May 2, 2024, 9:04 pm

Tuổi tám mươi lại hát “Khúc quân hành”

Những ngày tháng tư nắng nôi thế này, nhà thơ Hoàng Cát đã vượt hơn hai chục cây số ra ngoại thành tặng tôi tập thơ Khúc quân hành (NXB Hội nhà văn, 2023) in vừa ráo mực.

Nhìn ông vui vẻ nhanh nhẹn đi lại, ít ai biết ông vừa chạy xạ ở bệnh viện Thanh Nhàn… Khi bác sĩ rút mũi kim truyền hoá chất, ông đã gọi Taxi đến tôi để kịp chiều về lại viện… Gặp nhau, vừa ký tặng sách, ông vừa khoe sắp tới sẽ ra tuyển thơ 1001 bài…

Tôi và Hoàng Cát biết nhau từ năm 1959 vào học trường Trung cao Cơ điện, lúc ấy mới 18 tuổi. Sau ba năm tốt nghiệp, tôi xung phong đi xây dựng kinh tế miền núi, vùng Đông bắc Quảng Ninh, còn Hoàng Cát được phân công về làm kỹ thuật ở nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo Hà Nội, một chỗ làm mơ ước thời bấy giờ, thế mà thời gian sau anh xung phong nhập ngũ vào Nam chiến đấu với mơ ước thật trong lành. Thơ đang đợi anh ở nơi chân trời ấy. Sau gần chục năm đi xa, tôi về lại Hà Nội, Hoàng Cát bị thương để lại một bàn chân nơi chiến trường, trở về nhà máy Trần Hưng Đạo làm việc và cưới vợ, được phân nhà tập thể… yên tâm theo đuổi ước mơ thi ca. Ai ngờ cái truyện thiếu nhi Cây táo ông Lành bỗng dưng mang hoạ đến cho vợ chồng anh. Tạp chí Cộng sản có hẳn một bài luận tội quy chụp cho anh có tư tưởng chống Đảng. Nhà máy buộc hai vợ chồng phải thôi việc, ra vỉa hè bán chén nước, cuốn thuốc lá kiếm sống. Mười bốn năm liền không báo chí nào in bài viết của anh, cho mãi đến khi “Đảng cởi trói”, tôi đến phỏng vấn anh để viết bài in tờ Người Hà Nội đổi mới đầu tiên, anh đã nói “Mình đi chiến trường bị thương mất một chân… giờ thêm tai nạn văn chương như thêm một lần tai nạn…”.

Vốn sống thời gian, cùng những ẩn ức, khát khao cuộc sống tốt đẹp hơn đã thành trữ lượng cho ngòi bút anh tuôn chảy cho đến nay trên tám chục tuổi đầu. Hơn một tháng vừa qua đã in ba tập thơ liền, đã xong bản thảo tập thơ nghìn bài và còn dự kiến tiểu thuyết tiếp theo. Ngồi với nhau chừng hơn một tiếng đồng hồ, anh vui ào ạt quyên bệnh tật. Anh đùa làm đến khi nào đi thẳng xuống nghĩa trang Văn Điển…

Cái gì đã đem tới cho nhà thơ Hoàng Cát lòng yêu đời, yêu cuộc sống thành hồn cốt cho những câu thơ anh viết? Một đời lính với nỗi đau xương thịt, một nhà văn mang tai hoạ văn chương, một con người tuổi tác ngoài tám mươi, lại mang trong mình căn bệnh nặng, đang hy vọng vào khoa học chữa chạy và hy vọng vào cả đất trời chở che, vậy mà anh vẫn hát được những “Khúc quân hành” nóng hổi những đề tài cuộc sống đang khát khao mong ước của con người …

Đọc Khúc quân hành tôi thấy mình phải viết giới thiệu, tiếp âm cho những khúc hát của anh để truyền cảm vang xa hơn vào cuộc sống hôm nay:

 

KHẮP TỔ QUỐC

Khắp Tổ quốc nơi nào tôi cũng đến

Từ Lạng Sơn cho tới mũi Cà Mau

Đồng bào tôi nơi nào cũng khổ

Tiền bạc khó nghèo

Nhưng tình cảm rất giàu

Giầu hơn hết mọi điều trên trái đất

Gặp một lần là nhớ đến đời sau

 

Tôi đã ngồi trong hầm bí mật

Mẹ Triều Dương trong buổi

chiến tranh

Nhai mẩu sắn mẹ giấu vào vạt áo

Đến bây giờ nhớ lại lệ còn ròng

Ôi Tổ Quốc là vĩ mô vĩ đại

Trong tôi Tổ quốc đẹp vô ngần

Tổ Quốc là cánh chim vịt trời bay

trên hình chữ S

Vì mảnh đất thân yêu này

Chúng tôi xá hy sinh

 

Con xin được cùng Bác Hồ

Và các vị vua Hùng cùng gìn giữ

Cõi giang sơn như gấm vóc này!

Cho con được đời này đời khác

Có Tổ Quốc trong lòng

Và tất thảy trong dân…

Như lời tâm sự giãi bày đến gan ruột một con người, yêu Tổ quốc không vì bất cứ một ham muốn tính toan vụ lợi… chỉ thấy yêu Người như thể tôi sống tôi yêu …! Ta đọc thêm những câu thơ, để thấy rõ hơn, cái bản lĩnh đã cho anh tình yêu ấm áp sáng trong đến vậy:

Như chưa hề cụt hẳn một bàn chân

Y như thể chiến tranh chưa chạm tới

Ngày trai trẻ tôi vẫn nhiều sôi nổi

Vẫn hát ca, vẫn đạp xe bon bon

(Như chưa hề…)

Càng cảm phục, càng thương Hoàng Cát của những nỗi đau xương thịt, khi phải cưa chân ở chiến trường thiếu phương tiện thuốc men và những ngày trên giường bệnh chống chọi bệnh nan y:

Tóc rụng hết, đầu trọc lốc sư cụ…

Da thịt nhăn nheo run rẩy như ma

Thì ra khi đã vượt qua những đau đớn tột cùng của cả thể xác lẫn tinh thần sẽ quý yêu cuộc đời, sẽ tìm được lẽ sống trong lành tốt đẹp mà người không từng trải không dễ gì nhận ra thứ hạnh phúc bình thường vẫn chờ đợi, vẫn ríu rít bên ta:

Sớm mai nay hoa sân nhà thơm ngát

Ta tự thưởng cho mình ly cà phê

thơm ngon

Tôi mới hiểu vì sao anh viết được hàng nghìn bài thơ, với quan niệm vượt lên khổ đau để sống. Sống là thương mến, là vui, trái tim nhà thơ không có chỗ để hận thù, tự mình tìm ra hạnh phúc giữa cuộc đời đầy vật lộn cam go cùng những mưu toan gian dối đê hèn. Nhiều người cầm bút làm thơ sẽ ngỡ ngàng, giữa cuộc sống này mà Hoàng Cát có nhiều câu thơ trong trẻo đến mức ngây thơ. Hơn sáu mươi năm đã làm bạn của nhau, mà đọc hết Khúc quân hành, tôi cũng ngỡ ngàng, ngồn ngộn kỷ niệm đời sống đi qua đã in đậm vào thơ anh, cùng ngồn ngộn tâm tư day dứt mà chân tình đẹp đẽ, tôi mới hiểu thêm, trái tim anh còn nguyên ấm áp, đâu có cạn vơi, dễ quên. Chỉ có điều viết ra thế nào cho hợp lẽ sống tình người muôn thuở:

Tôi muốn viết nhưng rồi không

dám viết

Nghĩ cho cùng viết hoài không thể hết

Mọi nỗi tâm can giăng mắc vui buồn

Dằng dặc đủ màu… suốt cả

“cuộc chơi ngông

(Rồi lại không dám viết)

Thì ra đọc Hoàng Cát không đơn giản, tưởng ngòi bút ông ôm đồm gặp gì ghi nấy nhưng có lẽ đấy lại là mục đích không dễ mấy người làm được, ông đã sống ra sao để những kỷ niệm đi qua chưa kịp phai nhoà, ghi lại được màu sắc âm hưởng cuộc sống, bởi nó đâu có được lặp lại hai lần, cho người sau hiểu cái phong phú của cuộc sống đau thương, dối lừa và tốt đẹp cùng diễn ra một thời, người sau tự lựa chọn cho mình cách sống. Trước khi đặt bút ông nghĩ về văn chương:

Văn chương và thi ca – Lịch sử của

nước nhà

Lịch sử loài người

Là sữa non cho mọi người tất cả!

Chúng không chứa mi-li-gam nào

chất nổ

Nhưng sức mạnh Thi ca và Lịch sử

còn hơn cả đạn bom!

(Nếu coi nhẹ văn chương và lịch sử)

Ai đã gặp đã biết Hoàng Cát từ sau những năm đổi mới nền kinh tế, phong thái ăn vận của anh rất “mốt”, luôn luôn diện quần bò, phông trắng, giày A-di-dat trắng … Vậy mà anh tự nhiên tìm lại vẻ đẹp tâm hồn quê kiểng qua sắc phục màu gụ nâu của bộ bà ba.

Tra (1) rồi nỏ (2) mặc quần Tây

Ta về lại với mẹ thầy của ta

Quần nâu áo vải sớm trưa

Thung dung rộng rãi lại vưa (3)

đồng tiền

Nỏ mong chi được người khen

Chỉ tìm đến chốn an nhiên của mình

Bà ba từ tuổi non xanh

Tra rồi xuống hố xông xênh mặc lòng

(Tra rồi lại mặc bà ba)

Nhưng với văn chương sự nghiệp anh đã đặt cược cả đời mình thì anh không đổi…!

______

1. Già

2. Không

3. Vừa           

Chử Văn Long

Nguồn Văn nghệ số 26/2023


Có thể bạn quan tâm