên tiếng. Tết Giáp Thìn đã sắp đến nơi rồi. Tôi ngồi gõ những dòng chữ này mà suy nghĩ mông lung lắm. Mùa xuân thăng hoa khát vọng phồn vinh, hạnh phúc. Tôi khát vọng cho quê hương và đất nước giàu mạnh. Nền kinh tế, văn hoá, đời sống người dân không phụ thuộc vào tư duy “phân lô bán nền”, xã hội không chao đảo vì bong bóng bất động sản nữa. Tôi cũng khát vọng cho tư duy của các nhà lãnh đạo có tâm, đủ tầm để lãnh đạo nhân dân xây dựng một nền kinh tế sản xuất hàng hoá, dịch vụ phát triển; xây dựng xã hội văn minh, công bằng và tươi đẹp.

Đỗ Thành Đồng

Nguồn Văn nghệ số 52/2023


Có thể bạn quan tâm