April 28, 2024, 7:43 pm

Từ Wim Wenders đến Haruki Murakami: Sự kỳ diệu của thói quen

Mở đầu Perfect Days - tác phẩm điện ảnh mới đây của đạo diễn kỳ cựu người Đức Wim Wenders, ta có một buổi sớm tinh mơ Tokyo, khi mặt trời còn chưa mở mắt, nhưng ông Hirayama đã mở mắt.

“Perfect Days” gợi mở cho chúng ta về vẻ đẹp của những thói quen thường ngày. Nguồn: New Yorker.

Ông Hirayama gấp gọn chăn gối, xuống nhà đánh răng, tỉa râu, tưới những bình cây nho nhỏ trong phòng, mặc lên bộ đồng phục lao động, lấy mấy đồng xu nhỏ đã để sẵn từ hôm qua, mua một lon cafe Boss ở tủ tự động, lên xe ô tô, mở một cuộn băng cassette, vừa lái xe vừa nghe nhạc rock, đến nơi, ông lôi dụng cụ ra, bắt đầu công việc của mình. Ông là một nhân viên cọ toilet công cộng. 

Ông nhặt những mẩu giấy vương vãi từ đêm qua, thò tay vào bồn cầu kỳ cọ từng ly, với tất cả sự tận tụy và cầu toàn như thể thứ ông đang kỳ cọ chẳng phải là cái bồn cầu để người ta đi tiêu đi tiểu. Nếu ai đó đã từng đọc bài phóng sự về việc làm vệ sinh cho tượng David của Michelangelo ở Florence, thì vâng, thái độ của ông với cái bồn cầu cũng chẳng khác chi người nhận lãnh nhiệm vụ chăm sóc hằng tháng cho tượng David. Đến trưa, ông ngồi dưới một tán cây ăn cơm, trên đầu ánh sáng xuyên qua tàng lá – một khoảnh khắc mà người Nhật gọi là “komorebi” – ông giương chiếc máy ảnh phim nho nhỏ của mình lên, chụp vài tấm, có vẻ hài lòng. Đến tối, ông đạp xe đến một cửa hiệu ở khu tàu điện ngầm dưới lòng Tokyo, ngồi trước chiếc tivi đang chiếu một trận đấu bóng, chẳng cần ông phải nói gì, người bán hàng cũng biết ông muốn gọi gì. Tối về, ông lại nằm lên đệm, đọc vài trang sách dưới chiếc đèn bàn, đọc một hồi, ông gấp sách, tháo kính, đi ngủ, ngủ, nằm mơ. Sáng hôm sau, khi mặt trời còn chưa mở mắt, ông lại tỉnh dậy. Lại một ngày như thế.

Sẽ có một vài ngày khác đi một chút – những ngày ông có lịch trình đi tắm nước nóng, những ngày nghỉ khi ông không phải đi làm, ông sẽ nằm trên sàn nghe nhạc, sẽ đi rửa những tấm ảnh phim và về nhà lưu trữ trong bộ sưu tập ảnh đồ sộ chụp những tán cây của mình, sẽ đi mua sách, sẽ đến một quán bar nhỏ vừa đọc sách vừa nhâm nhi ly nước, nhưng chúng cũng đều đã được lên kế hoạch. Thi thoảng, một vài chuyện xảy đến với ông — sự xuất hiện bất thình lình của một cô cháu gái, sự đeo bám của cậu chàng học việc cọ toilet xin ông tiền để đi hẹn hò với bạn gái, sự thông báo của cậu rằng cậu sẽ nghỉ việc ngay sáng hôm sau vì cảm thấy công việc chẳng có chút tương lai nào, lần bắt gặp một cuộc tình vụng trộm — những điều đó khiến thói quen hằng ngày của ông bị xao nhãng hay chệch nhịp một chút, nhưng ngày hôm sau, ông lại đâu vào đấy. 

Bộ phim của Wim Wenders không chỉ khiến ta nghĩ đến Haruki Murakami vì gu âm nhạc của ông Hirayama chính là thứ âm nhạc mà ta thường xuyên bắt gặp trong những tiểu thuyết thời kỳ đầu của nhà văn về tuổi trẻ những năm 80 (tình cờ thay, tuổi trẻ của ông Hirayama cũng diễn ra vào những năm 70-80). Bộ phim ấy còn có sự liên thông tinh thần với Murakami khi ta nói đến chủ đề những thói quen. Murakami, một nhà văn luôn coi sự kỷ luật là phẩm chất tối quan trọng trong nghề văn chương, người yêu thích chạy bộ cũng một phần vì chạy bộ đòi hỏi sự kỷ luật y như việc sáng tác tiểu thuyết vậy. Những nhân vật hư cấu của ông, rất thường xuyên, cũng cố gắng kiếm tìm sự cân bằng trong những thói quen lặp đi lặp lại.

Dù không một giây trong tác phẩm nói về quá khứ của ông Hirayama, về việc vì sao ông đi cọ toilet trong khi có sở thích của một nhà trí thức, hay chí ít là một người có gu – ông đọc William Faulkner, ông nghe nhạc của The Velvet Underground, Nina Simone, The Animals, The Rolling Stones – nhưng ta liên tục nhận được những tín hiệu rằng có lẽ đời ông không an vui như cách ông đón nhận nó. Hình như ông đã từng có những khúc mắc không thể hòa giải với cha ông, hình như ông là con cừu đen bị tách biệt khỏi gia đình vì sự lập dị của mình, hình như trong mắt em gái ông, ông rất vất vả, rất long đong lận đận. Và có vẻ tất cả những điều ấy đều đúng cả. Nhưng đồng thời, Wim Wenders cũng hé lộ cho chúng ta cách mà ông chữa trị mọi tổn thương của mình: lặp lại tất cả những gì cơ bản mà con người vẫn làm cho một ngày bình thường nhất. 

Ở Perfect Days, ta nhìn thấy rõ sự khác nhau giữa hai khái niệm “tự do” và “tùy hứng”. Tùy hứng không đem lại tự do, như ta thấy ở những con người trẻ tuổi tùy hứng quanh ông Hirayama, những chàng trai và những cô gái luôn hành động bột phát, tưởng như rất tự do nhưng hóa ra lại bị liên tục bị trói buộc trong những khao khát và ham muốn của mình. Trong khi đó, chính đời sống khắc kỷ, kỷ luật, gần như không bao giờ buông tuồng với bản thân của ông Hirayama sau rốt lại mang cho ông sự tự do, dù là về tài chính hay về tâm trí. 

Đất nước Nhật Bản dường như có một mối quan tâm đặc biệt tới những thói quen. Trong bộ phim tài liệu về vị đầu bếp làm sushi nổi tiếng, Jiro Dreams of Sushi, ông Jiro cũng tiết lộ rằng, để trở thành một nghệ nhân ẩm thực, cách tu luyện duy nhất là làm đi làm lại từng công đoạn cho tới khi thành thục. Ông Hirayama của Perfect Days dường như cũng đang tu luyện để trở thành một đầu bếp xử lý mọi nguyên liệu mà cuộc đời trao cho mình: hạnh phúc, đau khổ, sự cô đơn, những thứ tốt đẹp nho nhỏ và những nỗi buồn bã nho nhỏ, để tạo nên cuộc đời hoàn hảo nhất mà ông có thể có. 

Nhà văn Haruki Murakami. Ảnh: Japan Times.

Bộ phim của Wim Wenders không chỉ khiến ta nghĩ đến Haruki Murakami vì gu âm nhạc của ông Hirayama chính là thứ âm nhạc mà ta thường xuyên bắt gặp trong những tiểu thuyết thời kỳ đầu của nhà văn về tuổi trẻ những năm 1980 (tình cờ thay, tuổi trẻ của ông Hirayama cũng diễn ra vào những năm 70-80). Bộ phim ấy còn có sự liên thông tinh thần với Murakami khi ta nói đến chủ đề những thói quen. Murakami, một nhà văn luôn coi sự kỷ luật là phẩm chất tối quan trọng trong nghề văn chương, người yêu thích chạy bộ cũng một phần vì chạy bộ đòi hỏi sự kỷ luật y như việc sáng tác tiểu thuyết vậy. Những nhân vật hư cấu của ông, rất thường xuyên, cũng cố gắng kiếm tìm sự cân bằng trong những thói quen lặp đi lặp lại.

Mở đầu Biên niên ký chim vặn dây cót, ta có hình ảnh nhân vật chính, một người đàn ông trung niên thất nghiệp, đang nấu dở nồi spaghetti, món ăn mà anh luôn làm với một công thức chính xác: “Chính xác từng phút một, cũng như nấu món spaghetti vừa chín tới.” Một cuộc điện thoại kỳ lạ gọi đến làm đảo lộn trật tự buổi sáng của anh, và đó cũng là lúc ta cảm nhận được hình như cuộc sống của anh lâu này đã diễn ra rất kỷ luật và ít biến động. Anh luôn cố gắng mọi thứ đúng nhịp, đúng nhịp từ việc nấu mì đến việc là áo sơ mi theo từng công đoạn (“Tôi chia việc là áo thành mười hai công đoạn. Đầu tiên là cổ cồn (mặt ngoài), cuối cùng là măng sét tay trái. Trật tự này bất di bất dịch, tôi vừa là vừa đếm ngược từng công đoạn. Nếu không thì sẽ rối tung lên cả.”). Ta còn nhìn thấy hình ảnh anh nấu ăn và là quần áo nhiều lần nữa, kể cả khi anh đối mặt với một khủng hoảng lớn lao: vợ anh đột ngột biến mất không dấu tích. Các nhân vật chính của ông luôn là như vậy, điềm đạm, luôn cố gắng duy trì một vài thói quen dù cho đời sống cũ có thể bị lật nhào, bởi dường như đó là nguồn an ủi và nguồn sức mạnh nội tâm của họ.

Không có sự chữa lành nào diễn ra trong chớp nhoáng, mọi thứ phải cần thời gian, sự đều đặn, bền bỉ, đôi khi là đều đặn lặp đi lặp lại cảm thức đau đớn, cảm thức buồn chán, đôi khi ta phải mài dũa một hành động cho đến khi nó mòn đi và trở thành một danh từ tưởng như thường gợi ra cảm thức trì trệ – “thói quen” – thì ánh sáng đích thực mới lộ diện.

Hoặc, hãy nhìn nhân vật tôi trong Cuộc săn cừu hoang đã làm gì khi tìm đến được một ngôi nhà mà anh tin sẽ giải đáp rất nhiều bí mật anh đang trăn trở, một ngôi nhà sẽ bị cô lập bởi những trận tuyết đổ vào mùa đông, khiến anh bị cắt đứt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Ở trường đoạn lẽ ra phải là cao trào ấy, ta thấy nhân vật “tôi”, thay vì có một cuộc chiến trời long đất lở, anh được đưa trở về một nhịp sống đều đều, nơi ngày ngày anh nấu ăn, uống rượu, nghe những chiếc đĩa than cũ, đọc sách, đi dạo, giết thời gian bằng cách nhìn ra đồng cỏ, và đợi điều gì tới tự khắc sẽ tới. Chính trong nhịp sống một ngày như mọi ngày ấy, anh gặp lại hồn ma người bạn cũ, và có những giây phút ngoài hiện thực khiến anh thoáng thấy cái ý nghĩa của cuộc sống này và sự tồn tại này.

“Biên niên ký chim vặn dây cót” (Haruki Murakami), bản dịch của Trần Tiễn Cao Đăng. Nhã Nam và NXB Hội nhà văn xuất bản.

Và trong truyện ngắn Vịnh Hanalei, sau cái chết bất ngờ của đứa con trai ở Hawaii do bị cá mập tấn công khi đang chơi lướt sóng, một người phụ nữ trung niên hình thành thói quen năm nào cũng tới hòn đảo ấy vào dịp giỗ con. Lần ghé thăm nào cũng vậy, cô thuê đi thuê lại đúng một nhà nghỉ, thậm chí đúng một căn phòng trong nhà nghỉ ấy, dùng bữa ở đúng một nhà hàng, làm đúng một việc là ngồi trên bãi biển nhìn ra phía xa xăm, suốt hơn mười năm. Cho đến một năm nữa lại đến, cô lại tới vịnh Hanalei, lần này gặp hai cậu bé cũng chỉ tầm tuổi con trai cô khi cậu mất, chúng cũng đến chơi lướt sóng, và rồi chúng kể với cô rằng, khi đang ở trên biển đã nhìn thấy một người lướt sóng cụt một chân. Chiếc ván lướt người ấy dùng đúng là chiếc ván lướt con trai cô từng sử dụng, và bên chân bị mất đúng là bên chân đã bị con cá mập cắn đi. Dẫu bóng ma ấy sau cùng chỉ là bóng ma qua lời kể của một người lạ (nghĩa là sự mập mờ đã tăng lên gấp đôi), và người phụ nữ dù làm cách nào cũng không thể tận mặt gặp lại đứa con đã chết của mình, nhưng sự trở lại thoáng qua ấy của cậu đã lấp đầy một điều gì đã mất trong người mẹ.

Sự liền miệng vết thương ấy sẽ không diễn ra nếu như người phụ nữ không, năm này qua năm khác, lặp lại thói quen cố hữu là trở lại nơi đứa con lìa đời. Không có sự chữa lành nào diễn ra trong chớp nhoáng, mọi thứ phải cần thời gian, sự đều đặn, bền bỉ, đôi khi là đều đặn lặp đi lặp lại cảm thức đau đớn, cảm thức buồn chán, đôi khi ta phải mài dũa một hành động cho đến khi nó mòn đi và trở thành một danh từ tưởng như thường gợi ra cảm thức trì trệ – “thói quen” –  thì ánh sáng đích thực mới lộ diện.

Có một chi tiết ở cuối bộ phim Perfect Days, sau khi nghe câu chuyện buồn của một người đàn ông không quen biết, tâm trạng ông Hirayama dường như biến động dữ dội đến mức khi về nhà, ông không còn giữ một vài thói quen của mình nữa. Nhưng sáng hôm sau, ông lại là ông, lại làm thứ mà ông phải làm, và ngồi trên chiếc xe hơi của mình, ông nghe Nina Simone hát về hạnh phúc cuộc đời. Giọng Simone thì chưa bao giờ có vẻ hạnh phúc, ngược lại, luôn có vẻ giằng xé và dằn vặt, nhưng nội dung bài hát lúc đó thì khác: “Chim bay cao, bạn hiểu tôi cảm nhận ra sao. Mặt trời trên cao, bạn hiểu tôi cảm nhận ra sao. Gió lao xao, bạn hiểu tôi cảm nhận ra sao. Là một bình minh mới, là ngày mới, là cuộc đời mới, cho tôi. Và tôi đang vui. Tôi đang vui.” Gương mặt của ông Hirayama nhăn lại, khoé mắt đỏ hoe, nỗi buồn và niềm vui hoà quyện vào giờ phút ấy, tưởng như ông vui vì vẫn còn những nỗi buồn trên đời này, vui vì sau những nỗi buồn, ông vẫn ở đây, làm những chuyện có vẻ ít quan trọng nhất, ít đáng kể nhất, ít được tưởng thưởng nhất, nhưng ông vẫn ở đây.

Ta vẫn ở đây và sống một ngày như mọi ngày, đó là điều kỳ diệu nhất trên thế gian này, đó là sự kỳ diệu của những thói quen. Vướng mắc vào những thói quen là cách để không vướng mắc vào những bi sầu. Giữ những thói quen là cách để ông Hirayama luôn giữ được trạng thái cân bằng của mình, trạng thái của một mặt hồ tĩnh lặng, dù ném vào bao nhiêu viên đá hòn sỏi thì mặt hồ vẫn chỉ lao xao một thoáng rồi lại phẳng phiu như cũ. Khi Basho viết: “Ao cũ / Con ếch nhảy vào /Vang tiếng nước xao”, thì có lẽ nhà thơ cũng biết trước rằng tuy con ếch phá tan mặt nước trường cửu, nhưng con ếch cũng chỉ là một sát na ngắn ngủi, và nước xao rồi nước lại lắng mà thôi.□

    Nguồn Tia Sáng

Có thể bạn quan tâm