April 29, 2024, 5:15 am

Văn hóa bản địa góp phần thúc đẩy Thanh Hóa phát triển

Ở ngay phía Đông Bắc thành phố Thanh Hoá, cách trung tâm thành phố chừng 5km là làng cổ Đông Sơn thuộc vùng châu thổ sông Mã. Từ đại ngàn bao la, sông Mã băng mình qua bao thác, ghềnh, gặp sông Chu tại địa phận làng Giàng – Dương Xá (tên địa danh cũ) làm nên ngã ba Đầu mênh mông sóng nước.

Làng cổ Đông Sơn nay thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hoá là địa điểm đầu tiên tìm thấy và khai quật được nhiều di vật thuộc sơ kỳ đồ sắt sớm. Năm 1924, một nông dân làng Đông Sơn, bên bờ sông Mã sau cơn nước to ra bờ sông Mã câu cá, đã tình cờ phát hiện được một số đồ đồng nằm trong lòng đất nơi bờ sông bị lở. Những đồ đồng này được đem bán cho Pa Giô, một viên thuế quan Thanh Hoá thời bây giờ. Phát hiện này được báo tới trường Viễn Đông Bác Cổ và Pa Giô được uỷ nhiệm tiến hành khai quật di tích Đông Sơn suốt từ năm 1924 đến 1932, ông thu được 489 hiện vật bằng đồng. Cuối năm 1961, di tích Đông Sơn lại được các nhà khảo cổ Việt Nam khai quật, phát hiện hàng loạt mộ đất cùng một số mộ thời Bắc thuộc trong tầng văn hoá với nhiều đồ tuỳ táng bằng đồng và gốm. Chính vì thế đất đặc thù có miền núi, trung du, đồng bằng và ven biển, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai nên người xứ Thanh mang đậm dấu ấn văn hóa vùng đất này thể hiện ở tính cách, lời nói, ngữ âm rất rõ nét trong suốt chiều dài hình thành, phát triển, đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng quê hương, đất nước.

 

Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hóa

 

Thanh Hoá thời Hùng Vương thuộc bộ Cửu Chân. Vào thời kỳ này đã có những làng xóm định cư lâu dài như làng cổ Đông Sơn và nhiều làng xã có tự xa xưa như: kẻ, xá, trang, hương, phường, vạn. Ngày nay tên kẻ còn được nhiều làng, xã tỉnh Thanh quen gọi: kẻ Rị, kẻ Chè, kẻ Lở, kẻ Lào, kẻ Xộp, kẻ Mơ, kẻ Trường, kẻ Mom... Những tên gọi cổ xưa ấy đến nay vẫn được người dân sử dụng. Phương ngữ xứ Thanh có nhiều thổ ngữ cổ, cùng gốc Việt Mường.

Xứ Thanh là miền đất cổ, lưu giữ nhiều dấu ấn của lịch sử, văn hóa dân tộc. Cách đây khoảng 6.000 năm đã có con người tối cổ sinh sống. Từ địa bàn rừng núi (núi Đọ, hang Con Moong), tiến ra trước núi, kéo xuống đồng bằng (Đa Bút, Cồn Cổ Ngựa), rồi chiếm lĩnh biển khơi (Gò Trũng, Hoa Lộc). Sang đầu thời đại kim khí, thuộc thời đại đồ đồng, qua các bước phát triển với các giai đoạn trước văn hoá Đông Sơn, Thanh Hóa đã trải qua một tiến trình phát triển với các giai đoạn văn hoá: Cồn Chân Tiên, Đông Khối - Quỳ Chữ tương đương với văn hoá Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun ở lưu vực sông Hồng. Tiếp đó là nền văn minh Văn Lang cách đây hơn 2.000 năm, văn hoá Đông Sơn ở Thanh Hóa với kỹ thuật chế tác đồ đồng và trống đồng đạt tới đỉnh cao đã toả sáng rực rỡ trong đất nước của các vua Hùng. Không chỉ là di chỉ khảo cổ mà truyền thuyết và di tích thời đại Hùng Vương từ vùng đất Tổ trung châu đã theo các dòng sông lớn về tận miền đất Cửu Chân với các truyền thuyết về Thánh Gióng, núi Sóc (Vĩnh Lộc), Mại An Tiêm (Nga Sơn), di tích Hùng Trinh Vương (Yên Bái, Yên Định), Phan Tây Nhạc (Hà Yên, Hà Trung), An Dương Vương (Quảng Châu - Quảng Xương, Nghi Sơn-Tĩnh Gia)… Mỗi làng quê xứ Thanh đều gắn với một địa danh lịch sử. Với 1.535 di tích, ở đó không chỉ chứa đựng những giá trị văn hoá vật thể quý giá và đặc sắc, mà chính ở các di tích này còn tiềm ẩn nhiều giá trị văn hoá phi vật thể tiêu biểu như­: Thần tích, huyền thoại, tục ngữ, ca dao, lễ tục, lễ hội, văn hoá ẩm thực, các nghi lễ, tục kiêng khem... gắn với các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh vì có công với dân với nước như lễ hội gắn với tri ân các nhân vật lịch sử, người có công mà tiêu biểu hơn cả là lễ hội Mường Ca Da (huyện Quan Hóa), gắn với thờ phụng tướng quân Khằm Ban; lễ hội Căm Mương (huyện Bá Thước), thờ nhiều nhân vật như Bà Triệu, Vua Lê Hoàn, Lê Lợi,...lễ hội Mường Xia (huyện Quan Sơn) thờ tướng quân Tư Mã Hai Đào... Ngoài ra, người Thái còn một số hình thức lễ hội đặc sắc như kin chiêng boọc mạy, phấn chá, xăng khan để cầu sức khỏe (phần lễ) và múa hát xung quanh cây hoa (phần hội). Thanh Hóa được ví như hình ảnh của Việt Nam thu nhỏ với 4 vùng địa lý - kinh tế đặc thù: Miền núi, miền biển, đồng bằng và trung du.

 

Người Thái ở Quan Sơn - Thanh Hóa

 

Xứ Thanh có hệ thống núi non trùng điệp, tiềm năng lớn về kinh tế lâm nghiệp, dồi dào lâm sản, tài nguyên phong phú. Những cánh rừng nguyên sinh như Xuân Liên, Pù Hu, Bến En…, hệ thống hang động: Bo Cúng, Cây Đăng, hang Mường, hang Phi… kỳ bí, không khí mát lành, thác nước: Chín tầng, Ma Hao, thác Muốn, thác Voi... tựa dải khăn von từ trời cao đổ xuống, đường đèo quanh co có sức hấp dẫn du khách khám phá và chinh phục. Những địa danh: Cổng Trời, Son Bá Mười… quanh năm mây phủ, khí hậu ôn hoà chẳng khác gì như Sa Pa, Đà Lạt hiện hữu ở xứ Thanh. Xứ Thanh cũng có vùng đồng bằng rộng lớn. Đồng bằng sông Mã là vựa lúa lớn thứ ba của đất nước là vựa lúa, gạo góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ rạng danh sử vàng. Tiếp vùng đồng bằng là dải bờ biển có nhiều tiềm năng kinh tế du lịch và khai thác hải sản nhưng cảnh quan vô cùng kỳ thú, như: Thắng cảnh Thần Phù, bãi An Tiêm, cửa biển Linh Trường, Lạch Bạng, thắng cảnh Thập Bát Mã Sơn… và các bãi biển kỳ thú như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hoà, vụng biển Nghi Sơn…

Truyền thuyết về Thánh Gióng, Sơn Tinh với tục thờ thần núi Tản, thờ Thánh Gióng ở núi Sóc - Vĩnh Lộc ở làng Ngô, xã Thạch Lập, Ngọc Lặc. Truyền thuyết và đền thờ An Dương Vương và Mỵ Châu ở TP Sầm Sơn - thị xã Nghi Sơn, truyền thuyết thần Đồng Cổ ở Yên Định, truyền thuyết nàng Vọng Phu (núi Nhồi - TP Thanh Hóa)... in đậm trong tâm thức người dân xứ Thanh, hội tụ và lan tỏa trong hệ thống truyền thuyết, truyện cổ của dân tộc. Xứ Thanh là cái nôi của nhiều trò diễn đặc sắc, đó là hệ thống trò: Ngũ Bôn, trò Chiềng, trò Rủn, chèo Chải, Múa Đèn, trò Xuân Phả... Đồng bào dân tộc ít người có trò diễn Pồn Pôông, Kin chiêng boọc mạy, múa rùa, múa bát, múa chuông... Miền đất xứ Thanh là một trong những cái nôi của rối nước, rối cạn. Rối cổ truyền có ở làng Chuộc “pháo Ngò, trò Chuộc” thuộc Thiệu Tiến, Thiệu Hóa; rối cạn làng Nam Ngạn với chú Tễu làm trò, các quân rối tập trận, đu dây...

Xứ Thanh là một trong những cái nôi của những giá trị văn hóa phi vật thể. Trong kho tàng truyền thuyết, truyện cổ, bắt gặp quả bầu - biểu tượng về nguồn gốc và sự ra đời của các dân tộc anh em trên đất nước ta; cây Thần - cây Si trong mo Đẻ đất đẻ nước của ng­ười Mường cành ngả ra tới đâu thành bản thành làng tới đó. Hệ thống các nhân vật khổng lồ như: ông B­ưng, ông Lau, ông Vồm... đội đá vá trời, khai sinh ra sông ngòi, ruộng đồng t­ươi tốt của người Việt, đó là ông Thu Tha bà Thu Thiên của người M­ường, Ải Lậc Cậc, Khăm Panh của người Thái, Chương Han của người Khơ Mú... lập nên những chiến công và kỳ tích phi thường, sáng tạo ra muôn vật, dạy cách trồng trọt, truyền nghề, đánh đuổi kẻ thù bảo vệ cuộc sống... Xứ Thanh có sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường và Khăm Panh của người Thái khá nổi tiếng. Đẻ đất đẻ nước - áng Mo đồ sộ với trên 2 vạn câu đã phản ánh nhận thức của Mường - Việt cổ về tự nhiên, xã hội, con người. Truyện cười Thanh Hóa với truyện: Trạng Quỳnh, Xiển Bột, Chúa Chổm... đặc sắc, vừa là sản phẩm của văn hóa dân gian và văn hóa bác học, mang những nét riêng của truyện cười tỉnh Thanh, vừa tích hợp những câu chuyện cười của cả nước.

Những giá trị, sắc thái mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa là tiềm năng vô cùng to lớn, trải qua hàng ngàn năm lịch sử trong quá trình dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc, những giá trị bản địa xứ Thanh đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa, con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội đổi mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, quê hương trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Trong bài thơ Cứ về Thanh Hóa một lần của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm phần nào nói lên tính cách rất rõ nét của con người xứ Thanh:

Cứ về Thanh Hoá một lần

Thì em hiểu hết người dân xứ này

Vì sao hát lại “dô huầy”

Vì sao nhiều lúc đò đầy vẫn sang

Vì sao đi cấy sáng trăng

Vì sao hạt cát cũng vang trống đồng

Đâu cũng thần núi, thần sông

Đâu cũng truyền thuyết thêu trong, dệt ngoài

Ngõ quê rung tiếng Trạng cười

Rạ rơm ăm ắp những lời giao duyên

Đá mơ Từ Thức lên tiên

Lưới chài rách cũng vớt lên gươm thần

Biển thì Độc Cước phân thân

Núi thì để lại dấu chân Phật Bà

Vượt sông thì vượt Hang Ma

Vượt biển thì phải vượt qua Thần Phù

Đất thì sông Mã, sông Chu

Hết Pù Nọoc Cọoc lại Pù Eo Cưa

Núi thì đâu cũng núi Nưa

Làng thì sinh Chúa, sinh Vua khắp vùng

Sức ai cũng sức ông Bùng

Chí ai cũng chí anh hùng cưỡi voi

Kinh đô Việt mấy lần rồi

Mở trang sử cứ tưởng chơi hú hà

Mồ hôi, xương máu đổ ra

Kết dâng thành đảo gọi là Hòn Mê

Đá Mài Mực, đá Ăn Thề

Yêu nhau đem cả biển về rửa chân

Cứ về Thanh Hóa một lần

Thì em hiểu hết người dân xứ này.

Lan Anh

Nguồn Văn nghệ số 52/2022


Có thể bạn quan tâm