May 2, 2024, 10:01 am

Và không tiếc tuổi thanh xuân. Truyện ngắn của Hoài Hương

1.

Trong hai ngày 20 và 21 tháng 10 năm 2008, tại Mỹ diễn ra hội thảo quốc tế về “Tình báo trong chiến tranh Việt Nam”, do Trung tâm Việt Nam, thuộc Đại học Công nghệ Texas - Texas Tech University cùng Trung tâm Nghiên cứu tình báo thuộc CIA - phối hợp tổ chức. Trong tham luận của một cựu nhân viên CIA đã có ý: “Đúng là phải có một điệp viên cộng sản từng nằm ngay trong lòng Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng hòa. Đặc biệt, dường như điệp viên đó không phải là sĩ quan cao cấp, không phải là tùy tùng thân cận của Tổng thống Thiệu, nhưng chắc chắn nhân vật này đã gửi ra Bộ Chính trị Bắc Việt nhiều tin tình báo chiến lược giá trị”… Trong đoàn Việt Nam là khách mời tham dự hội thảo có một người đàn ông đã luống tuổi, tóc bạc trắng mủm mỉm cười khi nghe như vậy, cậu nghiên cứu sinh trẻ ngồi kế bên thấy ông cười hoài, lấy làm lạ, và tối đó cậu được nghe câu chuyện của ông và những điệp vụ năm xưa…

-  Sao bác cứ cười hoài khi nghe ông ta nói thế?

- Không, bác chỉ cười thú vị thôi. CIA vẫn rất là CIA, chẳng có gì qua mắt họ được, họ biết hết. Chỉ là khi họ thấy được vấn đề thì đã qua ngót 35 năm. Ờ, mà khi ấy cháu chưa sinh ra. Còn bác lúc ấy cũng trẻ như cháu bây giờ… Bác và các đồng đội không tiếc tuổi thanh xuân để cống hiến cho sự nghiệp thống nhất đất nước…

Minh họa: Vũ Đình Tuấn

2.

Ngược thời gian, khi những chiếc máy chém theo Luật 10/59 của chính quyền Sài Gòn lê khắp các tỉnh thành miền Nam, đàn áp khốc liệt tinh thần cách mạng của nhân dân đòi thực hiện Hiệp định Geneve, hiệp thương hai miền Nam Bắc, Tổng tuyển cử, thống nhất đất nước…, gần như các cơ sở cách mạng của ta bị bóc trắng. Nhưng ở ngoại ô Sài Gòn, trong một căn nhà lụp xụp trong khu dân cư lao động, một thanh niên yêu nước đã được cách mạng giao nhiệm vụ đặc biệt. Và anh đã tình nguyện gia nhập vào hàng ngũ Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Vì có bằng tú tài đôi, nên anh được trải qua khóa huấn luyện ở Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt. Năm 1963, chính quyền Sài Gòn rơi vào rối ren giữa các phe phái sau khi lật đổ gia đình Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm, nhiều cuộc đảo chính giành ghế Tổng thống, rồi các phe phái chèn ép tranh quyền thế…, lợi dụng khoảng thời gian tranh tối tranh sáng, lộn xộn đó, anh đã tìm cách vào Văn phòng Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa, và có lẽ từ nguồn Võ bị Quốc gia Đà Lạt cùng trường với tướng Tổng Tham mưu trưởng mà anh được nhận với chức danh nhỏ bé là nhân viên văn thư. Nếu như về quyền lợi hay điều kiện để có được những bông mai chiến tích thăng tiến, thì vị trí này khó mà thành gì, nhưng đứng về tầm nhìn chiến lược của các nhà tình báo, thì đây chính là “kho” để có thông tin nhiều nhất, nhanh nhất và chính xác nhất.

Nhưng đã có một tình huống bất khả kháng xảy ra, tưởng chừng bao công sức tạo dựng đổ sông đổ bể, anh không thể ngồi ở vị trí đó nữa, khi Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Sài Gòn bị lật vì thân cận với Tổng thống vừa bị đảo chính, vị tướng khác lên thay với hàng loạt thay đổi nhân sự ở tất cả các vị trí. Có lẽ anh mang trong mình trọng trách, ý thức công việc mình làm, đã rất tận tụy và mẫn cán, gây cảm tình với các cấp chỉ huy, đặc biệt với vị Tổng Tham mưu trưởng mới lên, nên sau khi sàng lọc nhân sự, anh vẫn được tin dùng. Kể từ đó, anh mang bí số A1, cho tới tận tháng 4 năm 1975, ngay tại “hang cọp”, hoạt động đơn tuyến, bình tĩnh và thông minh xử lý công việc, vừa tròn chức trách một nhân viên văn thư Văn phòng Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa, vừa hoàn thành nhiệm vụ cách mạng một cách xuất sắc. Công việc hằng ngày của A1 là tiếp nhận và lưu trữ công văn đi, công văn đến giữa Văn phòng Tổng tham mưu trưởng với các cơ quan, đơn vị của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, đặc biệt là trao đổi công văn với Phủ Tổng thống, các cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng, các Quân khu - Vùng chiến thuật, các Quân đoàn…, kể cả việc phối thuộc với các đơn vị tác chiến của Quân đội Mỹ ở chiến trường miền Nam Việt Nam. Công việc này tạo cơ hội để A1 tiếp xúc với các tài liệu tối mật của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Không phải tất cả đều suôn sẻ, không phải lúc nào cũng an toàn tuyệt đối để vượt qua những cuộc bí mật thẩm tra giám sát nội bộ của An ninh quân đội, mật vụ Sài Gòn và cả CIA Mỹ. Đã bao lần tưởng rằng bị lộ, đã bao lần tưởng như cái chết cận kề…, và cũng vì xác định có thể hy sinh bất cứ lúc nào nên không dám nghĩ tới cả chuyện tình yêu…

 

-  Kính thưa Ngài Tổng Tham mưu trưởng, chúng tôi phát hiện trong cặp một cán binh Việt Cộng vừa bị bắt có một số tài liệu có thể liên quan từ nguồn bên Ngài.

- Làm sao các anh lại cho rằng tài liệu từ bên tôi rò rỉ ra? Có chứng cớ gì không?

- Kính thưa Ngài, vì không có chứng cớ nên chúng tôi cũng chỉ thông báo và đặt giả thiết bên Bộ Tổng Tham mưu có điệp viên của đối phương.

- Tôi đã cho kiểm tra, các tài liệu này không phải từ bên chúng tôi. Tất cả tài liệu của chúng tôi đều có đánh số, có chế độ bảo mật giám sát nghiêm ngặt. Trong tài liệu nhặt được này, có một văn phong khác hoàn toàn các văn thư tài liệu bên chúng tôi. Nếu cần chúng tôi cho kiểm tra ngay.

- Dạ vâng! Cảm ơn Ngài. Cho phép chúng tôi sẽ tiến hành bí mật thanh lọc kiểm tra.

 

Bộ phận văn thư có bốn người, ngoại trừ một nữ thư ký đánh máy là người của bên Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo Sài Gòn đưa sang, đã qua nhiều tầng thẩm định hồ sơ, trung thành tuyệt đối với chính quyền Sài Gòn, thì ba người còn lại đều trong tầm ngắm của an ninh, và rồi họ cũng lọc dần hai người kia vì nhân thân khá bề thế, có vai vế bên chính quyền dân sự, lại theo Đạo Phật, vì sợ con cháu phải trực tiếp ra chiến trận bắn giết, nên “mua” cái chỗ yên bình và công việc tương đối thanh nhàn này. Chỉ còn lại anh, gần như rất trắng, lưu lạc từ miền Bắc vào Nam khi còn nhỏ, sống trong cô nhi viện của Thiên Chúa giáo, được học tới tú tài, rồi ra ngoài làm thợ nguội tự lập. Đi lính và học Võ bị Đà Lạt…, vào làm việc tại Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu từ năm 1963, từng dưới quyền của vị tướng Tổng Tham mưu trưởng tiền nhiệm, do có nhiều thành tích mẫn cán trong công việc  và được các cấp trên ở đây quý mến nên được giữ lại. Có một căn nhà nhỏ ở khu Ông Tạ, thường chủ nhật đi lễ nhà thờ Chúa Cứu Thế gần nhà, sống một mình, chưa vợ.

 

-  Tại sao anh lại chọn làm nhân viên văn phòng, ít có cơ hội thăng tiến?

- Chỉ là tôi bị “giạt ra rìa” khi các sếp chỉ huy lính chiến đều chê tôi thấp bé, rồi chính các sếp khuyên tôi về đây, công việc văn thư thích hợp thể tạng tôi.

- Thường các sĩ quan trẻ như anh hay có những thú giải trí vui chơi, nhưng thấy anh sống như tu sĩ. Hay anh là Việt Cộng?

- Lạy Chúa lòng thành, tôi không đẹp trai, sĩ quan cấp thấp nên tiền không nhiều, nhà nhỏ trong khu xóm toàn dân lao động nghèo, gái nào mê tôi. Mà như tôi làm Việt Cộng, thì các ông đã không vất vả đi tìm rồi…

- Xin lỗi anh. Tất cả là thủ tục thẩm tra nội bộ như quy định. Chúc anh luôn trung thành với Việt Nam Cộng hòa và tin yêu Chúa. Mà này, cũng nên giải trí chút đỉnh cho biết mùi đời, có cần kinh nghiệm thì kêu chúng tôi làm hướng đạo…

 

Có một sự chủ quan và đánh giá quá thấp khả năng tình báo Việt Cộng của các nhân viên an ninh mật vụ Sài Gòn và CIA, vì thấy muốn sao chép chụp ảnh tài liệu ở văn phòng Bộ Tổng Tham mưu thật sự là bất khả thi, nên đã tạm bỏ qua nghi ngờ người sĩ quan văn thư nhỏ bé, khiêm nhường này. Ở phòng văn thư có những quy định rất nghiêm ngặt về quản lý tài liệu. Ngoài việc có bốn người trong phòng, như một kiểu giám sát trực tiếp lẫn nhau, mà ngay chính cô thư ký bên Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo Sài Gòn đưa sang cũng là một “tay trong” của CIA, thì trong phòng có gắn rất nhiều camera ở nhiều góc, nối máy trực tiếp với phòng an ninh nội bộ, theo dõi nhất cử nhất động của mọi người. Chưa kể theo quy định trong các thao tác tiếp nhận văn thư tài liệu đến hay gửi đi, phải ghi chép thời gian cụ thể từng khâu, cho đến công đoạn cuối là cất vào tủ bảo mật hay chuyển đi, ghi chép số trang tài liệu, và nếu có sao chép thì đánh số cụ thể từng tờ, đánh sai hay in sai thì lập biên bản hủy gồm ít nhất 3 chữ ký, và hủy trong máy cắt giấy và tự đốt ngay tại văn phòng… Nên việc sao chép tài liệu bằng máy chụp ảnh vi phim hay in thêm xem như bất khả kháng.

Tưởng như mọi sự sẽ không thể, nhưng có lẽ cả mạng lưới giám sát kiểm tra theo dõi trong Văn phòng Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cả an ninh mật vụ và CIA không ngờ rằng, viên sĩ quan cấp úy nhỏ con hiền lành, rất chăm chỉ cần mẫn lại khá tỉ mỉ cẩn trọng trong bộ phận văn thư, là điệp viên của đối phương mang bí số A1có một trí nhớ khá siêu phàm. Anh có thể đọc qua cả tập tài liệu rất nhanh và ghi nhớ lại hết, giống như một bản copy được chụp bằng mắt và trí não. Sau đó khi đêm về, anh bắt đầu ngồi “xả”, ghi chép ra giấy bằng thứ mực đặc biệt phải hơ ấm trên lửa mới hiện ra chữ, rồi mang để vào hộp thư mật cho giao liên theo lịch định đến lấy chuyển cho cấp trên ngoài cứ. Và các dự định mở chiến dịch lớn ở các Vùng chiến thuật, hay kế hoạch bình định nông thôn, kế hoạch càn quét tìm diệt các khu căn cứ của Quân Giải phóng, kế hoạch lấn chiếm, tái chiếm, xóa các vùng giải phóng trong tầm kiểm soát của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam… của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và quân đội Mỹ cũng như các đội quân  đánh thuê Nam Hàn, Đài Loan, Philippine..., đều được báo cáo chính xác, kịp thời về căn cứ.

 

3.

Anh à, ba má muốn mời anh bữa trưa Chủ nhật ở nhà em. Xem lễ nhà thờ xong tới nhà nha?

- Có đường đột quá không em? Mà anh chưa chuẩn bị gì hết. Anh ngại ba má em không ưng anh.

- Mình quen nhau cũng ba năm rồi, em có nói ở nhà biết, ba má cũng gặp anh nhiều lần khi xem lễ ở nhà thờ. Ba má em trọng người hiền, trọng tình, không câu nệ giàu nghèo.

- Nhưng anh ngại sự nghiệp không có gì…

- Thế anh không thương em?

- Thề có Đức Chúa. Anh thương em.

- Anh kỳ quá, sao lúc ba má hỏi anh có hứa thương hoài em, lo cho em có được hạnh phúc… Thì anh lại không trả lời. Ba má có ý trách anh, và nói có lẽ anh chưa thật thương em.

- Xin lỗi em, anh thương em, nhưng thật sự chưa dám hứa, vì anh là người lính, công danh sự nghiệp chưa ra sao, em lại là con gái cành vàng lá ngọc, anh sợ em sẽ khổ.

- Ba má em có nói, cưới xong, ba má cho hai đứa căn nhà ở quận Nhất để ở, và nhờ quen biết xin anh ra khỏi nơi đó, cấp vốn cho hai mình buôn bán… Mà ba má cũng có hứa, sẽ cho em hồi môn một số cửa tiệm, đủ cho anh và em có cuộc sống thoải mái.

- Anh biết ba má thương và lo cho em. Nhưng thằng đàn ông là anh, cũng có tự trọng, làm sao anh có thể ngửa tay nhờ cậy bên nhà vợ…

- Anh à, em hỏi thật tình. Anh có thương em không? Có muốn lấy em làm vợ?

- Thương. Nhưng anh chưa thể làm đám cưới với em lúc này.

- Em đã nói anh đừng lo gì, gia đình em sẽ lo hết… Hay anh không thương em?

- Thề có Đức Mẹ Maria chứng giám. Em thấy đó. Anh có người con gái nào khác em đâu. Em là mối tình đầu của anh.

- Vậy sao anh… Mà thôi. Em không hiểu vì sao anh không chịu làm đám cưới với em. Em thương anh, nhưng em nghe lời ba má. Có lẽ đây là lần sau cùng mình gặp nhau. Tháng sau em đám cưới và theo chồng ra nước ngoài. Em hy vọng anh nghĩ lại. Em vẫn đợi… Trái tim em vẫn thuộc về anh.

 

Trái tim anh như bị xát muối, muốn rỉ máu, đau mà không thể nói, không muốn là người phụ tình mà thành ra kẻ phụ tình một người con gái dễ thương yêu anh hết mực. Người con gái anh yêu, đã đi lấy chồng. Ngày làm Thánh lễ hôn phối ở nhà thờ, anh chỉ dám đứng thật xa, thầm chúc phúc cho người con gái, mong cô có được hạnh phúc. Anh quặn thắt lòng khi nghe kể lại, suốt cuộc lễ, cô gái cứ luôn nhìn ra hướng nhà thờ, và khi Cha hỏi cô “Con có chấp nhận anh… làm chồng…”, cô cứ thẫn thờ, phải nhắc tới lần thứ ba cô mới giật mình… Có lẽ cô vẫn mong anh, anh sẽ xuất hiện giờ chót, và cô sẵn sàng bỏ tất cả để theo anh. Nhưng không thể. Ngàn vạn lần xin lỗi em. Mong em tha thứ. Làm sao người con gái yêu anh hiểu được, anh đã cắn răng chấp nhận hy sinh tình riêng, không chỉ là vì trọng trách mà còn là bảo vệ cho cô, cho gia đình cô. Lỡ nhiệm vụ thất bại, anh bị bắt, gia đình họ sẽ bị liên lụy, cô sẽ sống thế nào…

Và cũng kể từ ngày đó, trái tim anh khép cửa. Anh giành trọn vẹn cả tâm cả trí và cả thanh xuân của mình cho nhiện vụ cách mạng trong điều kiện đầy bất trắc hiểm nguy.

 

4.

Năm 1968, chiến dịch Phượng Hoàng - “Behind the Phoenix Program” được bảo trợ bởi CIA, khởi động. Đây là một chương trình nhằm chống lại phong trào nổi dậy của các lực lượng thuộc Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đặc biệt phát hiện và phá hủy tận gốc các cơ sở mật, các điệp viên Việt Cộng nằm vùng… Cho tới sau Mậu Thân, sang năm 1969 thì chiến dịch này càng mở rộng với quy mô lớn, kết hợp cùng với Quân lực Việt Nam Cộng hòa mở rất nhiều chiến dịch lớn nhỏ nhằm xóa sổ lực lượng Quân Giải phóng, gây áp lực trên bàn đàm phán hòa bình ở Việt Nam tại Paris…

Một ngày sau Tết Nguyên Đán năm 1970, cuối giờ chiều của văn phòng Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, một văn thư hỏa tốc từ bên Đại sứ quán Mỹ chuyển sang. Lúc này, bộ phận văn thư cũng chỉ còn một mình anh, cô thư ký đã xin về sớm để chuẩn bị cho một dạ tiệc gia đình, hai công tử con nhà kia cũng đã ra về, vì nghe đâu có gầy độ nhậu với vài đồng nghiệp bam khác. Theo quy định khi nhận văn thư cuối giờ thì bỏ ngay vào tủ bảo mật, để sáng hôm sau trình lên trên lúc đầu giờ. Nhưng hai chữ “Hỏa tốc” - Tuyệt Mật lại như trêu ngươi, làm sao có thể đọc được nội dung trong đó ngay lúc này. Nghĩ nhanh trong chớp mắt, anh điện thoại trực tiếp cho thư ký của Tổng Tham mưu trưởng vì biết ông ta vẫn còn trong văn phòng, nói vừa nhận một văn thư hỏa tốc bên Tòa Đại sứ, có thể trình lên ngay? Vị thư ký kia nói “OK”! Anh lập tức mang văn thư cùng sổ ghi nhật ký công vụ, sau khi viên thư ký ký nhận, thì liền mở ngay bì thư, một khoảnh khắc vô giá, một sơ ý va chạm vào tay viên thư ký, tờ văn thư rớt xuống, anh vội lượm lên, nội dung đã được đôi mắt tinh anh nhanh như lóe sáng của một shot hình “chụp” lại… “Chiến dịch vượt biên Cao Miên”- Cuộc xâm nhập Campuchia, mở rộng chiến tranh toàn cõi Đông Dương, triệt phá truy quét căn cứ của Trung ương Cục Việt Cộng đóng trên lãnh thổ Campuchia, cắt đứt đường dây tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Chiến dịch sẽ dự định tấn công vào miền Đông Campuchia, khu vực Mỏ Vẹt vào tháng 4/1970. Phía quân đội Mỹ sẽ điều động 50.000 quân và yêu cầu phía Quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng cho một số quân tương đương phối hợp tác chiến…”. Một chút gai lạnh sống lưng. Giả sử đề lọt mất thông tin này, không biết ở ngoài cứ có còn nguồn tin nào khác để mà chuẩn bị ứng phó. Nếu không kịp thì lại thêm một lần trắng như hồi Mậu Thân, lại thêm bao nhiêu hy sinh mất mát…

Đêm đó, một bản báo cáo chi tiết, ngoài nội dung trên còn một bản báo cáo về số quân sau lệnh Tổng động viên bắt lính của chính quyền Sài Gòn, bắt tất cả các thanh niên từ 18-38 tuổi: “Tổng số quân lên 1.000.000 quân, và trong vòng 3 năm, Mỹ sẽ chuyển giao cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa khoảng 1 triệu vũ khí cá nhân, 46.000 quân xa, 1.100 máy bay gồm cả trực thăng…”.  Và cũng là lần đầu tiên anh phá vỡ quy tắc hoạt động, liên lạc trực tiếp với giao liên để chuyển ngay tài liệu thẳng ra cứ không qua hộp thư chết như mọi lần.

 

Cuối năm 1970, Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa náo nhiệt, ồn ào khác thường. Tướng lĩnh bốn Vùng chiến thuật, các Quân đoàn, Sư đoàn, các quân binh chủng ra vào họp hành nhận lệnh trực tiếp với Tổng Tham mưu trưởng, và sau đó thì hối hả quay ngay về đơn vị, không ở lại Sài Gòn như thông lệ, thậm chí không cả một tiệc ăn như thông lệ. Một chiến dịch lớn sắp sửa diễn ra… Mỹ đã thay đổi chiến lược mới “Việt Nam hóa chiền tranh”, và mở một chiến dịch lớn để chứng minh sự trưởng thànhcòn là một thử nghiệm về khả năng có thể tự tác chiến trong tình huống Mỹ tiếp tục rút quân ra khỏi chiến trường miền Nam Việt Nam, và năng lực hoạt động độc lập một cách hiệu quả của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

 

Trong các tin tức tình báo Trung ương Cục nắm được, thấy có cùng lúc hai tên gọi chiến dịch là: “Lam Sơn 719” và “Dewey Canyon II” ở cùng một vị trí chiến lược liên quan tới khu vực Đường 9 - Nam Lào trong cùng một thời gian.

Yêu cầu A1 xác minh chính xác là một hay là hai chiến dịch khác nhau. Và kế hoạch tác chiến của chiến dịch.

Trích báo cáo:

“Ngày 7 tháng 1 năm 1971, Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu của Sài Gòn nhận được văn thư của MACV- Bộ chỉ huy Viện trợ quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam đưa kế hoạch chi tiết cho cuộc tấn công vào các khu căn cứ 604 và 611 của Việt Cộng, gồm 4 đợt tấn công chiến thuật… Phần chiến dịch do Mỹ thực hiện được đặt tên “Dewey Canyon II”- Đã từng có chiến dịch mang tên này vào cuối năm 1969, với hy vọng rằng sự trùng tên này sẽ làm Hà Nội nhầm lẫn về mục tiêu chính của cuộc tấn công. Phần của Quân lực Việt Nam Cộng hòa được đặt tên “Lam Sơn 719 - Cuộc hành quân Hạ Lào”, con số 719 được ghép từ năm 1971 và Đường 9 - trục chính của chiến dịch - Mục tiêu tiến vào phần lãnh thổ Lào quanh đường 9, kéo dài từ biên giới tới thị trấn Tchepone, tiêu diệt lực lượng Việt Cộng và Pathet Lào trong vùng; phá hủy tất cả các kho xăng dầu và hậu cần; kiểm soát mọi sự thâm nhập dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh từ Bắc vào Nam…”

 

Chiến dịch “Lam Sơn 719” thất bại là một thảm họa, xóa sổ những đơn vị thiện chiến nhất của quân đội Sài Gòn và thảm hơn là phá tan sự tự tin đã được xây dựng trong ba năm trước đó về sức mạnh và khả năng tác chiến. Và với Mỹ thì thất bại chiến dịch còn là một minh chứng bất khả thi chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” mà trước đó nhiều quan chức chính trị và quân sự Mỹ coi là phương cách tốt nhất để cứu vãn Việt Nam Cộng hòa và để Mỹ hoàn thành việc rút quân. Nhưng cũng chính vì không cam tâm với thất bại của chiến dịch, toàn bộ lực lượng An ninh quân đội, mật vụ, Phủ Đặc ủy trung ương tình báo, CIA tung quân làm một đợt thẩm tra lại toàn bộ các cơ quan, đơn vị liên quan, vì chắc chắn phải có điệp viên của Việt Cộng gài vào, thậm chí “gài sâu”, nên tất cả các kế hoạch tác chiến khi triển khai đều bị Quân Giải phóng “đón lõng” và tiêu diệt, thậm chí họ còn bị Quân Giải phóng làm “bay” cả Lữ đoàn 3 dù, bắt sống đại tá Lữ đoàn trưởng và toàn bộ Ban tham mưu Lữ đoàn 1 Dù và Lữ đoàn 1 Thiết giáp. Ngay cả khi rút lui, cũng bị Quân Giải phóng chặn đánh tan tác, buộc Mỹ phải mang bom thả phi tang chiến địa, đánh hỏng những vũ khí tối tân mới cung cấp cho Quân đội Sài Gòn, sợ lọt vào tay Quân Giải phóng - Và chính việc này cũng làm cho rất nhiều binh lính Sài Gòn bị thương vong thiệt mạng, tạo dư luận phẫn nộ trong dân chúng miền Nam.

Cũng là một sai lầm theo kiểu suy luận lý thuyết bài bản, họ tập trung vào những người thân cận với các chỉ huy cao cấp, mà hoàn toàn bỏ qua một mắt xích quan trọng là các nhân viên cấp thấp. Chính vì thế, sau một đợt thẩm tra rà soát thậm chí giăng bẫy hòng để tìm ra điệp viên Việt Cộng, nhưng hoàn toàn “bóng chim tăm cá”. Nhưng cũng chính cuộc tảo thanh diện rộng nội bộ Quân lực Việt Nam Cộng hòa, lại làm cho các điệp viên đối phương càng cẩn trọng hơn trong hoạt động. Và cho dù có thêm rất nhiều tầng bảo mật tài liệu thì phía Việt Cộng vẫn luôn nắm được những thông tin tuyệt mật để ra những quyết sách ứng phó, mở các đợt tấn công chiến thuật, thậm chí mở cả những chiến dịch lớn, gây cho Quân đội Sài Gòn nhiếu thiệt hại cả người lẫn vũ khí. Đồng thời với vừa đánh vừa đàm, trên bàn đàm phán Hiệp định Paris, ngày 27 tháng 1 năm 1973, cả bốn bên cùng ký vào Hiệp đình hòa bình, quyết định Mỹ rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt hoàn toàn chiến tranh ở miền Bắc Việt Nam.

Sau khi Quân Giải phóng lấy được Thượng Đức - Quảng Nam vào cuối năm 1974, nơi được Tổng thống Thiệu đặt biệt danh “Mắt ngọc đầu rồng”, bất khả chiến bại, thì tháng 1 năm 1975, Quân Giải phóng lại tiếp làm chủ Phước Long, cũng là lúc Sài Gòn như sắp bị cuốn vào một cơn giông lớn, không khí bình yên chỉ là tạm thời giống như trong tâm bão, Quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng rơi vào sự khủng hoảng. Trong căn cứ Trung ương Cục nhận được báo cáo, trong đó có chi tiết mang tầm chiến lược để quyết định mở chiến dịch tổng tấn công, quyết trận cuối cùng, cắm cờ Giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập - Phủ Đầu Rồng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Báo cáo từ nguồn Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn, chỉ vòn vẹn ba dòng, nhưng cho biết chắc chắn Mỹ sẽ không can thiệp đưa quân vào miền Nam Việt Nam một lần nữa, cuộc chiến sẽ là cuộc đối đầu với Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Chính phủ Mỹ quyết định: “Mỹ coi như chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc, Mỹ sẽ không chi viện cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa bằng lực lượng chiến đấu của Mỹ”, có nghĩa là việc viện trợ của Mỹ sẽ không còn, khả năng phòng thủ và chiến đấu của lực lượng quân đội Sài Gòn sẽ giảm thiếu có thể đến tối đa, khó bề chống lại sức mạnh đang ngày càng mạnh hơn của lực lượng Quân Giải phóng.

Tháng 3 năm 1975, Quân Giải phóng như cơn lốc, đã nhanh chóng làm chủ hoàn toàn Tây Nguyên và miền Trung, ào ạt 5 mũi tiến công tiến về Sài Gòn, chiến dịch Hồ Chí Minh khởi động trong thế chẻ tre và quyết chiến quyết thắng. Có lẽ thấy tình hình đã khác trước, và rất cần thông tin nhanh chóng, hộp thư chết không đáp ứng yêu cầu cần tin tức nhanh, để xử lý kịp thời, cấp trên đã quyết định lập đường dây giao liên “nóng”, trực tiếp, các tài liệu sẽ được chuyển liên tục ra cứ. Nhưng cũng chính vì thế mà suýt nữa anh bị lộ chỉ vì sự bất cẩn của giao liên, đã tới chậm 5 phút, anh đã tính hủy cuộc hẹn, nhưng vì nghĩ nếu chậm lại một ngày thì có thể nhiều đồng đội của anh bị hy sinh. Vì nấn ná thêm 5 phút, anh đã gặp một tổ quân cảnh đang tuần tra chặn lại hỏi căn cước và đề nghị cho kiểm tra cái cặp nhỏ anh đang mang trên người. Rất may, chưa kịp lấy căn cước cho kiểm tra, thì một trong ba quân cảnh nhận ra anh là người trong Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu, vì có thời gian mấy năm anh ta gác ở đó, quen mặt anh… Thở nhẹ một cách kín đáo, anh chào họ, và rảo bước nhanh, trong cái cặp đó là một tập tài liệu gừi ra cứ.

 

A1 nhanh chóng cho biết tổng thể lực lượng quân đội Sài Gòn, mức độ sử dụng bom đạn, các phi vụ máy bay chiến đấu và vận tải, sự cơ động của xe tăng- thiết giáp, khả năng chiến đấu của tàu chiến, và việc bố trí các đơn vị - binh lực tại các Vùng chiến thuật của Quân lực Việt Nam Cộng hòa…”.

Quân đội Sài Gòn đang tập trung lực lượng phòng thủ tinh nhuệ ở căn cứ Nước Trong và Xuân Lộc… Sự bố phòng và khả năng tác chiến của các loại vũ khí hạng nặng rất hiệu quả. Đặc biệt có bom CBU-55, một loại vũ khí phi hạt nhân khủng khiếp nhất trong kho vũ khí của Mỹ trang bị cho quân đội Sài Gòn…”

A1 cố gắng ở nguyên tại Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu, tuyệt đối đề phòng âm mưu và ngăn cản việc tiêu hủy hồ sơ tài liệu, vận động các nhân viên văn phòng gìn giữ, niêm phong kho tàng, hồ sơ, bảo toàn tài liệu, máy móc…”.

 

5.

Và không tiếc tuổi thanh xuân. Bác đã có 7.000 đêm căng thẳng giữa muôn trùng vây đầy cam go, và có thể hy sinh bất kể lúc nào. Bác đã hoàn thành nhiệm vụ. Và giờ đây, ở ngay nước Mỹ, ngồi bên cạnh một nhân viên CIA, nghe họ nói về mình, mà không biết mình chính là người họ đang đề cập. Thật thú vị.

- Rồi sau này bác có gặp lại người yêu ngày xưa đó?

- Bác đã gặp rồi. Chính là hai vợ chồng gia đình người Việt đưa hai bác cháu mình thăm Đài tưởng niệm binh sĩ Mỹ chết ở chiến trường Việt Nam.

- Ôi, sao bác có thể tỉnh đến thế?

- Không tỉnh thì sao nào. Nhưng thật ra cô ấy đã tha thứ cho bác rồi. Bác rất vui vì thấy cô ấy sống yên bình và hạnh phúc.

- Còn bác, sau năm 1975, bác còn trẻ, nhưng sao bác không lập gia đình?

- Hoàn thành nhiệm vụ cách mạng xem như chí trai đã thỏa. Cả cuộc đời bác chỉ yêu một người con gái. Bác muốn giữ trọn vẹn tình yêu cô ấy trong tim.

Truyện ngắn của Hoài Hương

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2023


Có thể bạn quan tâm